Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2015

CHUYỆN NGHE ĐƯỢC TẠI NHÀ ÔNG GIÁO GIÁO

                            
               CHUYỆN NGHE ĐƯỢC TẠI NHÀ ÔNG GIÁO GIÁO

Tôi với ông tuổi tác rất chênh lệch, so với cháu ngoại lớn nhất của ông, tôi chỉ hơn bốn tuổi. Thế mà tôi rất thích sang chơi nhà ông, nghe ông và khách khứa của ông nói chuyện với nhau.
Có người gọi là ông giáo Giáo. Nhiều người gọi gọn là Ông Giáo. Người nghe hiểu thế nào cũng được, vì tên thật của ông là Lê Nho Giáo. Gọi thế nào ông cũng ưng, người khác nghe cũng đều thấy có lý cả . Này nhé! Gọi là ông giáo Giáo vì ông làm thầy giáo, đi dạy học đã có tuổi về nghỉ hưu. Gọi là ông Giáo vì tên ông là Lê Nho Giáo, ở làng tôi chẳng mấy khi gọi ai bằng cả họ và tên. Cũng có thể gọi là Ông giáo, cũng như ngày  xưa dân làng gọi các ông trong xóm đi làm nghề gõ đầu trẻ là bác giáo X, ông giáo Y, cụ giáo Đĩnh, cụ giáo Ninh chẳng hạn.
Từ xưa làng tôi đã có nhiều người đi dạy học. Có những người thi đỗ được bổ đi làm quan, rồi lại cáo quan về đi dạy học. Có những người đi dạy học rất xa, tận miền rừng Phú Thọ, Lạng Sơn chứ chưa nói đến việc đi dạy gần trong miền Kinh Bắc, tỉnh Đông gần nhà. Ngày nay cũng vậy, làng có nhiều thầy cô giáo lắm. Nếu Giáo viên của làng cũng đủ biên chế cho các bậc Tiểu học, Trung học Cơ sở và Trung học phổ thông mỗi cấp vài trường. Chả thế mà, với số lượng thầy cô về hưu cả xã ngót nghét trăm người, riêng làng tôi đã có sáu mươi ba người sinh hoạt trong hội Cựu Giáo chức. Là tôi nghe ông Giáo bảo thế.
Thường thì ở làng tôi mọi người thức dậy sớm lắm. Ngày xưa đi chợ bán vải do người nhà dệt, bán rau, đi làm thợ mộc, thợ nề, đi làm đồng xa cách làng hàng chục cây số.Ngày nay cũng vậy, ngoài những người đi làm ăn xa, đi chợ bán màn khung, bán  hàng hóa khác, đi công ty xa nhà,nhiều người rảnh rỗi hơn thì đi bộ tập thể dục. Những người trẻ thì về chuẩn bị ăn sáng, cho con đi học, còn những người già thì tập trung vào những gia đình nhất định, uống trà và nói chuyện vui. Nhà Ông giáo tôi cũng là một địa điểm như thế.
Đến chơi nhà Ông giáo, có khá nhiều cụ, nhiều ông. Chẳng hạn như cụ Lương 83 tuổi rồi mà vẫn nhớ nhiều mặt chữ nho, làm thơ nhiều thể loại và đặc sắc là thơ Đường. Ông Sắc, ông Vĩnh cũng là nhà giáo nghỉ hưu, hay cụ  Hoa  thương binh chống Mỹ và nhiều các ông bà khác trong xóm trong làng. Uống trà sáng sớm, nói chuyện thời sự trong nước và thế giới, chuyện mới trong làng, hay là ôn chuyện cũ thời phong kiến đế quốc, chuyện đánh Mỹ, chuyện thời bao cấp ngày xưa…
Tôi cũng hay sang nhà ông và được nghe nhiều chuyện. Đôi khi có dịp, được  tham gia chút ít về chuyện Hà Nội, chuyện học hành thi cử hay chuyện giao thông… còn đa phần để giúp Ông giáo đun nước, pha trà mời các ông, các cụ và làm thính giả.
Nghe các cụ nói chuyện, tôi biết thêm bao chuyện lao động, học hành, chuyện đánh giặc ngày xưa của các cụ, hào hùng gian khổ thế nào, lạc hậu,  ấu trĩ ra sao. Nhưng cũng có những điều tôi thấy ngày xưa văn minh hơn cả bây giờ. Ví dụ, có lần thắc mắc ngày trước ít bà được đi học chữ và làm nghề dậy học, tại sao làng mình nhiều bà giáo thế, bà giáo Cúc, bà giáo Đĩnh, bà giáo Ninh, bà giáo Đởn, bà giáo Nhung, bà giáo Hai…? Các cụ mới cho tôi biết là, không chỉ học trò mà dân thôn ngày xưa trọng thầy giáo lắm. Trọng thầy, họ trọng cả các bà vợ của thầy, cho nên có bà mù chữ vẫn được gọi bà Bà giáo. Chứ như bây giờ, vừa học xong lớp dưới lên được lớp trên, học trò đã chẳng thèm chào thầy cô nữa rồi, chưa nói gì đến người đã khá tuổi, đã có con đi học mà khi gặp thầy giáo cũ cũng coi như người thiên hạ không biết, không quen.
Được nghe nói chuyện, tôi mới phát hiện xưa kia ở làng mình, một nửa làng sới cơm bằng đũa con, chứ không phải là đũa cả ( đũa cái). Các cụ bảo sới cơm bằng 3 chiếc đũa con, cơm tơi và ngon hơn nhiều, lại dễ sử dụng vì không cần nhiều loại đũa khi dọn cơm. Bây giờ thì cà làng giống nhau vì nấu nồi cơm điện và sới cơm bằng thìa.
 Hay chuyện ngày xưa, việc chào hỏi nhau người ta cẩn thận, tôn trọng người khác và cũng là tôn trọng mình.
Ví dụ: Một cháu bé gặp người già trong làng, cháu chào : Lạy cụ ạ! hay Cháu chào cụ ạ! ( Một câu chào ngắn gọn, có đủ các thành phần; ai chào, chào ai và có thêm chữ ạ để tỏ lòng tôn kính – Chứ không như bây giờ : Chào cụ! cộc lốc hoặc như tra hỏi Cụ đi đâu ?). Ngược lại, cụ già trả lời : Cụ chào cháu! hoặc Không dám ạ!
Được dự những buổi tọa đàm như thế, tôi được biết thêm khá nhiều chuyện về quê hương, nhiều chuyện  như giai thoại văn học, hay như truyện cổ tích. Để hôm  nào rảnh, tôi sưu tầm kể lại cho các bạn cùng nghe…

                                                                                        LÊ TRUNG THÔN
     
                ****************************************  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét