Chuyện làng văn nghệ
KEM BÔI MẶT DÂN DÃ
Cuối năm 1972, bố mẹ tôi ở Bắc Ninh, qua nhà văn Đỗ Chu, có mời nhà văn Nguyên Hồng lúcđóđang thăm người con dâu dạy học ở trường cấp III Hàn Thuyên (nay là trường THPT Hàn Thuyên) đến dự bữa cơm thân mật với gia đình. Tínhông vốn ngại những cuộc tiếp xúc như thế, nhất là những gia đình ông ít có quan hệ, nhưng nể anh Đỗ Chu, ông đành nhận lời. Không hiểu sao câu chuyện trong bữa cơm lại hướng sang chuyện trang điểm của phụ nữ. Nhà văn Nguyên Hồng có kể về “kem bôi mặt” qua kinh nghiệm dân gian: Các cụ bà ngày xưa lúc xuân sắc cũng hay làm “đỏm“ lắm nhé! Cách làm đỏm có khác bây giờ! Kem bôi mặt chỉ có mịn và “tôn” màu da lên thôi, chứ không như kem chế bằng hoá chất, bôi nhiều làm da mặt xạm đi. Ông trầm ngâm một lúc rồi chỉ ra phía sau vườn: - Đơn giản thế này thôi! Các cụ bà giã nhỏ củ đậu ra rồi hoà với lòng trắng trứng gà dùng làm kem bôi mặt. Thật tuyệt, kem vừa giữ cho da mặt được mịn, vừa xoá đi cảm giác “không thật” của kem hoá chất. Chỉ một “chi tiết” ấy, tôi ngẫm thấy nhà văn Nguyên Hồng phải sống đằm với đời sống dân dã như thế nào mới có được những nhận xét tinh tế như thế.
“GẦN MŨI XA MỒM”
Có một lần nhà văn Nguyên Hồng và tôi đi qua chợ Bắc Ninh. Giữa tiếng chí chát chặt thịt của dao thớt, giữa mùi thơm xào nấu thứcăn ngào ngạt của mấy quán ăn hàng chợ, chợt nghe thấy có tiếng cất lên the thé của một bà ngồi ở quầy hàng vải: “Mới sáng bảnh mắt ra, đứa nào xào nấu món gì thơm thế! Gần mũi xa mồm thế này chỉ làm khổ cái dạ dày và làm ruột gan rối tinh rối mù lên thôi”. Đang đi, mắt nhà văn Nguyên Hồng chợt sáng lên. Ông vội ngồi thụp xuống bên hè phố, lấy cuốn sổ tay nhỏ sờn cả mép giấy ghi vội ghi vàng như sợ nó biến mất.
Sau đó lúc đi dọc đường, Nguyên Hồng vừa vân vê mấy sợi râu vừa giảng giải cho tôi cái “thần” của câu nói đó: “Cái con mẹ ấy khéo thế. Mùi thơm xào nấu nó chỉ được ngửi, chứ không được ăn. Nhưng cách nói ấy gợi quá. Diễn đạt cảm giác này không thể có cách nào hơn được đâu!”. Thế mới biết, mỗi chi tiết trong đời sống dù nhỏ đến đâu đối với người viết đều là những hạt vàng quý giá.
LUYỆN THƠ CÓ NHƯ LUYỆN VÕ?
Nhà văn Nguyên Hồng có lần tâm sự với anh em làm thơ trẻ: - Mỗi người làm thơ phải luyện cho mình một ngón độc - “độc nhất vô nhị: Trình Giảo Kim ngón độc là búa. Lý Nguyên Bá có cặp chuỳ đồng... Ra trận, đối phương nghe thấy khiếp vía, vào trận chỉ có bỏ mạng. Chữ thì phải có hồn chữ, phần máu thịt nhất của nhà thơ hiện lên trang giấy. Chữ nghĩa run rẩy, phập phồng tươi mới như sự sống, nếu chỉ là các chữ vô hồn, thứ chữ ép thì chẳng làm rung động được ai. Chỉ có điều khác là luyện võ thì dùng để đánh người (hay là tự vệ) còn luyện thơ là thứ nghệ thuật “đánh“ vào lòng người, nhưng trong ý hướng nâng đỡ.
Nguyễn Thanh Kim
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét