Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2019

Bí mật về quốc gia hạnh phúc nhất thế giới



Bí mật về quốc gia hạnh phúc nhất thế giới

(Dân trí) - Không phải là quốc gia giàu có với nền kinh tế vững mạnh, thậm chí khá cô lập với thế giới, nhưng sự hạnh phúc mà người dân Bhutan có được không phải nơi nào cũng có.

Không giàu có, khá cô lập với thế giới, nhưng Bhutan vẫn là quốc gia hạnh phúc nhất
Đất nước đẹp như tranh nằm ở phía nam Trung Quốc từng đóng cửa với khách du lịch nước ngoài cho tới năm 1974. Đó là Bhutan, một trong những quốc gia bí ẩn, không có nền kinh tế vững mạnh thậm chí xếp hạng thấp nhất thế giới, nhưng người dân ở đây vẫn rất hạnh phúc.
Điều gì làm nên một Bhutan hạnh phúc đến như vậy?
Một quốc gia với chỉ số hạnh phúc cao
Tại Bhutan, chính phủ đưa ra Chi số hạnh phúc quốc gia (Gros National Happiness) để đo mức độ hài lòng với cuộc sống của người dân. Ủy ban Hạnh phúc quốc gia tại Bhutan được thành lập năm 2008.
Bí mật về quốc gia hạnh phúc nhất thế giới - 1
Bí mật về quốc gia hạnh phúc nhất thế giới - 2
Bhutan - quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao
Thậm chí, nhà Vua Bhutan từng nói rằng, Chỉ số hạnh phúc quốc gia còn quan trọng hơn cả GDP (Tổng sản phẩm quốc nội). Có thể thấy, chính phủ luôn ý thức việc mang lại sự hạnh phúc cho người dân trong cuộc sống hàng ngày.
Nơi không có người vô gia cư, y tế giáo dục miễn phí hoàn toàn và cấm thuốc lá
Người vô gia cư xuất hiện ở bất cứ nơi nào trên thế giới, ngay cả những quốc gia có nền kinh tế hùng mạnh như Mỹ, Nhật Bản, Đức..., nhưng ở Bhutan thì không.
Bí mật về quốc gia hạnh phúc nhất thế giới - 3
Đến với quốc gia này, du khách sẽ không nhìn thấy cảnh những người lang thang ngủ vạ vật ngoài đường phố. Tại đây, nếu một người dân bị mất nhà, họ sẽ tới tìm gặp nhà Vua để xin cấp một mảnh đất - nơi có thể xây nhà, trồng trọt và bắt đầu lại cuộc sống.
Bí mật về quốc gia hạnh phúc nhất thế giới - 4
Trẻ em được học hành miễn phí
Nói về câu chuyện giáo dục và y tế, đây cũng là quốc gia miễn phí hoàn toàn những dịch vụ này cho cư dân. Chính phủ Bhutan dành khoảng 18% ngân sách dành cho việc cung cấp giáo dục và chăm sóc y tế miễn phí cho tất cả người dân bản địa.
Và một điều lý tưởng khác, Bhutan cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới nói không với thuốc lá. Năm 2004, Bhutan cấm bán thuốc lá trên cả nước, cấm hút thuốc lá tại các địa điểm công cộng, thậm chí tụ điểm ăn chơi giải trí.
Bí mật về quốc gia hạnh phúc nhất thế giới - 5
Quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm thuốc lá
Ban đầu, lệnh cấm được cho là không triệt để. Chính bởi vậy, vào năm 2010, chính phủ Bhutan tiếp tục thông qua Luật kiểm soát thuốc lá.
Cụ thể, hành vi hút và nhai thuốc lá bị quy thành tội, không được nộp tiền tại ngoại. Những đối tượng vi phạm có thể nhận phạt tù 3 năm. Nếu khách quốc tế tới đây muốn mang theo thuốc lá đều phải trả thêm chi phí rất đắt đỏ.
Quốc gia quan tâm đến bảo tồn tự nhiên, yêu động vật
Khó có nơi nào trên thế giới sở hữu 60 % diện tích lãnh thổ là rừng bao phủ, 1/4 diện tích là công viên quốc gia như ở Bhutan. Từ lâu, quốc gia này đã quan tâm tới hệ sinh thái và thiên nhiên.
Môi trường là vấn đề rất quan trọng với người dân. Hành vi như chặt cây đều bị cấm, trừ khi được cho phép đặc biệt. Người dân được khuyến khích tự trồng cây để lấy củi và gỗ phục vụ xây dựng.
Năm 2015, Bhutan đã lập kỷ lục thế giới khi người dân trồng thêm 50.000 cây xanh chỉ trong 1 giờ.
Bí mật về quốc gia hạnh phúc nhất thế giới - 6
60% lãnh thổ đất nước là rừng xanh bao phủ
Đây cũng là quốc gia yêu động vật. Câu cá hay săn bắt động vật đều bị cấm, với mức phạt tương tự nhưng hành vi chặt phá cây xanh.
Bí mật về quốc gia hạnh phúc nhất thế giới - 7
Vẻ đẹp của một cô gái Bhutan
Kết quả của một cuộc khảo sát thực hiện khách đây không lâu cho thấy, môi trường trong lành, cảnh quan yên bình, ý thức và lòng tự tôn dân tộc khiến người dân Bhutan hạnh phúc, thoải mái, cho dù có thể chưa giàu có như nhiều quốc gia khác.
Huy Hoàng
Theo Lifehack/ Giveitlove

Thứ Tư, 25 tháng 12, 2019

Nhớ người nữ hộ sinh


         NHỚ NGƯỜI NỮ HỘ SINH
            Hôm nay, ngày 25 tháng 12 năm 2019 (30 tháng 11 năm Kỷ Hợi) người dân quê làng Giữa lưu luyến tiễn một người con của quê hương về cõi vĩnh hằng. Người đó là Cụ Vũ Thị Lạc - thường gọi theo tên chồng là Bà Nhân ( Cụ ông là cụ Lê Doãn Nhân).
             Những người từ trên 50 tuổi trở lên, khi nói đến Bà Nhân, hay bà Vũ Thị Lạc hộ sinh, hiếm có người không biết.
           Cụ Vũ Thị Lạc, sinh năm 1917 tại thôn Hán Đà (xã Hán Quảng, Quế Võ, BN) trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Gia đình cụ đã được Nhà nước trao tặng bằng “Có công với nước”.  Lớn lên, cụ làm bạn đời với cụ ông Lê Doãn Nhân, người thôn Đại Mão, Hoài Thượng, Thuận Thành.
       Trong cuộc kháng chiến chống  thực dân Pháp, cụ cùng gia đình tản cư theo kháng chiến tại thôn Giếng Mật (xã Tân Hòa, Phú Bình, Thái Nguyên). Tại đây, cụ vừa làm nữ hộ sinh của xã, vừa tham gia kháng chiến trong một đơn vị quân nhu, đồng thời hỗ trợ và cùng cụ ông làm cán bộ y tế kháng chiến tại huyện Phú Bình (Thái Nguyên).
           Sau khi hòa bình lập lại trên miền Bắc, năm 1955 cụ cùng gia đình về  quê tại thôn Đại Mão, xã Thượng Mão (nay là xã Hoài Thượng, Thuận Thành, Bắc Ninh). Do mắc bệnh hiểm nghèo, cụ ông đã mất từ năm cụ bà mới 43 tuổi. Một mình vượt qua bao khó khăn, cụ đã nuôi dạy 6 người con trong thời chống Mỹ và bao cấp.
       Trong hơn 50 năm làm công tác trong ngành y tế, trong đó hơn 30 năm công tác tại xã Hoài Thượng, với các trang thiết bị y tế nghèo nàn lạc hậu thời bấy giờ, cụ liên tục là nữ hộ sinh của xã, trực tiếp đỡ đẻ cho hàng nghìn lượt bà mẹ. Các ca sinh nở đều được “mẹ tròn, con vuông”. Nhiều ca đẻ khó, với kinh nghiệm tích lũy được cộng với tấm lòng yêu người, yêu nghề cụ đã dùng thủ thuật để người sản phụ “vượt cạn” thành công.
            Tại xã Hoài Thượng, nhiều gia đình có 2 thế hệ, cá biệt có gia đình cả 3 thế hệ cất tiếng khóc chào đời trên hai bàn tay cụ, bà con nhân dân địa phương tôn vinh cụ là "Nữ hộ sinh có đôi bàn tay vàng".

             Sinh thời, cụ bằng lòng và tự hào khi các con cháu đều ngoan ngoãn, học tập công tác, đều phấn đấu, trưởng thành. Anh con trai đầu của cụ, Lê Doãn Thắng được du học tại Cộng hòa dân chủ Đức và Trung Quốc, học nghề sản xuất chân tay giả. Thừa hưởng gien khéo tay của mẹ, anh đã sản xuất nhiều bộ chân tay giả có chất lượng cao, đem lại niềm hạnh phúc cho nhiều đồng chí thương binh. Anh thứ hai, Lê Doãn Tiến đi bộ đội, hoàn thành nghĩa vụ về quê cũng khéo tay với nghề cơ khí. Con gái thứ ba, chị Lê Thị Thịnh học xong đại học Dược Hà Nội, về công tác tại Quảng Ninh. Con gái thứ tư, chị Lê Thị Bình, công tác trong ngành xây dựng tại Hà Nội. Người con trai thứ 5, anh Lê Doãn Quang học xong phổ thông, nhập ngũ, học sĩ quan chính trị, sau chuyển sang ngành Kiểm sát. Anh con trai út, Lê Doãn Đức công tác trong ngành công an. Các con cụ đều có chuyên môn, tay nghề vững vàng, nay đã tới lúc nghỉ hưu và yên bề gia thất. Các cháu của cụ đều ngoan ngoãn, học giỏi, đang công tác trong nhiều lĩnh vực. Gia đình cụ là một gia đình tiêu biểu, toàn diện: “Mẹ thì đôn hậu, gương mẫu; Con thì trai tài gái sắc, dâu hiền, rể thảo; Cháu thì ngoãn ngoãn, học hành tiến bộ” được mọi người xung quanh kính nể,cảm phục.
             Năm 1990, sau khi nghỉ hưu, cụ rời quê  ra sinh sống với vợ chồng anh con trưởng tại phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Tại đây cụ cũng rất tích cực tham gia các hoạt động của Hội Người Cao tuổi và CLB Thơ của khu phố.
             Xa quê, nhưng cụ luôn hướng về quê hương, cùng gia đình tham gia đóng góp, ủng hộ công đức xây dựng các công trình văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng, phúc lợi của quê hương, dòng họ.
             Với những đóng góp của cụ với Tổ quốc và nhân dân, 8 năm liền cụ đã được tăng danh hiệu Chiến sỹ Thi đua, nhiều Bằng Khen, Giấy Khen của các cấp lãnh đạo chính quyền và ngành Y tế. Cụ đã được  Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất. Năm cụ được 100 tuổi, cụ đã vinh dự nhận thiếp chúc tết của Chủ tịch nước.
            Sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù đã được các thày thuốc hết lòng cứu chữa, được các con cháu hết lòng chăm sóc, cụ đã tạ thế hồi 20h46 ngày 22/12/2019, thọ 103 tuổi. Hôm nay, gia đình đưa tro cốt cụ về an táng ở quê hương. Người dân làng Giữa nói riêng, người Hoài Thượng nói chung  xúc động  đón  cụ về  yên  tại Nghĩa trang nhân dân thôn Đại Mão.

Trong hình ảnh có thể có: 1 người
           Nhớ một công dân cao tuổi đáng kính, có nhiều công lao to lớn với đất nước và làng xã, quê hương,  mọi người xin chia buồn cùng gia đình và chúc cụ mãi thanh thản nơi ngàn thu cực lạc.

                                                                                    LÊ ĐÌNH NGẠN

https://static.xx.fbcdn.net/rsrc.php/v3/y4/r/-PAXP-deijE.gif







Thứ Hai, 23 tháng 12, 2019

Không nên cải tiến chữ quốc ngữ

“Không nên cải tiến chữ Quốc ngữ”

Dân trí Đó là đa số ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo khoa học “100 năm chữ Quốc ngữ” do Hội Ngôn ngữ học TPHCM tổ chức ngày 21/12. Hội thảo thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu, giảng viên về ngôn ngữ tham dự.
>>Chính phủ không có chủ trương cải tiến chữ quốc ngữ
>>GS. Phạm Quang Tuấn: “Không cần thiết cải biên chữ Quốc ngữ của Việt Nam”

“Không nên cải tiến chữ Quốc ngữ” - 1
Nhấn để phóng to ảnh
Hội thảo khoa học “100 năm chữ Quốc ngữ” do Hội Ngôn ngữ học TPHCM tổ chức ngày 21/12.
Phát biểu tại hội thảo này, GS.TS Đinh Văn Đức - Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội đã có báo cáo “Vài tiểu khúc về chữ quốc ngữ nhìn lại 100 năm nay”. Ông Đức phân tích chữ Quốc ngữ ghi âm theo âm vị học là một phát minh kỹ thuật, một âm vị có thể được ghi bằng một con chữ hoặc hơn thế. Độ vênh này là tất yếu và bình thường bởi các hệ ngôn ngữ Roman, German hay Slavian đều có chuyện tương tự.
“Sửa chữ viết là động đến văn hóa. Mà văn hóa thì bền vững và có bộ lọc cực kỳ tinh tế”, GS Đức khẳng định.
“Không nên cải tiến chữ Quốc ngữ” - 2
Nhấn để phóng to ảnh
GS.TS Trần Ngọc Thêm phát biểu ý kiến
GS.TS Trần Ngọc Thêm - ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cũng tán đồng với GS Đinh Văn Đức ở điểm “không thích cải tiến chữ Quốc ngữ”. Ở góc độ nghiên cứu văn hóa, ông Thêm khẳng định những dân tộc nào có văn hóa ổn định trong thời gian dài thì sẽ rất linh hoạt trong thời gian ngắn. Ông lấy bài học ở Trung Quốc, đó là từ chữ Phồn thể cải tiến một bước tạo ra thêm chữ Giản thể theo mục tiêu có lợi cho người dân học chữ nhanh hơn. Nhưng cái giá phải trả là một người muốn học chữ Trung Quốc phải vừa biết chữ Phồn thể và Giản thể, vất vả sẽ tăng thêm gấp đôi. Do đó ông Thêm nhấn mạnh “với chữ Quốc ngữ không nên thỉnh thoảng lại hô hào cải tiến”.
Còn GS Nguyễn Văn Hiệp - Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học thì bổ sung, quá trình xây dựng chữ quốc ngữ ghi âm bằng các con chữ châu Âu là một quá trình rất lâu dài, với sự góp sức của nhiều người, trong đó có người Việt. Các tài liệu cho thấy vào thế kỷ 17, chữ quốc ngữ bắt đầu có diện mạo bước đầu ổn định, nhất là khi xuất bản cuốn Từ điển Việt - Bồ - La của Alexandre de Rhodes.
“Không nên cải tiến chữ Quốc ngữ” - 3
Nhấn để phóng to ảnh
Các đại biểu chia sẻ nhiều thông tin thú vị về lịch sử chữ Quốc ngữ
“Trong tình hình chữ Quốc ngữ đang vận hành hiệu quả như hiện nay, Viện Ngôn ngữ học cho rằng hoàn toàn không nên và không cần thiết có bất kỳ cải tiến nào đối với chữ Quốc ngữ”, ông Hiệp chia sẻ.
Phát biểu mang tính tổng kết hội thảo, nhà giáo Trần Chút, Chủ tịch danh dự Hội Ngôn ngữ học TP.HCM, cho rằng không nên thực hiện cải cách chữ Quốc ngữ.
“Không nên cải tiến chữ Quốc ngữ” - 4
Nhấn để phóng to ảnh
Nhà giáo Trần Chút, Chủ tịch danh dự Hội Ngôn ngữ học TP.HCM phát biểu
“Chữ Quốc ngữ là thành quả được khởi tạo từ công lao của các giáo sĩ phương Tây đầu thế kỷ 17 như Francisco de Pina, Gaspar de Amaral, Antonia Barbosa... Bằng việc hợp, chỉnh lý, bổ sung thành quả của lớp người đi trước qua các tác phẩm Từ điển Việt - Bồ Đào Nha - Latinh và Phép giảng tám ngày năm 1651, Alexandre de Rhodes là người có công tổng kết giai đoạn hình thành của chữ tiếng Việt bằng hệ thống chữ cái Latinh”, ông Trần Chút khẳng định.
Theo ông Chút, thực tế cho thấy từ tiến trình lịch sử, dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã tự nguyện lựa chọn chữ Quốc ngữ làm chữ viết tiếng Việt. Giá trị của chữ Quốc ngữ càng được nâng cao khi được dùng làm cơ sở để xây dựng hệ thống chữ viết cho nhiều ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở nước ta. Có thể khẳng định chữ Quốc ngữ là chữ viết quốc gia của Việt Nam.
“Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 xác định tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia. Chữ Quốc ngữ là chữ viết tiếng Việt. Điều đó có nghĩa là Hiến pháp cũng đã công nhận chữ Quốc ngữ là chữ viết quốc gia”, ông Chút nhấn mạnh.
Chủ tịch danh dự Hội Ngôn ngữ học TP.HCM cũng chia sẻ, mọi người đã biết Quốc hội có chủ trương xây dựng luật Ngôn ngữ. Có thể nghĩ rằng liên quan đến chữ Quốc ngữ, luật Ngôn ngữ tối thiểu có mấy nội dung chủ yếu như khẳng định chữ Quốc ngữ là chữ viết quốc gia, ghi rõ ràng chữ cái, các dấu thanh và tên gọi của chúng trong hệ thống chữ Quốc ngữ. Đồng thời xác định quy tắc cơ bản của chính tả tiếng Việt theo chữ Quốc ngữ.
Lê Phương

Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2019

Bài thơ cho trẻ lên 6- Tản Đà viết cách đây 100 năm

Còn mấy ai có nhớ bài thơ này của Tản Đà viết cho trẻ con lên sáu (Bài này viết cách đây đúng 100 năm, 1919 - 2019):

Sách quốc ngữ

Chữ nước ta,
Con cái nhà
Đều phải học.
Miệng thì đọc
Tai thì nghe
Đừng ngủ nhè
Chớ láu táu
Con lên sáu
Đang vỡ lòng
Học cho thông
Thầy khỏi mắng.

Trong trời đất

Nhất là người
Ở trên đời
Hơn giống vật
Con bé thật
Chưa biết gì
Còn ngu si
Phải dạy bảo
Cho biết đạo
Mới nên thân
Sau lớn dần
Con sẽ khá

Ai đẻ ta

Cha cùng mẹ
Bồng lại bế
Thương và yêu
Ơn nhường bao
Con phải ngẫm
Áo mặc ấm
Mẹ may cho
Cơm ăn no
Cha kiếm hộ
Cha mẹ đó
Là hai thân

Hai thân là

Là thân nhất
Trong trời đất
Không ai hơn
Con biết ơn
Nên phải hiếu
Nghĩa chữ hiếu
Đạo làm con
Con còn non
Nên học trước
Đi một bước
Nhớ hai thân

Con còn nhỏ

Có mẹ cha
Lúc vào ra
Được vui vẻ
Con còn bé
Mẹ hay chiều
Thấy mẹ yêu
Chớ làm nũng
Đã đi học
Phải cho ngoan
Hay quấy càn
Là chẳng hiếu.

Con còn bé

Mẹ hay lo
Ăn muốn cho
Lại sợ độc
Con ốm nhọc
Mẹ lo thương
Tìm thuốc thang
Che nắng gió
Con nghĩ đó
Sao cho ngoan
Hay ăn càn
Là chẳng hiếu

Anh em ruột

Một mẹ cha
Mẹ đẻ ra
Trước sau đó
Cùng máu mủ
Như tay chân
Nên yêu thân
Chớ ganh tị
Em coi chị
Cũng như anh
Trước là tình
Sau có lễ

Người trong họ

Tổ sinh ra
Ông đến cha
Bác cùng chú
Họ nội đó
Là tông chi
Cậu vả dì
Về họ mẹ
Con còn bé
Nên dạy qua
Còn họ xa
Sau mới biết

Người trong họ

Có bề trên
Lạ hay quen
Đều phải kính
Có khách đến
Không được đùa
Ai cho quà
Đừng lấy vội
Ông bà gọi
Phải dạ thưa
Phàm người nhà
Không được hỗn

Con bé dại

Mãi vui chơi
Muốn ra người
Phải chăm học
Miệng đang đọc
Đừng trông ngang
Học dở dang
Đừng có chán
Học có bạn
Con dễ hay
Mến trọng thầy
Học chóng biết

Dậy con biết

Phép vệ sinh
Ăn quả xanh
Khó tiêu hoá
Uống nước lã
Có nhiều sâu
Áo mặc lâu
Sinh ghẻ lở
Mặt không rửa
Sinh u mê
Đang mùa hè
Càng phải giữ

Các giống vật

Thật là nhiều.
Như con hươu
Ở rừng cỏ
Như con chó
Nuôi giữ nhà
Con ba ba
Loài máu lạnh
Loài có cánh
Như chim câu
Còn loài sâu
Như bọ róm

Cây và cỏ

Có khác loài
Trông bề ngoài
Cũng dễ biết
Như cây mít
Có nhiều cành
Lúa,. cỏ gianh
Có từng đốt
Còn trong ruột
Lại khác nhau.
Vài nămn sau
Con biết kỹ

Đá bờ sông

Không sống chết
Không có biết
Không có ăn
Không người lăn.
Cứ nằm đây
Như đá cuội
Như đá xanh
Như mảnh sành
Như đất thó
Các vật đó
Theo loài kim

Các loài kim

Tìm ở đất
Nhất là sắt
Nhì là đồng
Làm đồ dùng
Khắp trong nước
Như vàng bạc
Càng quý hơn
Đúc lảm tiền
Để mua bán.
Ai có vạn
Là người giàu.

Vốn xưa là

Nhà Hồng Lạc
Nay tên nước
Gọi Việt Nam
Bốn nghìn năm
Ngày mở rộng
Nam và Bắc
Ấy hai miền
Tuy khác tên
Đất vẫn một
Lào, Miên, Việt
Là Đông Dương

Đầu trị nước

Đức Kinh dương
Truyển Hùng Vương
Mười tám chúa
Qua mấy họ
Quân Tàu sang
Vua Đinh hoàng
Khai nghiệp đế
Trải Đinh, Lý
Đến Trần, Lê
Nay nườc ta
Là nước Việt

Chữ nước ta
Ta phải học
Cho trí óc
Ngày mở mang
Muốn vẻ vang
Phải làm lụng
Đừng lêu lổng
Mà hư thân
Nước đang cần
Người tài giỏi
Cố học hỏi
Để tiến nhanh
Vừa ích mình
Vừa lợi nước
Chớ lùi bước
Là kẻ hèn
Nguồn: Lên sáu, Nghiêm Hàm ấn quán xuất bản, 1924