Thứ Ba, 28 tháng 4, 2015

Lớp sinh viên 'xếp bút nghiên lên đường chiến đấu'

Lớp sinh viên 'xếp bút nghiên lên đường chiến đấu'

Từ năm 1970 đến 1972, hơn 10.000 sinh viên các trường đại học ở Hà Nội lên đường nhập ngũ, trực tiếp tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ. Hơn một nửa đã hy sinh tại các mặt trận, nhưng nhiều nhất là trong chiến dịch bảo vệ thành cổ Quảng Trị.
Năm 1970, nhiều trường đại học trở về Hà Nội sau những năm tạm sơ tán tránh máy bay Mỹ ném bom. Thời gian này, cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn căng thẳng, nhu cầu chi viện cho các mặt trận phía Nam trở nên cấp bách. Hưởng ứng phong trào Ba sẵn sàng và thực hiện lệnh tổng động viên, các địa phương đồng loạt gọi thanh niên, sinh viên đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.
IMG-9818.jpg
Sinh viên Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế quốc dân) trước giờ lên đường nhập ngũ tháng 9/1971. Ảnh tư liệu.
Từ năm 1970 đến 1972, hơn 10.000 sinh viên các trường đại học ở Hà Nội lên đường nhập ngũ,  hình thành nên một thế hệ sinh viên thủ đô xếp bút nghiên lên đường chiến đấu. Nhập ngũ đông nhất là sinh viên các trường Bách khoa, Tổng hợp, Nông nghiệp, Xây dựng, Kinh tế kế hoạch (nay là Kinh tế quốc dân). Có nhiều người mới học xong năm thứ nhất, nhưng cũng có người sắp tốt nghiệp, chuẩn bị đi tu nghiệp nước ngoài.
Đợt tuyển quân đông nhất là vào năm 1971. Hàng nghìn sinh viên bước vào năm học mới cũng là lúc nhận được giấy báo nhập ngũ. Ngày 6/9/1971, lễ xuất quân diễn ra ngay tại sân nhiều trường đại học, có bạn bè, thầy cô đưa tiễn. Những anh lính sinh viên tinh nghịch bắt bạn bè phải gọi là chú bộ đội. Những khuôn mặt thư sinh, mặc nguyên áo trắng lên đường tòng quân. 
Toàn bộ sinh viên nhập ngũ đợt tháng 9/1971 được đưa lên huấn luyện tại vùng đồi núi thuộc tỉnh Hà Bắc (cũ). Ở đây, họ được học về chiến thuật, chiến lược, kỹ thuật sử dụng vũ khí và tác chiến. Mỗi đêm các tân binh phải đeo đến 20 kg đất đựng trong sọt tre mà đi, chạy để rèn sức dẻo dai cho chuyến hành quân bộ vào miền Nam. 
Cuối đợt huấn luyện, sau khi phân loại là sinh viên trường nào, họ được xếp vào binh chủng cho phù hợp: Bách khoa thì vào pháo binh, thông tin; y thì vào quân y; mỏ địa chất vào công binh; kinh tế, tổng hợp vào bộ binh… Nhưng phần đông sinh viên được biên chế vào các đơn vị chiến đấu như các trung đoàn 95, 101, 18 của Sư đoàn 325; 338; 308, trực tiếp tham chiến ở mặt trận Bình - Trị - Thiên.
Đầu năm 1972, chuyến tàu chở bộ đội, chủ yếu là tân binh sinh viên đi thẳng từ ga Kép (Bắc Giang) đến ga Vinh để từ đây hành quân vào chiến trường. Nhiều cựu sinh viên kể lại, khi tàu đi qua ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội ngày nay), những lá thư từ các toa được thả xuống trắng đường. Ngoài bì thư chỉ ghi vội dòng chữ Nhờ ai nhặt được thư này chuyển đến giúp số nhà... Hẹn trở về, Hà Nội mến yêu hay Đi B, ngày…
ngoaingu.jpg
Thầy trò trường ngoại ngữ (Đại học Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội) chào nhau trước khi xe lăn bánh. Ảnh tư liệu.
"Ngày chúng tôi lên đường, trong chiếc ba lô ngoài quân tư trang thì nhiều người còn đem theo một vài cuốn sách, sách tiếng Nga, giáo trình cơ khí, sổ tay làm nhật ký… Ai cũng hy vọng có ngày trở về để được tiếp tục đi học", ông Nguyễn Dũng, cựu sinh viên Đại học Bách khoa nhập ngũ năm 1971 kể lại.
