Tìm nguyên nhân quan chức phát ngôn... bất thường
Một ví dụ khác về lối ứng xử khác lạ với thông thường, đó là, quan chức phụ trách ngành giáo dục trả lời trên báo chí rằng “Chuyện bỏ thuốc cho học sinh ngủ trường mầm non có hoài, không có vấn đề gì lớn”.
Trong tiếng Anh có một từ là “common sense”, được dùng nhiều, nhưng lại rất khó dịch cho sát nghĩa ra tiếng Việt.
Có từ điển dịch là: “lẽ thường tình, trí khôn, lương tri, thường thức”. Có sách định nghĩa “common sense” là năng lực cơ bản để cảm nhận, hiểu, đánh giá, hành động theo cách phổ biến. Còn nói theo nghĩa dễ hiểu nhất, “common sense” là những trí khôn, những suy nghĩ cơ bản, thông thường cần thiết trong cuộc sống.
Các cụ xưa cũng để lại không ít “giai thoại” nhằm chế giễu những người khờ - thiếu “common sense” trầm trọng.
Dưới đây là một giai thoại điển hình: Ông chủ đưa cho anh người ở hai cái bát, dặn bát này đựng bún, bát kia đựng mắm… Anh ta chạy te tái đi mua, rồi quay lại hỏi đồng nào mua mắm, đồng nào mua bún?
Còn đây là một số ví dụ thời hiện đại về thiếu common sense: sếp dặn mua bánh mì rồi mua bánh bao (vì tiệm bánh mì đóng cửa lúc 9.00, tiệm bánh bao đóng cửa lúc 9.30). Hôm ấy tiệm bánh mì đóng cửa đột xuất, thay vì mua bánh bao trước rồi kiếm tiệm khác bán bánh mì, anh nhân viên mẫn cán lại chạy thật xa để kiếm tiệm bánh mì, đến khi về lại thì tiệm bánh bao đã đóng cửa...
Ảnh minh họa |
Rồi hàng loạt biểu hiện khác ta vẫn gặp hàng ngày. Như, đi đám tang mà vẫn alô cười nói, vui vẻ như không. Gặp người bạn đang lo lắng về độ béo phì, thì lại tô hô hỏi rằng sao bạn càng ngày càng mập? Hay một hành vi khác, là thản nhiên ngồi yên vị trên ghế giơ tay ra bắt tay vị sếp lớn tuổi hơn…
“Common sense” là đặc tính cơ bản lắm, không thể so sánh với trí thông minh trí tuệ (intelligent), thông minh thực tế (smart), lanh lợi (clever), hay kiến thức uyên bác (knowledgeable)... Nhưng nếu không có common sense thì dù chúng ta có thông minh, trí tuệ, uyên bác đến đâu cũng là người lơ ngơ, ngớ ngẩn, làm việc không hiệu quả, và lâu lâu lại có những hành xử hết sức “lạ lùng” giữa đám đông.
Những chuyên gia tuyển dụng nhiều kinh nghiệm không chỉ phỏng vấn các ứng viên để nhận biết năng lực, kiến thức, kỹ năng, thái độ, kinh nghiệm của ứng viên, mà còn tìm mức độ common sense của các ứng viên, kể cả ở những vị trí thấp như bảo vệ, tạp vụ.
Có thể nói common sense là điều kiện cần cho người "bình thường". Thế nhưng bây giờ lại có hiện tượng nhiều người giỏi, có năng lực, làm được nhiều điều hay, thậm chí, có địa vị trong xã hội, song hành xử lại có biểu hiện thiếu common sense.
Chuyện thứ nhất, ông chủ, lãnh đạo của công ty nước ngọt đang gây ầm ĩ nọ cứ mặc áo thêu rồng khi phát giải đua xe đạp trên đài truyền hình. Nếu có common sense thì hẳn ông phải hiểu rõ rằng rồng là biểu tượng của Vua – người đứng đầu thiên hạ trong thời đại phong kiến. Vì vậy, nếu có trót thích thì cũng nên thêu lấy một con vừa phải, thay vì in hình thật lớn và mặc khi xuất hiện trước công chúng.
Và đặc biệt, dù đang bị dư luận chỉ trích về những hành xử quanh chuyện dị vật nọ, ông vẫn tìm đủ mọi cách để chứng minh mình đúng, để phân trần rằng nước ngọt của mình được sản xuất đảm bảo vệ sinh và mình đã đúng trong việc báo công an bắt giữ vị khách hàng tống tiền. Trong khi việc cần làm là một thái độ nhận lỗi chân thành.
Một ví dụ khác về lối ứng xử khác lạ với thông thường, đó là, quan chức phụ trách ngành giáo dục trả lời trên báo chí rằng “Chuyện bỏ thuốc cho học sinh ngủ trường mầm non có hoài, không có vấn đề gì lớn”. Trả lời kiểu như vậy, hoặc rất thiếu trách nhiệm, hoặc vị quan chức nói trên thiếu common sense một cách trầm trọng.
Còn rất nhiều các phát biểu khác của nhiều quan chức chẳng hạn như bắn pháo hoa để người nghèo quên đi cái đói, nắn đường cong mềm mại, “cướp có văn hóa”… đều là những phát biểu hoặc rất vội vã, thiếu sự thận trọng hoặc là người phát biểu thiếu common sense.
Mong rằng mỗi chúng ta suy nghĩ thấu đáo, tự bồi dưỡng common sense cho mình để có thể làm việc hiệu quả, hành xử hợp lý và không trở thành người “lạ,” không đưa ra những phát biểu, ứng xử kỳ quặc, lơ ngơ giữa xã hội.
- Lâm Minh Chánh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét