Thứ Sáu, 8 tháng 9, 2017

Học làm người, là học gì?

Học làm người, là học gì?

Doanh nhân Hoàng Minh Châu, cố vấn cao cấp của Tập đoàn FPT, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT FPT, Phó Tổng giám đốc FPT. Ông được coi là linh hồn của văn hoá doanh nghiệp FPT. Ông "Hy vọng là bài viết này có giá trị tham khảo cho các bạn trẻ".

Trước khi trả lời câu hỏi này, tôi muốn các bạn nhớ lại một khẩu hiệu, thường được trưng ở vị trí trang trọng trong hầu hết các trường học của Việt Nam: "Tiên học Lễ - Hậu học Văn".

"Tiên học Lễ - Hậu học Văn" là gì?
Vì sao phải trưng nó ở khắp nơi như vậy?

Tôi đã đặt câu hỏi này với nhiều người, từ các em học sinh tới các thầy cô giáo. Các câu trả lời khá giống nhau, đều chỉ là, đối với học sinh, đầu tiên là phải học Lễ nghĩa. Còn Lễ nghĩa là gì và tại sao nó lại quan trọng tới mức phải treo ở khắp nơi thì, nói chung là, không biết!
Một số ý kiến khác còn cho rằng, khẩu hiệu "Tiên học Lễ - Hậu học Văn" tại các trường tiểu học khó hiểu với các em. Khẩu hiệu này chỉ là dòng chữ dán trên tường, không có nhiều ý nghĩa đối với thầy cô giáo, học sinh và cả các phụ huynh.
Đáng tiếc là, một đạo lý quan trọng của tổ tiên để lại, lại bị chúng ta tiếp nhận một cách hời hợt như vậy!
Thực ra, đạo lý "Tiên học Lễ -Hậu học Văn" rất sâu sắc. Nó là kim chỉ nam cho thầy và trò trong các trường học ngày xưa. Chỉ tiếc là ngày nay, trong suốt 12 năm phổ thông, chúng ta không có lấy một tiết học nào giảng về đạo lý quan trọng này, khiến cho di sản của tổ tiên, vẫn trưng bày mà không có hữu dụng, vẫn giữ gìn mà không có ý nghĩa kế thừa.
                                            Vậy "Tiên học Lễ - Hậu học Văn" là gì?
Chữ Lễ nằm trong trung tâm của Ngũ thường: "Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín", là 5 phẩm chất cơ bản để làm Người.
Chữ Văn nằm trong từ Kiến Văn, là kiến thức nói chung.
"Tiên học Lễ - Hậu học Văn" có thể diễn nôm là: TRƯỚC TIÊN HÃY HỌC LÀM NGƯỜI, SAU ĐÓ MỚI HỌC KIẾN THỨC.
Đạo lý này có 3 ý:
- Phải học làm người trước, học kiến thức sau.
- Học làm người quan trọng hơn học kiến thức.
- Học làm Người là học "Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín"!
Một số bạn trẻ hỏi tôi, thời đại ngày nay, "Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín" liệu có còn phù hợp không? Tôi không muốn trả lời hộ người khác. Cá nhân tôi nghĩ, thời nào cũng vậy thôi, kiến thức chưa bao giờ là cái quan trọng nhất: những đứa con tội lỗi bao giờ cũng làm bố mẹ đau khổ nhiều hơn những đứa con không thành đạt.
Dạy trẻ em làm người, phải dạy từ bé. Vì vậy, vai trò của gia đình là quan trọng nhất, trường mẫu giáo quan trọng thứ hai, trường tiểu học quan trọng thứ ba,... Những người thầy đầu tiên sẽ đi theo chúng ta suốt cả cuộc đời. Họ giúp chúng ta hình thành nhân cách. Tôi ủng hộ những ý kiến cho rằng, giáo viên khối mầm non là cực kỳ quan trọng. Nhà nước nên có chính sách đãi ngộ tốt để thu hút và lựa chọn những giáo sư tốt nhất cho giáo dục mầm non.

Quay lại câu hỏi, dạy trẻ em làm Người là dạy cái gì?

Theo người xưa, thì phải dạy các em "Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín".
Nhưng "Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín" là gì?
Ông Hoàng Minh Châu từng là học sinh chuyên toán A0Ông Hoàng Minh Châu từng là học sinh chuyên toán A0
Tôi đã thử tìm kiếm câu trả lời trên mạng, nhưng không thực sự thoả mãn. Ngôn ngữ Á Đông là đơn âm, nên tổ hợp âm rất ít. Từ đồng âm khác nghĩa rất nhiều, vì thế cần có chữ để hỗ trợ nghĩa. Trong các bối cảnh khác nhau, cùng một âm có thể có nhiều nghĩa khác nhau.
Tôi xin giải thích theo hiểu biết hạn hẹp của mình, các bạn nếu thấy sai thì sửa, thấy thiếu thì bổ sung.
1. NHÂN
Từ Nhân có thể giải nghĩa theo nhiều cấp độ khác nhau. Trong Ngũ Thường, từ này được hiểu theo cấp độ cơ sở. Nhân có nghĩa là: biết quan tâm đến người khác.
Hãy dạy cho trẻ em biết quan tâm đến ông bà, bố mẹ, anh chị em, bạn bè,...
Tôi đã gặp nhiều trường hợp, ví dụ như: bà ngoại bị ốm nhưng mẹ không đưa cháu đi thăm, vì cháu mắc bận học thêm piano! Đây rõ là mẹ sai. Piano cũng quan trọng, nhưng có thể học sau này, còn học làm Người thì phải học từ bé.
2. NGHĨA
Trong Ngũ Thường, Nghĩa thuộc cặp phạm trù Nghĩa - Lợi. Người có Nghĩa là người không vụ lợi, không tham lam.
Hãy dạy trẻ em không tham lam.
Cần lưu ý, tham lam là bản năng của con người từ khi sinh ra, nên bạn cần bỏ nhiều công sức giúp trẻ thì mới có kết quả. Đạo Phật coi Tham là một trong ba nguyên nhân chính dẫn tới đau khổ. Dân gian cũng có câu: trăm cái dại, tại cái tham.
3. LỄ
Đây là phẩm chất quan trọng nhất, là trung tâm của Ngũ Thường. Tôi sẽ nói nhiều hơn về nội dung này ở cuối bài.
4. TRÍ
Ở cấp độ cơ sở, TRÍ là biết phân biệt: trên/dưới, phải/trái, nặng/nhẹ, trước/sau...
Hãy dạy cho trẻ biết, việc gì được làm, việc gì không được làm, việc gì nên làm, việc gì không nên làm.
5. TÍN
Tín trong từ Chữ Tín.
Hãy yêu cầu trẻ, nói là phải giữ lời, đã hứa thì nhất thiết phải thực hiện.
Một hệ quả rất tốt là, sau này chúng sẽ biết cân nhắc trước khi hứa, suy nghĩ trước khi nói.
-----------------
                                                  Tôi muốn nói kỹ hơn về chữ LỄ.
1. LỄ với PHÁP LUẬT
- Ngày xưa, người ta trị nước bằng Lễ, sau này mới thay bằng Pháp Luật.
- Lễ và Pháp Luật đều đưa ra những quy tắc ứng xử của con người trong cộng đồng.
- Lễ chỉ khuyến cáo nên làm theo, còn Pháp Luật thì bắt buộc người ta phải tuân thủ.
- Pháp Luật bình đẳng với mọi người, Lễ thì phụ thuộc vào nhân thân. Ngày xưa xử theo Lễ, cùng mắc một tội như nhau, quan bị phạt nặng hơn dân, người có học bị phạt nặng hơn người vô học.
3. LỄ NGHI
- Vua có Lễ nghi của vua, quan có Lễ nghi của quan, thầy có Lễ nghi của thầy, trò có Lễ nghi của trò...
- Mỗi người phải ứng xử theo Lễ nghi phù hợp với vị trí của mình. Một ông bộ trưởng đứng tiểu ở bờ đê là vô Lễ, trong khi một đứa trẻ trâu làm chuyện đó thì hết sức bình thường.
- Không chỉ có người dưới mới vô Lễ với người trên. Không chỉ có trò mới vô Lễ với thầy, mà thầy cũng có thể vô Lễ với trò. Trò khoanh tay chào thầy, mà thầy không gật đầu thăm hỏi lại, thì chính thầy là người vô Lễ.
4. LỄ ĐỘ
- Trong khi các phẩm chất: Nhân, Nghĩa, Trí, Tín càng nhiều càng quý thì Lễ luôn đi với chữ Độ.
- Lễ Độ là Lễ có chừng mực. Lễ quá nhiều sẽ thành khúm núm, Lễ quá ít sẽ thành kiêu căng ngạo mạn.
5. LỄ LÀ SỰ TRUNG DUNG, CÂN BẰNG
- Lễ nằm ở trung tâm của Ngũ thường, thể hiện vai trò trung dung, cân bằng.
- Người có Lễ đi dự tiệc, đến không quá sớm, về không quá muộn.
- Người có Lễ chưa ra làm quan khi còn quá trẻ (vì chưa đủ trải nghiệm), nhưng luôn biết từ quan khi chưa quá trễ.
- Người có Lễ, trên không sợ cường quyền, dưới không ức hiếp kẻ yếu.
Ngoài ra, nếu so sánh với môn Giao tiếp (communication) trong các khoá MBA của phương Tây, thì Lễ cũng có sự khác biệt.
Trong khi môn Giao tiếp chỉ dạy cách ứng xử trong:
1. Quan hệ với những người quanh ta (người thân, bạn bè, đồng nghiệp).
2. Quan hệ cộng đồng.
thì Lễ dạy cách ứng xử trong:
1. Quan hệ với bản thân.
2. Quan hệ với những người quanh ta (người thân, bạn bè, đồng nghiệp).
3. Quan hệ cộng đồng.
4. Quan hệ với môi trường (bao gồm môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội, lịch sử, truyền thống,...).
Trên đây là những nội dung chính, bao gồm các ý trả lời cho câu hỏi của bài viết này: "Học làm người, là học gì"?
LỜI KẾT
Trong phạm vi một bài viết ngắn, tôi chỉ có thể phác thảo những ý chính của Ngũ thường. Muốn viết sâu hơn, cần có một diễn đàn khác.
Nhà trường và Gia đình cần phối hợp để đào tạo các em thành những công dân tốt, những người chủ tài ba của tương lai. Trong sự phối hợp này, trách nhiệm chính của nhà trường là truyền đạt kiến thức, trách nhiệm chính của gia đình là giúp các em hình thành nhân cách.
Hy vọng là bài viết này có giá trị tham khảo cho các bạn trẻ.
                                                                                                            Hoàng Minh Châu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét