uật sắp có hiệu lực, giáo dục nghề nghiệp vẫn chưa chốt cơ quan quản lý
Ngày 1/7 Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực thi hành, nhưng đến nay Chính phủ vẫn chưa chốt giao lĩnh vực này cho bộ nào quản lý, dẫn đến sự chồng chéo trong dự thảo thông tư hướng dẫn của hai bộ Giáo dục và Lao động.
Sau gần 3 năm chuẩn bị, ngày 27/11/2014, Luật Giáo dục nghề nghiệp đã được Quốc hội khóa 13 thông qua tại kỳ họp thứ 8, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2015. Tuy nhiên, luật chỉ được 274 trên tổng số 412 đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua, đạt 55,13% - tỷ lệ thấp nhất từ trước đến nay.
Theo Luật Giáo dục năm 2005, giáo dục nghề nghiệp chỉ bao gồm trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề. Trung cấp chuyên nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý và dạy nghề do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quản lý. Tuy nhiên, trong dạy nghề lại có các trình độ sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề. Như vậy, hệ thống giáo dục Việt Nam có 2 trình độ trung cấp, 2 trình độ cao đẳng và do 2 cơ quan quản lý nhà nước.
Để khắc phục bất cập nêu trên, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 đã cấu trúc lại hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam. Theo đó, hệ thống giáo dục nghề nghiệp mới bao gồm: trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Các trung tâm kỹ thuật, tổng hợp, hướng nghiệp và trung tâm dạy nghề được thống nhất thành Trung tâm giáo dục nghề nghiệp; trường trung cấp chuyên nghiệp và trường trung cấp nghề thống nhất thành Trường trung cấp; cao đẳng chuyên nghiệp và cao đẳng nghề thống nhất thành Trường cao đẳng. Như vậy, trình độ cao đẳng đã được tách khỏi giáo dục đại học, và giáo dục đại học chỉ còn các trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.
Đa số đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết phải thống nhất một cơ quan đầu mối thay mặt Chính phủ thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước đối với giáo dục nghề nghiệp. Đoàn thư ký kỳ họp gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về vấn đề này. Tuy nhiên, trong tổng số 336 phiếu thu về, có 114/336 phiếu (chiếm tỷ lệ 34%) nhất trí giao cho Bộ Lao động; 99/336 phiếu (chiếm tỷ lệ 29,4%) đề nghị giao cho Bộ Giáo dục; 96/336 phiếu (chiếm tỷ lệ 28,6%) đồng ý giao Chính phủ phân công cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn của từng giai đoạn và 27/336 phiếu (chiếm tỷ lệ 8%) có ý kiến khác.
Như vậy, ý kiến đại biểu Quốc hội về vấn đề này còn chưa tập trung, không phương án nào được trên 50% đại biểu nhất trí. Lãnh đạo Quốc hội và lãnh đạo Chính phủ đã trao đổi và thấy rằng vấn đề này chưa đủ chín muồi để xem xét sửa đổi trong thời điểm lúc bấy giờ. Vì vậy, Thường vụ Quốc hội đã xin đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên quy định về vấn đề này như trong Luật dạy nghề hiện hành là giao cho Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và phân công cụ thể cơ quan thay mặt Chính phủ chịu trách nhiệm làm đầu mối thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực này.
Trước đó, trong phiên thảo luận về dự Luật Dạy nghề sáng 5/11/2014 có tới 18/20 đại biểu đề nghị khi thông qua Luật Giáo dục nghề nghiệp thì cần giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý thống nhất về mặt nhà nước, không giao cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Đại biểu Trần Minh Diệu nhận định, việc giao cho bộ nào quản lý phải căn cứ trên chức năng hoạt động của bộ đó. Vì vậy, giao cho Bộ Giáo dục quản lý là thống nhất về mặt luật pháp. Ông cho rằng báo cáo của Thường vụ Quốc hội lý giải giao cho Bộ Lao động là vì một số lý do, trong đó có việc trước kia Bộ Giáo dục quản lý một số ngành nghề chưa tốt. Hiện nay, Bộ Giáo dục nhiều việc, giao thêm giáo dục nghề nghiệp sẽ là gánh nặng - là cách giải trình chưa thực sự thuyết phục.
"Không thể nói bộ nào nhiều việc hơn bộ nào. Nhiều việc hay ít việc phụ thuộc vào quy mô bộ máy xác định theo chức năng nhiệm vụ được giao. Do vậy không thể nghĩ rằng Bộ Giáo dục nhiều việc hay ít việc hơn Bộ Lao động. Tôi đề nghị Bộ Lao động chỉ là cơ quan chủ quản của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc bộ, tương tự nhiều bộ ngành khác đã và đang thực hiện. Còn việc giúp Chính phủ thống nhất quản lý giáo dục thuộc về chức năng của Bộ Giáo dục", bà Diệu nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé cũng không đồng tình với giải trình của Thường vụ Quốc hội cho rằng lĩnh vực nghề nghiệp trước kia giao cho Bộ Giáo dục thì ít được quan tâm, sau khi giao cho Bộ Lao động thấy phát triển lên. "Chúng ta không thể nào so sánh một cách khập khiễng giữa hai thời kỳ khác nhau, sự quan tâm đầu tư của nhà nước khác nhau, thì làm sao có kết quả giống nhau được. Việc quản lý yếu là do con người chứ không phải do hệ thống giáo dục quốc dân", bà Bé nói.
Nữ đại biểu này cũng không thống nhất với Thường vụ Quốc hội cho rằng nếu giao cho Bộ Giáo dục thì sẽ làm tăng gánh nặng cho bộ này. "Nếu giao cho Bộ Lao động thì không nặng sao? Trong khi bộ này cũng đang phải làm rất nhiều việc về an sinh xã hội, lo cho con người từ lúc sinh ra cho tới lúc trở về với đất mẹ. Hiện nay Bộ này có nhiều việc làm chưa tốt mà giao thêm việc này nữa thì lẽ nào không nặng? Trong khi đó, nếu giao cho Bộ Lao động thì Bộ này sẽ đẻ thêm bộ phận quản lý nhà nước, trong khi Bộ Giáo dục đã có bộ phận quản lý từ lâu", đại biểu Bé nói.
Đến nay đã gần 5 tháng kể từ khi Luật Giáo dục nghề nghiệp được thông qua và chưa đầy 3 tháng nữa luật sẽ có hiệu lực, tuy nhiên Chính phủ vẫn chưa chốt sẽ giao lĩnh vực nghề nghiệp cho Bộ nảo quản lý. Chính vì vậy, hai Bộ Giáo dục và Lao động đã có sự chồng chéo khi đưa ra dự thảo thông tư lấy ý kiến nhân dân.
Theo đó ngày 10/2, Bộ Lao động công bố dự thảo thông tư "Quy định về điều kiện, thủ tục, thẩm quyền thành lập, đình chỉ hoạt động đào tạo, sáp nhập, chia tách, giải thể, đổi tên, thay đổi địa điểm đào tạo đối với trường cao đẳng, trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và phân hiệu của cơ sở giáo dục nghề nghiệp".
Đến ngày 17/3, Bộ Giáo dục công bố dự thảo thông tư "Quy định điều kiện, hồ sơ và thủ tục thành lập hoặc cho phép thành lập, cho phép hoạt động đào tạo, đình chỉ hoạt động đào tạo, sáp nhập, chia tách, giải thể trường cao đẳng".
Như vậy, chỉ có một đối tượng là các trường cao đẳng, nhưng hai bộ đều đang đặt dưới sự quản lý của mình. Dự thảo thông tư của Bộ Giáo dục thì quy định thẩm quyền ra quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trường cao đẳng thuộc Bộ trưởng Giáo dục, còn theo dự thảo thông tư của Bộ Lao động thì thẩm quyền đó thuộc về Bộ trưởng Lao động.
Lan Hạ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét