Thứ Ba, 3 tháng 3, 2020

Bài viết của tác giả Lê Thanh nhân Ngày Thầy thuốc VN

 NHỮNG NGƯỜI THẦY THUỐC TUYẾN XÃ - NHỮNG VUI BUỒN CÒN ĐỐ
                     Bài viết nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/02/2020)
Hôm nay nhân kỷ niệm 65 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2020), tôi xin được gửi tới những người thầy thuốc lời cảm ơn chân thành nhất về những đóng góp của họ cho xã hội. Chúc các Thầy thuốc luôn lạc quan vượt qua mọi khó khăn gian khổ, kể cả những áp lực nghề nghiệp để hoàn thành sứ mệnh vẻ vang là BẢO VỆ VÀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE CHO NHÂN DÂN, mãi xứng đáng với lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu “Lương y phải như từ mẫu”.
Trong xã hội Việt Nam từ xa xưa đến nay có 2 nghề được tôn vinh là Thầy, đó là Thầy Giáo và Thầy Thuốc. Nghề Thầy Thuốc là một nghề mang trọng trách rất lớn là nghề trị bệnh cứu người. Trong đội ngũ thầy thuốc từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã thì người Thầy thuốc tuyến xã, đã và đang công tác tại trạm y tế cấp xã là những người chăm sóc sức khỏe ban đầu cho toàn dân nhưng họ lại chịu nhiều khó khăn, thiệt thòi nhất.
Tôi có đến thăm và trò chuyện với bà dì ruột tôi, bà Nguyễn Thị Tuyến, nguyên Phó trưởng Trạm y tế xã Hoài Thượng để hiểu thêm về họ.
Cách nay 62 năm (năm 1958), Trạm y tế xã Thượng Mão quê tôi bắt đầu được thành lập. Nhân sự lúc đó chỉ có 3 người là ông Chấn (quê làng Đông Miếu) phụ trách trạm, cụ Vũ Thị Lạc là nữ hộ sinh từ vùng kháng chiến huyện Phú Bình (Thái Nguyên) chuyển về quê hương và bà Thắp là nhân viên y tế. Cơ sở vật chất những ngày đầu còn đơn sơ với một dãy nhà cấp 4 nằm ở mảnh đất xóm trại, phía Tây Nam, rìa làng Đại Mão.
Năm 1963, Trạm trưởng là ông Trần Đăng Uyển, (quê làng Ngọ Xá), thay ông Chấn nhập ngũ, (sau đó ông Chấn hy sinh), cụ Lạc là nữ hộ sinh, ông Mỵ là y tá. Đặc biệt thời kỳ này trạm được đón nhận nghề Đông y gia truyền của cụ Lang Cót về trạm. Trực tiếp làm đông y có cụ lương y Nguyễn Đình Tứ, cụ lương y Nguyễn Thị Hoàn (cụ Thơ Tuyên), một thời gian sau có thêm cụ lương y Nguyễn Đình Toàn, cả 3 cụ đều là con cháu cụ Lang Cót. Lúc này 2 xã Thượng Mão và Hoài Đức đã sáp nhập thành xã Hoài Thượng và tên gọi của trạm là Trạm y tế xã Hoài Thượng. Cơ sở vật chất có thêm một dãy nhà cấp 4 hướng Đông, trang bị nhìn chung còn nghèo nàn.
Năm 1967, Trạm y tế được bổ sung 3 y sỹ chính quy là Y sỹ Lê Thế Trường (quê thôn Bình Cầu) là trạm trưởng, Y sỹ Nguyễn Thị Tuyến (Đại Mão) là trạm phó cùng Y sỹ Lê Thj Chanh là chuyên môn; ông Huyên, ông Tạc, bà Dung, là Y tá và bà Vũ Thị Lạc vẫn làm hộ sinh. Cơ sở vật chất được xây thêm một số dãy nhà cấp 4 và bổ sung thêm trang thiết bị, nhưng không đáng kể.
Năm 1992, ông Lê Thế Trường, trạm trưởng; bà Nguyễn Thị Tuyến xin nghỉ hưu (hưu xã), các cụ lương y Nguyễn Đình Tứ và cụ Thơ Tuyên và một số thầy thuốc tuổi cao đã nghi hoặc đã từ trần. Số lượng cán bộ nhân viên giảm hẳn, chỉ còn 4,5 người.
Những năm gần đây, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng Trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, Trạm y tế xã Hoài Thượng được xây dựng kiên cố 2 tầng vẫn trên khu vực đất ban đầu nhưng diện tích thu hẹp hơn, chỉ còn 1077,5 m2. Trạm được trang bị máy siêu âm xách tay, kính hiển vi, giường nằm cho bệnh nhân, hệ thống tủ thuốc và một số trang thiết bị thiết yếu. Đội ngũ cán bộ nhân viên của trạm có Trạm trưởng là bác sỹ, một trạm phó, một nhân viên phụ trách công tác Dân số KHHGĐ, 5 nhân viên y tế khác. Tất cả các cán bộ nhân viên của trạm đều được tuyển dụng là viên chức và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Nhìn lại chặng đường 62 năm xây dựng và trưởng thành, Trạm y tế xã Hoài Thượng đã trải qua bao thăng trầm.
* Những niềm vui và tự hào:
Trước hết về thành tựu đạt được: Trạm y tế xã Hoài Thượng có đội ngũ cán bộ y tế có trình độ chuyên môn vững vàng, chuyên tâm và say mê với nghề nghiệp. Tiêu biểu như Y sỹ trạm trưởng Lê Thế Trường, Y sỹ trạm phó Nguyễn Thị Tuyến cùng các nhân viên y tế khác rất giỏi về tây y. Ông Tạc, ông Huyên, bà Chanh … họ là những thầy thuốc luôn tận tụy vời nghề. Những năm trước đây, đời sống người dân còn khó khăn, các bệnh viện tuyến trên còn mỏng những lúc ốm đau, những khi tai nạn cần cấp cứu trước hết họ đều đến trạm y tế để được cứu chữa, trường hợp nặng họ mới đề nghị chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.
Về nhiệm vụ hộ sinh có cụ Vũ Thị Lạc, một nữ hộ sinh tiêu biểu gần như cả đời cụ gắn bó với nghề. Cụ Lạc được học nghiệp vụ hộ sinh từ thời Pháp. Trong kháng chiến, cụ theo cụ ông tham gia nghề hộ sinh tại vùng kháng chiến huyện Phú Bình (Thái Nguyên). Hòa bình lập lại, cụ cùng cụ ông và các con trở về quê hương và tham gia hộ sinh tại quê hương. Ngay sau khi thành lập trạm y tế xã, cụ là một trong những người đầu tiên tham gia công việc hộ sinh tại trạm y tế xã. Từ năm 1954 đến năm 1987, cụ đã đỡ đẻ cho hàng nghìn ca thành công. Nhiều ca đẻ khó nhưng bằng đôi bàn tay “vàng”, cụ đã dùng các thủ thuật biến nguy thành an. Trong xã Hoài Thường một số gia đình có cả 3 thế hệ đều cất tiếng khóc chào đời trên đôi tay cụ.
Trạm y tế xã Hoài Thượng còn có một nghề chuyên môn đặc biệt là Đông y mà rất ít nơi có, đó là nghề thuốc gia truyền của cụ Lang Cót. Theo nhà giáo Nguyễn Đình Chử (là chồng bà Tuyến, trạm phó và là cháu nội của cụ Lang Cót) thì cụ Lang Cót là đời thứ 6 được tiếp nhận nghề do các cụ đời trước truyền lại. Đên khi cụ Lang Cót hành nghề thì nghề này được phát triển, nổi tiêng cả vùng. Thày giỏi thuốc tốt, cụ điều trị được các bệnh như Tê thấp, thấp khớp, sai khớp do tai nạn, bệnh "dò xương" do nhiễm trùng, bệnh của phụ nữ (kinh nguyệt không đều). Ông Chử lúc còn trẻ đã chứng kiến bà nội (cụ Lang Cót) điều trị cho một thanh niên 16 tuổi bị ngã gãy xương ống tay, phần xương gãy nhọn như mũi mác đâm thủng cả phần cơ và da. Bằng những lá thuốc cụ kiếm được ở các khu vườn, bờ rào trong làng, cụ Lang Cót đã đắp 3 lá thuốc và sau 3 tuần vết xương cơ bản liền sẹo, phần xương gãy cơ bản liền, bệnh nhận cử động được. Năm 1963, 2 cụ lương y là Nguyễn Đình Tứ và cụ Nguyễn Thị Thơ Tuyên đã mang nghề từ gia đình về trạm y tế phục vụ cho bà con. Bệnh nhân đến điều trị tại trạm y tế xã không chỉ là người trong địa phương mà nhiều người bệnh từ khắp các huyện, tỉnh bạn sau khi chữa chạy nhiều nơi không khỏi, nghe tin môn thuốc gia truyền cụ Lang Cót, họ đã tìm về và được điều trị thành công, trong đó có cả các vị là sỹ quan cao cấp trong quân đội. Sau khi 2 cụ lương y là cụ Tứ, cụ Thơ Tuyên tuổi cao xin nghỉ, cụ Nguyễn Đình Toàn vẫn tiếp tục phục vụ bà con tại trạm y tế. Đến nay các cháu cụ Lang Cót trong đó có gia đình ông Chử và bà Tuyến vẫn duy trì được môn thuốc này. Thương hiệu được đăng ký bản quyền Thuốc xoa bóp “Bà Lang Cót”.
Những thành tựu của Trạm y tế xã Hoài Thượng rất nhiều, trước hết phải kể đến đóng góp của đội ngũ hàng chục thày thuốc đã công tác, cống hiến tại trạm nhiều chục năm. Những năm công tác tại trạm, họ thực hiện nhiệm vụ không khác một viên chức trong ngành y tế, làm đủ 8 giờ/ngày và 7 ngày/tuần. Hàng tuần còn trực đêm để sẵn sàng cấp cứu người bệnh. Với người làm hộ sinh như cụ Vũ Thị Lạc thì người sản phụ sinh nở bất kể ngày hay đêm, bất kể điều kiện thời tiết nào và cụ hầu như có mặt tại trạm. Tuy nhiên chế độ đãi ngộ của nhà nước đối với họ thật là rất thấp. Gọi là “lương” nhưng họ đâu có được hưởng như biên chế nhà nước. “Lương” của họ do ngân sách cấp xã chi trả. Lấy ví dụ như bà dì tôi có trình độ Y sỹ, học chính quy 3 năm, là trạm phó nhưng “lương” tháng chỉ đủ tiền mua 3 ca gạo (khoảng 4,2 kg), sau này có khá hơn thì lương tháng cũng chỉ mua được khoảng một yến gạo (10 kg). Vậy mà bà Tuyến vẫn phải cùng chồng là một thày giáo cấp 2 nuôi 4 đứa con, vẫn lạc quan, tâm huyết với nghề. Năm 1993, sau 26 năm công tác, dì tôi nghỉ hưu theo chế độ nhưng hưởng lương hưu từ ngân sách xã, mà ngân sách xã thì gặp khó khăn nên thường chậm trả. Dì tôi cũng như các cán bộ y tế khác phải bươn trải kiếm sống nuôi các con trưởng thành. Đến nay mặc dù đã ở tuổi gần “bát tuần” dì tôi vẫn mở cửa hàng Dược, bán một số loại thuốc thông thường và vẫn tư vấn sức khỏe cho bà con trong làng. Cửa hàng thuốc của dì tôi lúc nào cũng rộn rã tiếng nói cười không chỉ của người mua thuốc mà còn là của các cụ, các bà nghiện trầu cau, thế hệ của các “cô hàng xén răng đen, cười như mùa thu tỏa nắng” trong bài thơ Bên kia sông Đuống của Thi sỹ Hoàng Cầm quê tôi.
Ngày nay, nhờ đường lối đổi mới của Đảng và nhà nước, hệ thống y tế của Việt Nam đã có bước tiến bộ vượt bậc với đội ngũ các thày thuốc giỏi, hệ thống bệnh viện được hoàn thiện từ trung ương đến cơ sở, nhiều bệnh viện tư nhân được hình thành theo hướng xã hội hóa, trang thiết bị được đầu tư hiện đại, chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ nhân viên y tế được quan tâm. Nhiều thành tựu y khoa của Việt Nam đã ngang tầm thế giới, điển hình như thành tựu về phòng chống dịch covid 19 hiện nay.
* Những băn khoăn còn đó:
Nhiều cán bộ, nhân viên y tế của Trạm y tế xã Hoài Thượng từ những ngày mới thành lập đến nay tuổi đã rất cao, nhiều người đã là “người thiên cổ”. Số còn lại đang được hưởng lương hưu nhưng đồng lương hưu rất thấp và chậm trả. Những cán bộ, nhân viên y tế tại các trạm y tế sau gần 30 năm hành nghề khi nghỉ hưu lại được hưởng lương hưu từ ngân sách xã. Họ rất mong nhà nước quan tâm để họ được hưởng lương hưu theo ngạch bậc chuyên môn từ ngân sách nhà nước.
Đất đai của trạm y tế xã Hoài Thượng lúc ban đầu có diện tích rất lớn, khoảng hanhgf hecta, nay bị thu hẹp chỉ còn tren 1000 m2 do địa phương chuyển đổi sang đất ở cho hàng chục hộ. Trên khuôn viên đất của trạm dù đã được cấp sổ đỏ vẫn tồn tại vài ki ốt do UBND xã ký hợp đồng cho người địa phương, tiền cho thuê đất trạm y tế cũng không biết đi đâu, gây ảnh hưởng đến việc đi lại khi có xe cấp cứu người bệnh, vườn thuốc nam của trạm. Trạm y tế đã đề nghị UBND xã thu hồi đất do xã hợp đồng để trả lại cho trạm mà nhiều năm nay chưa được giải quyết.
Đầu tư cho trạm y tế tuyến xã là đầu tư cho công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe ban đầu, giảm bớt áp lực cho y tế tuyến trên, đầu tư cho y tế là đầu tư cho con người, là đầu tư cho sự phát triển. Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2/2020, những người thầy thuốc tuyến cơ sở xã tôi bên cạnh niềm phấn khởi, tự hào nhưng vẫn canh cánh những băn khoăn mong được các cấp quan tâm giải quyết.
Nhân kỷ niệm 65 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam, những người thầy thuốc rất yên tâm khi nghe Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: “Phải coi Y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng, y tế chuyên sâu đồng bộ y tế cộng đồng, gắn y học cổ truyền với y học hiện đại, quân y với dân y”. Họ rất vững niềm tin ở con đường và sự nghiệp vẻ vang mà họ đã lựa chọn./.

Thứ Hai, 2 tháng 3, 2020

Bài của KTS Nguyễn Huy Phách ( Quê Mão Điền )

Chia tay với anh Phạm Đình Nghĩa về cõi vĩnh hằng- một người cả đời trăn trở với nghề XD, tâm huyết với quê hương- đọc lại bài viết cũ nhân kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh
QUY HOẠCH THỊ XÃ BẮC NINH NĂM 1997,
CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ
                                              KTS. NGUYỄN HUY PHÁCH
Bức tranh đô thị là kết quả của các nhà hoạch định chính sách, các nhà lãnh đạo, kết quả của ý đồ sáng tạo trong những đồ án của các kiến trúc sư, các nhà quản lý... mà ở đó vai trò cực kỳ quan trọng là của người dân trong việc tổ chức môi trường sống, xây dựng và cải tạo đô thị.
Ngược dòng thời gian cách đây hai thập niên, từ trung tuần tháng 9 năm 1996, trước khi có Nghị quyết của Quốc hội khoá IX về việc tách tỉnh Hà Bắc (ngày 6-11-1996), Chủ tịch UBND tỉnh Hà Bắc Ngô Đình Loan sớm ý thức được những công việc gấp gáp, nặng nề cho tỉnh mới. Việc nghĩ tới đầu tiên là công tác quy hoạch cho thị xã Bắc Ninh, bởi từ khi sáp nhập 34 năm, nó không còn là thị xã tỉnh lỵ nữa, người dân vẫn thường gọi vui là “thị xã đèn dầu”, đến năm 1996 vẫn chưa có nước máy sạch để dùng. Rồi sẽ rất lúng túng nếu sau khi tái lập tỉnh không kịp có những định hướng làm cơ sở pháp lý cho việc chuẩn bị đầu tư xây dựng các cơ quan, công sở; xây dựng nhà ở cho nhu cầu tái định cư; xây dựng hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị. Làm sao cho phù hợp giữa trước mắt với lâu dài, giữa cục bộ và toàn cục. Nếu không có quy hoạch, dễ gây ra chắp vá, tốn kém do những đòi hỏi cấp thiết để ổn định cuộc sống, ổn định xã hội.
Trăn trở và trách nhiệm, lắng nghe những ý kiến tâm huyết của cơ quan chuyên môn, lãnh đạo tỉnh, trong đó trực tiếp là Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Đình Loan. Để làm quy hoạch sao cho có được tầm nhìn phát triển có tính dự báo khoa học, tính khả thi cao, tầm nhìn phát triển dài hạn cho miền đất Bắc Ninh sống và phát triển bền vững cho nhiều thế hệ mai sau. Ông Loan chủ động cùng với lãnh đạo sở Xây dựng Hà Bắc, trực tiếp là Phó Giám đốc sở, Kỹ sư Phạm Đình Nghĩa ra Viện quy hoạch Đô thị và Nông thôn, Bộ Xây dựng đặt vấn đề lập quy hoạch thị xã Bắc Ninh. Hiểu rõ yêu cầu cấp thiết của tỉnh, Viện chấp nhận và cử KTS. Lã Thị Kim Ngân chủ trì cùng các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm của Viện để nghiên cứu.
Quá trình lập quy hoạch cũng là một cuộc chiến quyết liệt với thời gian (thông thường phải mất 9 tháng đến 1 năm). Với Bắc Ninh, chúng tôi yêu cầu làm trong 3 tháng, trên cơ sở tận dụng tối đa các số liệu đo đạc cũ, kể cả bản đồ quân sự rồi sẽ bổ sung tiếp sau. Trong quá trình làm còn có nhiều ý kiến trái chiều, đến nỗi có lúc anh chị em KTS phải mang tài liệu về nhà nghiên cứu
Tới ngày 16 tháng 10 năm 1996, tỉnh mở hội nghị thông qua ý tưởng của các phương án quy hoạch tại trụ sở UBND thị xã Bắc Ninh cũ, thành phần gồm các lãnh đạo chủ chốt quê ở Bắc Ninh (có thêm Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư Hà Bắc cùng dự). Công việc lúc đó diễn ra rất dân chủ, công khai, minh bạch, tập trung trí tuệ nhiều người. Ngoài cán bộ của Sở Xây dựng, của Viện Quy hoạch quốc gia, còn có cả sự tham gia của các vị lãnh đạo tỉnh, các ngành, các huyện, thị xã và các chuyên gia tư vấn, phản biện, kể cả các vị lão thành cách mạng, các vị nguyên là lãnh đạo cũ của Bắc Ninh, Hà Bắc về những vấn đề lớn như tính chất, chức năng đô thị, lựa chọn định hướng phát triển không gian… cho thành phố Bắc Ninh tương lai.
Hội nghị được nghe cơ quan tư vấn trình bày và thảo luận rất sôi nổi. Theo đó, vùng nội thị được ưu tiên đầu tư ban đầu là nối khu vực Thị Cầu-Vũ Ninh với Đại Phúc (phường Suối Hoa hiện nay); phát triển Bồ Sơn-Khả Lễ-Hoà Đình của Võ Cường; kết nối Thành Cổ- Vệ An qua Y Na đến Phúc Sơn, Cổ Mễ. Riêng khu trung tâm chính trị- hành chính của tỉnh cũng được bàn luận nhiều, có cả ý kiến giữ nguyên khu thị xã cũ làm trụ sở UBND tỉnh, còn Tỉnh uỷ sẽ về khu nhà nghỉ Suối Hoa. Có 3 phương án mới là: Khu vực sau Đọ Xá (vị trí Đài tưởng niệm hiện nay); khu sau Gò Đỏ, cuối đường Dây Diều cũ (Ngã Sáu hiện nay) và phương án chọn là cánh đồng xã Vũ Ninh, lấy trục thần đạo theo hướng Núi Đèo-Đồi Nác (Văn Miếu). Hội nghị nhất trí cao và yêu cầu đơn vị tư vấn khẩn trương hoàn chỉnh.
Tái lập tỉnh Bắc Ninh 1-1-1997 là một mốc son đánh dấu bước khởi đầu một quá trình chuyển động toàn bộ đời sống kinh tế, xã hội... của cộng đồng dân cư trong tỉnh, nhất là đối với thị xã tỉnh lỵ. “Tỉnh Bắc Ninh được tái lập, đánh dấu một sự kiện lịch sử quan trọng, đáp ứng tình cảm nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân Bắc Ninh, phù hợp với yêu cầu đổi mới…” (Phát biểu của Bí thư Tỉnh uỷ lâm thời Ngô Đình Loan trong diễn văn ngày tái lập tỉnh). Ngày vui đó, nhân dân Bắc Ninh với không khí hồ hởi, phấn khởi, cờ hoa rực rỡ thì lãnh đạo tỉnh và những người xây dựng chúng tôi thực sự lo lắng và trăn trở với trách nhiệm của mình, bởi quê hương đang kỳ vọng nhiều ở sự kiện lịch sử trọng đại này.
Sau nhiều lần tham gia chỉnh sửa (ngày 22-1-1997 thông qua Thường vụ Tỉnh uỷ lần cuối cùng), đến ngày 19 tháng 2 năm 1997 cũng là ngày hội Lim 13 tháng Giêng, tại Bộ Xây dựng (Hà Nội) mở hội nghị thông qua quy hoạch chung thị xã Bắc Ninh. Với bộ hồ sơ đồ sộ và những kiến giải sâu sắc, cùng với những ý kiến phản biện tâm huyết của các chuyên gia đầu ngành, coi như bộ xương sống của thành phố Bắc Ninh tương lai được định hình. Chọn hướng phát triển không gian đô thị, bố cục không gian đô thị có tính khả thi, từ việc bố trí trung tâm hành chính tới các khu nhà ở, khu công nghiệp, hướng phát triển thành phố tương lai... Đô thị hoá đồng hành với công cuộc công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước, tất cả được lý giải biện chứng và khoa học. Quy hoạch hướng tới sự bền vững. Chọn hướng cho những trục đường mới mở ra các phía của yêu cầu phát triển đô thị.
Việc mở ra các trục không gian lớn khang trang ở quy hoạch khu trung tâm thành phố thể hiện một tầm nhìn rộng nhằm đáp ứng những yêu cầu phát triển lớn trong tương lai. Khu vực này sẽ tiêu biểu cho “hồn vía” của đô thị cả về kiến trúc cảnh quan, cả về lối sống và văn hóa. Các công trình công sở sẽ đặt chủ yếu ở khu trung tâm sẽ có những vị trí thích hợp với tầm nhìn tốt sẽ tạo được không gian hoành tráng và bề thế. Cũng có ý kiến lo rằng việc mở rộng không gian lớn như vậy là quá mức cần thiết so với quy mô đô thị (sợ mất nhiều đất nông nghiệp), tuy nhiên nếu nhìn đến yêu cầu phát triển trong tương lai của đô thị nhiều tiềm năng này thì cũng có thể coi việc mở rộng là thực sự hợp lý. Nằm ở vị trí không xa trung tâm thủ đô, Bắc Ninh chắc chắn sẽ có tốc độ phát triển nhanh, nhiều yêu cầu xây dựng lớn có tác dụng giảm tải cho thủ đô là điều diễn ra trong tương lai gần.
Ngay cả vị trí tượng đài Vua Lý Thái Tổ cũng được giành hẳn một vị trí trang trọng của trục thần đạo dự kiến sau này sẽ mang tên Người, cũng xuất phát từ nhận thức: Không gian đô thị, kiến trúc cảnh quan và điêu khắc là ba yếu tố quan trọng làm nên vẻ sang trọng, khẳng định sự phát triển và bộ mặt của đô thị tương lai. Thực tế trả lời: những quyết sách trong lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh lâm thời là bước đi ban đầu đúng hướng, đột phá mở đường cho sự phát triển bộ mặt của thành phố Bắc Ninh.
Thời gian không dài, nhưng đô thị Bắc Ninh dẫu còn non trẻ cũng hiện dần lên bộ mặt của nó, với hầu hết các công sở được xây dựng mới, khang trang và bề thế hơn. Nhìn chung khai thác những nét tinh hoa của kiến trúc truyền thống kết hợp trong kiến trúc hiện đại, ở đó biết khai thác yếu tố mái ngói một cách sáng tạo, giản dị, mực thước mà cũng rất tinh tế, sắc sảo trong cốt cách của ngôi nhà Việt. Hai công trình được coi là bộ mặt của tỉnh là trụ sở HĐND & UBND tỉnh và trụ sở Tỉnh uỷ (được tặng Giải thưởng Kiến trúc quốc gia) được nghiên cứu khá nhuần nhuyễn khi sử dụng hệ mái dốc và nét hài hoà trong bố cục mặt bằng, mặt đứng công trình. Là công sở nhưng cũng là công trình văn hoá, nó gần gũi, ấm cúng với mọi người trên một khu đất được coi là đắc địa. Công trình đầu não của tỉnh ở một miền đất có bề dày lịch sử văn hoá, nền nếp “có lịch có lề” thì có được sự hài hoà là một triết lý sống mang tính truyền thống, mãi là một bài học quý giá ./.
NHP