Chuyện nghe được ở nhà ông giáo Giáo ( 2 )
(…Đến
chơi nhà Ông giáo, có khá nhiều cụ, nhiều ông. Chẳng hạn như cụ Lương 83 tuổi
rồi mà vẫn nhớ nhiều mặt chữ nho, làm thơ nhiều thể loại và đặc sắc là thơ
Đường. Ông Sắc, ông Vĩnh cũng là nhà giáo nghỉ hưu, hay cụ Hoa
thương binh chống Mỹ và nhiều các ông bà khác trong xóm trong làng. Uống
trà sáng sớm, nói chuyện thời sự trong nước và thế giới, chuyện mới trong làng,
hay là ôn chuyện cũ thời phong kiến đế quốc, chuyện đánh Mỹ, chuyện thời bao
cấp ngày xưa…
Tôi
cũng hay sang nhà ông và được nghe nhiều chuyện. Đôi khi có dịp, được tham gia chút ít về chuyện Hà Nội, chuyện học
hành thi cử hay chuyện giao thông… còn đa phần để giúp Ông giáo đun nước, pha
trà mời các ông, các cụ và làm thính giả.
Nghe các cụ nói chuyện, tôi
biết thêm bao chuyện lao động, học hành, chuyện đánh giặc ngày xưa của các cụ,
hào hùng gian khổ thế nào, lạc hậu, ấu
trĩ ra sao. Nhưng cũng có những điều tôi thấy ngày xưa văn minh hơn cả bây
giờ…)
CHÚ RỂ THẦN ĐỒNG
Như đã hứa với các bạn trẻ hôm trước,
hôm nào rảnh một chút tôi sẽ “ kể lại” những câu chuyện nghe được ở nhà Ông
giáo làng tôi.( Được dự những buổi tọa
đàm như thế, tôi được biết thêm khá nhiều chuyện về quê hương, nhiều
chuyện như giai thoại văn học, hay như
truyện cổ tích. Để hôm nào rảnh, tôi sưu
tầm kể lại cho các bạn cùng nghe…).
Hôm nay tôi kể với các bạn câu chuyện
một chú rể bé nhỏ nhưng rất thông minh được nghe kể tại nhà ông Giáo.
Như nhiều làng quê khác ở Việt Nam
thời phong kiến, trước đây các cụ ở Đại Mão làng tôi dựng vợ, gả chồng cho các con từ khi
còn nhỏ tuổi. Cậu Nho Quán lấy vợ khi còn ít tuổi tương tự như nhiều người. Năm
Quý Sửu 1913, khi cậu Quán mới 11 tuổi, cụ Cả Hoành đã tổ chức xây dựng gia
đình cho cậu. Cô dâu là Ngô Thị Lương, cháu gái 4 đời quan Ngự sử triều Nguyễn,
người thôn Đông Miếu xã ta.
Cụ Cả Hoành tính vốn cẩn thận, đã sắp đủ đồ sính lễ và
định lễ rước dâu vào giờ Tỵ ngày 16 tháng 8. Đoàn nhà trai đi đón dâu gồm 21
người gồm các cụ ông,cụ bà phu phụ song toàn, một số cô cậu thanh niên đội cau,
đội rượu và một số đồng môn của chú rể cùng đi sang nhà gái.
Khi các cụ và đoàn đón dâu đến nhà gái
thì cánh cổng bị đóng. Một người đàn ông
trạc tuổi ngoại tam tuần đứng ở bên ngoài nói:
- Cụ Tổng nhà tôi có ra một vế đối, nếu
chú rể đối được thì sẽ mở cổng ngay. Còn không thì hãy đợi một lúc nhé!
Nói rồi, người đó đọc một vế câu đối như
sau:
-
Thôn Trung, thôn Đông, ngoảnh lại mà
trông, Đông hơn bốn nét.
Những người từng học chữ nho trước đây
đều hiểu rằng; Chữ Trung trong tiếng Hán được viết là (... ); , chữ Đông được viết
là (... ), nhiều hơn bốn nét. Câu này vừa tả thực, nhưng cũng ngầm đề cao nhà gái là nhà
quyền quý, cô dâu là tằng tôn quan ngự sử; đồng thời đề cao thôn Đông Miếu
(thôn Đông).
Trong lúc các cụ, các ông bà và đoàn nhà
trai còn đang lúng túng, chưa biết xử lý tình huống này ra sao, “ tham mưu” cho
chú rể thế nào, thì cậu Nho Quán đã đĩnh đạc bước lên thi lễ và đọc vế đối:
-
Chữ Nhân, chữ Đại, quan viên xem lại, Đại
hơn một tầng.
Mọi người ồ lên phấn khởi, mừng cho chú
rể đã đối được câu rất chỉnh rất hay, mà lại rất đanh thép. Này nhé: Chữ Đại
được viết là (... ), còn chữ Nhân được viết là (... ), đúng là có thêm một nét ngang
phí bên trên. Câu này cũng còn có ý đề cao làng Đại Mão hơn Đông Miếu một tầng;
dựa vào sự tích cả 2 làng đều thờ thần Thành Hoàng là Lạc Thị Đại Vương, nhưng
làng Giữa thì thờ Lạc Thị Đệ Nhị Đại Vương, Đông Miếu thờ Lạc Thị Đệ Tam Đại
Vương. ( Hiện 3 làng Thụy Mão, Đại Mão và Đông Miếu vẫn còn giao lưu qua lại.
Khi một trong ba làng tổ chức Đình Đám tháng Giêng thì 2 làng còn lại đều có đám
rước đến làm lễ Thành Hoàng làng sở tại).
Cánh cổng nhà gái lập tức được mở ra.
Nhà gái vui vẻ đón đoàn nhà trai vào trong nhà. Nước, thuốc, trầu cau mời các
quan viên hai họ, chuẩn bị và làm các
thủ tục cho lễ đón dâu…
Cụ Tổng cứ tấm tắc khen: Thằng cháu rể
thông minh như thần đồng!
Chỉ tiếc là đến năm 1915, khóa thi Ất
Mão là khóa thi chữ Hán cuối cùng của thời phong kiến, nên cậu Quán không có
thời cơ trả nợ bút nghiên, sau này chỉ được gọi cái tên là anh ( bác, ông )
Quán Trung. ( Anh Quán Trung Thôn, tức làng Giữa – Đâị Mão – sau này anh cũng
đi dạy chữ Hán cho đến hết thời phong kiến 1945 ).
LÊ TRUNG
THÔN
****************************************
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét