Thứ Hai, 15 tháng 6, 2020

CÁM ƠN ANH VINH NGHĨA



                 CÁM ƠN ANH VINH NGHĨA

          Cuối buổi chiều, sau một ngày oi nóng cuối tháng 5, tôi rất vui.Vui vì sau đợt dài nắng nóng, chiều nay mọi người đã được hưởng không khí mát mẻ, dễ chịu hơn. Vui vì chú em mang đến tận nhà cho tôi món quà mà anh Nguyễn Vinh Nghĩa từ TP HCM gửi ra. Đó là tập thơ “ Tự sự “.
            Anh là người Hà Nội gốc. Học phổ thông, anh đã là cán bộ Đoàn, rồi cán bộ Thành Đoàn. Trong những năm  chống Mỹ ác liệt, anh đã từng là lính lái xe vượt Trường Sơn vận chuyển người, vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Sau khi đất nước hòa bình, thống nhất anh chuyển sang công tác tại Cục đo đạc- bản đồ. Sinh ra trong một gia đình gia giáo, trưởng thành trên đất Cảng Hải Phòng, trải qua chinh chiến và nhiều năm sống tại thành phố Hồ Chí Minh, anh là một con người từng trải, đa tài, sống thân thiện và có trách nhiệm với người thân, bạn bè và  đồng đội. Anh cũng là người ham mê thể thao, nhất là môn thể thao xe đạp. Ngoài 70, hàng ngày anh vẫn đạp xe trên ba, bốn chục km. Anh cũng từng có những chuyến “phượt” bằng xe đạp hàng trăm km ra miền Bắc, miền Trung.
           Cộng đồng  người làng Đại Mão tại thành phố Hồ Chí Minh hiện có trên ba chục gia đình, coi anh Nghĩa như người cùng làng vì tấm lòng cởi mở, gần gũi, chân tình của anh.

           Quan hệ  với anh em trong gia đình chúng tôi, chú em tôi đã tâm sự: “Anh Nghĩa với gia đình chúng tôi là chỗ thân tình. Anh với anh Lê Đình Toán (anh con nhà bác ruột tôi) là anh em “cọc chèo”. Hai anh sống với nhau như an hem ruột.  Những năm trước đây, lần nào về thăm quê vợ (thôn Bình Cầu, cùng xã ) anh cũng đều dành thời gian tới thăm bố và chú bác tôi chu đáo.Nhiều năm qua các anh, chị, em, các cháu trong gia đình tôi cùng sống với gia đình anh tại Phường Bình An (Quận 2) đều coi vợ chồng anh như người thân thiết trong gia đình” ( Lê Thanh).

            Với riêng tôi, anh cũng dành tình cảm và để lại cho tôi nhiều kỷ niệm. Lần đầu được  gặp anh lâu nhất là năm 2001. Đó là lần thứ 2,3 gì đó có việc vào miền Nam, tôi đi vội môt chuyến xe đò cũ nát từ Phan Thiết vào SG.Nhà xe bỏ tôi giữa đường không vào đến bến. Lúc đó điện thoại di động còn rất hiếm. Tôi phải nhờ điên thoại dịch vụ ( điện thoại bàn ) ở một quán ven đường để liên hệ với gia đình chú em và anh. Anh được nhờ đi và đã đi đón tôi rất vất vả, gần sáng mới về đến nhà. Đợt ấy lần đầu tiên được anh cho tiếp cận với mạng intenet... Rồi anh động viên tôi viết, viết gì cũng được “ để cho vui”… Năm anh tới tuổi 70, tôi cũng viết bài “ Lục bát như ai” để chúc mừng anh. Bài thơ theo thể lục bát dễ làm, có vần “ ai” nhân một bài người khác mừng anh có một vần tương tự. Trong bài này, tôi muốn nói lên quy luật đời người, bẩy mươi xưa nay hiếm, sức khỏe sẽ dần suy giảm. Đặt câu hỏi : liệu anh có giống mọi người; và khẳng định anh khác người vì nhiều lẽ…Cảm ơn anh đã cho in kèm vào “ Tự sự” của anh!
            Nhiều lần được trò chuyện cùng anh, được anh kể cho nghe những chuyện “ một thời đạn bom, một thời hòa bình”. Hôm nay, được đọc bài “ Hẹn gặp “ của anh trên tập thơ, tôi lại nhớ một câu chuyện anh khoe, đó là đã được gặp văn nghệ sĩ tài ba Nguyễn Đình Thi ở chiến trường chống Mỹ. Được gặp một vĩ nhân đã là vinh hạnh rồi, nhưng lại được ông đọc “ Hẹn gặp” trên báo tường của đơn vị ở nơi gian khổ ác liệt, lại được ông khen thì quả là một kỷ niệm đáng tự hào của anh. Hai bài “ Hẹn gặp “ của anh, “ Lá đỏ” của Nguyễn Đình Thi đều mang, khái quát nguyện vọng giải phóng Sài Gòn, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước của toàn dân ta lúc đó. Một già một trẻ, những người tài hay có những ý tưởng lớn gặp nhau, nhất là người Hà Nội…

          
         Tháng 9 /2019, kỷ niệm 15 năm thành lập và ra mắt Tập thơ thứ 10 với tựa đề “Miền quê văn hiến”, CLB Thơ Ca Đại Mão có gửi tặng anh Nghĩa một tập thơ như một thành viên của CLB.
         Hôm tổ chức lễ kỷ niệm và giao lưu thơ, anh đã gửi ra một bài viết về cảm nghĩ nhân đọc” Miền quê văn hiến -10”. Bài viết của anh đã được hội viên Lê Đình Thanh trình bày tại buổi giao lưu, gặp mặt hôm ấy, đã góp phần cho nội dung buổi giao lưu gặp mặt thêm phong phú, ý nghĩa.
          Nhận định về tập thơ, nhà văn Đỗ Viết Nghiệm, (nguyên Trưởng đại diện phía nam –Tạp chí Văn nghệ Quân đội) đã trình bấy ngắn gọn, súc tích ở đầu tập thơ. Ở đây tôi chỉ muốn nhắc lại vài kỷ niệm với anh, một người lính, người cán bộ có tài, một người bạn tốt …Một lần nữa, xin cám ơn anh đã tặng thơ. Kính chúc anh chị, các cháu và gia đình luôn vui vẻ, mạnh khỏe, hạnh phúc!

                                                           Tháng 5 năm 2020
                                                               Lê Đình Ngạn
                     -------------------------------------
             Bài tham khảo
Lá đỏ - Lời hứa hẹn của tình yêu và niềm tin tất thắng
(ThanhtraVietNam) - Nguyễn Đình Thi là người đa tài ít gặp trong văn nghệ. Ông viết được văn, kịch, nhạc,phê bình lý luận văn học và viết được cả thơ. Thể loại mà ông tâm huyết nhất vẫn là thơ, bởi đối với ông: “Thơ là cái thiết tha, nhất của tôi, và cả cái tìm tòi rất khổ của tôi”.
Thơ Nguyễn Đình Thi mang cảm hứng về đất nước, nhân dân. Ông viết về đất nước gian khổ đau thương quật khởi và ngời sáng với chiều sâu lịch sử và mang tính khái quát bởi tầm cao thời đại.
Mùa thu năm 1974, Nguyễn Đình Thi cùng với nhà thơ Tế Hanh, Phạm Tiến Duật, nhà nhiếp ảnh Đinh Đăng Định theo đường mòn Hồ Chí Minh vào chiến trường Nam Bộ. Tại đây, ông đã chứng kiến hiện thực của cuộc chiến tranh khốc liệt “giữa nghìn tiếng nổ rung đêm lửa”. Sự hy sinh mất mát, đớn đau mà con người phải trải qua ở nhiều góc độ, khía cạnh, tầng bậc khác nhau… Nhưng cũng chính từ những tổn thất, đau thương, mất mát ấy lại hiện lên một vẻ đẹp diệu kỳ, lãng mạn của bức tranh thiên nhiên Trường Sơn đại ngàn giữa mùa trút lá.
Lấy hiện thực làm điểm tựa cho cảm xúc, những trải nghiện có thật đã tạo nên sự rung động thẩm mỹ trong tâm hồn bay bổng của Nguyễn Đình Thi. Bất ngờ, xúc động tác giả nhặt một chiếc lá đỏ ép vào cuốn sổ ghi chép và trong khoảnh khắc đó bài thơ được ra đời, và trở thành khúc ca ra trận dọc theo chiều dài đất nước.
 Lá đỏ
“Gặp em trên cao lộng gió
Rừng lạ ào ào lá đỏ
Em đứng bên đường, như quê hương
Vai áo bạc quàng súng trường
Đoàn quân vẫn đi vội vã
Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa
Chào em, em gái tiền phương
Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn”
                        (Trường Sơn, 12/1974)
“Trên cao” trong câu thơ không chỉ nói về vị thế địa lý (dốc cao, đèo cao) mà còn hàm ý về vị thế trong tư tưởng, trong tình cảm. “Cao” ở đây còn là cao quý, cao cả.
Câu tiếp theo “Rừng lạ, ào ào lá đỏ”. Từ “lạ” trong câu thơ đã gây ấn tượng mạnh, bởi lạ là vì mới gặp, lần đầu tiên thấy sắc đỏ rực lủa trong mùa Thu Tây Nguyên chăng? “Lạ” là một cảm giác rất đúng, rất chân thật”. “Lạ” vì giữa nơi chiến trường dữ dội như vậy lại xuất hiện những người em gái trẻ trung, mảnh mai nhưng rất đỗi kiên cường khi ngày đêm phải đối mặt với hiểm nguy dẫn đường cho xe băng qua những quảng đường khó và cái cảm giác lạ đó bỗng biến mất khi nhà thơ nhận ra hình của em thật gần gũi, thân thương bởi đó là em của quê hương, của nơi chốn ta quay về. Thêm nữa, hai từ “lộng gió” như lòng người rộng mở, niềm tin phơi phới chào đón những luồng gió cách mạng.
Trong không khí của cuộc cách mạng sục sôi và dưới ánh sáng của lý tưởng mới, hơn bao giờ hết hình ảnh người phụ nữ hiện lên với vẻ đẹp mới - vẻ đẹp của những con người đã được giải phóng, được tháo ra khỏi vòng cương tỏa của lễ giáo phong kiến, để hòa mình vào công cuộc chung của đất nước. Đó là những cô thanh niên xung phong trên tuyến lửa Trường Sơn: “Em đứng bên đường như quê hương/ Vai áo bạc quàng súng trường”. Hình ảnh “vai áo bạc” đã gợi ra biết bao tháng ngày mưa dầm nắng lửa ở núi rừng. Thế nhưng, những người con gái mảnh mai ấy vẫn vượt qua tất cả để có mặt chính tại đây, với súng trường quàng trên vai.
 Thanh niên xung phong Trường Sơn với niềm tin thắng lợi. Ảnh: Đoàn Công
Mặc dù nơi núi rừng, với mây mù giăng phủ, với gió lộng bạt ngàn, với buổi chiều lá đỏ, đâu đó ánh lửa của đạn bom và sáng rực trên nền trời, máu, nước mắt, hi sinh nhưng tất cả vì miền Nam ruột thịt, họ vẫn kiên trì, anh dũng bám trụ từng tất đất "... Đoàn quân vẫn đi vội vã/ Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa”.
Hai câu cuối cùng: “Chào em, em gái tiền phương, ơi em gái tiền phương. Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn!”. Đọc hai câu này ta như thấy cuộc gặp gỡ bất chợt thoáng qua với một không khí khẩn trương, nhanh vội nhưng không kém phần xúc động mãnh liệt, rồi để lại cho nhau lời hẹn quyết tâm chiến thắng. Sự thật và chính nghĩa luôn ở phía chúng ta, với tinh thần anh dũng bất khuất của những người con trai, con gái trên rừng Trường sơn năm ấy đã góp phần làm nên chiến thắng 30-4-1975, lá cờ Cách mạng được cắm trên nóc dinh Độc lập. Đây là thời điểm đánh dấu thành phố Sài Gòn - Gia Định hoàn toàn giải phóng. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Tái sinh đất nước, những chàng trai những “em gái tiền phương năm ấy” có bao người được gặp lại nhau và có bao nhiêu người phải lổi hẹn? Họ ra đi mãi mãi không về. Ôi! những tháng năm không thể nào quên, ngày càng thêm những nỗi nhớ, nỗi khát khao hiện lên cả ở trong giấc mơ của những người đồng đội: "Trường Sơn năm đợi tháng trông/ Ngày tìm đồng đội đêm nồng chiêm bao” (Đồng đội - Đinh Ngọc Du).
Những chiến sĩ, những “em gái tiền phương” năm ấy vẫn sống mãi trong tấm lòng biết ơn và trong những thắng lợi lớn lao của dân tộc hôm nay và ngày mai: “Đất nước/Của những người con gái, con trai/Đẹp như hoa hồng, cứng như sắt thép/Xa nhau không hề rơi nước mắt/Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt…” (Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi - Nam Hà).
Bài thơ Lá đỏ được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ sau đó không lâu. Trong những tháng ngày hừng hực khí thế chiến đấu của quân dân Việt Nam yêu nước để dẫn tới ngày chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975 đã đi vào lịch sử, Lá đỏ một bài ca hào hùng đầy tin tưởng và hy vọng đã được ghi sâu vào trái tim mọi người. Năm 2016, lấy cảm hứng từ ca khúc Lá đỏ (Nhạc Hoàng Hiệp, Thơ Nguyễn Đình Thi) và dựa trên những hiểu biết, cảm xúc của mình về sự hi sinh dũng cảm của 8 Thanh niên xung phong trong cuộc chiến tranh vệ quốc, Nguyễn Thị Hồng Ngát cũng đã viết kịch bản thơ Lá đỏ.
Nguyễn Văn Thanh


Thứ Ba, 3 tháng 3, 2020

Bài viết của tác giả Lê Thanh nhân Ngày Thầy thuốc VN

 NHỮNG NGƯỜI THẦY THUỐC TUYẾN XÃ - NHỮNG VUI BUỒN CÒN ĐỐ
                     Bài viết nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/02/2020)
Hôm nay nhân kỷ niệm 65 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2020), tôi xin được gửi tới những người thầy thuốc lời cảm ơn chân thành nhất về những đóng góp của họ cho xã hội. Chúc các Thầy thuốc luôn lạc quan vượt qua mọi khó khăn gian khổ, kể cả những áp lực nghề nghiệp để hoàn thành sứ mệnh vẻ vang là BẢO VỆ VÀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE CHO NHÂN DÂN, mãi xứng đáng với lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu “Lương y phải như từ mẫu”.
Trong xã hội Việt Nam từ xa xưa đến nay có 2 nghề được tôn vinh là Thầy, đó là Thầy Giáo và Thầy Thuốc. Nghề Thầy Thuốc là một nghề mang trọng trách rất lớn là nghề trị bệnh cứu người. Trong đội ngũ thầy thuốc từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã thì người Thầy thuốc tuyến xã, đã và đang công tác tại trạm y tế cấp xã là những người chăm sóc sức khỏe ban đầu cho toàn dân nhưng họ lại chịu nhiều khó khăn, thiệt thòi nhất.
Tôi có đến thăm và trò chuyện với bà dì ruột tôi, bà Nguyễn Thị Tuyến, nguyên Phó trưởng Trạm y tế xã Hoài Thượng để hiểu thêm về họ.
Cách nay 62 năm (năm 1958), Trạm y tế xã Thượng Mão quê tôi bắt đầu được thành lập. Nhân sự lúc đó chỉ có 3 người là ông Chấn (quê làng Đông Miếu) phụ trách trạm, cụ Vũ Thị Lạc là nữ hộ sinh từ vùng kháng chiến huyện Phú Bình (Thái Nguyên) chuyển về quê hương và bà Thắp là nhân viên y tế. Cơ sở vật chất những ngày đầu còn đơn sơ với một dãy nhà cấp 4 nằm ở mảnh đất xóm trại, phía Tây Nam, rìa làng Đại Mão.
Năm 1963, Trạm trưởng là ông Trần Đăng Uyển, (quê làng Ngọ Xá), thay ông Chấn nhập ngũ, (sau đó ông Chấn hy sinh), cụ Lạc là nữ hộ sinh, ông Mỵ là y tá. Đặc biệt thời kỳ này trạm được đón nhận nghề Đông y gia truyền của cụ Lang Cót về trạm. Trực tiếp làm đông y có cụ lương y Nguyễn Đình Tứ, cụ lương y Nguyễn Thị Hoàn (cụ Thơ Tuyên), một thời gian sau có thêm cụ lương y Nguyễn Đình Toàn, cả 3 cụ đều là con cháu cụ Lang Cót. Lúc này 2 xã Thượng Mão và Hoài Đức đã sáp nhập thành xã Hoài Thượng và tên gọi của trạm là Trạm y tế xã Hoài Thượng. Cơ sở vật chất có thêm một dãy nhà cấp 4 hướng Đông, trang bị nhìn chung còn nghèo nàn.
Năm 1967, Trạm y tế được bổ sung 3 y sỹ chính quy là Y sỹ Lê Thế Trường (quê thôn Bình Cầu) là trạm trưởng, Y sỹ Nguyễn Thị Tuyến (Đại Mão) là trạm phó cùng Y sỹ Lê Thj Chanh là chuyên môn; ông Huyên, ông Tạc, bà Dung, là Y tá và bà Vũ Thị Lạc vẫn làm hộ sinh. Cơ sở vật chất được xây thêm một số dãy nhà cấp 4 và bổ sung thêm trang thiết bị, nhưng không đáng kể.
Năm 1992, ông Lê Thế Trường, trạm trưởng; bà Nguyễn Thị Tuyến xin nghỉ hưu (hưu xã), các cụ lương y Nguyễn Đình Tứ và cụ Thơ Tuyên và một số thầy thuốc tuổi cao đã nghi hoặc đã từ trần. Số lượng cán bộ nhân viên giảm hẳn, chỉ còn 4,5 người.
Những năm gần đây, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng Trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, Trạm y tế xã Hoài Thượng được xây dựng kiên cố 2 tầng vẫn trên khu vực đất ban đầu nhưng diện tích thu hẹp hơn, chỉ còn 1077,5 m2. Trạm được trang bị máy siêu âm xách tay, kính hiển vi, giường nằm cho bệnh nhân, hệ thống tủ thuốc và một số trang thiết bị thiết yếu. Đội ngũ cán bộ nhân viên của trạm có Trạm trưởng là bác sỹ, một trạm phó, một nhân viên phụ trách công tác Dân số KHHGĐ, 5 nhân viên y tế khác. Tất cả các cán bộ nhân viên của trạm đều được tuyển dụng là viên chức và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Nhìn lại chặng đường 62 năm xây dựng và trưởng thành, Trạm y tế xã Hoài Thượng đã trải qua bao thăng trầm.
* Những niềm vui và tự hào:
Trước hết về thành tựu đạt được: Trạm y tế xã Hoài Thượng có đội ngũ cán bộ y tế có trình độ chuyên môn vững vàng, chuyên tâm và say mê với nghề nghiệp. Tiêu biểu như Y sỹ trạm trưởng Lê Thế Trường, Y sỹ trạm phó Nguyễn Thị Tuyến cùng các nhân viên y tế khác rất giỏi về tây y. Ông Tạc, ông Huyên, bà Chanh … họ là những thầy thuốc luôn tận tụy vời nghề. Những năm trước đây, đời sống người dân còn khó khăn, các bệnh viện tuyến trên còn mỏng những lúc ốm đau, những khi tai nạn cần cấp cứu trước hết họ đều đến trạm y tế để được cứu chữa, trường hợp nặng họ mới đề nghị chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.
Về nhiệm vụ hộ sinh có cụ Vũ Thị Lạc, một nữ hộ sinh tiêu biểu gần như cả đời cụ gắn bó với nghề. Cụ Lạc được học nghiệp vụ hộ sinh từ thời Pháp. Trong kháng chiến, cụ theo cụ ông tham gia nghề hộ sinh tại vùng kháng chiến huyện Phú Bình (Thái Nguyên). Hòa bình lập lại, cụ cùng cụ ông và các con trở về quê hương và tham gia hộ sinh tại quê hương. Ngay sau khi thành lập trạm y tế xã, cụ là một trong những người đầu tiên tham gia công việc hộ sinh tại trạm y tế xã. Từ năm 1954 đến năm 1987, cụ đã đỡ đẻ cho hàng nghìn ca thành công. Nhiều ca đẻ khó nhưng bằng đôi bàn tay “vàng”, cụ đã dùng các thủ thuật biến nguy thành an. Trong xã Hoài Thường một số gia đình có cả 3 thế hệ đều cất tiếng khóc chào đời trên đôi tay cụ.
Trạm y tế xã Hoài Thượng còn có một nghề chuyên môn đặc biệt là Đông y mà rất ít nơi có, đó là nghề thuốc gia truyền của cụ Lang Cót. Theo nhà giáo Nguyễn Đình Chử (là chồng bà Tuyến, trạm phó và là cháu nội của cụ Lang Cót) thì cụ Lang Cót là đời thứ 6 được tiếp nhận nghề do các cụ đời trước truyền lại. Đên khi cụ Lang Cót hành nghề thì nghề này được phát triển, nổi tiêng cả vùng. Thày giỏi thuốc tốt, cụ điều trị được các bệnh như Tê thấp, thấp khớp, sai khớp do tai nạn, bệnh "dò xương" do nhiễm trùng, bệnh của phụ nữ (kinh nguyệt không đều). Ông Chử lúc còn trẻ đã chứng kiến bà nội (cụ Lang Cót) điều trị cho một thanh niên 16 tuổi bị ngã gãy xương ống tay, phần xương gãy nhọn như mũi mác đâm thủng cả phần cơ và da. Bằng những lá thuốc cụ kiếm được ở các khu vườn, bờ rào trong làng, cụ Lang Cót đã đắp 3 lá thuốc và sau 3 tuần vết xương cơ bản liền sẹo, phần xương gãy cơ bản liền, bệnh nhận cử động được. Năm 1963, 2 cụ lương y là Nguyễn Đình Tứ và cụ Nguyễn Thị Thơ Tuyên đã mang nghề từ gia đình về trạm y tế phục vụ cho bà con. Bệnh nhân đến điều trị tại trạm y tế xã không chỉ là người trong địa phương mà nhiều người bệnh từ khắp các huyện, tỉnh bạn sau khi chữa chạy nhiều nơi không khỏi, nghe tin môn thuốc gia truyền cụ Lang Cót, họ đã tìm về và được điều trị thành công, trong đó có cả các vị là sỹ quan cao cấp trong quân đội. Sau khi 2 cụ lương y là cụ Tứ, cụ Thơ Tuyên tuổi cao xin nghỉ, cụ Nguyễn Đình Toàn vẫn tiếp tục phục vụ bà con tại trạm y tế. Đến nay các cháu cụ Lang Cót trong đó có gia đình ông Chử và bà Tuyến vẫn duy trì được môn thuốc này. Thương hiệu được đăng ký bản quyền Thuốc xoa bóp “Bà Lang Cót”.
Những thành tựu của Trạm y tế xã Hoài Thượng rất nhiều, trước hết phải kể đến đóng góp của đội ngũ hàng chục thày thuốc đã công tác, cống hiến tại trạm nhiều chục năm. Những năm công tác tại trạm, họ thực hiện nhiệm vụ không khác một viên chức trong ngành y tế, làm đủ 8 giờ/ngày và 7 ngày/tuần. Hàng tuần còn trực đêm để sẵn sàng cấp cứu người bệnh. Với người làm hộ sinh như cụ Vũ Thị Lạc thì người sản phụ sinh nở bất kể ngày hay đêm, bất kể điều kiện thời tiết nào và cụ hầu như có mặt tại trạm. Tuy nhiên chế độ đãi ngộ của nhà nước đối với họ thật là rất thấp. Gọi là “lương” nhưng họ đâu có được hưởng như biên chế nhà nước. “Lương” của họ do ngân sách cấp xã chi trả. Lấy ví dụ như bà dì tôi có trình độ Y sỹ, học chính quy 3 năm, là trạm phó nhưng “lương” tháng chỉ đủ tiền mua 3 ca gạo (khoảng 4,2 kg), sau này có khá hơn thì lương tháng cũng chỉ mua được khoảng một yến gạo (10 kg). Vậy mà bà Tuyến vẫn phải cùng chồng là một thày giáo cấp 2 nuôi 4 đứa con, vẫn lạc quan, tâm huyết với nghề. Năm 1993, sau 26 năm công tác, dì tôi nghỉ hưu theo chế độ nhưng hưởng lương hưu từ ngân sách xã, mà ngân sách xã thì gặp khó khăn nên thường chậm trả. Dì tôi cũng như các cán bộ y tế khác phải bươn trải kiếm sống nuôi các con trưởng thành. Đến nay mặc dù đã ở tuổi gần “bát tuần” dì tôi vẫn mở cửa hàng Dược, bán một số loại thuốc thông thường và vẫn tư vấn sức khỏe cho bà con trong làng. Cửa hàng thuốc của dì tôi lúc nào cũng rộn rã tiếng nói cười không chỉ của người mua thuốc mà còn là của các cụ, các bà nghiện trầu cau, thế hệ của các “cô hàng xén răng đen, cười như mùa thu tỏa nắng” trong bài thơ Bên kia sông Đuống của Thi sỹ Hoàng Cầm quê tôi.
Ngày nay, nhờ đường lối đổi mới của Đảng và nhà nước, hệ thống y tế của Việt Nam đã có bước tiến bộ vượt bậc với đội ngũ các thày thuốc giỏi, hệ thống bệnh viện được hoàn thiện từ trung ương đến cơ sở, nhiều bệnh viện tư nhân được hình thành theo hướng xã hội hóa, trang thiết bị được đầu tư hiện đại, chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ nhân viên y tế được quan tâm. Nhiều thành tựu y khoa của Việt Nam đã ngang tầm thế giới, điển hình như thành tựu về phòng chống dịch covid 19 hiện nay.
* Những băn khoăn còn đó:
Nhiều cán bộ, nhân viên y tế của Trạm y tế xã Hoài Thượng từ những ngày mới thành lập đến nay tuổi đã rất cao, nhiều người đã là “người thiên cổ”. Số còn lại đang được hưởng lương hưu nhưng đồng lương hưu rất thấp và chậm trả. Những cán bộ, nhân viên y tế tại các trạm y tế sau gần 30 năm hành nghề khi nghỉ hưu lại được hưởng lương hưu từ ngân sách xã. Họ rất mong nhà nước quan tâm để họ được hưởng lương hưu theo ngạch bậc chuyên môn từ ngân sách nhà nước.
Đất đai của trạm y tế xã Hoài Thượng lúc ban đầu có diện tích rất lớn, khoảng hanhgf hecta, nay bị thu hẹp chỉ còn tren 1000 m2 do địa phương chuyển đổi sang đất ở cho hàng chục hộ. Trên khuôn viên đất của trạm dù đã được cấp sổ đỏ vẫn tồn tại vài ki ốt do UBND xã ký hợp đồng cho người địa phương, tiền cho thuê đất trạm y tế cũng không biết đi đâu, gây ảnh hưởng đến việc đi lại khi có xe cấp cứu người bệnh, vườn thuốc nam của trạm. Trạm y tế đã đề nghị UBND xã thu hồi đất do xã hợp đồng để trả lại cho trạm mà nhiều năm nay chưa được giải quyết.
Đầu tư cho trạm y tế tuyến xã là đầu tư cho công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe ban đầu, giảm bớt áp lực cho y tế tuyến trên, đầu tư cho y tế là đầu tư cho con người, là đầu tư cho sự phát triển. Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2/2020, những người thầy thuốc tuyến cơ sở xã tôi bên cạnh niềm phấn khởi, tự hào nhưng vẫn canh cánh những băn khoăn mong được các cấp quan tâm giải quyết.
Nhân kỷ niệm 65 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam, những người thầy thuốc rất yên tâm khi nghe Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: “Phải coi Y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng, y tế chuyên sâu đồng bộ y tế cộng đồng, gắn y học cổ truyền với y học hiện đại, quân y với dân y”. Họ rất vững niềm tin ở con đường và sự nghiệp vẻ vang mà họ đã lựa chọn./.

Thứ Hai, 2 tháng 3, 2020

Bài của KTS Nguyễn Huy Phách ( Quê Mão Điền )

Chia tay với anh Phạm Đình Nghĩa về cõi vĩnh hằng- một người cả đời trăn trở với nghề XD, tâm huyết với quê hương- đọc lại bài viết cũ nhân kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh
QUY HOẠCH THỊ XÃ BẮC NINH NĂM 1997,
CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ
                                              KTS. NGUYỄN HUY PHÁCH
Bức tranh đô thị là kết quả của các nhà hoạch định chính sách, các nhà lãnh đạo, kết quả của ý đồ sáng tạo trong những đồ án của các kiến trúc sư, các nhà quản lý... mà ở đó vai trò cực kỳ quan trọng là của người dân trong việc tổ chức môi trường sống, xây dựng và cải tạo đô thị.
Ngược dòng thời gian cách đây hai thập niên, từ trung tuần tháng 9 năm 1996, trước khi có Nghị quyết của Quốc hội khoá IX về việc tách tỉnh Hà Bắc (ngày 6-11-1996), Chủ tịch UBND tỉnh Hà Bắc Ngô Đình Loan sớm ý thức được những công việc gấp gáp, nặng nề cho tỉnh mới. Việc nghĩ tới đầu tiên là công tác quy hoạch cho thị xã Bắc Ninh, bởi từ khi sáp nhập 34 năm, nó không còn là thị xã tỉnh lỵ nữa, người dân vẫn thường gọi vui là “thị xã đèn dầu”, đến năm 1996 vẫn chưa có nước máy sạch để dùng. Rồi sẽ rất lúng túng nếu sau khi tái lập tỉnh không kịp có những định hướng làm cơ sở pháp lý cho việc chuẩn bị đầu tư xây dựng các cơ quan, công sở; xây dựng nhà ở cho nhu cầu tái định cư; xây dựng hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị. Làm sao cho phù hợp giữa trước mắt với lâu dài, giữa cục bộ và toàn cục. Nếu không có quy hoạch, dễ gây ra chắp vá, tốn kém do những đòi hỏi cấp thiết để ổn định cuộc sống, ổn định xã hội.
Trăn trở và trách nhiệm, lắng nghe những ý kiến tâm huyết của cơ quan chuyên môn, lãnh đạo tỉnh, trong đó trực tiếp là Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Đình Loan. Để làm quy hoạch sao cho có được tầm nhìn phát triển có tính dự báo khoa học, tính khả thi cao, tầm nhìn phát triển dài hạn cho miền đất Bắc Ninh sống và phát triển bền vững cho nhiều thế hệ mai sau. Ông Loan chủ động cùng với lãnh đạo sở Xây dựng Hà Bắc, trực tiếp là Phó Giám đốc sở, Kỹ sư Phạm Đình Nghĩa ra Viện quy hoạch Đô thị và Nông thôn, Bộ Xây dựng đặt vấn đề lập quy hoạch thị xã Bắc Ninh. Hiểu rõ yêu cầu cấp thiết của tỉnh, Viện chấp nhận và cử KTS. Lã Thị Kim Ngân chủ trì cùng các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm của Viện để nghiên cứu.
Quá trình lập quy hoạch cũng là một cuộc chiến quyết liệt với thời gian (thông thường phải mất 9 tháng đến 1 năm). Với Bắc Ninh, chúng tôi yêu cầu làm trong 3 tháng, trên cơ sở tận dụng tối đa các số liệu đo đạc cũ, kể cả bản đồ quân sự rồi sẽ bổ sung tiếp sau. Trong quá trình làm còn có nhiều ý kiến trái chiều, đến nỗi có lúc anh chị em KTS phải mang tài liệu về nhà nghiên cứu
Tới ngày 16 tháng 10 năm 1996, tỉnh mở hội nghị thông qua ý tưởng của các phương án quy hoạch tại trụ sở UBND thị xã Bắc Ninh cũ, thành phần gồm các lãnh đạo chủ chốt quê ở Bắc Ninh (có thêm Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư Hà Bắc cùng dự). Công việc lúc đó diễn ra rất dân chủ, công khai, minh bạch, tập trung trí tuệ nhiều người. Ngoài cán bộ của Sở Xây dựng, của Viện Quy hoạch quốc gia, còn có cả sự tham gia của các vị lãnh đạo tỉnh, các ngành, các huyện, thị xã và các chuyên gia tư vấn, phản biện, kể cả các vị lão thành cách mạng, các vị nguyên là lãnh đạo cũ của Bắc Ninh, Hà Bắc về những vấn đề lớn như tính chất, chức năng đô thị, lựa chọn định hướng phát triển không gian… cho thành phố Bắc Ninh tương lai.
Hội nghị được nghe cơ quan tư vấn trình bày và thảo luận rất sôi nổi. Theo đó, vùng nội thị được ưu tiên đầu tư ban đầu là nối khu vực Thị Cầu-Vũ Ninh với Đại Phúc (phường Suối Hoa hiện nay); phát triển Bồ Sơn-Khả Lễ-Hoà Đình của Võ Cường; kết nối Thành Cổ- Vệ An qua Y Na đến Phúc Sơn, Cổ Mễ. Riêng khu trung tâm chính trị- hành chính của tỉnh cũng được bàn luận nhiều, có cả ý kiến giữ nguyên khu thị xã cũ làm trụ sở UBND tỉnh, còn Tỉnh uỷ sẽ về khu nhà nghỉ Suối Hoa. Có 3 phương án mới là: Khu vực sau Đọ Xá (vị trí Đài tưởng niệm hiện nay); khu sau Gò Đỏ, cuối đường Dây Diều cũ (Ngã Sáu hiện nay) và phương án chọn là cánh đồng xã Vũ Ninh, lấy trục thần đạo theo hướng Núi Đèo-Đồi Nác (Văn Miếu). Hội nghị nhất trí cao và yêu cầu đơn vị tư vấn khẩn trương hoàn chỉnh.
Tái lập tỉnh Bắc Ninh 1-1-1997 là một mốc son đánh dấu bước khởi đầu một quá trình chuyển động toàn bộ đời sống kinh tế, xã hội... của cộng đồng dân cư trong tỉnh, nhất là đối với thị xã tỉnh lỵ. “Tỉnh Bắc Ninh được tái lập, đánh dấu một sự kiện lịch sử quan trọng, đáp ứng tình cảm nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân Bắc Ninh, phù hợp với yêu cầu đổi mới…” (Phát biểu của Bí thư Tỉnh uỷ lâm thời Ngô Đình Loan trong diễn văn ngày tái lập tỉnh). Ngày vui đó, nhân dân Bắc Ninh với không khí hồ hởi, phấn khởi, cờ hoa rực rỡ thì lãnh đạo tỉnh và những người xây dựng chúng tôi thực sự lo lắng và trăn trở với trách nhiệm của mình, bởi quê hương đang kỳ vọng nhiều ở sự kiện lịch sử trọng đại này.
Sau nhiều lần tham gia chỉnh sửa (ngày 22-1-1997 thông qua Thường vụ Tỉnh uỷ lần cuối cùng), đến ngày 19 tháng 2 năm 1997 cũng là ngày hội Lim 13 tháng Giêng, tại Bộ Xây dựng (Hà Nội) mở hội nghị thông qua quy hoạch chung thị xã Bắc Ninh. Với bộ hồ sơ đồ sộ và những kiến giải sâu sắc, cùng với những ý kiến phản biện tâm huyết của các chuyên gia đầu ngành, coi như bộ xương sống của thành phố Bắc Ninh tương lai được định hình. Chọn hướng phát triển không gian đô thị, bố cục không gian đô thị có tính khả thi, từ việc bố trí trung tâm hành chính tới các khu nhà ở, khu công nghiệp, hướng phát triển thành phố tương lai... Đô thị hoá đồng hành với công cuộc công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước, tất cả được lý giải biện chứng và khoa học. Quy hoạch hướng tới sự bền vững. Chọn hướng cho những trục đường mới mở ra các phía của yêu cầu phát triển đô thị.
Việc mở ra các trục không gian lớn khang trang ở quy hoạch khu trung tâm thành phố thể hiện một tầm nhìn rộng nhằm đáp ứng những yêu cầu phát triển lớn trong tương lai. Khu vực này sẽ tiêu biểu cho “hồn vía” của đô thị cả về kiến trúc cảnh quan, cả về lối sống và văn hóa. Các công trình công sở sẽ đặt chủ yếu ở khu trung tâm sẽ có những vị trí thích hợp với tầm nhìn tốt sẽ tạo được không gian hoành tráng và bề thế. Cũng có ý kiến lo rằng việc mở rộng không gian lớn như vậy là quá mức cần thiết so với quy mô đô thị (sợ mất nhiều đất nông nghiệp), tuy nhiên nếu nhìn đến yêu cầu phát triển trong tương lai của đô thị nhiều tiềm năng này thì cũng có thể coi việc mở rộng là thực sự hợp lý. Nằm ở vị trí không xa trung tâm thủ đô, Bắc Ninh chắc chắn sẽ có tốc độ phát triển nhanh, nhiều yêu cầu xây dựng lớn có tác dụng giảm tải cho thủ đô là điều diễn ra trong tương lai gần.
Ngay cả vị trí tượng đài Vua Lý Thái Tổ cũng được giành hẳn một vị trí trang trọng của trục thần đạo dự kiến sau này sẽ mang tên Người, cũng xuất phát từ nhận thức: Không gian đô thị, kiến trúc cảnh quan và điêu khắc là ba yếu tố quan trọng làm nên vẻ sang trọng, khẳng định sự phát triển và bộ mặt của đô thị tương lai. Thực tế trả lời: những quyết sách trong lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh lâm thời là bước đi ban đầu đúng hướng, đột phá mở đường cho sự phát triển bộ mặt của thành phố Bắc Ninh.
Thời gian không dài, nhưng đô thị Bắc Ninh dẫu còn non trẻ cũng hiện dần lên bộ mặt của nó, với hầu hết các công sở được xây dựng mới, khang trang và bề thế hơn. Nhìn chung khai thác những nét tinh hoa của kiến trúc truyền thống kết hợp trong kiến trúc hiện đại, ở đó biết khai thác yếu tố mái ngói một cách sáng tạo, giản dị, mực thước mà cũng rất tinh tế, sắc sảo trong cốt cách của ngôi nhà Việt. Hai công trình được coi là bộ mặt của tỉnh là trụ sở HĐND & UBND tỉnh và trụ sở Tỉnh uỷ (được tặng Giải thưởng Kiến trúc quốc gia) được nghiên cứu khá nhuần nhuyễn khi sử dụng hệ mái dốc và nét hài hoà trong bố cục mặt bằng, mặt đứng công trình. Là công sở nhưng cũng là công trình văn hoá, nó gần gũi, ấm cúng với mọi người trên một khu đất được coi là đắc địa. Công trình đầu não của tỉnh ở một miền đất có bề dày lịch sử văn hoá, nền nếp “có lịch có lề” thì có được sự hài hoà là một triết lý sống mang tính truyền thống, mãi là một bài học quý giá ./.
NHP

Thứ Bảy, 1 tháng 2, 2020

Trần Quốc Toản- người Anh hùng nhỏ tuổi đất Kinh Bắc

Trần Quốc Toản- người Anh hùng nhỏ tuổi đất Kinh Bắc

09/10/2019 09:12 Số lượt xem: 945   
Qua sách sử để lại và các tác phẩm văn học như: “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, “Trần Quốc Toản ra quân” kịch bản sân khấu chèo của tác giả Hoài Giao, cùng nhiều thể loại khác... mọi người chúng ta (nhất là lứa tuổi thiếu niên và học sinh) đã biết đến người anh hùng dân tộc tuy nhỏ tuổi mà trí dũng kiên cường. Song, có một điều mà ít người để ý tới: Đó là cội nguồn gốc rễ, thân thế và quê hương của “Hoài văn hầu Trần Quốc Toản” chính lại được sinh trưởng ở xứ Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc, vùng đất địa linh nhân kiệt, đậm đặc những truyền thuyết cổ tích huyền thoại và cũng là cái nôi của nền văn minh Đại Việt.

Trần Quốc Toản là con trai Hoài đức vương Trần Bà Liệt (cháu nội Thượng hoàng Trần Thừa), sinh năm Mậu Thìn (1268) tại trang Bà Liệt làng Sặt nay là khu phố Trang Liệt, phường Trang Hạ, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Trần Bà Liệt vốn là một võ tướng của nhà Trần. Ông cao lớn và có sức khỏe phi thường. Lúc trẻ thường đi đấu vật ở khắp nơi, giành nhiều giải lớn. Nên dân chúng quanh vùng phía Bắc kinh thành Thăng Long thường gọi ông là “Đô Liệt”. Khi quân Nguyên Mông kéo sang xâm lược nước ta, Trần Bà Liệt được vua Trần Thánh Tông phong chức “Hoài đức vương” và giao cho chỉ huy một đạo quân đi chống giặc.
Vốn là dòng dõi con nhà võ, từ thuở nhỏ Trần Quốc Toản đã làu thông sử sách và rất giỏi võ công mưu lược. Năm Trần Quốc Toản 15 tuổi, vua Trần triệu tập “Hội nghị Bình Than” - (Nay thuộc xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh), gồm toàn thể các quan đại thần và các tướng lĩnh để bàn kế đánh giặc Nguyên Mông. Vì tuổi còn nhỏ nên Trần Quốc Toản đến nhưng vua không cho vào dự họp bàn lại còn an ủi ban thưởng cho một quả cam... Trần Quốc Toản lấy làm xấu hổ, nghĩ vua vẫn coi mình như là con nít. Rồi với lòng buồn tủi và căm thù giặc uất nghẹn trào lên, cậu bé Quốc Toản đã bóp nát quả cam trong tay mình lúc nào mà không hay biết!
Trở về, Trần Quốc Toản “bí mật” huy động gia nô tùy tùng, bạn bè thân hữu (đa phần là tuổi thiếu niên) khoảng hơn nghìn người, tổ chức đúc rèn binh khí, đóng chiến thuyền và dựng một lá cờ to thêu sáu chữ vàng “Phá cường địch báo Hoàng ân” để chờ ngày xuất binh.
Đầu năm 1285, giặc Nguyên Mông ồ ạt kéo sang xâm lược nước Nam. Trần Quốc Toản chỉ huy “đội quân thiếu niên” của mình, sát cánh với đội quân của thượng tướng Trần Quang Khải “đối trận với giặc, tự mình xông lên trước quân sĩ, giặc trông thấy đều phải tránh lại, không kẻ nào dám đối địch”... Đến tháng 6 năm đó, giặc Nguyên Mông bị quân dân ta căng ra đánh ở khắp nơi khiến cho chúng hao tổn lực lượng và thất bại liên tiếp. Thừa thắng, Hoài văn hầu Trần Quốc Toản cùng với tướng quân Nguyễn Khoái đem binh đi chặn đón đánh giặc ở Tây Kết. Trận này giặc thua to, tan rã ra từng mảng, tìm đường tháo chạy về nước. Khi giặc Nguyên Mông rút chạy đến sông Như Nguyệt (đoạn ở Thị Cầu bây giờ) vua Trần Thánh Tông đã sai Hoài văn hầu Trần Quốc Toản đến chặn đánh. Trận đánh ấy diễn ra rất căng thẳng gay go. Bọn giặc tuy bị thua chạy nhưng chúng chống trả rất quyết liệt! Và... Hoài văn hầu Trần Quốc Toản đã anh dũng hy sinh trong trận đánh này lúc vừa tròn 18 tuổi. Đó là vào trung tuần tháng 6 năm Ất Dậu (1285). Được tin, vua Trần Thánh Tông vô cùng thương xót, tự mình làm văn tế lễ và truy phong tước vương để ghi nhận công lao đánh giặc.
Hoài đức vương Trần Bà Liệt (bố đẻ của Trần Quốc Toản) khi qua đời, thi hài được mang về an táng tại quê mẹ ở làng Sặt nay là khu phố Trang Liệt (tức trang trại của Trần Bà Liệt). Nơi đây còn khu ruộng diện tích gồm 41 mẫu Bắc bộ trước kia có ghi ở trong “địa bạ” mà người dân địa phương vẫn thường gọi là “Trần triều sơn lăng”. Khu đồng này trong hương ước làng đã quy định: Chỉ dành riêng để trồng cây Lim lấy gỗ phục vụ cho việc tu sửa và kiến thiết xây dựng đình, đền, chùa. Nên từ xa xưa mới có tên gọi là “Rừng Sặt”, “Làng Sặt”... Đình làng Trang Liệt phụng thờ thượng tướng quân Trần Quang Khải với bài thơ nổi tiếng của ông được làm sơn mài rất trang trọng tôn nghiêm:

   “Đoạt sáo Chương Dương độ
   Cầm hồ Hàm Tử quan
   Thái bình tu trí lực
   Vạn cổ cựu giang san”

Dịch nghĩa :
   Chương Dương cướp giáo giặc
   Hàm Tử bắt quân thù
   Thái bình nên gắng sức
   Non nước mãi ngàn thu!

Làng Trang Liệt là đất thang mộc của nhà Trần, là gia trang của Hoài đức vương Trần Bà Liệt. Hiện nay, làng liên tục được công nhận nhiều năm là “Làng văn hóa cấp Quốc gia” và có một thư viện hoạt động nổi tiếng. Được nhiều địa phương trong cả nước đến tham quan học tập. Về đây, chúng ta càng thêm tự hào có một miền quê đậm nét văn hiến và lung linh huyền thoại. Là nơi di tích lịch sử vẻ vang rạng rỡ của triều Trần. Là quê hương của người anh hùng nhỏ tuổi Trần Quốc Toản nhưng trí khí anh hùng. Với lòng yêu nước nồng nàn, căm thù giặc sâu sắc, đã chiến đấu dũng cảm, hiến dâng cuộc đời cho Tổ quốc thiêng liêng. Tấm gương của Trần Quốc Toản sẽ mãi mãi soi sáng, nối tiếp truyền thống cho thế hệ trẻ nước nhà và là niềm tự hào vô hạn của lớp lớp thanh thiếu niên vùng quê Bắc Ninh - Kinh Bắc!
Phúc Toản

Thứ Hai, 27 tháng 1, 2020

Một bài của một thầy giáo quê Thuận Thành

Mùng 3 tết thầy nghĩ về cái tâm của nghề dạy học

 2 THANH NIÊN ONLINE
Giáo dục là sự tương tác giữa con người với con người, giữa thế hệ trước với thế hệ sau. Giáo dục là cầu nối giữa quá khứ đến hiện tại và tới tương lai. Chính vì thế, hơn mọi ngành nghề khác, nghề dạy học cần cái tâm hơn hết thảy.
Nhớ về thầy cô mình cũng là hành động thể hiện cái tâm trong giáo dục /// Đào Ngọc Thạch
Nhớ về thầy cô mình cũng là hành động thể hiện cái tâm trong giáo dục
Đào Ngọc Thạch
Đầu năm mới Canh Tý 2020,  tôi ghé một đàn anh trong nghề giáo để chúc tết vợ chồng anh chị. Anh chị là những người làm nghề dạy học có con gái theo nghề ba mẹ. Câu chuyện mà hai anh em nói ngày tết thông thường xoay quanh vấn đề giáo dục, là kỷ niệm về nghề dạy học, về cuộc sống thường ngày.
Năm nay chuyện bắt đầu xoay quanh cái bánh chưng ngày tết-chuyện gói bánh từ đó dẫn dắt đến chuyện giáo dục, nghề dạy học..

Sản phẩm của giáo dục là quá trình hoàn thiện con người

“Nhiều người gói bánh chưng ngày tết chỉ đơn giản là gói bánh. Đúng ra bánh chưng ngày tết phải được gói bằng sự kính cẩn trước tổ tiên. Cái bánh chưng ngày tết được gói bằng cả tâm trí con người. Là sự kính trọng tổ tiên, là yêu thương đùm bọc gia đình, là tình yêu của bố mẹ với con cái, là kính hiếu ông bà...”, anh nói như vậy để cái đích mà anh muốn nói đối với tôi là làm giáo dục.
Anh tiếp: “Nhiều người tưởng cứ làm xong cái chương trình, có vài bộ sách giáo khoa là giáo dục sẽ có kết quả. Còn khuya nhé! Giáo dục là sự tương tác giữa con người với con người, giữa thế hệ trước với thế hệ sau. Giáo dục là cầu nối giữa quá khứ đến hiện tại và tới tương lai. Chính vì thế, hơn mọi ngành nghề khác, nghề dạy học cần cái tâm hơn hết thảy mọi ngành nghề trong xã hội”.
Mùng 3 tết thầy nghĩ về cái tâm của nghề dạy học  - ảnh 1
Lễ hội ngày xuân của thầy trò Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM)
Đào Ngọc Thạch
Tôi hỏi “Liệu anh có nói quá lên không đấy? Ngành nghề nào muốn thành công, muốn có sản phẩm tốt mà lại không đặt tâm vào cơ chứ. Lơ đãng một chút, sản phẩm có còn là sản phẩm hay là phế phẩm rồi.”
“Chú nói vậy chỉ đúng có một phần: sản phẩm của các ngành khác phần nhiều đã có sự can thiệp mạnh mẽ của khoa học công nghệ. Ví như cái quần cái áo chú đang mặc, nhà thiết kế sáng tạo ra chúng, nhưng may chúng thì có cả một dây chuyền với sự giúp đỡ của máy móc. Các sản phẩm khác quanh chú cũng vậy, có chút ít tâm trí ban đầu, sau thì cứ thế mà ra sản phẩm, hàng loạt sản phẩm. Nhưng sản phẩm của giáo dục lại khác, rất khác, đó là quá trình hoàn thiện con người...”, anh giải thích.
Anh nói đúng, không có một sản phẩm nào ngoài sản phẩm của giáo dục tham gia vào quá trình hoàn thiện mình. Lỗi sản phẩm trong các ngành sản xuất khác là có thể chấp nhận, nhưng sản phẩm của giáo dục thì không có quyền lỗi. Chính vì thế, cần phải có tâm, có trí trong giáo dục.
Mùng 3 tết thầy nghĩ về cái tâm của nghề dạy học  - ảnh 2
Ai trong chúng ta không có những thầy cô dìu dắt trong đời
Đào Ngọc Thạch

Giáo dục cần lắm cái tâm

Làm xong chương trình, viết xong vài bộ sách giáo khoa mới chỉ là làm một phần của giáo dục, mới có công sức của một phần, phần trí - là quan trọng, rất quan trọng nhưng mới chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ đối với giáo dục là tâm, trước hết là người thầy, sau là học trò, là phụ huynh, là cả xã hội. Chỉ mình thầy có tâm thôi chưa đủ. Trò cũng phải có tâm, đặt tâm trong học tập. Rồi phụ huynh, rồi xã hội, cũng phải có tâm cùng nhau phát triển giáo dục, mới hy vọng sản phẩm giáo dục làm ra không lỗi, ít lỗi - nghĩa là dùng được.
Có ai trong chúng ta không có những thầy cô trong cuộc đời. Nhớ về thầy cô mình cũng là hành động thể hiện cái tâm trong giáo dục.
Mồng ba tết thầy. Tôi cũng như mọi người sẽ gọi điện, nhắn tin chúc tết thầy cô giáo của mình. Khi trân trọng nghề dạy học ây cũng là thể hiện phần tâm trong giáo dục.