GIÁO DỤC ››
19/06/2015 13:17 GMT+7
Có thể gọi Đỗ Nhật Nam là “thần đồng”?
Thường khi có một em nhỏ xuất hiện trên… mặt báo với lời giới thiệu “thần đồng”, là có những cuộc tranh luận lớn – nhỏ về việc em bé này đã xứng với “danh xưng” đó chưa.
Gần đây nhất là trường hợp của Đỗ Nhật Nam. Đã có không ít những tranh luận về việc có thể gọi Nhật Nam là “thần đồng” không, mà trong đó những ý kiến “nói không” cũng nhận được khá nhiều đồng cảm.
Ví dụ như ý kiến của một facebooker: “Thần đồng thì chưa phải. Em khá thông minh, học giỏi, giỏi. ngoại ngữ, cư xử như người lớn. Nhưng không có một thiên tài đặc biệt gì thì chưa thể gọi là thần đồng. Mình thấy khả năng nói làu làu một thứ tiếng nước ngoài là thường thôi. Các bạn Ấn Độ, Philippines, Singapore bạn nào chả nói tiếng Anh và một thứ tiếng nữa làu làu...”.
“Đứa trẻ tài năng vượt trội”
Theo quan niệm phổ biến, “thần đồng” là những người xuất hiện khả năng đặc biệt, khác thường nào đó ngay từ khi tuổi còn rất nhỏ. Những “thần đồng thường có sự thông minh đặc biệt và trí nhớ siêu phàm.
Theo nghĩa Hán – Việt, “đồng” là đứa trẻ, “thần” khi là tính từ có nghĩa là “Kì lạ, huyền diệu, không phải tầm thường, bất phàm”. "Thần đồng" là “đứa trẻ có tài năng vượt trội”, hay nói cách khác là “đứa trẻ thông minh, tài giỏi khác thường”.
Trong các từ điển Tiếng Việt, định nghĩa phổ biến về “thần đồng” là “Đứa trẻ thông minh, năng khiếu khác thường”, hoặc “Trẻ thông minh đặc biệt”.
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: “Thần đồng là một người khi ở tuổi còn nhỏ đã phát triển một hoặc nhiều kĩ năng vượt xa so với mức chuẩn ở tuổi đó. Một thần đồng thường là một trẻ em hoặc ít nhất cũng nhỏ hơn 18 tuổi, thể hiện được trình độ của một người trưởng thành được đào tạo cẩn thận trong một lĩnh vực đòi hỏi nỗ lực cao độ”.
Trên thế giới và ở Việt Nam từng xuất hiện không ít “thần đồng”.
Hạng Thác là một kỳ nhân của đất nước Trung Hoa thời xưa. Hạng Thác sống vào thời Khổng Tử (năm 551 – 479 trước Công nguyên), 7 tuổi đã thể hiện là một thiên tài. Tương truyền rằng Khổng Tử đã tôn Hạng Thác mới có 7 tuổi làm thầy và thực lòng học hỏi. Hạng Thác mất lúc mới 10 tuổi, được nhân dân lập đền thờ, tôn vinh bậc kỳ tài gọi là “Tiểu Nhi Thần”, nghĩa là Thần Nhi Đồng, gọi tắt là “Thần Đồng”. Chữ “thần đồng” cũng ra đời có từ ngày ấy để chỉ về những tài năng xuất chúng khi còn nhỏ tuổi.
Nhạc sĩ thiên tài Mozart, người Áo, là một thần đồng có trí nhớ siêu việt, thần kỳ và óc sáng tạo phi thường. Năm 3 tuổi Mozart đã nghe hiểu được âm nhạc, 4 tuổi đánh được dương cầm, bắt đầu soạn nhạc từ khi lên 5 tuổi và viết được những bản nhạc hoà tấu vào năm 6 tuổi. 7 tuổi, Mozart đã tổ chức những buổi biểu diễn nhạc ở Paris. Năm 8 tuổi đã xuất bản những bản Sonat cho vĩ cầm. Lên 10 tuổi, tài năng âm nhạc của Mozart nở rộ và bắt đầu cho sự nghiệp sáng tạo…
Việt Nam thời phong kiến từng xuất hiện những “thần đồng” như Nguyễn Hiền, (1234-?), nguời làng Dương A, huyện Thượng Hiền, phủ Thiên Trường, nay là xã Nam Thắng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Năm 11 tuổi, Nguyễn Hiền đã nổi tiếng và được mệnh danh là “thần đồng”, nổi bật là việc thử tài ứng xử, thơ phú, ngụ ngôn, đố chữ của những người cho là học rộng, biết nhiều, trả lời với vua và đối đáp với sứ thần Trung Hoa. Nguyễn Hiền thi đỗ trạng nguyên khi mới 13 tuổi, trở thành trạng nguyên trẻ nhất trong lịch sử khoa cử Việt Nam.
Thế kỷ XIV có Đào Sư Tích (1350 - 1396), nguyên quán làng Cổ Lễ, huyện Tây Chân (sau đổi là Nam Chân), nay là Thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.
Giữa thế kỷ XX, ở Việt Nam xuất hiện một “thần đồng” về thơ ca là Trần Đăng Khoa…
"Nên chấp nhận sự biến đổi của từ"
Đây là ý kiến của GS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học. Ông Hiệp khẳng định “Từ có cuộc sống riêng, có sự biến đổi chứ không phải đứng yên một chỗ”.
Theo ông Hiệp, nghĩa trước đây, “thần đồng” phải là một đứa trẻ đặc biệt, xuất chúng. Nhưng hiện nay, “thần đồng” đã và đang được dùng nhiều cho những trẻ không phải thiên tài như xưa, mà những bé xuất sắc hơn bạn đồng trang lứa một chút đã được dùng từ này.
“Nên có cái nhìn rộng mở đối với vấn đề này, khi trong một nghĩa nào đó chúng ta thấy chấp nhận được sự biến đổi của từ như vậy.
Nghĩa của từ qua thời gian luôn có sự thay đổi. Việc tập hợp những ngữ nghĩa mới đòi hỏi sự làm việc của các nhà ngôn ngữ,
Còn nếu đặt vấn đề là đúng hay chưa đúng với định nghĩa lâu nay trong từ điển, thì cũng phải nói rằng thường thì từ điển không theo kịp với sự biến đổi của cuộc sống”.
Ông Hiệp đưa ví dụ như từ “siêu”: "Hiện nay từ “siêu mẫu”, “siêu sao” xuất hiện rất nhiều, trong khi nếu cứ áp nghĩa của “siêu” như cũ thì sẽ chẳng được mấy người.
Hay từ “ngon” – trước đây chỉ dùng với hành động “ăn”, nhưng bây giờ dùng rất rộng như “chạy xe ngon”, “làm bài ngon”…"
“Còn việc nói rằng nghĩa đó đã ổn định chưa, đã nên đi vào từ điển chưa, là do góc nhìn của mỗi người, mỗi nhà ngôn ngữ” – ông Hiệp chia sẻ quan điểm. “Trường hợp cụ thể ở đây, nếu bảo rằng từ “thần đồng” với nghĩa mở rộng như hiện nay đã đi vào ổn định chưa, thì cũng khó nói. Nhưng theo tôi, cách dùng từ “thần đồng” như hiện nay, mà cụ thể là trong trường hợp Đỗ Nhật Nam hay một số bé khác như báo chí đã đưa, là chấp nhận được”.
“Tôi thấy rằng, những người tâm huyết với ngôn ngữ thường khá bảo thủ. Sự bảo thủ này nhiều khi không phải là tích cực lắm đâu với chính sự phát triển của ngôn ngữ”.
Ngân Anh
Ý kiến bạn đọc (3)
Mới nhất | Thích nhất
Trần Anh1 giờ trước
Tôi thấy việc gì phải tranh luận về từ ngữ ở đây, cái quan trọng là gọi như vậy có tác dụng tích cực không? Vì đôi khi một đứa trẻ được gọi như vậy dẫn đến kiêu căng, sau đó chẳng phát triển, chỉ như ngôi sao lóe lên rồi vụt tắt. Hơn nữa thần đồng phải là sự xuất sắc tự nhiên còn nếu do có đầy đủ điều kiện thuận lợi để học hành và phát triển thì chưa xứng!
Trần Xuân Tùng2 giờ trước
Tôi đồng ý với quan điểm của GS.TS Nguyễn Văn Hiệp. Nghĩa của từ có sự biến đổi và chấp nhận được. Ví dụ trước đây "Tiến sĩ" là "Tiến sĩ khoa học", bây giờ chúng ta gọi "Phó Tiến sĩ" (trước kia) là "Tiến sĩ". Trước đây ở cấp học phổ thông, học sinh giỏi là hạng A1, A2 và có loại "Tiên tiến" và tỷ lệ nhỏ (5 đến 8% của lớp), bây giờ gọi chung là "học sinh giỏi", tỷ lệ thậm chí 70-80%. Tôi thấy gọi những trường hợp như Đỗ Nhật Nam là "thần đồng" là chấp nhận được vì chắc chắn Nam xuất sắc hơn nhiều bạn đạt danh hiệu "học sinh giỏi" bây giò ở các trường phổ thông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét