Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2015

Đại Mão địa linh nhân kiệt phú

THƠ NGƯỜI LÀNG  GIA ( 6 b )

 LÊ NHO LÃNG 

                  Thơ Người làng Giữa  (6 B) xin giới thiệu bài phú của tác giả Lê Nho Lãng - sinh 1930 - xóm 2 Đại Mão. Là nông dân một miền quê văn hiến, lúc nhỏ ông được học chữ Hán một số năm.
                  Trong số những người già trong làng Giữa hiện nay còn sống, ông có trình độ Hán học tương đối khá, thích làm và làm khá nhiều thơ, nhiều thể loại : lục bát, song thất lục bát, thơ theo thể hát ca trù, thơ Đường, kể cả thơ bằng chữ Hán.
Tìm hiểu thêm về thể phú, người biên tập  biết phú là một thể loại văn học, không để ngâm mà chỉ để đọc, rất khó làm vì các cặp câu đều như là câu đối.

                   Xin nói thêm: tác giả chưa hài lòng  với bài phú này, với tình cảm yêu quê hương, muốn để các bạn trẻ có cớ tìm hiểu thêm về nơi chôn rau cắt rốn của mình nên ông viết bài phú này. Mời bạn đọc thưởng thức, có vấn đề gì cần trao đổi xin phản hồi về biên tập ( gửi ông Lê Đình Ngạn- nganhttt@gmail.com)            


              Đại Mão địa linh nhân kiệt phú

 Trung Thôn văn hiến ngàn năm rạng rỡ đất Luy Lâu
Đại Mão thuần phong muôn thưở lưu phương vùng Kinh Bắc.

Tích xưa:
          Hai Bà khởi nghiệp,
Bách tính hội thề
Đoạt giáo Luy Lâu
Dẹp tan Tô Định.
         
          Dấu cũ còn đây:

                   Lũy Tiền, Lũy Hậu
                   Hào trước hào sau
Ngõ Quan, ngõ Giếng
Quán Tháp, quán Kê
Cửa Trắc, cổng Dinh
Tây Lai, Đông Khứ.
Lối dẫn Đường Cầu
Dải Cờ, Đống Trống.
Minh Đường dong vạn mã,
Thủy thế dong nhất chu.

Ngày nay:
         
Mảnh đất hiền lành vẫn còn in dấu tích,
Khí thiêng ngùn ngụt luôn tưởng nhớ tiền nhân.
Tráng tai đế vương cư, hữu kỳ hữu cổ hữu mã bái long triều, viecj thiên địa hảo để phong thủy
Uất nhiên anh tuấn vực vi ky vi quan vi lương đống thạch trụ tự hương đảng lập hồ triều đình.
Nhân tài như lá mùa xuân:
Tự Lý, Trần, Hồ
Đến Lê Mạc Nguyễn
Quốc Công : một vị,
Tiến sĩ         : bốn ông.
Cử nhân      : một đống,
Sinh đồ       : vài xe.
Quan Sư , quan Thái đứng bậc tam công.
Bộ Lễ, bộ Hình vào hàng nhất phẩm.
          Thăng trầm tuy đôi lúc khác nhau
Trung nghĩa xem thời nào cũng có.
Cụ Lê Quýnh gặp cơn Lê Mạt vong quốc nô vẫn giữ đạo tôi trung,
Quan Giáo Điều hận giặc ngoại xâm một cây bút cũng trở thành vũ khí.
         
Từ ngày:
Lịch sử sang trang,
Việt Nam độc lập.
Giang San một dải hào hùng,
Đại Mão góp phần trí tuệ.

Cấp Bộ            : vài ông,
Tướng quân     : ba vị.
Viên sĩ             : hai ông,
Giáo sư            : bốn suất
Tiến sĩ              : hơn mười
Kỹ sư               : một đống
Ba người đại sứ tùy viên
Nhiều vị chuyên gia cấp bộ.
Vụ, Sở năm người,
Phòng Ban không tính.
Cấp huyện số kê,
Trung Thôn cũng góp:
Bí thư huyện ủy vài ông,
Chủ tịch ủy ban ba vị.

Điểm qua
Cấp xã trong các thời kỳ
Trung Thôn góp nhiều chủ chốt:
Bí thư đảng bộ tám người,
Chủ tịch ủy ban mười vị.

 Xem ra:
             Kinh Bắc xưa nay nổi tiếng học hành,
             Đại Mão trước sau là nôi sư phạm.
             Đốc học: hai ông,
            Giáo viên : mười chục.
                  
         Ngày nay:

Việt Nam hội nhập đẩy nhanh kinh tế thị trường.
Đại Mão phát huy tài năng ngành nào cũng có.

                                                       Tháng Hai năm Ất Mùi ( 2015)

                       ---------------------------------------------

 Chú thích :  1- Qua khảo cổ được biết ở  Đại Mão có nhiều di tích tương truyền có từ thời Hán, Hai Bà Trưng ( xem thêm : Thử tìm nguồn gốc tên thôn Đại Mão của tác giả Thập Nhị Nhân- Xóm Ngõ Làng của tác giả Nguyễn Hữu Kim)

2-    Lũy Tiền, Lũy Hậu, ngõ Quan, Ngõ Giếng, quán Tháp, quán Kê, cổng Trắc, cổng Dinh, Tây Lai, Đông Khứ, Đường Cầu, dải Cờ, Đống Trống… là tên những địa danh có từ lâu đời nay ở làng Giữa.
-         Lũy Tiền : Lũy trước
-         Lũy Hậu : Lũy Sau
-         Ngõ Quan, Ngõ Giếng: tên 2 ngõ trong làng
-         Quán Tháp, quán Kê nơi trình giấy tờ, xem thiên văn
-         Tây lai, Đông khứ : lối đến đằng Tây, lối ra đằng Đông
-   Thế đất của làng ( tương truyền xưa là doanh trại của Hai bà ):
Minh Đường dong vạn mã,
Thủy thế dong nhất chu.
           Theo binh pháp xưa: doanh trại bao giờ cũng phải có cổng chính, cổng phụ( cửa Trắc là cửa bên, cổng Dinh là cổng chính). Phải có đường tấn công hàng vạn quân tiến ta cùng một lúc ( minh đường dong vạn mã); có đường tiếp tế hậu cần, là đường  rút lui, hiểm trở , có thể là nơi đất trũng, có sông nhỏ ( Thủy thế dong nhất chu) – ( nhất chu : một con thuyền )

                      3-Tam Công : 3 chức quan cao trong thời phong kiến ( Thái Sư, Thái Bảo, Thái phó).

           4- Tráng tai đế vương cư, hữu kỳ hữu cổ hữu mã bái long triều, việc thiên địa hảo để phong thủy
                         Uất nhiên anh tuấn vực vi ky vi quan vi lương đống thạch trụ, tự hương đảng lập hồ triều đình.
                         Đây là đôi câu đối ở Đình Đại Mão ( xem thêm : Đại Mão làng quê văn hiến )
                ----------------------------------------
THAM KHẢO THÊM: ( ST )
               Khuất Nguyên (cuối thế kỷ thứ IV, đầu thế kỷ thứ III tr. TL) người nước Sở, bị gian thần dèm pha phải đầy đi Giang-nam, làm thơ tỏ nỗi lòng và mong vua hồi tâm, đến khi hết hi vọng, bèn đâm đầu xuống sông Mịch-la. Khuất Nguyên lưu lại tập Sở từ gồm nhiều thiên, hay nhất là thiên Ly tao.
Phú thoát thai từ Sở từ, rất thịnh từ đời Hán (6). Phú là phô diễn, mô tả cảnh vật, tính tình, phong tục... nói thẳng ngay vào việc muốn nói, không dùng tỉ dụ. Câu đặt mấy chữ cũng được nhưng hai câu liền nhau phải đối nhau. Tuân Tử viết "Phú vốn là phép hành văn nói thẳng điều gì muốn nói, sau dùng để tả cảnh vật, tâm sự một cách du dương, diễm lệ, đôi khi có đối, có vần". Theo Lê Quý Ðôn, những thể phú thường dùng đời Trần là thể Ly tao hay Văn tuyển (7). Ðời Hồng-đức hay đùng thể Lý Bạch song quan đối nhau, 4 vần bằng xen kẽ 4 vần trắc. Thời nhà Nguyễn, từ 1832 dùng phú luật theo thể chế nhà Tống.
1 - Lối ra đề làm phú. Vài lối hay dùng để ra đề mục xưa kia :
a - Lối bài luật : không hạn định chỉ 8 câu. Câu đầu không vần rồi cứ mỗi vần phải 2 câu, từng đôi, có luật.
b - Lối phú đắc : lấy một câu trong kinh sử, thi ca cổ nhân làm đề, có hạn vần. Thí dụ :"Phú đắc Việt điểu sào Nam chi ", đắc "sào" (bài phú "Chim Việt đậu cành Nam", lấy vần "sào").
Ðầu bài chỉ định những chữ phải dùng làm vần. Thí dụ :"Ôn cố tri tân phú, Ri đề tự vi vận" (= lấy chữ đầu đề làm vần) là trong đề có mấy chữ thì dùng từng ấy vần, ở đây dùng 4 chữ "ôn, cố, tri, tân" làm vần ; nếu đề là "Ri đề vi vận" (= lấy đề làm vần) thì lấy tất cả những chữ trong đề làm vần, tức là phải tính cả chữ "phú", thành 5 vần (8).
2 - Thể loại. Phú có 2 thể :
a- Phú cổ thể phát sinh từ cuối đời Chiến quốc, đến nhà Hán rất thịnh hành ; chỉ vụ lời đẹp, đọc kêu, ít có sinh khí. Ðến thời Nam Bắc Lư"ng triều thì phương Nam phát sinh tư tưởng yếm thế, lãng mạn, lối văn biền ngẫu rất thịnh hành, người ta chỉ cần hoa mỹ, không cần chú trọng đến đạo đức. Ðào Tiềm là thi nhân lỗi lạc nhất. Ðời Thịnh Ðường, phong trào phục cổ nổi lên, bài xích phong trào ủy mị. Châm ngôn của Hàn Dũ là "văn dĩ tái đạo" nghĩa là dùng văn để chở đạo lý (9).
Phú cổ thể chia làm 2 loại :
- Thể Ly tao : "Ly tao" là bài thơ nổi tiếng của Khuất Nguyên, viết để mong vua hồi tâm nghĩ lại. Ðây là bài thơ dài đầu tiên ở Trung quốc, văn bóng bẩy, tình cảm sâu.
- Thể Văn tuyển : Lối văn trong tập Chiêu Minh Văn Tập của Thái tử Lương Duy Ma đời Lương soạn (10).
b - Phú Ðường luật thông dụng hơn Phú cổ thể, có quy luật nhất định. Ðến năm 978 mới thi Tiến-sĩ bằng luật phú :
1 -Vần : Phú độc vận là chỉ có một vần, liên vận là dùng nhiều vần, phóng vận là tùy mình chọn vần.
2 - Luật bằng trắc : Cuối vế trên dùng vần bằng thì cuối vế dưới phải vần trắc.
3 - Cách đặt câu : Trong một bài phú liên vận cách đặt câu thường là :
Thoạt tiên vài bốn câu tứ tự (mỗi vế 4 chữ) hoặc bát tự (mỗi vế 8 chữ, chia làm hai đoạn bằng nhau). Thí dụ "Phú hỏng thi" của Tú Xương :
Tứ tự : Ðau quá đòn hằn,
Rát hơn lửa bỏng !
Tủi bút tủi nghiên,
Hổ lều hổ chõng !
Bát tự : Nghiện chè nghiện rượu, nghiện cả cao lâu,
Hay hát hay chơi, hay nghề xuống lõng (= thuyền chở khách đi chơi).
Rồi đến 4 câu song quan, mỗi vế có 6,7 hay 8, 9 chữ. Thí dụ :
Năm vua Thành-Thái mười hai,
Lại mở khoa thi Mỹ-trọng.
Sau đó vài câu cách cú, mỗi vế có hai đoạn :
Thầy chắc hẳn văn chương có mực, lễ thánh thăm giò,
Cô mừng thầm mũ áo đến tay, gập người đoán mộng.
hoặc gối hạc , mỗi vế có 3 đoạn (trích Nguyễn Công Trứ, "Hàn Nho phong vị phú") :
Áo vải thô nặng trịch, lạnh làm mền nực làm gối, bốn mùa thay đổi bấy nhiêu ;
Khăn lau giắt đỏ lòm, giải làm chiếu vận làm quần, một bộ ăn chơi quá thú.
- Có khi cả bài đều đặt câu 4 chữ gọi là Phú tứ tự.
4 - Bố cục. Cách sắp đặt các đoạn mạch trong bài phú :
a - Lung là đoạn mở bài nói bao quát cả ý nghĩa đầu bài.
b - Biện nguyên : nói rõ ý đầu bài, nguyên ủy, gốc tích.
c - Thích thực : giải thích rõ ý nghĩa đầu bài.
d - Phu diễn : bầy tỏ cho rộng ý đầu bài.
e - Nghị luận : bàn bạc về ý nghĩa đầu bài.
f - Kết : thắt lại ý đầu bài (11).
Làm bài phải tôn trọng niêm luật, quy tắc, lộ tư tưởng cao viễn song thận trọng, lời đanh thép mà khiêm tốn, không quên tán tụng đương triều. 
  
                            -------------------------------------------------------------------
III. Về loại thể, phú Việt Nam
Về loại thể, phú Việt Nam theo Phạm Đình Hổ là “sự pha tạp giữa phú thể đời Nguyên và đời Minh” [Ngã quốc tứ lục, tắc nhân Nguyên, Minh chi thể nhi tạp tựu chi giả (Vũ Trung tùy bút, quyển hạ, mục tứ lục văn thể)]. Theo chúng tôi, quan điểm này chỉ thích hợp cho phú Việt Nam từ Lê sơ về sau, hoàn toàn không thể áp dụng cho Lý và Trần. Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục, quyển 4, Thiên Chương nói: “Nước ta thời Lý, thời Trần đối chiếu chính vào khoảng thời Tống, thời Nguyên bên Trung Hoa. Hiềm một nỗi, sách vở ghi chép về văn hóa bấy giờ sơ sót không tường. Tôi may cóp nhặt trong tập Kim thạch di văn được vài chục thiên, thì thấy văn đời Lý phần nhiều dùng lối biền ngẫu, lời văn văn hoa tươi đẹp, còn giống như thể văn đời Đường. Đến đời Trần thì văn chỉnh tề lưu loát, đã giống khí phẩm người đời Tống”.
Như trên đã nói, sau khi độc lập, Việt Nam có xu thế độc tôn Phật giáo tảy chay Nho học. Tình trạng này kéo dài mãi đến triều Lý Thái Tông mới phần nào khắc phục. Thế nên, Nho học đời Lý thực chất là tàn dư của Nho học đời Đường được truyền vào Việt Nam. Triều Lý ở giai đoạn giữa và cuối, tuy đã có ý thức trở lại tiếp thu văn hóa Trung Quốc, nhưng tư tưởng này vẫn chưa thật rõ. Hơn nữa, thể văn phú tuy đã có mầm mống từ trung Đường, nhưng đến Bắc Tống và mãi về sau vẫn chưa giành được vị trí chủ đạo, nói đúng hơn vẫn chưa thay được luật phú trong vị trí quan trọng là khoa cử. Lê Quý Đôn trong Vân Đài loại ngữ, quyển 3, phần Văn nghệ chép: “Nhà Đường lấy từ phú chọn kẻ sĩ. áp vận không câu nệ thứ tự bằng trắc. Đầu đời Tống noi theo đấy. Năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 3 (978), Vua mới hạ chiếu thi Tiến sĩ bằng luật phú, dùng vận theo thứ tự bằng trắc, khi các quan chủ khảo ra đề vận đều dùng tứ bằng trắc. Từ đó cách điệu mới chỉnh tề, mới thật khả quan, khả thính.” Chế độ này được dùng trong khoa cử cho mãi đến cuối đời Nguyên mới chuyển qua dùng cổ thể. Như vậy, khi mà triều Lý đã có nhu cầu học tập, thì từ một đối tượng tương đương với mình, tức luật phú, ắt cũng không học tập được gì nhiều. Về mặt khoa cử, hai triều Lý - Trần đều giống nhà Tống, dùng luật phú. Chứng cứ là năm Giáp Thìn, niên hiệu Hưng Long thứ 12 (1304), đề phú dùng 8 vận: “đế, đức, hiếu, sinh, hợp, vu, dân, tâm”. Quy định này đến mãi khoa Giáp Tý (1384) và chính thức là khoa Quý Dậu (1393) mới chính thức chuyển sang dùng cổ thể. Điều này đúng như họ Phạm nói, đó là sự chuyển đổi theo phép thi nhà Nguyễn mà thôi.
Điều cần xét tiếp theo là phú đời Trần nên xếp vào loại nào ? luật phú hay văn phú ? Tại sao lại xếp như thế ? Cứ theo quan điểm của Phạm Đình Hổ thì phải xếp phú thời Trần vào cổ phú. Nhưng Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục, quyển 4, Thiên Chương lại nói: “Văn phú triều Trần rất kỳ dị hùng vĩ, lại lưu loát tươi đẹp, hơi giống vận điệu văn Tống”. ở đây chúng tôi đồng quan điểm với họ Lê, giải thích là, tuy triều Trần dùng luật phú cử sĩ, nhưng đương thời trong xã hội lại thịnh hành thể văn phú; điều này có phần tương tự với đời Tống ở Trung Quốc, tức tuy Tống chế dùng luật phú trong khoa cử, nhưng tiêu biểu cho Tống phú lại là văn phú, chứ không phải luật phú. Thực ra, phú đời Trần khi xếp vào văn phú cũng chỉ có nghĩa tương đối, bởi rằng trong phú đời Trần vẫn lưu lại không ít những yếu tố của luật phú. Thêm một điểm nữa là, những gì mà chúng ta đã xét, chỉ đúng với phú chữ Hán, chứ hoàn toàn không thích hợp với phú chữ Nôm. Lý do là phú chữ Nôm có rất nhiều đặc điểm khác xa với hai thể vừa xét. Về mặt thể chế, phú Nôm có thể sánh với Hán đại phú về trường độ và mức độ hoa mỹ. Điều này có nguyên nhân từ việc sử dụng tiếng Việt để sáng tác. Nếu như các phú gia Việt Nam bị hạn chế nhiều mặt trong việc dùng chữ Hán để sáng tác, thì việc dùng tiếng Việt có thể giải quyết được nhiều điều. Phú Nôm thường là trường thiên, lời lẽ hoa mỹ, văn cú ly kỳ, những đặc điểm này chỉ gặp trong Hán đại phú. Nhưng phú Nôm cũng không hoàn toàn là Hán phú, do hoàn cảnh ra đời tương đối chậm về sau, nó cũng chú ý hấp thu nhiều đặc điểm của các thể phú khác. Ví như chú ý đến vận luật, tính trôi chảy của câu văn từ luật và văn phú.
IV. Phú Việt Nam trong tổng quan so sánh với phú Trung Quốc
Phú Việt Nam với tư cách là một thể tài tiếp thu từ phú Trung Quốc, thế nên về mặt đặc trưng, 2 loại này cơ bản không khác nhau. Ngoài sự khác biệt không nhiều về mặt không gian, điểm sáng tạo lớn nhất của phú Việt Nam là về mặt chất liệu, tức từ một chất liệu đơn nhất là Hán tự, người Việt Nam đã vận dụng chính lời ăn tiếng nói của mình để viết phú, tạo nên một thể đặc sắc với chất liệu đặc biệt - phú Nôm. Tiếng Việt với tư cách một loại hình ngôn ngữ đơn lập với một lượng từ Hán Việt chiếm khoảng 70% tổng lượng từ vựng, cả hai đều hết sức thuận lợi cho việc phát triển của phú Nôm. Ngoài những điểm đã nêu, chúng ta khó tìm được những minh chứng ở cho sự khác biệt giữa chúng.
Thời cổ, các loại văn thể tùy theo công năng xã hội mà có địa vị cao thấp khác nhau. Cổ nhân khi sáng tác văn chương đặc biệt chú trọng đến việc lựa chọn văn thể. Trong vô vàn văn thể, phú thường được đặt ở vị trí tối cao. Điều này được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau.
Thứ nhất, người sáng tác phú cần có thực tài, và cũng chỉ có phú mới biểu hiện được thực tài của phú gia. Ngụy Thâu chuyện trong Bắc Tề thư chép: “(Thâu) cùng Tế Âm Ôn Tử Thăng và Hà Gian Hình Tử Tài nổi tiếng đương thời, người đời gọi họ là tam tài... Thâu thấy Tử Thăng không làm phú, còn Hình chỉ có vài bài, thật không phải là người có tài về phú, nên thường nói: “Chỉ trong sáng tác phú mới có thể thành đại tài. Trong các thể văn, ngoài phú ra, chỉ có chương, biểu, bi, chí còn tạm tạm; ngoài ra tất cả chỉ là trò trẻ con, hoàn toàn không đáng đề cập”. Quan điểm của Ngụy Thâu được đưa ra trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm của người xưa và người đương thời lúc đó, hậu nhân không một ai dị nghị về điều này. Như thế có thể thấy rằng, thời cổ văn nhân phần lớn quan niệm phú là loại văn thích hợp nhất để biểu hiện thực tài, và chỉ người có khả năng viết phú mới được coi là đại tài.
Thứ hai, trong sách vở cổ xưa, bất kể tổng hợp hay biệt tập, vị trí của phú đều đặt ở vị trí đầu sách. Quan điểm “phú tiên ư thi” không chỉ thấy ở hầu hết các sách vở Trung Quốc mà cũng đúng với điển tịch Việt Nam. Điều này một lần nữa chứng tỏ vị trí của phú trong lòng người xưa là rất cao.
Thứ ba, vào thời cổ người sáng tác phú có thể được phong quan tiến chức. ở đây có thể lấy việc Đỗ Phủ hiến Tam đại lễ phú làm đại biểu. Đỗ phủ nhập kinh cầu sĩ, nhiều lần ứng thí nhưng không đậu, lại thiếu người có quyền thế tiến cử, cùng đường chỉ còn biết chầu trực ở Thái Thanh cung, thái miếu và đàn tế nam giao để tiến phú; may được Huyền Tông thưởng thức, liền phong chức Đài chế Tập hiền Viện, từ đó mới bước chân vào đường hoạn lộ. Ngày xưa văn nhân hiến phú, may mắn được vua khen, đó là một việc hết sức vinh hạnh, nhưng cũng không ít người chịu sự lạnh lùng từ phía vua chúa. Ví như Tiền Khởi trong Tặng Khuyết hạ Bùi Xá nhân có câu:
“Hiến phú thập niên do bất ngộ,
Tu tương bạch phát đối hoa trâm.
(Hiến phú mười năm còn bất ngộ,
Thẹn đem bạch phát đối hoa trâm).”
Những điều nêu trên đây, trong sử sách Việt Nam, Trung Quốc ghi lại không ít, tưởng rằng không cần phải liệt kê thêm. Vấn đề cần chú ý là, tại sao cổ nhân lại đem phú đặt lên vị trí hàng đầu trong tất cả các văn thể? Từ bản thân phú phải có đặc điểm gì mới làm cho cổ nhân trọng thị đến thế? Quách Thiệu Ngu khi đánh giá vị trí của phú trong văn sử học Trung Quốc nói: “Trong văn học Trung Quốc có một loại văn thể đặc biệt chính là “phú”. Văn học Trung Quốc về một loại thể trước nay đều nhất quán chia thành 2 loại thi và văn, nhưng phú lại là trung gian giữa 2 loại này, đã không thuộc về văn cũng không thể quy về thi. Thế nhưng, đồng thời lại có một hiện tượng tương phản khác, phú vừa có thể gọi là văn vừa có thể gọi là thi, trở thành một loại thể lưỡng thê trong văn học. ở đây có nghĩa phú là loại văn thể tổng hợp của vận và tản văn. Phú gia muốn tác phú vừa có cái tài của nhà văn và nhà thơ, điều này thời xưa rất được coi trọng. Trong sự so sánh với các văn thể khác, phú gia trong quá trình trầm tư cấu tứ hay vận từ cần đầu tư nhiều hơn, với một đại phú hoàn mỹ. Thời cổ, một thiên đại phú có thể tốn 10 đến vài chục năm thời gian, bởi vậy một thiên đại phú cũng giống như bộ từ điển chuyên đề hết sức đầy đủ và rõ ràng. ở Việt Nam, Lê Thánh Tông để viết xong Lam Sơn Lương thủy phú, thiên phú dài nhất còn lưu lại của Việt Nam cũng cần gần 30 năm (1461 - 1478).
Nhưng cổ nhân sở dĩ trọng phú còn có một nguyên nhân quan trọng khác, đó là phú là sự tổng hợp cao độ của văn học và học thuật. Như chúng ta đã biết học thuật cổ đại đặc biệt coi trọng tính bác học, bình phẩm một con người cũng nhìn nhiều ở góc độ học thuật đa năng. Các nhà nho xưa quan niệm: “nhất vận bất tri, nho giả chi sỉ” (một vận không biết rõ, đó là nỗi nhục của nhà nho). Hậu nhân phần nhiều tiếp thu quan điểm này, cho rằng “nho giả” phải là người không gì không biết, không gì không thể. Trong tiểu thuyết chương hồi, khi hình dung một nhân vật có tài, thường tán thán bằng câu: “trên thông thiên văn, hạ đạt địa lý, tam giáo cửu lưu, chư tử bách gia, không gì không thông, không gì không hiểu”. Đối với những người chuyên tinh nhất nghệ thì thường bị xem thường, dè bỉu, hoặc bị chê là “điêu trùng tiểu kỹ” hoặc “chỉ biết một mà không biết hai”...
Phú tuy được nhiều người xem trọng, nhưng vẫn không ít ý kiến bỉ thị, ví như cho rằng địa vị phú gia không khác tên hề góp vui, tác dụng của phú “khuyến bách phùng nhất”, hoặc phú là văn thể phục vụ cho quyền lợi của giai cấp thống trị... Chúng tôi cho rằng, bất kể quan niệm nào đều có nguyên nhân sâu xa của nó, muốn hiểu, bắt buộc phải đi sâu vào tìm tòi khám phá.

N.Đ.P

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét