Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

ST : Các GS bàn cách chấn hưng nền Giáo dục

Các Giáo sư bàn cách chấn hưng nền giáo dục

VOV.VN - Các Giáo sư cho rằng, với mỗi con người phải xác định được việc học là việc thiết thân, sống còn…
Trong nhiều thập kỷ qua, nền giáo dục Việt Nam có những bước phát triển, đạt được nhiều thành tựu, góp phần quan trọng vào nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và đổi mới đất nước. Trong những năm qua, Bộ Giáo dục- Đào tạo đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục như đổi mới phương pháp dạy và học, sử dụng thiết bị dạy học hiện đại, ban hành nhiều chính sách chăm lo đội ngũ giáo viên… Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, nền giáo dục nước nhà đã và đang bộc lộ nhiều bất cập.
“Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, mỗi người dân, mỗi gia đình và toàn dân tộc Việt Nam đều tha thiết mong muốn làm sao đưa nền giáo dục nước nhà ra khỏi tình trạng yếu kém, bất cập hiện nay, để con em Việt Nam được học tập, rèn luyện trở thành chủ nhân của đất nước, có văn hóa, đạo đức, kiến thức, kỹ năng, sống có ích cho gia đình và xã hội. Giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục, phát huy trí tuệ, nâng cao kỹ năng cho người lao động hiệu quả nhất sẽ tạo động lực mới phát triển đất nước nhanh và bền vững”- Ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh tại Hội nghị bàn tròn “Các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam hiện nay” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức sáng nay (31/7), tại Hà Nội.
Việc học là việc thiết thân, sống còn
Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã nên rõ “đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà”. Công công đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục hiện nay đang là một vấn đề lớn được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm. Nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay là một vấn đề quá lớn và phức tạp, không thể áp dụng trong một thời gian ngắn mà có thể phải hàng thập kỷ, không chỉ do riêng ngành giáo dục thực hiện mà là việc chung của toàn xã hội, phải được cả xã hội hưởng ứng và phải có được môi trường xã hội lành mạnh.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ giáo dục
Giáo sư Hồ Ngọc Đại, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ giáo dục cho rằng, nét đặc trưng cơ bản của giáo dục nhà trường hiện đại là tạo ra sự phát triển tinh thần cho từng cá nhân, tương ứng với sự phát triển sức lao động cá nhân. Giáo dục nhà tường hiện đại trở thành một nhân tố hữu cơ làm nên cuộc sống cá nhân hiện đại cho cả 100% dân cư. Do đó nó phải rất thực và vững chắc, không thể có sự may rủi.
Bậc tiểu học là một đoạn cắt ra từ dòng phát triển tự nhiên của trẻ em hiện đại, theo nhu cầu sức lao động mà cá nhân cần có để sống bình thường. “Việc học đối với con người là việc thiết thân, sống còn, đừng phủ lên nó những ảo tưởng mơ hồ, những thua được sấp ngửa trong phòng thi, những trò chơi trí tuệ trong cuộc sống”.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại đề nghị, hệ thống giáo dục phổ thông nên là 11 năm, trong đó có 6 năm dành cho bậc tiểu học, 3 năm cho Trung học cơ sở và 2 năm cho THPT.
Vì sao bậc học tiểu học lại dành tới 6 năm? Lý giải điều này, GS Hồ Ngọc Đại cho rằng, giữ trẻ 12 năm trong vòng tay gia đình và nhà trường thì an toàn hơn thả trẻ sớm 1 năm, nghĩa là 11 năm như hiện nay.
Còn 3 năm Trung học cơ sở bởi vì chỉ cần bổ sung vào tiểu học một số tri thức và kỹ năng cơ bản cần cho sức lao động phổ biến, chiếm tuyệt đại đa số trong nền sản xuất hiện nay. Còn chỉ cần học thêm 2 năm PTTH cho ai muốn học lên cao nữa, hay vào Đại học, Cao đẳng. “17 tuổi ra khỏi trường phổ thông là vừa. Nán lại thêm 1 năm là thừa, tốn kém, có thể lại có hại về mặt tâm lý đối với thanh niên hiện đại”- GS Hồ Ngọc Đại nhấn mạnh.
Học thêm sẽ làm học sinh trở nên thụ động
Trăn trở nhiều về vấn đề dạy thêm, học thêm hiện nay, Giáo sư Hoàng Xuân Sính, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT trường Đại học Thăng Long cho biết, bà đã hỏi rất nhiều giáo viên phổ thông, họ cho biết là năm lớp 12, để luyện thi vào Đại học thì có đến 99% học sinh ở Hà Nội học thêm. Giá học thêm cho mỗi học sinh trung bình từ 5-10 triệu đồng/tháng. “Tôi có giúp đỡ một gia đình nghèo ở Hà Nội, tôi khẳng định gia đình nghèo nhất cũng trả đến 500.000 đồng học thêm mỗi tháng cho con. Dù chỉ bằng 1/10 so với con nhà trung lưu, nhưng vẫn phải mất tiền. Tôi chưa tìm thấy gia đình nào ở Hà Nội không cho con đi học thêm”.
Giáo sư Hoàng Xuân Sính
GS Sính cũng cho rằng, ở Hà Nội, để học tiếng Anh, nhiều gia đình đã cho con học ở Hội đồng Anh từ Trung học cơ sở, mỗi buổi 2 giờ phải trả 480.000 đồng, 1 lớp học có 15 học sinh. Như vậy mỗi tháng phải chi phí gần 2 triệu đồng, đó là chưa kể các môn khác. Nếu chịu khó làm một nghiên cứu về việc học thêm của học sinh Hà Nội, sẽ thấy con số lớn đến chừng nào. Nếu mỗi gia đình không cho con học thêm một cách nhiều như vậy, để dành tiền cho con học Đại học thì ngân sách Đại học có thể tăng lên rất nhiều vì có thể tăng học phí ở các trường Đại học công cũng như tư. “Mọi người có thể đưa ra một nghìn lẻ một lẽ để biện minh cho việc học thêm, thì tôi cũng có thể kể từng ấy tệ hại mà học thêm gây ra cho học sinh. Trước hết, điều đáng sợ nhất là học sinh trở nên thụ động, không biết làm gì cả, ngoài việc ngồi ghế nhà trường, nghe và học thuộc lòng và tối về lại lăn ra ngủ vì quá mệt”- GS Hoàng Xuân Sính cho biết.
Phải tạo ra nguồn nhân lực mang nhân cách của người Việt Nam
GS Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước trăn trở, “tại sao đất nước chúng ta chậm đổi mới, lại có vẻ tụt hậu xa hơn so với các nước trong khu vực hiện nay. Số học sinh ra trường ngày một đông, số Thạc sĩ, Tiến sĩ ngày càng nhiều, nhưng tại sao lại có tình trạng trên. Tác động của giáo dục và đào tạo đối với vấn đề này như thế nào và chúng ta phải chăng đang lãng phí rất lớn một nguồn lực đối với giáo dục vào đào tạo?”.
Phó Chủ tịch nước cho rằng, nên tiếp cận vấn đề này ở góc độ tư duy về giáo dục và đào tạo. Hiện nay, tư duy về giáo dục và đào tạo tuy đã có đầy đủ chủ trương, Nghị quyết để phát triển về giáo dục trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng thực chất chúng ta chưa định hướng được vai trò của nó, bởi nếu tư duy chung cho sự phát triển của đất nước thì nguồn lực nào và ai là người tạo ra giá trị gia tăng.
“Mà có giá trị gia tăng thì đất nước mới phát triển được. Phải xác định tạo ra giá trị gia tăng bằng lao động thủ công, bằng cơ bắp, bằng khai thác khoáng sản, hay hợp tác với nước ngoài?. Chúng ta phải thấy rằng, cách mà các nước xung quanh tạo ra giá trị gia tăng nhanh nhất, bền vững nhất đó là vấn đề tập trung cho giáo dục đào tạo. Phải xuất phát từ tư duy mới thấy rõ được vai trò của giáo dục đào tạo để đào tạo ra nguồn nhân lực tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội”- Phó Chủ tịch nước nói.
Phó Chủ tịch nước nêu câu hỏi “Từ trước đến giờ chúng ta xác định đổi mới tư duy như thế nào?”. Việc đổi mới tư duy phải xác định mục tiêu của các cấp học, bậc học để xem hiện nay nó đang khiếm khuyết gì để sửa. “Chẳng hạn để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao thì đầu tiên nguồn chất lượng này phải có nhân cách của con người Việt Nam, sau đó là trình độ chuyên môn tốt. Vậy nhân cách của con người Việt Nam này hình thành từ đâu, đó là từ bậc tiểu học. Từ nhân cách này sẽ chi phối toàn bộ quá trình sau này của con người”./.

Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

ST Thư Bác Hồ gửi TT Mỹ năm 1946

Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Truman

Trong hai năm 1945 - 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có 8 thư và điện gửi Tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman.
LTS: Trong bài viết nhìn lại chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, VietNamNet đã nhấn mạnh đến bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Harry Truman ngày 16/2/1946, được Chủ tịch nước giới thiệu với Tổng thống đương nhiệm Barack Obama.
Chúng tôi trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết của TS Ngô Vương Anh, một nhà nghiên cứu lâu năm về Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn về những giá trị, những bài học lịch sử nhìn từ bức thư nêu trên:

Có lợi cho toàn thế giới
Trong bức thư gửi Tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman ngày 16/2/1946 (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, tr 91- 91), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ chính nghĩa của cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam giành độc lập dân tộc, đứng về phía đồng minh chống phát xít; sự phi nghĩa của cuộc xâm lược mà thực dân Pháp đang đẩy mạnh ở Đông Dương trái ngược những lập trường Mỹ đã nêu trong các hội nghị quốc tế.
thư, Hồ Chí Minh, Hoa Kỳ, Obama, Trương Tấn Sang
Trang 1 bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Truman ngày 16/2/1946, trong đó bày tỏ Việt Nam mong muốn được “hoàn toàn độc lập” và ý nguyện thiết lập “hợp tác đầy đủ” với Hoa Kỳ. Ảnh: Tư liệu của Cục Lưu trữ quốc gia Hoa Kỳ
Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “An ninh và tự do chỉ có thể được bảo đảm bằng sự độc lập của chúng ta đối với bất kỳ một cường quốc thực dân nào, và bằng sự hợp tác tự nguyện của chúng ta với tất cả các cường quốc khác. Chính là với niềm tin vững chắc này mà chúng tôi yêu cầu Hợp chủng quốc với tư cách là những người bảo vệ và những người bênh vực Công lý thế giới, thực hiện một bước quyết định trong sự ủng hộ nền độc lập của chúng tôi.
Điều mà chúng tôi đề nghị đã được trao cho Philippines một cách quý báu. Cũng như Philippines, mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Mỹ. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để làm cho nền độc lập và sự hợp tác này trở nên có lợi cho toàn thế giới”.
Nhìn xa hơn về quá khứ, người ta thấy rằng những bức điện, thư của Hồ Chí Minh, với tư cách Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, gửi Tổng thống và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đã có “ tiền đề” từ những mối quan hệ của Hồ Chí Minh (và Việt Minh) với lực lượng Mỹ chống Nhật ở Hoa Nam trước đó.
Sau khi Nhật tấn công Trân Châu cảng (7/12/1941) mở đầu cuộc chiến tranh Thái Bình Dương, Mỹ đặt Đông Dương trong khu vực tác chiến của Quân đoàn không quân số 14 của Mỹ, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chiến đấu ở vùng Hoa Nam và bắc Đông Dương.
Những tiếp xúc của Hồ Chí Minh với lực lượng Mỹ được thiết lập từ tháng 3/1945, sau sự kiện trung úy R. Shaw được Việt Minh cứu thoát ở vùng núi Cao Bằng ngày 2/11/1944 và đưa trở lại Côn Minh. Ngày 29/3/1945 ở Côn Minh, Hồ Chí Minh gặp tướng C. Chenault tư lệnh không đoàn 14 và hai người đã có những mối thiện cảm.
thư, Hồ Chí Minh, Hoa Kỳ, Obama, Trương Tấn Sang
  
thư, Hồ Chí Minh, Hoa Kỳ, Obama, Trương Tấn Sang
Trang 2 và 3 của bức thư
Hồ Chí Minh cũng đã làm cho người Mỹ hiểu hơn về Việt Minh và cuộc chiến đấu của giành độc lập của người Việt Nam. Sau đó, người Mỹ bắt đầu coi Việt Minh như một lực lượng đồng minh chống Nhật tích cực và có thể phối hợp các nỗ lực.
Cho đến đầu tháng 5/1945, hai sĩ quan OSS (Cơ quan tình báo chiến lược Mỹ, tiền thân của CIA) đã có thể đều đặn gửi báo cáo về từ Tân Trào. Ngày 17/7/1945, đội tình báo Mỹ mang biệt danh Con nai gồm 5 người do thiếu tá A. Thomas chỉ huy đã nhảy dù xuống Tân Trào.
Họ huấn luyện các kỹ năng quân sự cho 40 người được chọn từ số 110 quân du kích của Đàm Quang Trung. Đầu tháng 8/1945, trung đội Bộ đội Việt - Mỹ (tên đặt chính thức của Hồ Chí Minh) đã được thành lập và ngày 20/8/1945 trung đội này đã tham gia chiến đấu với quân Nhật ở Thái Nguyên dưới sự chỉ huy của Võ Nguyên Giáp.
Việc hỗ trợ trang bị và huấn luyện chiến đấu cho một lực lượng nhỏ người địa phương trong vùng núi rừng Việt Bắc không giữ vai trò đáng kể về mặt quân sự trong việc kết thúc chiến tranh với Nhật ở Đông Dương. Người Mỹ biết rõ điều đó. Hồ Chi Minh cũng biết rõ điều đó.
Điều quan trọng hơn của những mối quan hệ với lực lượng Mỹ mà Hồ Chí Minh chủ trương thiết lập chính là tăng thêm lực lượng ngoại giao, uy thế chính trị của Việt Minh để giành độc lập cho dân tộc và tạo ra những tiền đề cho việc xác lập vị thế của nước Việt Nam độc lập trên trường quốc tế sau này.
Con đường hòa bình
Ngay sau khi giành lại được độc lập, bên cạnh việc củng cố, xây dựng chính quyền non trẻ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những hoạt động tích cực mở rộng quan hệ quốc tế.
Với Chính phủ Mỹ, trong hai năm 1945 - 1946, Hồ Chí Minh đã có 8 thư và điện gửi Tổng thống Harry Truman, 3 thư và điện gửi Bộ trưởng Ngoại giao James Byrnes.
Trong thư gửi ông James Byrnes ngày 1/11/1945, Hồ Chí Minh đề nghị gửi 50 thanh niên Việt Nam sang Mỹ để “xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác”, và theo Người, giới trí thức Việt Nam “tha thiết mong muốn tạo được mối quan hệ với nhân dân Mỹ là những người mà lập trường cao quý đối với những ý tưởng cao thượng về công lý và nhân bản quốc tế, và những thành tựu kỹ thuật hiện đại của họ đã có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với giới trí thức Việt Nam”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kiên trì tìm cách hoà bình, tìm con đường hoà bình để đem lại hoà bình cho nhân dân, cho đất nước Việt Nam với đầy đủ nội dung về quyền dân tộc.
Với con đường hòa bình, Hồ Chí Minh hướng đến điều hòa sự đa dạng về xu hướng chính trị, chế độ xã hội giữa các nước để các dân tộc gần gũi nhau, hiểu biết nhau, để mở rộng sự hợp tác hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước trên thế giới, đặc biệt là với các nước láng giềng và khu vực, hướng tới hòa bình và thịnh vượng.
Năm 1955, Người phát biểu: “Nhân dân Việt Nam tin chắc rằng mọi sự phân tranh trên thế giới đều có thể giải quyết bằng cách hoà bình, tin chắc rằng các nước dù chế độ xã hội khác nhau và hình thái ý thức khác nhau cũng đều có thể chung sống hoà bình được”.
Điều được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh với Tổng thống Harry S. Truman cho đến nay không hề cũ.
Những dòng cuối cùng trong Thông điệp của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đăng trên tờ Washington Post ngày 27/7/2013 đã kế thừa rõ nét tinh thần đó: "Mặc dù ở hai bờ xa cách của Thái Bình Dương bao la, nhân dân Việt Nam và nhân dân Hoa Kỳ cùng chia sẻ một niềm tin mãnh liệt vào tương lai tươi sáng của một châu Á - Thái Bình Dương, hòa bình, hợp tác, thịnh vượng. Hôm nay, khi tôi tới thăm đất nước và nhân dân Hoa Kỳ, chúng ta cùng chia sẻ niềm vui vì ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh gần 70 năm trước về mối quan hệ "hợp tác đầy đủ" giữa hai dân tộc đã thành hiện thực”.
  • TS Ngô Vương Anh

ST: Một bài viết về PHẠM XUÂN NGUYÊN

Sáng tạo vì Khát vọng Việt:

Phạm Xuân Nguyên: Làm gì cũng phải có trách nhiệm và chất lượng cao nhất có thể

Nếu tìm hiểu về Phạm Xuân Nguyên từ những nguồn khác nhau, người ta sẽ chẳng biết vẽ chân dung anh thế nào, bởi vì, có rất nhiều trong một.  

Đó là người đã định đầu tư sâu cho văn học miền Nam khi mới trở thành nghiên cứu viên của Viện văn học. Là một dịch giả có thể chuyển ngữ ba thứ tiếng Nga, Anh, Pháp tốt như nhau. Là người hay giúp đỡ các chuẩn tiến sĩ viết luận văn, trong khi mình nhất định dừng lại ở văn bằng cử nhân. Một giảng viên đầy lôi cuốn với sinh viên nhờ kho kiến thức uyên bác và cách diễn đạt tinh gọn. Một người dẫn chương trình sinh động và thâm thúy. Một bạn rượu vui tính, ít khi làm phiền ai. Một cộng tác viên không bao giờ nói không khi được nhờ cậy. Một cái tên “hot” vì việc dạo quanh hồ Gươm. Là Phó chủ tịch rồi Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội…
Phạm Xuân Nguyên: Làm gì cũng phải có trách nhiệm và chất lượng cao nhất có thể 2
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên
Sao trong một người lại có thể sống chung nhiều con người khác nhau như thế? Thật ra, điều đó không hề mâu thuẫn mà là một tổng thể đa dạng, cân bằng, ổn định. Bởi vì Phạm Xuân Nguyên trong bất cứ vai trò nào cũng thực hiện với trách nhiệm và chất lượng cao nhất có thể.
Là người từng đưa Phạm Xuân Nguyên đến gặp bác Lê Ngộ Châu, Chủ nhiệm Tạp chí Bách Khoa (Sài Gòn) để nhờ bác kết nối với những nhà văn miền Nam khác, tôi đã thực sự tiếc khi kế hoạch về văn học miền Nam của Nguyên không thể thực hiện. Biết rõ một nền văn học để có thể nói về nó một cách chính xác, đó chẳng phải là cách làm khoa học và thấu tình đạt lý hay sao. Nhưng có lẽ ý định đó đã đi sớm hơn thời đại của mình nhiều bước quá chăng?
Những bài nghiên cứu, phê bình văn học của Phạm Xuân Nguyên xuất hiện khá đều trên mặt báo. Và dù anh khen hay chê tác phẩm thì người đọc cũng dễ dàng nhận ra thiện ý và tâm thành của tác giả. Văn hóa tranh luận được tôn trọng, và sự quy chụp hoặc đánh tráo khái niệm không có trong cách làm của anh. Người ta có thể tán thành hay không nội dung bài anh viết, nhưng vẫn phải thừa nhận sự khách quan đúng mực của nó. Ngay trong thời điểm xảy ra những tranh luận căng thẳng nhất, bài viết của Phạm Xuân Nguyên dù quyết liệt, thẳng thắn nhưng chưa bao giờ xúc phạm hay có ý xấu với bất kỳ ai. Có lẽ điều đó bộc lộ nét đặc trưng của con người anh: hòa nhã, dễ gần.
Phạm Xuân Nguyên đã viết về nhà thơ Hữu Loan: “Ông đã sống một cuộc đời dài, thật dài, mà những khổ nạn, thử thách chỉ càng làm bền thêm trong ông những lựa chọn ban đầu khi làm cách mạng và làm thơ. Bỏ phố thị thủ đô về lại quê hương, tự tay vỡ đất vỡ đá lầm lụi tháng ngày nuôi vợ con nuôi mình chống chọi với cuộc sống thiếu thốn vất vả và nhiều chướng ngại, nhưng ông không nề hà, nản chí. Hữu Loan là một con người cương cường. Ai đã một lần gặp ông, nhìn ngắm khuôn mặt ông, nhất là đôi mắt, và nghe giọng ông nói, đều có thể cảm nhận đây là một con người không chịu gục ngã trước thử thách…Ông tự gọi mình là cây gỗ vuông: “Tôi, cây gỗ vuông chành chạnh suốt đời/Đã làm thất bại âm mưu/đẽo tròn/để muốn tùy tiện/lăn long lóc/thế nào/thì lăn lóc. Chân lý đấy/hỡi/rìu/bào/phó mộc”. Nhà ông, trên bàn thờ chỉ để một chữ Tâm”.
Trong cảm nhận của tôi, đóng góp đáng kể của Phạm Xuân Nguyên cho văn học chính là mảng dịch thuật, với bút danh Ngân Xuyên. Bất cứ tác phẩm dịch nào của Nguyên cũng được chọn lựa kỹ, dù chỉ một truyện ngắn, một bài báo, một chuyên luận, chứ không nhất thiết phải là tác phẩm lớn. Là người giỏi tiếng Việt và có một tâm hồn thuần Việt, biết rõ người đọc Việt đang thiếu gì nên Phạm Xuân Nguyên luôn cung cấp những thông tin giúp họ khám phá, đồng thời gợi những liên tưởng mở rộng tầm nhìn và suy nghĩ của họ.
Đó là bài trả lời phỏng vấn nhà văn Peru Mario Vargas Llosa (Nobel Văn học 2010) dành cho Natalya Kochetkova, bình luận gia tờ Zvestia - Nga: “Bất cứ chế độ toàn trị nào cũng luôn muốn kiểm soát văn học, cũng đối xử với nó đầy ngờ vực, bởi vì văn học chứa trong mình sự phê phán quyền lực… Tất nhiên người ta thích coi văn học nghệ thuật trước hết như một thứ giải trí, nhưng nó còn lớn hơn là giải trí đơn thuần… Các tác phẩm văn học lớn luôn cho biết những việc xảy ra trong xã hội, cho biết những vấn đề cơ bản của xã hội là gì, mọi người đang trông đợi gì...”.
Đó là bài giới thiệu nhà văn Mỹ Robert Olen Butler Jr. từng tham chiến ở Việt Nam, đã có hơn mười tác phẩm, trong đó tập truyện A Good Scent from a Strange Mountain viết về người Việt Nam đã nhận giải Pulitzer 1983. Đó cũng là nhà văn cựu binh Mỹ Tim O'Brien, đoạt giải thưởng Sách quốc gia của Mỹ  với tác phẩm Going after Cacciato, và giải thưởng James Fenimore Cooper dành cho truyện lịch sử hay nhất 1995 với tiểu thuyết In the Lake of the Woods. Quan niệm của ông: "Các truyện về chiến tranh thực chất không phải bao giờ cũng viết về chiến tranh. Chúng không viết về bom đạn và mưu mô quân sự. Chúng không viết về chiến thuật, không viết về các hố cá nhân và lều trại. Truyện chiến tranh, giống như bất kỳ truyện hay nào, rốt cuộc là viết về trái tim con người”.
Phạm Xuân Nguyên cũng đã giới thiệu trên Tạp chí Văn học nước ngoài của Hội Nhà văn Việt Nam (số 1/1996) tiểu thuyết Sự bất tử của Milan Kundera, nhà văn Pháp gốc Tiệp, một tài năng lớn của văn chương thế giới. Sau đó, cùng vớiChậm rãi, Bản Nguyên, Sự bất tử được in thành sách, gây ấn tượng mạnh mẽ với độc giả Việt Nam, nhất là giới nhà văn. Tiểu thuyết của Milan Kundera thành công trong việc xóa nhòa lằn ranh giữa tính hư cấu của tiểu thuyết và những luận đề đầy triết lý của nhà văn, buộc người ta phải đọc chậm để có thì giờ nghiền ngẫm và chia sẻ những suy tưởng của ông.
“Tôi quan niệm người dịch không phải chỉ là người chuyển chữ mà là người chuyển văn hóa, vậy anh phải là người luôn biết được nhu cầu bạn đọc. Tất nhiên tôi không nói đến nhu cầu của số đông, mà là nhu cầu về trí tuệ, văn hóa của dân tộc… Giống như một bà mẹ nuôi con, biết con cần gì ở mỗi giai đoạn, mỗi dân tộc luôn cần biết lấy cái gì của nước ngoài về cho mình”. Đó là những gì dịch giả Ngân Xuyên Phạm Xuân Nguyên nói về công việc dịch thuật của mình.
Nhiều công việc, nhiều tầng lớp bạn bè, nhiều xê dịch, nhiều buồn vui nhân thế… trong một con người. Và nếu bạn hỏi, vậy Phạm Xuân Nguyên là ai, câu trả lời của tôi sẽ là: “Phạm Xuân Nguyên, như chính Phạm Xuân Nguyên thể hiện”.
Phạm Xuân Nguyên: Làm gì cũng phải có trách nhiệm và chất lượng cao nhất có thể 1 
Chuyên mục Sáng tạo vì Khát vọng Việt giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước... Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên VN, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới để cùng sáng tạo tương lai một VN hùng mạnh và ảnh hưởng.
Ngô Thị Kim Cúc

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

ST: CT BÀN TÍNH VÀ SỐ HỌC IQ CỦA VN

Giới thiệu chương trình Bàn tính và số học IQ



Chương trình Bàn tính và số học IQ Việt Nam là chương trình phát triển trí tuệ tốt nhất cho trẻ từ độ tuổi từ 4 đến 12 tuổi. Chương trình đã được Cục bản quyền tác giả cấp giấy phép chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ

Từ xa xưa, qua thông thương buôn bán, nguời Trung Quốc đã sáng tạo ra chiếc bàn tính gảy với cấu trúc gồm 2 hạt ở trên và 5 hạt ở dưới.Ngày nay qua quá trình nghiên cứu, ứng dụng của các Học viện bàn tính trên thế giới thì chiếc bàn tính cổ đã được cách tân với cấu trúc 1 hạt ở trên, 4 hạt ở dưới minh chứng là một công cụ tuyệt vời để luyện trí não cho những học sinh nhỏ tuổi.
      alt

Chương trình bàn tính và số học IQ Việt Nam là chương trình khoa học đặc biệt đựơc thiết kế cho trẻ 4-12 tuổi nhằm phát huy tối đa tiềm năng não, đặc biệt là chức năng não phải. Dựa trên những nghiên cứu khoa học và sự am hiểu sâu sắc về tâm lý, nhận thức của trẻ, chương trình bàn tính và số học IQ Việt Nam được chia  thành 2 học phần:

 - Giáo trình cho trẻ từ 4 đến 7 tuổi: Luyện viết số , K IQ1, K IQ2, K IQ3, K IQ4.

 - Giáo trình cho trẻ từ 7 đến 12 tuổi : IQ 1, IQ 2, IQ 3, IQ 4, IQ 5, IQ 6, IQ 7, IQ 8, IQ 9, IQ 10.

I. Sự khác biệt của chương trình bàn tính và số học IQ so với các chương trình bàn tính khác:

1. Chương trình bàn tính và số học IQ có thể tính toán với tốc độ cực nhanh kể cả những con số hàng chục nghìn
2. Chương trình được thiết kế phù hợp với các nấc thang nhận thức của học sinh: Đi từ tư duy trực quan đến tư duy bán tưởng tưởng rồi đến tư duy tưởng tượng (ban đầu học sinh được học các phép tính trên bàn tính, luyện tập theo phương pháp cho đến khi  hình ảnh các hạt bàn tính rõ nét trong não, trẻ bắt đầu có thẻ sử dụng đến bàn tính ảo. Với việc đi qua các nấc thang nhận thức một cách từ từ, chắc chắn, và khoa học này, chương trình Bàn tính và số học IQ Việt Nam giúp cho học sinh tiếp nhận kiến thức cũng như rèn luyện các kỹ năng một cách vừa sức, phù hợp với nhận thức của trẻ. 
3. Điểm đặc biệt nhất của chương trình Bàn tính và Số học IQ Việt Nam là hướng dẫn cho trẻ cách áp dụng phương pháp gảy bàn tính vào giải các dạng toán căn bản trong nhà trường, không gây ra sự khập khiễng giữa phương pháp bàn tính iq và phương pháp giải toán của giáo dục Việt Nam. Bộ giáo trình toán Mỹ thông minh được các sáng lập viên và cố vấn đào tạo của IQ cải tiến phù hợp với học sinh Việt Nam theo từng lứa tuổi.  Đây là một sự kết hợp tuyệt vời khiến bạn hoàn toàn yên tâm là trẻ sẽ không bao giờ sợ hãi môn toán cũng như các môn học khác trên ghế nhà trường.
4. Các câu chuyện về bài học cuộc sống trong mỗi tiết học IQ sẽ giúp cho trẻ hình thành nhân cách ngay từ nhỏ rất được các bé yêu thích và sự ủng hộ từ phía các bậc phụ huynh khi các bé về nhà líu lo với các câu chuyện thầy cô kể về tình yêu thương, về lòng dũng cảm...

II. Tại sao chương trình Bàn tính và Số học IQ lại có thể giúp phát triển tối đa tiềm năng não trái, não phải của trẻ?

1. Bộ não của con người được chia làm Bán cầu não trái và Bán cầu não phải. Nghiên cứu tâm lý chỉ ra rằng hình dạng của hai bán cầu là giống nhau nhưng chức năng thì khác nhau.
alt
2. Bán cầu não trái có quan hệ với khả năng ngôn ngữ và các hoạt động suy nghĩ và có chức năng ngôn ngữ, suy nghĩ trừu tượng và suy nghĩ logic.
3. Bán cầu não phải có khả năng về suy nghĩ vật thể như hình ảnh và hình dạng và có chức năng nhận biết hình mẫu, cảm nhận hình dạng, suy nghĩ sáng tạo và trực giác.
4. Theo các nhà khoa học, có 2 cách để nuôi dưỡng và phát triển dồng đều cả hai bán cầu não:
+ Cách thứ nhất là bằng suy nghĩ cân nhắc, Cách này sẽ hạn chế hoạt động cảu bộ não và nâng cao sự liên lạc giữa hai bán cầu não và làm cho bán cầu não phải hoạt động tốt như bán cầu não trái.
+ Cách thứ hai là thông qua đào tạo. Cách này tập trung vào việc phát triển kỹ thuật thực hành có liên quan đến bán cầu não phải.
+ Bàn tính và số học IQ bằng hình ảnh của việc tính toán bằng bàn tính là sự phản ánh cụ thể của hai phương pháp trên. Bàn tính và số học IQ bằng hình ảnh của việc tính toán dựa trên chức năng của bộ não và sử dụng hình ảnh vật thể của hạt bàn tính trong não thông qua tri giác bằng giác quan, tưởng tượng và trí nhớ, phương pháp tính toán bằng bàn tính mô phỏng để hoàn thành mô hình các con số thay đổi trong trí óc. Đây là cơ sở của việc tính toán bằng bàn tính, từ việc tính toán bằng bàn tính đến việc tính toán bằng trí não.

III. Mục đích của chương trình: Bàn tính và Số học IQ Việt Nam

1. Trẻ em đạt được sự tập trung của trí óc. Để tưởng tượng bàn tính và sự thay đổi của nó trong trí óc, người ta nên tập trung chú ý đến tưởng tượng.
2. Trẻ em rèn luyện trí nhớ. Để nhớ được hình dạng của hạt bàn tính thay đổi liên tục, nó sẽ giúp cải thiện trí nhớ.
3. Trẻ em nâng cao khả năng lập luận, đánh giá, ứng dụng và quan sát. Vì cách diễn đạt con số bằng bàn tính rất đơn giản và rõ ràng so sánh với các tính toán khác, đây là phương pháp dễ dàng để so sánh và đánh giá các con số. Việc tính toán bố trí lặp đi lặp lại giúp chúng ta nâng cao khả năng lập luận, đánh giá, quan sát và ứng dụng.
4. Trẻ em nâng cao khả năng tính toán, bàn tính rất dễ để học và thích ghi với cách tính toán. Khi chúng ta nâng cao tốc độ tính toán, việc tập trung trí não được nâng cao và độ chính xác cũng được cải thiện. Với khả năng tính toán được nâng cao, trẻ sẽ không còn sợ môn toán nữa. Nó sẽ xóa đi sự sợ hãi về toán học trong mỗi chúng ta.
5. Bằng việc sử dụng trí tưởng tượng của bán cầu não phải để tưởng tượng hình ảnh bàn tính trong trí não, khả năng hình dung sẽ trở nên mạnh hơn và rõ ràng hơn. Einstein tin rằng sự tưởng tượng quan trọng hơn là kiến thức, bởi vì tưởng tượng là nguồn chính của kiến thức được khám phá.

Liên quan đến 05 nhận xét đặc biệt, chúng tôi có thể nói rằng đây là những đặc điểm tiêu chuẩn để tiếp cận khả năng của bộ não con người. Vì vậy, chúng tôi xem bàn tính và số học IQ là một công cụ tốt để phát triển bộ não con người.

Kết thúc khóa học, các em có thể đạt được:

1. Tư duy lôgic

2. Khả năng tính toán nhanh đáng kinh ngạc

3. Khả năng tập trung cao

4. Khả năng quan sát, hình dung, tưởng tượng.

5. Khả năng ghi nhớ tốt

6. Khả năng tốc ký

7. Khả năng hấp thụ và xử lý thông tin nhanh, chính xác.
- Phù hợp với toán học ở trường.
- Giảm sự phụ thuộc vào máy tính 
- Các kỹ năng này sẽ giúp trẻ học tập tốt, xử lý thông tin tốt, giúp các em tự tin vào bản thân và giải quyết các thách thức trong tương lai.

Đội ngũ giáo viên của Công ty cổ phần phát triển giáo dục IQ Việt Nam luôn tự hào khi đứng trong hàng ngũ của Công ty, đã được đào tạo, tuyển chọn và sàng lọc một cách kĩ càng để đảm bảo tốt nhất về mặt chuyên môn khi giảng dạy chương trình. Họ là những người yêu nghề, giàu tâm huyết, yêu trẻ . Do vậy giáo viên của Công ty Cố phần phát triển giáo dục IQ Việt Nam luôn là những người xuất sắc nhất khi dạy các chương trình bàn tính, được sự đánh giá cao của đồng nghiệp cũng như phụ huynh học sinh.

Lưu ý: Tất cả các hệ thống của IQ Việt Nam sẽ dành tặng các em một buổi học thử miễn phí. Mục đích của chương trình là giúp các con làm quen với môi trường học tập mới. Các thầy cô sẽ kiểm tra khả năng của từng bé, cùng phụ huynh sắp xếp lịch học phù hợp với trình độ và thời gian của các con.



Gần 500 học sinh thi tài làm toán nhanh

Gần 500 em học sinh từ 4 tuổi - 12 tuổi trên khắp cả nước đã có mặt ở nhà thi đấu Đại học Sư phạm Hà Nội để tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn bàn tính và số học IQ, diễn ra vào ngày 28/7.


Kì thi học sinh giỏi quốc gia bộ môn bàn tính và số học IQ được tổ chức vào tháng 7 hàng năm. 500 em học sinh xuất sắc nhất tiến hành tranh tài trong các phần thi: Nhìn tính, nghe tính và giải toán thông minh với từng cấp độ IQ phù hợp với lứa tuổi.
 
Học sinh tiểu học thi tài làm toán nhanh
 
Gần 500 học sinh thi tài làm toán nhanh
Gần 500 học sinh thi tài làm toán nhanh
 
Trong phần thi “nghe tính” với hình thức tư duy không sử dụng bàn tính, những phép tính từ 1 chữ số 30 dòng đến những phép tính 3 chữ số 20 dòng đều được các học sinh chinh phục rất dễ dàng. Khi hiệu lệnh “Bắt đầu” vang lên, các em tập trung cao độ, liếc nhanh từ trên xuống dưới rồi ghi luôn kết quả. Chăm chú theo dõi phần trình diễn, chốc chốc khán giả ngồi bên dưới lại ồ lên vì ngạc nhiên bởi khả năng tính toán siêu tốc của các học sinh. Còn các cô giáo, dù dùng máy tính cầm tay nhưng luôn đưa ra kết quả chậm hơn học trò.
 
Để làm được điều này, các em học sinh đã trải qua một chương trình đào tạo bằng phương pháp có tên Bàn tính số học IQ.
Điểm khác biệt vượt trội so với các chương trình bàn tính số học khác đó là phần toán thông minh. Những dạng toán tìm quy luật hình ảnh, tìm qui luật của dãy số được đưa vào chương trình giảng dạy, nhằm phát huy tối đa khả năng tư duy logic của trẻ.
Bên cạnh đó trong các giờ học, ngoài việc được học kiến thức cơ bản các em học sinh còn được nghe kể các câu chuyện cuộc sống đây là một phần không thể thiếu trong mỗi giờ lên lớp góp phần hình thành nhân cách của trẻ ngay từ lứa tuổi còn nhỏ.
PGS-TS Phan Huy Khải - cố vấn đào tạo cho biết: “Chương trình Bàn tính và số học IQ là tiến trình giúp trẻ phát triển não trái và não phải. Đây là kỹ năng sử dụng bàn tính bằng việc chạm đầu ngón tay để truyền từ hạt bàn tính thành con số và để thực hiện tính toán cơ bản. Vì vậy, bước quan trọng đầu tiên của kỹ năng này là học cách sử dụng và thao tác với bàn tính. Trong các lớp học tính nhẩm, học sinh sẽ được hướng dẫn phương pháp này để làm các phép tính cộng trừ đơn giản trước khi áp dụng để tính toán các phép tính phức tạp hơn, như nhân và chia, khai căn, lũy thừa... Và đặc biệt trẻ được làm quen với các dạng toán thông minh của nhà trường giúp trẻ học tốt môn Toán trên nhà trường”.
Hiện nay, IQ Việt Nam đã có mặt tại các tỉnh thành lớn là Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Đồng Nai và nhiều tỉnh thành khác trên cả nước.
Được biết, chương trình bàn tính và số học IQ phù hợp với học sinh từ 4-12 tuổi. Thông qua các khóa học các em sẽ được rèn luyện 5 khả năng nền tảng đó là: Tập trung, ghi nhớ, quan sát - lắng nghe, hình dung tưởng tượng và tính toán nhanh.

ST từ trang BINTOCDO

Trẻ học Anh văn sớm và câu chuyện Háo À Djù
Toàn nhân loại đồng ý rằng cho trẻ học ngoại ngữ càng sớm càng tốt. Ôi thôi hết nghiên cứu này đến nghiên cứu nọ, hết thần đồng này đến thần đồng khác! Đạt Tóp Phồ 580 điểm khi mới 10 tuổi, dịch sách khi tròn 8 tuổi, ét sệt tề rà. Thế là các bậc phụ huynh tha hồ mà chầu chực trước cửa Bi Tít Cao Sồ, I-la, Thần Đồng, Việt Mỹ — các cơ sở giáo dục nở rộ về số lượng và bảng giá, phù hợp với mọi túi tiền và kích cỡ của lá gan “hy sinh đời bố, củng cố đời con” của mỗi nhà.
Nhưng tôi xin khuyên các bậc phụ huynh hãy SUY NGHĨ THẬT KỸ trước khi dúi con vào đó. Bởi vì theo tôi, trẻ em học tiếng Anh sớm tại Việt Nam gặp vô vàn rủi ro, và khó mà áp dụng trí khôn của nhân loại được.

Các kiểu dạy và học      Xin được dài dòng một tí, để quý vị hiểu rõ hơn í mà. Theo Giáo học pháp, có vài cách tiếp cận trong việc dạy/học Anh văn. Thứ nhất là kiểu Grammar Translation Approach, vô cùng cổ điển, không chú trọng giao tiếp, tập trung vào làm sao cho ngữ pháp vững, học từ vựng bằng cách đọc nhiều, dịch nhiều. Đây là cách mà cha ông ta sử dụng, và hệ quả là rất uyên thâm nhưng đa số nói nghe không nổi, vò đầu bứt tai nhìn tội ghê luôn.
Thứ hai là kiểu Direct Approach, khỏi ngữ pháp ngữ pheo, cứ cho nó tiếp xúc và nói nhiều vô, thế là nó tự học được. Hê hê, học kiểu này thì ngược hẳn với kiểu các cụ, nhưng thế giới phát hiện ra rằng kiểu này đào tạo ra loại người nói tiếng bồi và rất lộn xộn, không có triển vọng thành nhà văn.
Tiếp đến là kiểu Audio-Visual Approach, đại loại là nghe nhìn, nhấn mạnh các kiểu lặp đi lặp lại, cố gắng tạo liên kết não giữa âm thanh và hình ảnh, để sao cho khi nhìn thấy cái bàn thì trong đầu bật ra chữ table. Đây là kiểu mà Đốc tờ Li của Không gian gọi là “phương pháp phản xạ độc quyền” đó.
Và cuối cùng, là hoa hậu của đêm nay: Communicative Approach, đặt trọng tâm vào khả năng giao tiếp và sử dụng ngôn ngữ như công cụ cho cuộc sống: đối thoại, nghe hiểu, đáp ứng, truyền đạt ý tưởng v.v. Cách tiếp cận này chôm tất cả ưu điểm của các kiểu trước, dạy “tàn diệng” nhưng luôn với mục tiêu rõ ràng là sử dụng ngôn ngữ làm công cụ cho các hoạt động sống.
Ở Việt Nam có kiểu nào?
Xin thưa là có đủ. Hơ hơ.
Kiểu cổ điển thì nói thiệt là hầu như tuyệt tích, trừ một số trường phổ thông và mấy ông giáo già khụ ôm đài BBC vài chục năm từ trước 75. (Mấy bố này phát âm kiểu thập niên 60, hễ hỏi “why?” là đọc tướng lên “Hoai” nghe hãi hãi là!). Nói chung là chả ai cho con đi học mấy bố này, nên khỏi bàn đến.
Các lớp Anh văn thiếu nhi có thầy cô giáo “bản ngữ” thì chủ yếu sử dụng Direct Approach và nói chung là tả pí lù, tuỳ thuộc vào … hứng của mấy “giáo viên bản ngữ” này. Đã qua rồi thời đại thầy Tây ba lô. Bây giờ đến thời đại thầy Tây ba gác. Xoè ra cái bằng “Phương pháp giàng dạy”, oai ghê, nhưng nếu dòm kỹ sẽ thấy chỉ cần học 3 tháng lớp ban đêm của bất cứ trường đại học hay community college – tương tự trung tâm giáo dục thường xuyên ở ta – là có bằng này. Vả lại giáo viên “bản ngữ” nên hổng có biết tiếng Việt, giảng giải cho trẻ con hiểu một cách vừa đơn giản lại vừa chính xác là điều không tưởng. Không biết tiếng Việt mà giảng câu “I’m sorry” và “Excuse me”cho đứa 5 tuổi coi – tưởng dễ mà ko dễ nha! Hơn nữa, Direct Approach chỉ có tác dụng khi người học được sống trong môi trường bản ngữ – tức là xung quanh toàn người sử dụng tiếng Anh tốt, tự nhiên và đa dạng, người học buộc phải sử dụng tiếng Anh để giao tiếp tồn tại – thì mới có tác dụng. Vì thế nên chỉ có vứt trẻ con sang Mỹ vài năm thì nó mới nói như Mỹ được, chứ 1 tuần vài tiếng sáng Chúa Nhật thì ôi thôi, quên đi.
Hay là cho nó đi học trung tâm có giáo viên Việt? Hay! Giải nghĩa tốt, hiểu ý trẻ con. Nhưng giáo viên Việt Nam thì phát âm kinh hoàng. Con bạn đi học về biết đếm “Wan tru chi” thì nên lo chứ không nên mừng, vì cái số 3 – “three” – coi dễ mà hổng dễ, chính bạn có khi còn nói bậy không chừng!
Thế nhưng, nhiều trường đã dùng “hợp đồng binh chủng” – cả Tây lẫn Ta dạy xen kẽ, hoặc Tây dạy chính, Ta làm “trợ giảng.” Đây là loại hình khả dĩ nhất, nhưng lại vẫn đụng đầu vật cản là trình độ của thầy Tây ba gác, vì giáo viên Ta, dù giỏi phương pháp đến đâu, luôn bị coi là thứ yếu và không có quyền điểu khiển lớp học. “Trợ giảng” mà bày đặt! Cái này là do phụ huynh mà ra, phụ huynh tặc lưỡi “thầy Tây dạy tiếng Tây thì còn ai tốt hơn nữa!” một phát là trường chiều phụ huynh ngay (cái này gọi là customer service!). Giấc mơ Communicative Approach còn xa vời lắm….
Những vật cản tự nhiên
Đa số trẻ con 5 – 7 tuổi nói tiếng mẹ đẻ chưa rõ. Một số âm chưa thể nói chuẩn. Khi giới thiệu các âm mới của tiếng nước ngoài, nếu không sửa thật kỹ, các trẻ rất dễ nói sai thành thói quen. Tất nhiên có cách để chỉ phát âm chuẩn, sử dụng sơ đồ chỉ vị trí của lưỡi với răng, vòm họng trên và dưới v.v. rất khoa học và hiệu quả, nhưng bắt trẻ điều khiển các bộ phận này không phải là không được, nhưng đòi hỏi kiên trì, thời gian và sự chú ý vào từng trẻ và nỗ lực kiên trì của bản thân trẻ mà ở độ tuổi 5 – 7 chưa có được. Theo tôi, nên cầu Chúa, Phật, Bụt và Thánh Allah phù hộ cho trẻ nghe thầy Tây nói và bắt chước cho chuẩn. Bạn có mọc gai ốc khi nghe con mình hát bài “Háo À Djù, Sầu, Thánh Kìu Háo À Djù!” chưa? “How are you, Sue? Thank you, How are you” đó. Nói thiệt, trẻ con mà sai phát âm từ khi 5 tuổi là lớn lên vô phương cứu chữa đó nghen.
Về ngữ nghĩa, trẻ 5 – 7 tuổi đang còn trong giai đoạn học khái niệm tự nhiên. Dạy nó đây là cuốn sách, kia là viết chì thì dễ, chứ thử dạy “I’m so embarrased” coi. Hay thử dạy nó nói đúng giữa hai câu “My English is good” và “I speak English well” coi nào. Nếu trẻ ở độ tuổi trên 10 và có thể hiểu tính từ và trạng từ, điều này vô cùng dễ. Thế nhưng tri thức nhân loại bảo rằng phải đọc truyện cổ cho con từ khi nó vài tháng, và cho học tiếng Anh lúc 3 tuổi cơ! Bởi thế nên các trung tâm chỉ dạy con bạn những thứ vớ vẩn nói vài lần là hết như đây là cái xe hơi, con búp bê này đẹp, quanh đi quẩn lại như thế, mà nó tính tiền bạn phát chóng mặt luôn, chưa kể nguy cơ nói sai linh tinh mà không có ai sửa.
Vậy phải làm sao bi giờ?
Lời tâm huyết đây nha. Tri thức nhân loại không lừa bạn đâu. Đúng là phải dạy ngôn ngữ cho bé từ nhỏ. Và vì chính bạn là người phải dạy, có tâm huyết với con mình hơn bất cứ thằng Tây ba gác nào, và bạn lại nói tiếng Việt chuẩn (Hmmmm, cố lên! cố lên!) nên hãy bắt đầu bằng tiếng Việt.
1. Hãy chuẩn bị cho con bạn tư duy ngôn ngữ thật tốt từ khi còn bé. Không phải bằng cách cho nó hát bài Háo À Djù, Sầu” 1000 lần đâu. Cũng đừng bắt nó nghe nhạc Beethoven khi 3 tháng tuổi. Hãy nói tiếng Việt thật chuẩn với bé. Câu đầy đủ, có đủ chủ ngữ vị ngữ. Phát âm tiếng Việt chuẩn. Yêu cầu bé nói đủ “Con rất thích chiếc xe này. Ba mẹ mua cho con đi!” thay vì “Nhun mà con thít. Mè mua!!! Mè mua!!”
2. Hãy quan sát con bạn. Sửa phát âm tiếng Việt cho nó. Nếu là người miền Nam, hãy cố để con bạn đừng nhầm dấu và phân biệt có G hay không G. Cha mẹ học cái này cũng vì quyền lợi bản thân đó nha! Đừng lo, con bạn đang sống trong môi trường bản ngữ tiếng Việt, tha hồ Direct Approach.
3. Hãy mua phim hoạt hình tiếng Anh chuẩn cho nó. Nhớ lựa phim có tiếng nói đàng hoàng, không phải loại phim phá tiếng nói lít cha lít chít, hay ồm ồm loằng nhoằng. Đã dùng Audio-Visual Approach thì phải lựa thứ xịn, ai lại xài đồ dỏm bao giờ! Hãy xem cùng với nó để hiểu nhân vật mà nó thích. Có thế mới nói chuyện với nó một cách cuốn hút được.
4. Đừng tự mình dạy con phát âm tiếng Anh nếu chính bạn phát âm không chuẩn. Đừng có hại con chớ!
5. Phải chấp nhận rằng có trẻ có năng khiếu ngôn ngữ, có trẻ không. Mà trẻ không có khiếu ngôn ngữ nhiều hơn. Nếu con bạn không có khiếu ngôn ngữ, lại càng phải cẩn trọng trong việc dạy nó thế nào cho khỏi lệch lạc. Hãy tự hào về gien của mình nếu con bạn có khiếu, và cũng đừng buồn nếu nó không có, vì chắc chắn nó có năng khiếu vụ khác. Biết đâu mai mốt con bạn làm Tổng thống, còn con nhà kia chỉ làm phiên dịch cho con bạn thôi thì sao!
6. Hãy dạy con bạn khái niệm tuỳ theo độ tuổi. Và hãy cho con bạn đến trường học tiếng Anh vào thời điểm mà bạn thấy con bạn có thể tiếp thu được một cách hiệu quả.
Làm những bước trên, bạn sẽ trang bị cho con:
• Khả năng tư duy ngôn ngữ chuẩn xác, hiểu một cách tự nhiên các bộ phận cấu thành của ngôn ngữ mà không đi vào lý thuyết.
• Tạo cho con khả năng điều chỉnh phát âm với môi trường bản ngữ xung quanh, có sẵn một người thầy tận tâm (chính bạn chứ còn ai) sẵn sàng sửa sai cho nó.
• Làm quen và trang bị cho con bạn các khái niệm trừu tượng bằng tiếng mẹ đẻ trước – bạn giải thích cho nó hiểu, khó gì! Tất nhiên hãy tạm chưa giới thiệu khái niệm “hồi xuân” là gì vội! Còn sớm chán, nhẩy?
• Tạo cho con bạn điều kiện liên tục tập rèn chức năng giao tiếp, thông tin của ngôn ngữ – Communicative Approach đó!
Khi con bạn có được những kỹ năng trên, con bạn đã sẵn sàng để tiếp thu ngôn ngữ mới một cách dễ dàng. Đừng mù quáng tống con vào trung tâm ngoại ngữ chỉ vì tri thức nhân loại bảo thế. Hãy yêu con bạn!
Chúc bạn thành công!
Tâm sự của người cha từng bắt con thôi học Anh văn sau vài buổi nấp ngoài cửa sổ quan sát.
(Theo Trần Hà Nguyên/ Học Thế Nào)