Dọc đường hành quân từ Hà Nội vào miền Nam, những cánh thư của nhiều người vẫn đều đặn gửi về cho thầy cô, bạn bè ở trường đại học. Sau giờ chiến đấu, họ còn tranh thủ viết nhật ký chiến trường. Sự ác liệt của cuộc chiến được ghi lại trong những bài thơ liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, sinh viên Đại học Tổng hợp gửi người bạn gái Như Anh: Đêm trắng trong là đêm của em/ Đêm thành phố và sao trời lẫn lộn/ Đêm của anh xếp kín đầy bom đạn/ Pháo sáng chập chờn trộn trạo với sao sa…
Lớp lính sinh viên ấy có mặt trên khắp trận tuyến, từ Thành cổ Quảng Trị đến chiến trường Đông Nam Bộ, tham gia giải phóng Buôn Mê Thuột, ở Sài Gòn vào ngày 30/4/1975. Trong hơn 10.000 sinh viên lên đường thì hơn một nửa hy sinh tại các mặt trận phía Nam, trên đất Lào, nhưng nhiều nhất là trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972. Có người ngã xuống ở cửa ngõ Sài Gòn như liệt sĩ Nguyễn Văn Tư (sinh viên Bách khoa), hy sinh lúc 10h sáng 30/4/1975, cách giờ phút thống nhất chưa đầy hai tiếng.
Sau ngày thống nhất, những người lính sinh viên lại trở về giảng đường, tiếp tục đi học. Nhiều người mang thương tật chiến tranh, di chứng của những trận sốt rét rừng. Rất nhiều trong số đó trở thành nhà khoa học, giáo sư, cán bộ chủ chốt của các trường đại học, tướng lĩnh quân đội, nhà thơ, nhà văn. Một số người giữ chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước như ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Quốc Triệu, nguyên Bộ trưởng Y tế...
Trong buổi gặp mặt truyền thống của sinh viên lên đường chiến đấu tại Hà Nội ngày 25/4, ông Ngô Quang Năng, cựu sinh viên Đại học Nông nghiệp, chia sẻ: Những sinh viên lên đường nhập ngũ hầu hết rất giỏi mới thi đỗ vào các trường đại học. Ngày ấy rời giảng đường, chúng tôi đều nuối tiếc. Ai chẳng muốn được đi học, được trở thành bác sĩ, kỹ sư, thầy giáo. Nhưng đất nước có chiến tranh, cầm súng là bổn phận, cũng là vì danh dự của một thế hệ, một lớp người".
IMG-9821.jpg
Các cựu sinh viên Hà Nội trong buổi gặp mặt truyền thống ngày 25/4 tại Hà Nội. Ảnh: Hoàng Phương.
Sinh thời, cố nhà giáo Hoàng Xuân Tùy, nguyên Thứ trưởng Đại học và Trung học chuyên nghiệp, nguyên Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội từng đề cập đến việc Nhà nước cần có một hình thức động viên, khen thưởng nào đó đối với lớp sinh viên đại học xếp bút nghiên lên đường chiến đấu. Ông cũng hy vọng các trường có thể tổng hợp danh sách sinh viên ra trận qua các năm và số liệt sĩ hy sinh thời kỳ đó.
Nhưng đến nay ước nguyện của người thầy đối với học trò vẫn chưa làm được. Để tưởng nhớ bạn học, đồng đội, nhiều cựu sinh viên các trường đóng góp xây nên các tượng đài, đài kỷ niệm sinh viên lên đường bảo vệ tổ quốc trong khuôn viên các trường Đại học Bách khoa, Đại học Kinh tế quốc dân...
Nói về lớp sinh viên ngày ấy, cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: "Tổ quốc ghi công lớp lớp thầy giáo, sinh viên đã xếp bút nghiên lên đường chiến đấu và đóng góp xứng đáng vào chiến thắng của dân tộc. Tinh thần yêu nước mãi mãi là ngọn lửa soi sáng các thế hệ thanh niên Việt Nam trong sự nghiệp phát triển đất nước trở thành quốc gia giàu mạnh, hòa bình và hạnh phúc".
Hoàng Phương - Quỳnh Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét