Chuyện nghe được ở nhà ông giáo Giáo ( 3 )
CHUYỆN BẮT CUA ĐƯỢC ẾCH
Nghe các cụ các ông nói chuyện, tôi mới
biết thêm rằng ngoài việc cho con cái lấy vợ, lấy chồng từ khi còn nhỏ tuổi ( tảo hôn); nhiều khi chú
rể cô dâu cũng chưa chắc đã biết mặt nhau trước khi cưới. Chuyện có thật ở làng
ở làng Quan Đồng (Tiên Du): có cô dâu về nhà chồng khoảng 20 ngày sau khi cưới
mới rõ mặt chồng. Bố chồng là ông Chánh tổng, nhà khách khứa nhiều, đàn bà lại
không được lai vãng đến chỗ cánh đàn ông; cô dâu mới lại là người ít tuổi, nên
mặc dù vẫn được gặp gỡ nhau vào ban đêm, nhưng ban ngày được gặp chồng mấy khi.
Đến một hôm, nhà có khách, cô dâu nấu nướng xong có một anh nói trống không:
Dọn cơm ăn đi! lúc đó nhìn ra, cô dâu
mới đoán và rõ mặt chồng mình.
Hôm nay tôi kể với các bạn một câu
chuyện ở làng Giữa. Người làng gọi chuyện này là Bắt Cua được Ếch.
Nhà cụ Nguyễn Hữu Thường sinh được 2
người con gái khá xinh và thông minh lanh lợi. Như nhiều người trong làng trước
đây, khi đặt tên con các cụ chọn chữ nghĩa cẩn thận lắm; nhưng cũng có khi đặt
tên rất đơn giản, thậm chí “ xấu xí” nữa cho dễ nuôi, cụ Thường đặt tên con chị
là Cua, con em là Ếch.
Cô Cua trời phú cho tư chất thông minh,
được bố cho học chữ nho tại nhà cụ Đồ Hai trong xóm. Tuy phận nữ nhi nhưng tài
học của cô không kém tài nam tử. Năm 16 tuổi, cô đã học hết Tứ Thư, văn chương
thơ phú có bề sắc sảo hơn người. Có cậu Ấm con cụ Đốc ở thôn bên muốn hỏi cô về
làm thiếp, nhưng cô không ưng.
Cậu Ấm trách cô không biết lượng sức
mình (xuất thân là con nhà bình dân) liền gửi cho cô Cua một bài thơ như sau:
Bác mẹ sinh thành vốn ở hang,
Ra ngoài đường thẳng lại đi ngang.
Thôi đừng học thói giương con mắt,
Chớ có nghênh ngang lại gẫy càng!
Cô Cua không phải tay vừa, họa lại bài
thơ gửi ngay cho cậu Ấm:
Kẹp bởi hai bờ có một hang,
Xin ai nhìn dọc chớ nhìn ngang.
Có nhìn thì cũng đừng nên mó,
Kẻo nỡ nhừ tay bởi bộ càng!
Cậu Ấm biết cô Cua lỡm mình, nghĩ phải
trị cho cô ả này một trận nữa mới hả. Cậu viết tiếp một bài thơ gửi cô:
Ngang bướng ta đây sẵn cối chầy,
Bóc mai, lột yếm; quyết ra tay.
Phen này phải giã cho nên gạch,
Để khỏi nghênh ngang, khỏi rắn mày!
Câu Ấm hý hửng bài này hóc búa, khó có
thể họa lại được. Nhưng cô Cua đâu phải dễ bắt nạt liền họa lại bài thơ và gửi
cho cậu Ấm ngay:
Cối đã niêm phong để đợi chầy,
Này ai đừng mó, gẫy đôi tay.
Hang hùm có biết hay không biết,
Biết hãy xa ra, kẻo vỡ mày!
Bài này của cô tuy có nỡm, nhưng cũng có
phần khiêm tốn. Cô muốn nói cho cậu Ấm là cô đã có nơi ước hẹn rồi; người đó là
con nhà có quyền thế hơn nhà cậu Ấm nhiều :
Hang
hùm có biết hay không biết,
Biết
hãy xa ra, kẻo vỡ mày!
Đây là hai câu thơ vừa nỡm, vừa thực của
cô.
*
* *
Một năm sau, cụ Thường nhận lời gả cô
cho con trai nhà phú hộ ở thôn Đông.
( Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy ).
Đêm trước ngày
rước dâu, cô Cua trốn đi, viết lại mấy chữ dán ở phòng của cô: Dĩ tiểu muội sế
chi ( Có nghĩa : Lấy em con thay vào).
Hôm sau, không
thể hủy bỏ hôn ước với nhà trai, Cụ Thường phải làm theo lời dặn của con gái
lớn : Trang điểm và thay thế để cho cô Ếch
theo nhà trai về nhà chồng.
Vì ngày xưa,
mọi chuyện hôn nhân chỉ biết tiếng mà không biết mặt, nên mọi chuyện đều xuôi
cả! (Có trường hợp xem mặt cô chị được gả cô em hoặc xem mặt chị dâu lại lấy em
chồng).
Sau có câu rằng:
Bắt Cua
được Ếch,
Con chị nó tếch,
Con em được
chồng!
Bạn có thấy chuyện ngày xưa khác xa “
thời hiện đại” bây giờ ?
LÊ TRUNG
THÔN
****************************************
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét