Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

Những điểm mới quan trọng trong thi THPT quốc gia

Những điểm mới quan trọng trong thi THPT quốc gia

Dân trí Trong Quy chế thi THPT Quốc gia mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành có nhiều điểm mới quan trọng, thí sinh cần hết sức lưu ý để tránh những điều đáng tiếc sảy ra như tổ chức đăng ký dự thi, thời gian thi, trách nhiệm của thí sinh, điểm ưu tiên, xét tốt nghiệp…
 >>  Đối tượng được miễn thi các môn trong xét công nhận tốt nghiệp

Thí sinh tìm hiểu quy chế thi THPT quốc gia 2015 (Ảnh minh họa)
Thí sinh tìm hiểu quy chế thi THPT quốc gia 2015 (Ảnh minh họa)

Thí sinh lưu ý, thi THPT quốc gia có 8 môn: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ.
Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 4 môn, gồm 3 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong các môn thi còn lại.
Thí sinh không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được Giám đốc sở GD&ĐT xem xét, quyết định cho phép thí sinh chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn tự chọn.
Để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ thí sinh dự thi 4 môn quy định tại khoản 1 Điều này và đăng ký dự thi thêm các môn phù hợp với tổ hợp các môn thi để xét tuyển sinh do trường ĐH, CĐ quy định.
Để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, thí sinh đã tốt nghiệp THPT phải đăng ký dự thi các môn thi theo quy định của trường ĐH, CĐ đối với ngành đào tạo mà thí sinh có nguyện vọng.
2 cụm thi dành cho 3 đối tượng dự thi
Bộ GD&ĐT tổ chức cụm thi, gồm:
Cụm thi cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ: tổ chức thi cho thí sinh của ít nhất 02 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh), do trường ĐH chủ trì, phối hợp với sở GD&ĐT;
Cụm thi cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT: tổ chức thi tại trường hoặc liên trường phổ thông của tỉnh, do sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với trường ĐH.
Đối tượng dự thi: Người đã học hết chương trình THPT trong năm tổ chức kỳ thi; Người đã học hết chương trình THPT nhưng chưa thi tốt nghiệp hoặc đã thi nhưng chưa tốt nghiệp ở những năm trước; người đã tốt nghiệp THPT; người đã tốt nghiệp trung cấp; các đối tượng khác được Bộ GD&ĐT cho phép dự thi (gọi chung là thí sinh tự do).
Điều kiện dự thi: Các đối tượng dự thi không trong thời gian bị kỷ luật cấm thi; đăng ký dự thi và nộp đầy đủ, đúng thủ tục, đúng thời hạn các giấy tờ và lệ phí đăng ký dự thi theo quy định;
Người đã học hết chương trình THPT trong năm tổ chức kỳ thi phải đảm bảo các điều kiện được đánh giá, xếp loại ở lớp 12: hạnh kiểm xếp loại từ trung bình trở lên, học lực không bị xếp loại kém. Riêng đối với người học GDTX thuộc diện không phải xếp loại hạnh kiểm và người học theo hình thức tự học có hướng dẫn thì không yêu cầu xếp loại hạnh kiểm.
Thí sinh tự do chưa tốt nghiệp THPT ngoài quy định còn phải đảm bảo các điều kiện: Đã tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS); Trường hợp không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do bị xếp loại kém về học lực ở lớp 12, phải đăng ký và dự kỳ kiểm tra cuối năm học tại trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc nơi đăng ký dự thi một số môn học có điểm trung bình dưới 5,0, đảm bảo khi lấy điểm bài kiểm tra thay cho điểm trung bình môn học để tính lại điểm trung bình cả năm đủ điều kiện về học lực theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;
Trường hợp không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do bị xếp loại yếu về hạnh kiểm ở lớp 12, phải được UBND cấp xã nơi cư trú xác nhận có đủ tư cách, phẩm chất đạo đức và nghiêm chỉnh chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương.
Hiệu trưởng trường THPT, Giám đốc Trung tâm GDTX (gọi chung là Hiệu trưởng trường phổ thông) hoặc nơi thí sinh nộp Phiếu đăng ký dự thi tổ chức xét duyệt hồ sơ đăng ký dự thi; chậm nhất trước ngày thi 20 ngày phải thông báo công khai những trường hợp không đủ điều kiện dự thi theo quy định.
Học ở đâu, đăng ký dự thi ở đó
Nơi đăng ký dự thi: Người đã học hết chương trình THPT trong năm tổ chức kỳ thi đăng ký dự thi tại trường phổ thông nơi học lớp 12; Thí sinh tự do đăng ký tại địa điểm do sở GD&ĐT quy định.
Hồ sơ đăng ký dự thi đối với thí sinh chưa có bằng tốt nghiệp THPT (thí sinh vừa tốt nghiệp năm 2015):
2 Phiếu đăng ký dự thi giống nhau;  Học bạ THPT; học bạ hoặc Phiếu kiểm tra của người học theo hình thức tự học đối với GDTX (bản sao);
Các giấy chứng nhận hợp lệ để được hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích (nếu có). Để được hưởng chế độ ưu tiên liên quan đến nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, thí sinh phải có bản sao Sổ đăng ký hộ khẩu thường trú; 2 ảnh cỡ 4x6 cm và 2 phong bì đã dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc của thí sinh.
Thí sinh tự do, ngoài các hồ sơ quy định phải có thêm: Giấy khai sinh (bản sao); Giấy xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú theo nội dung quy định. Nếu thuộc trường hợp không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do bị xếp loại yếu về hạnh kiểm ở lớp 12; Giấy xác nhận của trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc nơi đăng ký dự thi về xếp loại học lực đối với những học sinh xếp loại kém về học lực quy định; Bằng tốt nghiệp THCS hoặc trung cấp (bản sao); Giấy xác nhận điểm bảo lưu (nếu có) do Hiệu trưởng trường phổ thông nơi thí sinh đã dự thi năm trước xác nhận.
Hồ sơ đăng ký dự thi đối với thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT:  2 Phiếu đăng ký dự thi giống nhau;  Bằng tốt nghiệp THPT hoặc trung cấp (bản sao); 2 ảnh cỡ 4x6 cm và 2 phong bì đã dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc của thí sinh.
Đề thi của kỳ thi THPT quốc gia đảm bảo phân loại được trình độ của thí sinh, vừa đáp ứng yêu cầu cơ bản (để tốt nghiệp THPT) và yêu cầu nâng cao (để tuyển sinh ĐH, CĐ);
 Phòng thi dán danh sách ảnh từng thí sinh
Căn cứ dữ liệu thí sinh đăng ký dự thi tại cụm thi, Ban Thư ký Hội đồng thi hoàn thành danh sách thí sinh (kể cả Danh sách ảnh của thí sinh) của từng phòng thi; làm Thẻ dự thi; xác định địa điểm làm thủ tục dự thi cho thí sinh.
Trong ngày làm thủ tục dự thi, theo đúng lịch đã công bố, Trưởng điểm thi phân công cán bộ hướng dẫn thí sinh làm thủ tục dự thi phổ biến quy chế thi; ghi xác nhận những sai sót về họ, tên, đối tượng, hộ khẩu thường trú, khu vực của thí sinh và chuyển những thông tin này cho Ban Thư ký Hội đồng thi xem xét, cập nhật vào phần mềm quản lý thi.
Bảo lưu điểm thi
Điểm thi được bảo lưu như sau:
Thí sinh dự thi đủ các môn quy định trong kỳ thi năm trước nhưng chưa tốt nghiệp THPT và không bị kỷ luật huỷ kết quả thi thì được bảo lưu điểm thi của các môn thi đạt từ 5,0 điểm trở lên trong kỳ thi tổ chức năm tiếp ngay sau đó để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Thí sinh không sử dụng điểm bảo lưu thì phải thi tất cả các môn đã đăng ký để xét công nhận tốt nghiệp THPT như thí sinh không có điểm bảo lưu.
Hiệu trưởng trường ĐH, CĐ quyết định việc có sử dụng hay không sử dụng điểm bảo lưu trong kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh.
Điểm ưu tiên, khuyến khích
Điểm ưu tiên:
Điểm ưu tiên để xét công nhận tốt nghiệp THPT được tính theo 3 diện (Diện 1, Diện 2, Diện 3); trong đó, thí sinh Diện 2, Diện 3 được cộng điểm ưu tiên như sau:
Diện 2: cộng 0,25 điểm đối với thí sinh thuộc một trong những đối tượng sau:
- Thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh bị suy giảm khả năng lao động dưới 81% (đối với GDTX);
- Con của thương binh, bệnh binh, người được hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh bị suy giảm khả năng lao động dưới 81%; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động; con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng; con của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động;  
- Người dân tộc thiểu số;
- Người Kinh, người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên (tính đến ngày tổ chức kỳ thi) ở xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu thuộc diện đầu tư của chương trình 135; ở xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ; ở thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi theo quy định hiện hành của Ủy ban Dân tộc, học tại các trường phổ thông không nằm trên địa bàn các quận nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương ít nhất 2 phần 3 thời gian học cấp THPT;
- Người bị nhiễm chất độc màu da cam; con của người bị nhiễm chất độc màu da cam; con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; người được cơ quan có thẩm quyền công nhận bị dị dạng, dị tật, suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt hoặc lao động do hậu quả của chất độc hoá học;
- Con của người hoạt động cách mạng trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng 8 năm 1945 (đối với GDTX);
- Có tuổi đời từ 35 trở lên, tính đến ngày thi (đối với GDTX).
Diện 3: cộng 0,5 điểm đối với thí sinh thuộc một trong những đối tượng sau:
- Người dân tộc thiểu số, bản thân có hộ khẩu thường trú ở xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu thuộc diện đầu tư của chương trình 135; ở xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ; ở thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi theo quy định hiện hành của Ủy ban Dân tộc, đang học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú hoặc các trường phổ thông không nằm trên địa bàn các quận nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương;
- Thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên (đối với GDTX);
- Con của liệt sĩ; con của thương binh, bệnh binh, người được hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
Thí sinh có nhiều tiêu chuẩn ưu tiên chỉ được hưởng theo tiêu chuẩn ưu tiên cao nhất. Những trường hợp đặc biệt sẽ do Bộ trưởng Bộ GDĐT xem xét, quyết định.
Điểm khuyến khích
Người học tham gia các cuộc thi và các hoạt động dưới đây được cộng điểm khuyến khích để xét công nhận tốt nghiệp THPT với mức điểm như sau:
Đoạt giải cá nhân trong kỳ thi chọn học sinh giỏi các môn văn hoá lớp 12:
- Đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi quốc gia hoặc giải nhất cấp tỉnh: cộng 2,0 điểm;
- Giải khuyến khích trong kỳ thi quốc gia hoặc giải nhì cấp tỉnh: cộng 1,5 điểm;
- Giải ba cấp tỉnh: cộng 1,0 điểm.
Đoạt giải cá nhân và đồng đội trong các kỳ thi thí nghiệm thực hành môn Vật lí, Hoá học, Sinh học; thi văn nghệ; thể dục thể thao; hội thao giáo dục quốc phòng; cuộc thi khoa học kỹ thuật; viết thư quốc tế do ngành Giáo dục phối hợp với các ngành chuyên môn từ cấp tỉnh trở lên tổ chức ở cấp THPT:
- Giải cá nhân:
+ Đoạt giải nhất, nhì, ba quốc gia hoặc giải nhất cấp tỉnh hoặc Huy chương Vàng: cộng 2,0 điểm;
+ Giải khuyến khích quốc gia hoặc giải nhì cấp tỉnh hoặc Huy chương Bạc: cộng 1,5 điểm;
+ Huy chương Đồng: cộng 1,0 điểm;
- Giải đồng đội:
+ Chỉ cộng điểm đối với giải quốc gia;
+ Số lượng cầu thủ, vận động viên, diễn viên của giải đồng đội từ 02 đến 22 người theo quy định cụ thể của Ban Tổ chức từng giải;
+ Mức điểm khuyến khích được cộng cho các cá nhân trong giải đồng đội được thực hiện như đối với giải cá nhân quy định tại điểm này;
- Những người học đoạt nhiều giải khác nhau trong nhiều cuộc thi chỉ được hưởng một mức cộng điểm của loại giải cao nhất.
Học sinh giáo dục THPT, học viên GDTX trong diện xếp loại hạnh kiểm có giấy chứng nhận nghề do sở GDĐT hoặc các cơ sở giáo dục đào tạo và dạy nghề do ngành Giáo dục cấp trong thời gian học THPT, được cộng điểm khuyến khích căn cứ vào xếp loại ghi trong chứng nhận như sau:
- Loại giỏi: cộng 2,0 điểm;
- Loại khá: cộng 1,5 điểm;
- Loại trung bình: cộng 1,0 điểm.
Học viên GDTX có chứng chỉ ngoại ngữ hoặc tin học được cấp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời gian học THPT: cộng 1,0 điểm đối với mỗi loại chứng chỉ.
Nếu thí sinh đồng thời có nhiều loại giấy chứng nhận để được cộng điểm khuyến khích theo quy định tại khoản 2 Điều này cũng chỉ được hưởng mức điểm cộng thêm nhiều nhất là 4,0 điểm.
Điểm khuyến khích quy định tại các điểm a, điểm b và điểm c khoản 2 Điều này được bảo lưu trong toàn cấp học và được cộng vào điểm bài thi để xét công nhận tốt nghiệp cho thí sinh.
Điểm xét tốt nghiệp THPT
Điểm xét tốt nghiệp (ĐXTN): gồm điểm 4 bài thi thí sinh đăng ký để xét công nhận tốt nghiệp, điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) và điểm trung bình cả năm lớp 12; được tính theo công thức sau:



Điểm xét tốt nghiệp được lấy đến hai chữ số thập phân, do
phần mềm máy vi tính tự động thực hiện.
Điểm xét tốt nghiệp được lấy đến hai chữ số thập phân, do phần mềm máy vi tính tự động thực hiện.
Công nhận tốt nghiệp THPT
Những thí sinh đủ điều kiện dự thi, không bị kỷ luật từ mức huỷ bài thi trở lên, tất cả các bài thi đều đạt trên 1,0 điểm và có ĐXTN từ 5,0 điểm trở lên được công nhận tốt nghiệp THPT.
Hạn cuối cùng nhận hồ sơ đăng ký dự thi: Trước ngày 30 tháng 4 hằng năm. Khi hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi, nếu phát hiện có nhầm lẫn, sai sót, thí sinh phải thông báo kịp thời cho Hiệu trưởng trường phổ thông hoặc Thủ trưởng đơn vị nơi đăng ký dự thi hoặc cho Hội đồng thi trong ngày làm thủ tục dự thi để sửa chữa, bổ sung.
Các trường hợp đặc biệt được phép bổ sung các loại giấy chứng nhận để được hưởng chế độ ưu tiên, hưởng cộng điểm khuyến khích phải thực hiện trước ngày tổ chức kỳ thi mới có giá trị.
Chấm thi theo hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm của Bộ GDĐT. Bài thi được chấm theo thang điểm 10, lấy đến 0,25; không quy tròn điểm.



Hồng Hạnh (tổng hợp)

Thứ Bảy, 21 tháng 2, 2015

TẾT THẦY

Tết thầy

Tết thầy đầu năm mới là một nếp sống đẹp, nét văn hóa đặc trưng lưu truyền rộng rãi trong xã hội người Việt từ xa xưa đến nay, thể hiện đạo lý truyền thống tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn của người Việt Nam.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)
Đối với mỗi người Việt trong xã hội xưa và nay, người thầy có vị trí vô cùng quan trọng, là người được tôn kính đặc biệt trong cộng đồng. Bởi theo người Việt: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy); “Không thầy đố mày làm lên”. Thời xưa, nhiều người sáng dạ, học được tinh túy trong cái chữ, cái nghề mà thầy truyền dạy nên đỗ cao, được phong chức, tước; cha mẹ, người thân được mở mày mở mặt với thiên hạ. Ngày nay, nhờ thầy dạy dỗ chu đáo, các học sinh ra trường trở thành công dân có ích, đem tài năng phục vụ Tổ quốc, được xã hội tôn vinh. Vậy nên, câu thành ngữ, “Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy” được lan tỏa sâu rộng trong nhiều thế hệ người Việt và có sức sống rất mạnh mẽ. Từ cậu bé tóc để chỏm cho đến những người đầu bạc trắng bởi thời gian đều thành kính thực hiện câu thành ngữ ấy.
Vào sáng mồng ba Tết Nguyên đán, các học trò người Việt thường dành thời gian để cùng nhau đi lễ Tết thầy, cô giáo. Thời phong kiến, cho dù làm quan tể tướng thì ngày Tết người học trò đến thăm thầy cũng vẫn một lòng tôn sư trọng đạo như thế. Mồng ba Tết, người đứng đầu hàng môn sinh, không phân biệt tuổi tác, chức vị, vị trí xã hội, thường tụ họp ở gia đình thầy giáo, chúc Tết thầy. Người cao tuổi nhất hoặc người được các bạn đồng môn tín nhiệm nhất thay mặt mọi người đứng lên trịnh trọng thưa với thầy về sự có mặt của học trò lớp mình và chúc thầy trường thọ cùng những điều tốt lành. Ngày nay, việc lễ Tết thầy giáo mở rộng ra nhiều lĩnh vực, không chỉ bó hẹp ở đối tượng học trò học chữ mà còn lan tới tới những người có công dạy chữ lẫn dạy nghề, dạy các bộ môn nghệ thuật như đàn, dạy hát, múa.... Đây là một nét văn hóa, là giá trị góp phần làm cho đạo đức xã hội ngày càng phát triển bền vững, qua đó góp phần làm cho tình cảm thầy trò trở thành cao cả, thiêng liêng.
Tuy nhiên, ngày nay việc Tết thầy đã có những biến đổi khác trước và không ít trường hợp bị chi phối bởi lợi ích và những giá trị vật chất. Bên cạnh những người đến thăm thầy bởi tấm lòng “tôn sư, trọng đạo” đích thực thì không ít người coi đó là cơ hội “lấy lòng” thầy để trục lợi. Hay lại có người gửi biếu thầy gói quà… là coi như xong việc. Cá biệt, có nhiều người lợi dụng quan điểm “cả xã hội học tập”, “đua nhau học thật nhiều, biết thật nhiều”... để tranh thủ mở lò luyện thi cấp tốc, gia sư, dạy thêm... kiếm lời. Những việc này làm cho kiến thức bị thương mại hóa, phá vỡ nét đẹp văn hóa tình thầy trò. Và dĩ nhiên, khi tình thầy trò bị phá bỏ thì cũng sẽ chẳng có cái lễ của trò với thầy trong ngày mồng Ba Tết.
Tết thầy vào đúng ngày mồng Ba Tết Nguyên đán đã đi sâu vào văn thơ và các loại hình nghệ thuật dân gian, hiện đại, là nét văn hóa đặc biệt trong xã hội người Việt. Tết thầy là dịp để những học trò có dịp hội ngộ, ôn cố tri tân, bàn luận, kiểm chứng kết quả lời dạy của thầy thông qua những việc cụ thể, qua đó để ngăn ngừa, lên án những việc làm có hại trong xã hội, làm cho xã hội phát triển tốt đẹp hơn. Thế nên, mỗi người hãy bớt chạy theo sự phát triển gấp gáp của xã hội, bớt những gặp mặt, hội hè, tiệc tùng để đến thăm và lễ thầy trong dịp Tết, làm cho nét đẹp văn hóa ấy mãi mãi lưu truyền, lan rộng trong xã hội chúng ta.
Theo Mạnh Thắng
Quân Đội Nhân Dân

Thứ Sáu, 20 tháng 2, 2015

Thư chúc tết Ất Mùi của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

Thư chúc tết Ất Mùi của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

Dân trí Nhân dịp Xuân mới Ất Mùi 2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi thư chúc Tết tới đồng bào và chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài.

Báo điện tử Dân trí trân trọng giới thiệu toàn văn Thư chúc tết của Chủ tịch nước:
Hà nội, ngày 18 tháng 2 năm 2015

THƯ CHÚC TẾT
Xuân Ất Mùi - 2015

Thưa đồng bào và chiến sĩ cả nước,

Nhân dịp đón Xuân Ất Mùi - 2015, tôi thân ái gửi đến đồng bào và chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất. Chúc mọi nhà, mọi người hạnh phúc và thành công.

Năm 2014, đồng bào và chiến sĩ cả nước đã đoàn kết một lòng, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị - xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế… Đó là những kết quả đáng ghi nhận và biểu dương, góp phần đón Xuân năm nay thêm phấn khởi.

Năm 2015, chúng ta cần phải tiếp tục phát huy những kết quả, khắc phục những hạn chế của năm cũ, tận dụng mọi thời cơ, thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn, thách thức mới; phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015); quyết tâm giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ biển, đảo của Tổ quốc và môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; đấu tranh mạnh mẽ ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, quan liêu và sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, góp phần vào sự thành công của Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Phát huy cao độ tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc, chúng ta phải nghiêm túc thực hiện Hiến pháp 2013, thực hành dân chủ rộng rãi, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, công khai, minh bạch, đẩy mạnh đồng bộ và toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng nhân cách, trí tuệ, năng lực và trách nhiệm công dân, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ và bền vững, phấn đấu sớm trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nhân dân ta có cuộc sống ấm no, tự do và hạnh phúc, cả dân tộc tiến lên cùng thời đại.

Tôi xin chúc một năm mới đoàn kết, đổi mới và nhiều điều tốt đẹp sẽ đến với đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta, đến với mỗi đồng bào và chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài.

Chào thân ái!

Chủ tịch nước
Trương Tấn Sang

Thứ Hai, 16 tháng 2, 2015

Điếu văn tiễn biệt ông Nguyễn Bá Thanh

(ĐSPL) - Điếu văn tiễn biệt ông Nguyễn Bá Thanh đã nêu toàn bộ tiểu sử, quá trình học tập, làm việc và cống hiến của ông Nguyễn Bá Thanh khiến hàng trăm người rơi nước mắt.
Toàn văn điếu văn xúc động tiễn biệt ông Nguyễn Bá Thanh - Ảnh 1

Lễ truy điệu ông Nguyễn Bá Thanh diễn ra từ lúc 9h30 sáng 16/2, nhưng từ sáng sớm các lãnh đạo từ trung ương đếm địa phương cùng hàng ngàn người dân đã đến trước nhà ông Nguyễn Bá Thanh để chuẩn bị tham dự lễ truy điệu.
Công tác an ninh tại đây được siết chặt, để đảm bảo an toàn cho người dân đến tham dự lễ truy điệu nên đoạn đường phía trước nhà ông cấm xe lưu thông qua lại. Theo ban tổ chức, gia đình ông Thanh sẽ mời tất cả người dân tới dự lễ truy điệu.
Đúng 9h30, Ban tổ chức lễ tang bắt đầu thông báo về chương trình lễ truy điệu. Dự lễ có ông Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng ban Lễ tang ông Nguyễn Bá Thanh và nhiều lãnh đạo đại điện các cơ quan, ban ngành, Trung ương, và địa phương.
Ông Tô Huy Rứa, Trưởng ban Lễ tang đã thay mặt Ban lễ tang đọc điếu văn.
Xem video:
Toàn văn điếu văn nêu toàn bộ tiểu sử, quá trình học tập, làm việc và cống hiến của ông Nguyễn Bá Thanh khiến hàng trăm người rơi nước mắt:
"Thưa các đồng chí và các vị,
Thưa gia quyến đồng chí Nguyễn Bá Thanh.
Đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Đại biểu Quốc hội các khóa 9, 11, 12, 13, Thành ủy, Chủ tịch UBND, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội của thành phố Đà Nẵng. Sau thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù đã được các giáo sư, các thầy thuốc đầu ngành của nhiều bệnh viện lớn trong nước và nước ngoài tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, đông đảo cán bộ đảng viên và nhân dân quan tâm lo lắng, nhưng do bệnh quá hiểm nghèo, đồng chí đã vĩnh biệt chúng ta hồi 13 giờ 0 phút ngày 13/2/2015, tức ngày 25 tháng Chạp năm Giáp Ngọ, hưởng thọ 62 tuổi.
Hôm nay, trong niềm tiếc thương vô hạn, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Nội chính Trung ương, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng cùng đông đảo đồng bào, đồng chí, đồng đội, bạn bè, tộc họ và gia đình long trọng tổ chức lễ truy điệu để tiễn biệt đồng chí Nguyễn Bá Thanh yêu quý của chúng ta về cõi vĩnh hằng.
Thưa các đồng chí và các vị, thưa gia quyến đồng chí Nguyễn Bá Thanh. Đồng chí Nguyễn Bá Thanh sinh ngày 8 tháng 4 năm 1953 tại thôn Dương Sơn, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, nay là xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình vùng quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng "vành đai diệt Mỹ" Hòa Vang, đồng chí đã sớm kế thừa, giác ngộ cách mạng, tham gia đội thiếu niên cứu quốc thôn Dương Sơn từ tháng 6 năm 1964. Tháng 6 năm 1968, lúc mới 15 tuổi đồng chí Nguyễn Bá Thanh được tổ chức đưa ra miền Bắc học tập tại Trường Học sinh miền Nam ở huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
Toàn bộ đóng góp xuất sắc của đồng chí Nguyễn Bá Thanh vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc sau này đã chứng minh cho tầm nhìn vô cùng sáng suốt của Đảng và Bác Hồ. Khi chủ trương lựa chọn những thanh thiếu niên ưu tú - những hạt giống đỏ từ tiền tuyến lớn miền Nam ra miền Bắc để đào tạo, chuẩn bị lực lượng cán bộ, kế tiếp lớp cha anh trong cuộc kháng chiến đầy gian khổ, giành độc lập dân tộc và xây dựng tổ quốc sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Từ tháng 9 năm 1972 đến tháng 12 năm 1977, đồng chí Nguyễn Bá Thanh học tại Trường Nông nghiệp I Hà Nội, với tố chất thông minh, năng nổ, nhiệt huyết trong các phong trào cách mạng của tuổi trẻ thủ đô, đồng chí đã được bầu vào Ban thường vụ Liên đoàn Thanh niên Khoa Kinh tế nông nghiệp. Tốt nghiệp đại học trở lại quê hương Đà Nẵng, đồng chí được phân công làm Trưởng đoàn quy hoạch Trung ương; công tác tại Ban nông nghiệp huyện Hòa Vang; sau đó được điều động về cơ sở làm Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Hòa Nhơn.
Phong cách gần dân, lắng nghe dân, sâu sắc với dân và tác phong miệng nói tay làm, nói đi đôi với làm… là những nhân tố cao đẹp của người lãnh đạo đã hình thành trong đồng chí từ năm đó. Tháng 2 năm 1980, đồng chí được vinh dự kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam…
Tháng 9 năm 1984 đến tháng 9/1986, đồng chí Nguyễn Bá Thanh được cử đi học lý luận chính trị tại Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Sau khi tốt nghiệp xuất sắc, đồng chí được điều động, tăng cường giữ chức Phó Giám đốc rồi làm Giám đốc Nông trường Chè Quyết Thắng.
Trong bối cảnh hết sức khó khăn khi chuyển sang cơ chế thị trường, nhưng với tài năng và bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, biết làm và dám chịu trách nhiệm, đồng chí đã mạnh dạn mở rộng hoạt động của đơn vị sang lĩnh vực khác để cải thiện đời sống công nhân, nhờ vậy Nông trường Chè đã vượt qua được giai đoạn khó khăn. Trách nhiệm với công việc, tình yêuthương đối với cán bộ, nhân dân cùng với ý tưởng táo bạo, quyết đoán mạnh mẽ của đồng chí đã được nhân dân và cấp ủy ghi nhận.
Thời gian sau đó, đồng chí được phân công làm Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh và được cử đi học lớp Quản lý kinh tế cao cấp tại Liên Xô - vào thời gian chế độ XHCN ở Liên Xô sụp đổ. Tận mắt chứng kiến sự đổ vỡ của một chính đảng lớn, đã từng là thành trì vững chắc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đồng chí đã thấm thía một cách sâu sắc, để từ đó chiêm nghiệm, rút ra bài học sâu sắc cho cá nhân và đóng góp cho Đảng, cho đất nước; đó là: Không một chính đảng nào có thể tồn tại nếu chính đảng đó trì trệ, không tự đổi mới, nếu chính đảng đó xa rời nguyên tắc và nhất là đánh mất niềm tin của quần chúng nhân dân.
Năm 1992, đồng chí được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Sở Nông nghiệp và trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa 9 của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 1995, đồng chí được phân công làm Phó Bí thư, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng trực thuộc tỉnh.
Đây là thời gian đồng chí bộc lộ rõ những phẩm chất đáng quý của người đứng đầu cơ quan chính quyền, có môi trường thể thiện tài năng, tạo được nhiều dấn ấn trong xây dựng cơ chế và đội ngũ cán bộ, đóng góp nhiều công sức cho việc phát triển kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị…
Năm 1996, tại Đại hội lần thứ 16 của Đảng bộ tỉnh, đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Năm 1997 khi Quảng Nam - Đà Nẵng chia tách, Đà Nẵng trở thành trực thuộc Trung ương, đồng chí được giao trọng trách làm Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố.
Trong bộn bề, ngổn ngang công việc, trên vương vị là người đứng đầu chính quyền, với sự nhạy bén và tầm nhìn chiến lược, đồng chí đã đề ra chủ trương huy động nhân dân vào việc xây dựng cầu Sông Hàn - cây cầu không chỉ có ý nghĩa nối liền giao thông giữa hai bờ Đông-Tây mà chính là nối liền các khu vực kinh tế, tạo tiền đề cho một giai đoạn phát triển thần tốc của Đà Nẵng.
Đồng chí là người khởi xướng chương trình thành phố “5 không, 3 có” (không hộ đói, không người lang thang xin ăn, không người mù chữ, không người nghiện ma túy trong cộng đồng, không giết người để cướp của), khi mục tiêu “3 có” (có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn minh đô thị) đã đạt được thì “5 không” vẫn được duy trì.
Đây cũng là giai đoạn phát triển gắn liền với những thành tựu đáng tự hào của Đảng bộ và nhân dân Đà Nẵng, gắn liền với tên tuổi Nguyễn Bá Thanh.
Trên cương vị Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng rồi Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, đồng chí Nguyễn Bá Thanh luôn thể hiện là người cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, không ngại khó, không ngại va chạm, không ngại thiếu “cơ chế chính sách” đã đi đầu trong việc phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và sự ủng hộ, tạo điều kiện của Trung ương để xây dựng, quy hoạch, quản lý, chỉnh trang đô thị, đề xướng những chính sách an sinh xã hội hợp với lòng dân và giàu chất nhân văn. Qua đó đã từng bước gây dựng một diện mạo đô thị mới tươi đẹp và hiện đại cho thành phố bên sông Hàn.
Ngoài công việc lãnh đạo điều hành, vốn đã rất ngổn ngang, bận rộn, nhưng đồng chí vẫn cố gắng để đọc, để học và hoàn thành xuất sắc luận văn tiến sĩ kinh tế với mong muốn có kiến thức tốt hơn để cống hiến được nhiều hơn.
Trong nhiều năm nay, trên từng con phố, trên mỗi công trình ở thành phố Đà Nẵng anh hùng đều in đậm hình bóng của người lãnh đạo tận tụy, hết lòng vì Đảng, vì dân để lại trong ký ức của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân Đà Nẵng những lời nói mộc mạc, dung dị mà chí lý, thắm đượm tình đời, tình người, tình đồng chí của người đứng đầu Đảng bộ thành phố.
Đội ngũ cán bộ của thành phố vẫn nhớ nhắn nhủ của đồng chí trước khi ra Hà Nội giữ chức Trưởng ban Nội chính Trung ương: “Hãy khát vọng chứ đừng tham vọng. Vì tham vọng là hướng đến cái mình chưa có, vì cái riêng, còn khát vọng là vì cái chung”. Đó là tâm huyết cả đời của đồng chí mong mỏi mọi người dân chung tay đưa Đà Nẵng trở thành một thành phố phát triển.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đánh giá cao về phẩm chất, năng lực của đồng chí và tháng 2 năm 2013, đồng chí được điều động ra Trung ương công tác, được phân công giữ chức Trưởng ban Nội chính Trung ương kiêm giữ chức Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng - là nhiệm vụ hết sức quan trọng, một trong những giải pháp chỉnh đốn, xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa IX).
Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn và đầy thách thức, cam go. Nhưng với bản lĩnh vững vàng và với kinh nghiệm công tác, tinh thần trách nhiệm rất cao và với cốt cách cương trực, khí khái của người con xứ Quảng, đồng chí Nguyễn Bá Thanh đã nhanh chóng tiếp cận công việc, tham mưu xây dựng tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ đưa Ban Nội chính Trung ương mới tái lập đi vào hoạt động trực tiếp chỉ đạo một số vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng, phức tạp, được cán bộ đảng viên và nhân dân cả nước ghi nhận góp phần khôi phục lòng tin nhân dân về quyết tâm đổi mới chỉnh đốn Đảng, vào cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta.
Trong những ngày cuối đời khi nằm trên giường bệnh, khí phách của người cộng sản chân chính đã được đồng chí thể hiện ở sự can trường chiến đấu chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo, ở sự lo lắng về công việc của Đảng, TP.Đà Nẵng và cuộc sống nhân dân.
Cả cuộc đời của đồng chí gắn bó với Đảng, với nhân dân, hết lòng hết mực vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì hạnh phúc nhân dân. Đồng chí luôn được nhân dân Đà Nẵng và đông đảo nhân dân, cán bộ cả nước tin yêu.
Khi được biết đồng chí mắc bệnh hiểm nghèo và nhất là khi đồng chí về nước, người dân Đà Nẵng và nhân dân, cán bộ, đảng viên trong cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài lại càng quan tâm đến sức khỏe của đồng chí. Nhiều người dân Đà Nẵng đã đứng nhiều giờ liền trước cổng bệnh viện cầu mong cho đồng chí lành bệnh, nhiều chức sắc tôn giáo đã tổ chức cầu nguyện cho đồng chí. Được tin đồng chí qua đời, đau đớn như mất đi một người ruột thịt của chính mình và hôm nay đông đảo nhân dân về đây dự lễ truy điệu tiễn biệt đồng chí.
Không chỉ là một cán bộ dành trọn một đời vì Đảng, vì dân, đồng chí còn là một người con hết mực hiếu thảo, một người chồng thủy chung, một người cha, người ông mẫu mực… mãi mãi là tấm gương cho con cháu noi theo.
Với những công lao, cống hiến to lớn ấy, đồng chí Nguyễn Bá Thanh đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao, đồng chí được tặng Huân chương Độc Lập hạng Nhất, Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng và nhiều danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước, nhưng cao quý nhất và đáng tự hào nhất chính là tấm Huân chương của lòng dân đã dành trọn cho đồng chí.
Thưa các đồng chí, các bạn, thưa gia quyến đồng chí Nguyễn Bá Thanh.
Cho đến khi nhắm mắt xuôi tay vĩnh biệt cuộc đời này, đồng chí Nguyễn Bá Thanh của chúng ta vẫn không nguôi suy nghĩ về công việc của Đảng và nhân dân giao phó, vẫn đau đáu những việc làm mà đồng chí đang làm dang dở cho Đảng, cho dân. Điều trân trọng và dù ở đâu trên bất cứ cương vị công tác nào, kể cả những hoàn cảnh khó khăn nhất, đồng chí cũng luôn thể hiện ý chí sắt đá của người đảng viên cộng sản kiên trung không ngại khó, ngại khổ hết lòng vì Đảng, vì dân.
Đồng chí Nguyễn Bá Thanh mất đi, Đảng ta mất một người đảng viên cộng sản kiên trung, Đảng bộ, nhân dân Đà Nẵng mất đi người con, một lãnh đạo tận tụy vì dân, gia đình mất đi một người con, một người chồng, người cha mẫu mực, sự ra đi của đồng chí là tổn thất không gì bù đắp của gia đình, dòng tộc.
Xin toàn thể gia quyến của đồng chí Nguyễn Bá Thanh hãy nhận lời chia buồn sâu sắc nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Nội chính Trung ương, các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các địa phương, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.Đà Nẵng nơi cư trú công tác mà đồng chí Nguyễn Bá Thanh gắn bó trên những chặng đường.
Đồng chí Nguyễn Bá Thanh kính mến!
Dẫu biết quy luật của muôn đời là có sống có thác và dẫu biết rằng trong những ngày tháng qua, với khí phách bản lĩnh của mình, đồng chí đã kiên cường chống chọi với bệnh tật, khát khao được bình phục để tiếp tục sống thực hiện nguyện vong cháy bỏng là cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Nhưng vì căn bệnh quá hiểm nghèo, đồng chí đã ra đi, ra đi mãi mãi, để lại niềm tiếc thương vô hạn dành cho chúng ta. Những người có mặt tại lễ viếng đồng chí vẫn không sao kiềm được niềm xúc động, nước mắt.
Xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt đồng chí. Nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao phó suốt mấy mươi năm qua, đến đây đồng chí đã hoàn thành, mong đồng chí hãy thanh thản ra đi, yên lòng an nghỉ nơi chốn vĩnh hằng.
Phút mặc niệm bắt đầu.
Xin cảm ơn”.
10h lễ truy điệu kết thúc dòng người bên ngoài vẫn tiếp tục vào viếng ông. Đến 11h 30 ngày 18/2 (30 Tết), Ban lễ tang sẽ tổ chức an táng ông Nguyễn Bá Thanh tại nghĩa trang gia tộc ở xã Hòa Tiến, huyện Hoà Vang, TP Đà Nẵng.

Thứ Bảy, 14 tháng 2, 2015

Viện sĩ VN

Nhà khoa học nữ VN nhận danh hiệu viện sĩ xuất sắc của Nga

Việt Nam có nữ Viện sĩ khoa học đầu tiên nhận danh hiệu Viện sĩ xuất sắc nhất của Viện Hàn lâm IASS và giải thưởng ngôi sao Vernadski.
Đưa 32 công nghệ tiên tiến của thế giới vào ứng dụng tại Việt Nam và một số nước trên thế giới, đem lại những giá trị xã hội to lớn phục vụ đời sống con người, Viện sĩ, tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch, TGĐ công ty CP Tiến bộ Quốc tế AIC) đã vinh dự được Viện Hàn lâm Quốc tế về các nghiên cứu hệ thống Liên bang Nga trao tặng hai danh hiệu cao quý: Viện sĩ có thành tích xuất sắc nhất giai đoạn 2004- 2014 và giải thưởng ngôi sao Vernadski.

viện sĩ
GS. VS. Dorokhov Igor N. trao giải Viện sĩ xuất sắc cho VS. Nguyễn Thị Thanh Nhàn

Viện sĩ, tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn là người phụ nữ đầu tiên của khu vực Châu Á và Việt Nam được Viện Hàn lâm Quốc tế về các nghiên cứu hệ thống Liên bang Nga (IASS) trao tặng giải thưởng danh giá này.

Đích thân chủ tịch Viện Hàn lâm IASS cùng 2 viện sĩ nổi tiếng của Viện đã tới Việt Nam để trao giải thưởng cho bà Nhàn vào chiều ngày 11/2/2015 tại Hà Nội.

Buổi lễ được Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam và Trung Ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam long trọng tổ chức với sự hiện diện của Bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Phó Chủ tịch Quốc hội; Ông Nguyễn Quân - Bộ Trưởng Bộ Khoa học Công nghệ; Ông Châu Văn Minh - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam; Ông Phùng Xuân Nhạ - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; Ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam các lãnh đạo Đảng, Quốc hội, các Bộ, ngành và lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, quê hương của viện sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Về phía Liên Bang Nga có ông Vadim V. Bublikov - Đại biện lâm thời Liên Bang Nga tại Việt Nam cùng một số cán bộ Đại sứ quán Nga tham dự.

Giải thưởng IASS là giải thưởng cao quý nhất của Viện IASS, 10 năm xét thưởng 1 lần với quy trình thẩm định vô cùng nghiêm ngặt. Giải thưởng nhằm vinh danh các nhà khoa học có thành tích xuất sắc và có những cống hiến, đóng góp đặc biệt trong lĩnh vực khoa học trên toàn thế giới.

Giải thưởng ngôi sao V.I.Vernadski là phần thưởng Viện IASS vinh danh dành cho những nhà khoa học xuất sắc trong mọi lĩnh vực.

Giải thưởng IASS và ngôi sao V.I.Vernadski ghi nhận những cống hiến không mệt mỏi của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.

“ Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn là người có những nỗ lực to lớn và sự khiêm tốn đặc biệt. Bà đã có đóng góp lớn lao và phát triển những ý tưởng KHCN ứng dụng vào cuộc sống. Với những thành tựu trong KHCN, bà đã được đoàn chủ tịch Viện Hàn lâm chọn là nhà khoa học xuất sắc của Viện Hàn lâm quốc tế IASS trong 10 năm vừa qua và phần thưởng ngôi sao Vernadski”, ông Igor Dorokhov, Chủ tịch Viện Hàn lâm quốc tế (IASS) nhận xét.
Trong vòng 10 năm qua, viện sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã không ngừng nghiên cứu, khảo sát tình hình thực tế tại Việt Nam, trên cơ sở đó cùng với các nhà khoa học trong và ngoài nước đưa ra các sáng kiến cải tiến công nghệ tiên tiến để đưa vào ứng dụng tại Việt Nam. Các công nghệ này thuộc nhiều lĩnh vực như:
+ Ứng dụng các công nghệ mới để xử lý nước thải, trong đó có các bệnh viện và đô thị.
+ Ứng dụng công nghệ mới để làm sạch đất nông nghiệp bị ô nhiễm, tồn dư thuốc trừ sâu và hóa chất dioxin
+ Ứng dụng các công nghệ mới để nâng cao chất lượng đào tạo, ứng dụng các thành tựu công nghệ tin học.
+ Tham gia phát triển công nghệ sóng cộng hưởng để nâng cao chất lượng nhiên liệu
+ Ứng dụng công nghệ tế bào gốc và nhận dạng gen để góp phần tìm kiếm những người mất tích trong chiến tranh và trong các thảm họa, thiên tai.
+ Ứng dụng nguồn năng lượng mới trên cơ sở các từ trường.
+ Ứng dụng công nghệ cao vào Việt Nam để xử lý vấn đề chống biến đổi khí hậu, đặc biệt là công nghệ trồng rừng ngập mặn.
+ Đưa nhiều ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao của Nhật Bản, Israel, Mỹ, Hàn Quốc và Đài Loan vào ngành Nông nghiệp Việt Nam để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.

“Với những đóng góp quan trọng cho ngành khoa học công nghệ Việt Nam trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới, tiến sĩ, Viện sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn là tấm gương cho doanh nhân Việt Nam, cho những người làm khoa học công nghệ Việt Nam. Đây là vinh dự chung của người Việt Nam, là niềm tự hào của đất nước, là minh chứng sinh động cho quan hệ giữa Việt Nam và LB Nga”, ông Hoàng Bình Quân, Ủy viên TƯ Đảng, Trưởng Ban đối ngoại T.Ư Đảng khẳng định.

Viện sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn sinh tại Thuận Thành, Bắc Ninh. Khởi nghiệp từ lĩnh vực xuất khẩu lao động, Công ty AIC của bà Nhàn với số vốn ban đầu là 5.000 Đô la Mỹ và 5 nhân sự. Đến nay, AIC đã là 1 doanh nghiệp với hàng ngàn nhân viên và doanh thu hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm. Bà cũng thông thạo 5 ngoại ngữ (Anh, Trung, Nga, Nhật, Hàn), tốt nghiệp Đại học Sư phạm Ngoại ngữ và Đại học Ngoại thương Hà Nội, Thạc sỹ Quản trị kinh doanh tại Đại học Latrobe (Úc) và Viện sĩ, tiến sĩ Viện Hàn lâm ISSA.

Hiện nay bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn là Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC). Với những thành tích đặc biệt trong lĩnh vực môi trường, y tế, giáo dục, dạy nghề và khoa học công nghệ, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã được Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban ngành, địa phương tặng huân, huy chương, bằng khen và nhiều giải thưởng như: Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu nhất, Giải thưởng Sao đỏ, Giải thưởng Bông hồng vàng, Doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu…

PV