Thứ Hai, 15 tháng 6, 2020

CÁM ƠN ANH VINH NGHĨA



                 CÁM ƠN ANH VINH NGHĨA

          Cuối buổi chiều, sau một ngày oi nóng cuối tháng 5, tôi rất vui.Vui vì sau đợt dài nắng nóng, chiều nay mọi người đã được hưởng không khí mát mẻ, dễ chịu hơn. Vui vì chú em mang đến tận nhà cho tôi món quà mà anh Nguyễn Vinh Nghĩa từ TP HCM gửi ra. Đó là tập thơ “ Tự sự “.
            Anh là người Hà Nội gốc. Học phổ thông, anh đã là cán bộ Đoàn, rồi cán bộ Thành Đoàn. Trong những năm  chống Mỹ ác liệt, anh đã từng là lính lái xe vượt Trường Sơn vận chuyển người, vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Sau khi đất nước hòa bình, thống nhất anh chuyển sang công tác tại Cục đo đạc- bản đồ. Sinh ra trong một gia đình gia giáo, trưởng thành trên đất Cảng Hải Phòng, trải qua chinh chiến và nhiều năm sống tại thành phố Hồ Chí Minh, anh là một con người từng trải, đa tài, sống thân thiện và có trách nhiệm với người thân, bạn bè và  đồng đội. Anh cũng là người ham mê thể thao, nhất là môn thể thao xe đạp. Ngoài 70, hàng ngày anh vẫn đạp xe trên ba, bốn chục km. Anh cũng từng có những chuyến “phượt” bằng xe đạp hàng trăm km ra miền Bắc, miền Trung.
           Cộng đồng  người làng Đại Mão tại thành phố Hồ Chí Minh hiện có trên ba chục gia đình, coi anh Nghĩa như người cùng làng vì tấm lòng cởi mở, gần gũi, chân tình của anh.

           Quan hệ  với anh em trong gia đình chúng tôi, chú em tôi đã tâm sự: “Anh Nghĩa với gia đình chúng tôi là chỗ thân tình. Anh với anh Lê Đình Toán (anh con nhà bác ruột tôi) là anh em “cọc chèo”. Hai anh sống với nhau như an hem ruột.  Những năm trước đây, lần nào về thăm quê vợ (thôn Bình Cầu, cùng xã ) anh cũng đều dành thời gian tới thăm bố và chú bác tôi chu đáo.Nhiều năm qua các anh, chị, em, các cháu trong gia đình tôi cùng sống với gia đình anh tại Phường Bình An (Quận 2) đều coi vợ chồng anh như người thân thiết trong gia đình” ( Lê Thanh).

            Với riêng tôi, anh cũng dành tình cảm và để lại cho tôi nhiều kỷ niệm. Lần đầu được  gặp anh lâu nhất là năm 2001. Đó là lần thứ 2,3 gì đó có việc vào miền Nam, tôi đi vội môt chuyến xe đò cũ nát từ Phan Thiết vào SG.Nhà xe bỏ tôi giữa đường không vào đến bến. Lúc đó điện thoại di động còn rất hiếm. Tôi phải nhờ điên thoại dịch vụ ( điện thoại bàn ) ở một quán ven đường để liên hệ với gia đình chú em và anh. Anh được nhờ đi và đã đi đón tôi rất vất vả, gần sáng mới về đến nhà. Đợt ấy lần đầu tiên được anh cho tiếp cận với mạng intenet... Rồi anh động viên tôi viết, viết gì cũng được “ để cho vui”… Năm anh tới tuổi 70, tôi cũng viết bài “ Lục bát như ai” để chúc mừng anh. Bài thơ theo thể lục bát dễ làm, có vần “ ai” nhân một bài người khác mừng anh có một vần tương tự. Trong bài này, tôi muốn nói lên quy luật đời người, bẩy mươi xưa nay hiếm, sức khỏe sẽ dần suy giảm. Đặt câu hỏi : liệu anh có giống mọi người; và khẳng định anh khác người vì nhiều lẽ…Cảm ơn anh đã cho in kèm vào “ Tự sự” của anh!
            Nhiều lần được trò chuyện cùng anh, được anh kể cho nghe những chuyện “ một thời đạn bom, một thời hòa bình”. Hôm nay, được đọc bài “ Hẹn gặp “ của anh trên tập thơ, tôi lại nhớ một câu chuyện anh khoe, đó là đã được gặp văn nghệ sĩ tài ba Nguyễn Đình Thi ở chiến trường chống Mỹ. Được gặp một vĩ nhân đã là vinh hạnh rồi, nhưng lại được ông đọc “ Hẹn gặp” trên báo tường của đơn vị ở nơi gian khổ ác liệt, lại được ông khen thì quả là một kỷ niệm đáng tự hào của anh. Hai bài “ Hẹn gặp “ của anh, “ Lá đỏ” của Nguyễn Đình Thi đều mang, khái quát nguyện vọng giải phóng Sài Gòn, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước của toàn dân ta lúc đó. Một già một trẻ, những người tài hay có những ý tưởng lớn gặp nhau, nhất là người Hà Nội…

          
         Tháng 9 /2019, kỷ niệm 15 năm thành lập và ra mắt Tập thơ thứ 10 với tựa đề “Miền quê văn hiến”, CLB Thơ Ca Đại Mão có gửi tặng anh Nghĩa một tập thơ như một thành viên của CLB.
         Hôm tổ chức lễ kỷ niệm và giao lưu thơ, anh đã gửi ra một bài viết về cảm nghĩ nhân đọc” Miền quê văn hiến -10”. Bài viết của anh đã được hội viên Lê Đình Thanh trình bày tại buổi giao lưu, gặp mặt hôm ấy, đã góp phần cho nội dung buổi giao lưu gặp mặt thêm phong phú, ý nghĩa.
          Nhận định về tập thơ, nhà văn Đỗ Viết Nghiệm, (nguyên Trưởng đại diện phía nam –Tạp chí Văn nghệ Quân đội) đã trình bấy ngắn gọn, súc tích ở đầu tập thơ. Ở đây tôi chỉ muốn nhắc lại vài kỷ niệm với anh, một người lính, người cán bộ có tài, một người bạn tốt …Một lần nữa, xin cám ơn anh đã tặng thơ. Kính chúc anh chị, các cháu và gia đình luôn vui vẻ, mạnh khỏe, hạnh phúc!

                                                           Tháng 5 năm 2020
                                                               Lê Đình Ngạn
                     -------------------------------------
             Bài tham khảo
Lá đỏ - Lời hứa hẹn của tình yêu và niềm tin tất thắng
(ThanhtraVietNam) - Nguyễn Đình Thi là người đa tài ít gặp trong văn nghệ. Ông viết được văn, kịch, nhạc,phê bình lý luận văn học và viết được cả thơ. Thể loại mà ông tâm huyết nhất vẫn là thơ, bởi đối với ông: “Thơ là cái thiết tha, nhất của tôi, và cả cái tìm tòi rất khổ của tôi”.
Thơ Nguyễn Đình Thi mang cảm hứng về đất nước, nhân dân. Ông viết về đất nước gian khổ đau thương quật khởi và ngời sáng với chiều sâu lịch sử và mang tính khái quát bởi tầm cao thời đại.
Mùa thu năm 1974, Nguyễn Đình Thi cùng với nhà thơ Tế Hanh, Phạm Tiến Duật, nhà nhiếp ảnh Đinh Đăng Định theo đường mòn Hồ Chí Minh vào chiến trường Nam Bộ. Tại đây, ông đã chứng kiến hiện thực của cuộc chiến tranh khốc liệt “giữa nghìn tiếng nổ rung đêm lửa”. Sự hy sinh mất mát, đớn đau mà con người phải trải qua ở nhiều góc độ, khía cạnh, tầng bậc khác nhau… Nhưng cũng chính từ những tổn thất, đau thương, mất mát ấy lại hiện lên một vẻ đẹp diệu kỳ, lãng mạn của bức tranh thiên nhiên Trường Sơn đại ngàn giữa mùa trút lá.
Lấy hiện thực làm điểm tựa cho cảm xúc, những trải nghiện có thật đã tạo nên sự rung động thẩm mỹ trong tâm hồn bay bổng của Nguyễn Đình Thi. Bất ngờ, xúc động tác giả nhặt một chiếc lá đỏ ép vào cuốn sổ ghi chép và trong khoảnh khắc đó bài thơ được ra đời, và trở thành khúc ca ra trận dọc theo chiều dài đất nước.
 Lá đỏ
“Gặp em trên cao lộng gió
Rừng lạ ào ào lá đỏ
Em đứng bên đường, như quê hương
Vai áo bạc quàng súng trường
Đoàn quân vẫn đi vội vã
Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa
Chào em, em gái tiền phương
Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn”
                        (Trường Sơn, 12/1974)
“Trên cao” trong câu thơ không chỉ nói về vị thế địa lý (dốc cao, đèo cao) mà còn hàm ý về vị thế trong tư tưởng, trong tình cảm. “Cao” ở đây còn là cao quý, cao cả.
Câu tiếp theo “Rừng lạ, ào ào lá đỏ”. Từ “lạ” trong câu thơ đã gây ấn tượng mạnh, bởi lạ là vì mới gặp, lần đầu tiên thấy sắc đỏ rực lủa trong mùa Thu Tây Nguyên chăng? “Lạ” là một cảm giác rất đúng, rất chân thật”. “Lạ” vì giữa nơi chiến trường dữ dội như vậy lại xuất hiện những người em gái trẻ trung, mảnh mai nhưng rất đỗi kiên cường khi ngày đêm phải đối mặt với hiểm nguy dẫn đường cho xe băng qua những quảng đường khó và cái cảm giác lạ đó bỗng biến mất khi nhà thơ nhận ra hình của em thật gần gũi, thân thương bởi đó là em của quê hương, của nơi chốn ta quay về. Thêm nữa, hai từ “lộng gió” như lòng người rộng mở, niềm tin phơi phới chào đón những luồng gió cách mạng.
Trong không khí của cuộc cách mạng sục sôi và dưới ánh sáng của lý tưởng mới, hơn bao giờ hết hình ảnh người phụ nữ hiện lên với vẻ đẹp mới - vẻ đẹp của những con người đã được giải phóng, được tháo ra khỏi vòng cương tỏa của lễ giáo phong kiến, để hòa mình vào công cuộc chung của đất nước. Đó là những cô thanh niên xung phong trên tuyến lửa Trường Sơn: “Em đứng bên đường như quê hương/ Vai áo bạc quàng súng trường”. Hình ảnh “vai áo bạc” đã gợi ra biết bao tháng ngày mưa dầm nắng lửa ở núi rừng. Thế nhưng, những người con gái mảnh mai ấy vẫn vượt qua tất cả để có mặt chính tại đây, với súng trường quàng trên vai.
 Thanh niên xung phong Trường Sơn với niềm tin thắng lợi. Ảnh: Đoàn Công
Mặc dù nơi núi rừng, với mây mù giăng phủ, với gió lộng bạt ngàn, với buổi chiều lá đỏ, đâu đó ánh lửa của đạn bom và sáng rực trên nền trời, máu, nước mắt, hi sinh nhưng tất cả vì miền Nam ruột thịt, họ vẫn kiên trì, anh dũng bám trụ từng tất đất "... Đoàn quân vẫn đi vội vã/ Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa”.
Hai câu cuối cùng: “Chào em, em gái tiền phương, ơi em gái tiền phương. Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn!”. Đọc hai câu này ta như thấy cuộc gặp gỡ bất chợt thoáng qua với một không khí khẩn trương, nhanh vội nhưng không kém phần xúc động mãnh liệt, rồi để lại cho nhau lời hẹn quyết tâm chiến thắng. Sự thật và chính nghĩa luôn ở phía chúng ta, với tinh thần anh dũng bất khuất của những người con trai, con gái trên rừng Trường sơn năm ấy đã góp phần làm nên chiến thắng 30-4-1975, lá cờ Cách mạng được cắm trên nóc dinh Độc lập. Đây là thời điểm đánh dấu thành phố Sài Gòn - Gia Định hoàn toàn giải phóng. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Tái sinh đất nước, những chàng trai những “em gái tiền phương năm ấy” có bao người được gặp lại nhau và có bao nhiêu người phải lổi hẹn? Họ ra đi mãi mãi không về. Ôi! những tháng năm không thể nào quên, ngày càng thêm những nỗi nhớ, nỗi khát khao hiện lên cả ở trong giấc mơ của những người đồng đội: "Trường Sơn năm đợi tháng trông/ Ngày tìm đồng đội đêm nồng chiêm bao” (Đồng đội - Đinh Ngọc Du).
Những chiến sĩ, những “em gái tiền phương” năm ấy vẫn sống mãi trong tấm lòng biết ơn và trong những thắng lợi lớn lao của dân tộc hôm nay và ngày mai: “Đất nước/Của những người con gái, con trai/Đẹp như hoa hồng, cứng như sắt thép/Xa nhau không hề rơi nước mắt/Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt…” (Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi - Nam Hà).
Bài thơ Lá đỏ được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ sau đó không lâu. Trong những tháng ngày hừng hực khí thế chiến đấu của quân dân Việt Nam yêu nước để dẫn tới ngày chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975 đã đi vào lịch sử, Lá đỏ một bài ca hào hùng đầy tin tưởng và hy vọng đã được ghi sâu vào trái tim mọi người. Năm 2016, lấy cảm hứng từ ca khúc Lá đỏ (Nhạc Hoàng Hiệp, Thơ Nguyễn Đình Thi) và dựa trên những hiểu biết, cảm xúc của mình về sự hi sinh dũng cảm của 8 Thanh niên xung phong trong cuộc chiến tranh vệ quốc, Nguyễn Thị Hồng Ngát cũng đã viết kịch bản thơ Lá đỏ.
Nguyễn Văn Thanh