Thứ Ba, 15 tháng 10, 2019

TRÒ CHUYỆN VỚI HOÀNG CẦM VỀ “BÊN KIA SÔNG ĐUỐNG”
(Sưu tầm)
Bên kia sông Đuống là một trong những bài thơ tiêu biểu của Hoàng Cầm. Chúng ta hãy cùng lắng nghe nhà thơ tâm sự đôi nét về tác phẩm này.
* Bên kia sông Đuống là một trong những bài thơ hiếm hoi làm nổi bật được vẻ đẹp của làng quê Việt Nam với những “lớp văn hoá” đặc sắc. Ông đã viết bài thơ như thế nào?
Nhà thơ Hoàng Cầm:
Viết về quê hương, điều cốt yếu phải làm hiện lên rõ nét cái hồn của vùng quê đó. Như vậy đòi hỏi phải có cảm xúc mạnh, trí tưởng tượng sâu rộng, sức liên tưởng dồi dào qua các sự vật tình cảnh có thực, đồng thời phải thấu hiểu lịch sử và nhân vật lịch sử của một vùng đất. Từ nhỏ tôi đã theo mẹ đi lễ chùa, dự hội chùa Phật Tích, Chùa Dâu, Bút Tháp, Tiên Sơn, Long Khánh… và đến phường hát Quan họ mà mẹ tôi là thành viên. Những đêm hát ấy thấm đậm vào hồn tôi từ hồi đó.
Lớn lên, tôi vào bộ đội năm 1947 và có viết một số bài thơ kháng chiến. Đầu năm 1948, tôi và một số anh em lập đội văn công, đóng ở chiến khu 12 thuộc làng Thượng huyện Phú Bình, giáp Thái Nguyên. Một buổi chiều Tư lệnh trưởng chiến khu 12 (gồm Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Ninh và Lạng Sơn) gọi tôi lên và nói: “Tối nay có mấy người ở làng Đông Hồ lên báo cáo về tình hình chiến sự ở vùng này. Anh sang nghe vì đó là quê anh”. Tôi hồi hộp và mong mỏi cả buổi chiều. Trước đó tôi nghe tin đồn rằng làng tôi bị giặc Pháp từ Hà Nội đánh lên, chiếm lấy. Ở đó tôi còn mẹ già, vợ và ba đứa con thơ. Chín giờ tối, một người liên lạc đưa tôi đến Bộ Tư lệnh. Vương Văn Trà là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn sông Đuống, lính toàn người địa phương, vừa cầm súng vừa đi cày. Vương Văn Trà là người làng tôi nên mỗi lời nói của anh khiến tôi đau nhói nơi ngực trái. Bọn giặc chiếm được làng nào là lập hội tề ngay ở làng ấy và đốt đình chùa, phá chợ, cướp bóc của cải, đàn áp dân lành. Làng mạc tan tác, bố mẹ vợ con li tán. Chính gia đình tôi cũng bị li tán, không biết đi đâu, sống chết ra sao. Báo cáo quá nửa đêm mới hết. Tôi như ngồi trên cả đống than, đống lửa. Trở lại toà soạn báo Quân Việt Bắc do Nguyên Hồng làm Tổng biên tập, đóng trong một nhà dân, mọi người đã ngủ say, hơi lành lạnh của buổi đêm đã quá khuya. Ngổn ngang trong lòng. Tôi ngồi đốt thuốc lào nhưng không có ý định viết gì vì nỗi lo lắng về gia didnh, vợ con tràn ngập trong tim. Khoảng hai giờ sáng, tiếng gà gáy vang lên, ngọn đèn dầu bập bùng. Tôi như tỉnh, như mê, tình cảm trào ra bên ngoài, vội vơ lấy bút giấy và như có tiếng ai đó đọc dịu dàng văng vẳng bên tai:
Em ơi, buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lì
Cứ thế, tình cảm trào ra ngòi bút. Tôi viết một mạch đến bốn giờ sáng. Tôi đánh thức Nguyên Hồng dậy đọc cho nghe. Mới đến câu thứ năm với giọng đọc thiết tha, nức nở của tôi, Nguyên Hồng bật khóc và cứ thế thổn thức cho đến khi tôi đọc hết bài thơ dài. Bài thơ nhanh chóng được phổ biến khắp nơi. Bây giờ nhớ lại cảm giác khi Nguyên Hồng khóc, tôi biết, tôi đã làm được một chút gì đó cho quê hương yêu dấu của tôi.
* Người “em” trong bài thơ này là ai và có ý nghĩa gì?
Nhà thơ Hoàng Cầm:
Em ơi buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Những câu thơ đầu tiên như thể có ai đọc cho tôi chép, chúng như thể những lời an ủi dịu dàng đối với tâm hồn đau khổ của tôi. “Em” ở đây tượng trưng cho nỗi khắc khoải của tâm hồn thi sĩ. Câu mở đầu là một lời an ủi nên các từ toàn là âm bằng dịu dàng. Tâm hồn thi sĩ vượt qua khoảng cách của không gian và thời gian tìm về làng xóm quê hương. Tâm hồn ấy muốn dằn vặt, muốn đau nỗi đau chung của quê hương. Chỉ cần bằng hai câu mở đầu đó thôi, bài thơ lập tức được chuyển về đúng khung cảnh của quê hương và qua đó có thể trực tiếp nói lên tất cả nỗi đau đớn dang giày vò mảnh đất ấy mà không cần phải dùng đến “nỗi nhớ” “nỗi li biệt” “nỗi xa cách” nữa. Như vậy chính tâm hồn thi sĩ đã trở về đúng nơi nguồn cội của mình. Ở mảnh đất yêu dấu ấy, bằng kí ức thơ ấu, bằng nỗi nhớ thương lo lắng không nguôi cho gia đình hoà trộn với ấn tượng từ lời kể của Vương Văn Trà, tâm hồn thi sĩ mường tượng ra tất cả, từng khuôn mặt từng dáng người, từng bờ cỏ, bụi cây.
* Hình ảnh đầu tiên hiện ra thật thơ mộng yên bình. Nhưng giờ đây khi một bờ là vùng giặc chiếm thì cả con sông như “nghiêng nghiêng” đau đớn. Theo tác giả, hình ảnh thơ này được hiểu như thế nào?
Nhà thơ Hoàng Cầm
Để hiểu câu thơ này trước hết phải hiểu được từ “nghiêng nghiêng”. Nếu chỉ dùng một chữ “nghiêng” thôi thì dòng sông được thể hiện trong trạng thái tĩnh. Còn khi dùng từ láy “nghiêng nghiêng” người ta có cảm giác dòng sông luôn xao động. Khi dùng chảy “nghiêng nghiêng” tôi muốn nói một sông Đuống trăn trở, vật vã, thao thức trong tâm hồn nhà thơ.
BÊN KIA SÔNG ĐUỐNG
Em ơi! Buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lỳ
Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì
Xanh xanh bãi mía bờ dâu
Ngô khoai biêng biếc
Đứng bên này sông sao nhớ tiếc
Sao xót xa như rụng bàn tay
Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp
Quê hương ta từ ngày khủng khiếp
Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn
Ruộng ta khô
Nhà ta cháy
Chó ngộ một đàn
Lưỡi dài lê sắc máu
Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang
Mẹ con đàn lợn âm dương
Chia lìa đôi ngả
Đám cưới chuột tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan tác về đâu ?
Ai về bên kia sông Đuống
Cho ta gửi tấm the đen
Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên
Những hội hè đình đám
Trên núi Thiên Thai
Trong chùa Bút Tháp
Giữa huyện Lang Tài
Gửi về may áo cho ai
Chuông chùa văng vẳng nay người ở đâu
Những nàng môi cắn chỉ quết trầu
Những cụ già phơ phơ tóc trắng
Những em xột xoạt quần nâu
Bây giờ đi đâu ? Về đâu ?
Ai về bên kia sông Đuống
Có nhớ từng khuôn mặt búp sen
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng
Chợ Hồ, chợ Sủi người đua chen
Bãi Tràm Chỉ người dăng tơ nghẽn lối
Những nàng dệt sợi
Đi bán lụa mầu
Những người thợ nhuộm
Đồng Tỉnh, Huê Cầu
Bây giờ đi đâu ? Về đâu ?
Bên kia sông Đuống
Mẹ già nua còm cõi gánh hàng rong
Dăm miếng cau khô
Mấy lọ phẩm hồng
Vài thếp giấy dầm hoen sương sớm…
Chợt lũ quỷ mắt xanh trừng trợn
Khua giầy đinh đạp gẫy quán gầy teo
Xì xồ cướp bóc
Tan phiên chợ nghèo
Lá đa lác đác trước lều
Vài ba vết máu loang chiều mùa đông

Chưa bán được một đồng
Mẹ già lại quẩy gánh hàng rong
Bước cao thấp trên bờ tre hun hút
Có con cò trắng bay vùn vụt
Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu ?
Mẹ ta lòng đói dạ sầu
Đường trơn mưa lạnh mái đầu bạc phơ.
Bên kia sông Đuống
Ta có đàn con thơ
Ngày tranh nhau một bát cháo ngô
Đêm líu ríu chui gầm giường tránh đạn
Lấy mẹt quây tròn
Tưởng làm tổ ấm
Trong giấc thơ ngây tiếng súng dồn tựa sấm
Ú ớ cơn mê
Thon thót giật mình
Bóng giặc dày vò những nét môi xinh
Đã có đất này chép tội
Chúng ta không biết nguôi hờn
Đêm buông xuống dòng sông Đuống
- Con là ai ? - Con ở đâu về ?
Hé một cánh liếp
- Con vào đây bốn phía tường che
Lửa đèn leo lét soi tình mẹ
Khuôn mặt bừng lên như dựng trăng
Ngậm ngùi tóc trắng đang thầm kể
Những chuyện muôn đời không nói năng
Đêm đi sâu quá lòng sông Đuống
Bộ đội bên sông đã trở về
Con bắt đầu xuất kích
Trại giặc bắt đầu run trong sương
Dao loé giữa chợ
Gậy lùa cuối thôn
Lúa chín vàng hoe giặc mất hồn
Ăn không ngon
Ngủ không yên
Đứng không vững
Chúng mày phát điên
Quay cuồng như xéo trên đống lửa
Mà cánh đồng ta còn chan chứa
Bao nhiêu nắng đẹp mùa xuân
Gió đưa tiếng hát về gần
Thợ cấy đánh giặc, dân quân cày bừa
Tiếng bà ru cháu buổi trưa
Chang chang nắng hạ võng đưa rầu rầu
"À ơi... cha con chết trận từ lâu
Con càng khôn lớn càng sâu mối thù"
Tiếng em cắt cỏ hôm xưa
Hiu hiu gió rét mịt mù mưa bay
"Thân ta hoen ố vì mày
Hờn ta cùng với đất này dài lâu..."
Em ơi! Đừng hát nữa! Lòng anh đau
Mẹ ơi! Đừng khóc nữa! Dạ con sầu
Cánh đồng im phăng phắc
Để con đi giết giặc
Lấy máu nó rửa thù này
Lấy súng nó cầm chắc tay
Mỗi đêm một lần mở hội
Trong lòng con chim múa, hoa cười
Vì nắng sắp lên rồi
Chân trời đã tỏ
Sông Đuống cuồn cuộn trôi
Để nó cuốn phăng ra bể
Bao nhiêu đồn giặc tơi bời
Bao nhiêu nước mắt
Bao nhiêu mồ hôi
Bao nhiêu bóng tối
Bao nhiêu nỗi đời.
Bao giờ về bên kia sông Đuống
Anh lại tìm em
Em mặc yếm thắm
Em thắt lụa hồng
Em đi trảy hội non sông
Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh.
                                         Việt Bắc, tháng 4-1948

Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2019

Bề dày lịch sử và truyền thống khoa bảng ở thôn Đại Mão


BỀ DÀY LỊCH SỬVÀ TRUYỀN THỐNG KHOA BẢNG
Ở THÔN ĐẠI MÃO

                Thôn Đại Mão (xã Hoài Thượng huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh) nằm trên bờ sông Đuống, cách Lăng Kinh Dương Vương độ 5 km về phía đông.
                Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng về Thuận Thành nghiên cứu DI tích Luy Lâu đã nói Thuận Thành có thôn Đại Mão cổ thời là đại bản doanh của vương triều Hai Bà Trưng.
                 Vâng. Sau khi Hai Bà bị quân Hán đánh bại, nước ta lại bị người Tầu đô hộ, nơi đây chỉ còn là một vùng hoang dã. Sau này có những gia binh của nghĩa quân Hai Bà về đây trú ngụ, làm ăn sinh sống để tránh sự truy sát của quân Hán họ vẫn giữ nguyên trạng thái của một doanh trại cũ với chiều dài độ 1500m theo chiều đông -  tây rộng độ 500m, xung quanh có luỹ cao hào sâu bao bọc, có một con đường thẳng ở phía trước dài độ 1200m có 6 trạm canh, trạm nọ cách trạm kia độ 200m.
                 Ở đây nghĩa quân còn đào một cái giếng ( Giếng Ngọc ở xóm 3 ngày nay), họ đặt tên giếng là Giếng Diệc ý nói: “ loạn diệc tiến, trị diệc tiến, diệc lợi ngô quốc hồ”  nghiã là : “ loạn cũng tiến, trị cũng tiến cũng lợi cho nước ta vậy”. Sau này, những gia binh nghĩa binh của Hai bà có dựng một cái bia làm di tích lịch sử và đến năm Quý Sửu (1913) noi đây bị một trận hồng thuỷ bia bị bồi lấp không biết ở đâu nữa,nhưng những người già trong làng trước kia còn biết.
                   Trải qua ngàn năm bắc thuộc, sau  khi nước nhà giành được độc
lập, các sĩ phu Bắc Hà về đây an cư, độc thư canh điền, họ lập thành làng đặt tên làng là Đại Mão để chỉ ngôi sao lớn trong nhị thập bát tú. Họ lại khôi phục tất cả các địa danh từ thời Hai Bà đã bị hoang hóa, họ cũng cho dựng lại tất cả 6 cái điếm phục vụ cho việc canh gác, bảo vệ trật tự trị an của thôn, hiện nay vẫn còn ở ngay trên đường dọc làng. Mỗi cái điếm có một cái mõ dùng làm hiệu lệnh. Mỗi khi có giặc giã cướp bóc hay hoả hoạn , thì mõ đánh liên hoàn để dân làng biết đến ứng cứu. Họ cũng xây một cái cổng to ở đầu làng nối với đại lộ, trên đề 6 chữ “ Cao Đại Khả Dong Tứ Mã” ( có nghĩa là cổng cao đường rộng có thể dong bốn con ngựa cùng đi song song một lúc ) đây còn có thế đất :” minh đường dong vạn mã ,thuỷ thế dong nhất chu” , có nghĩa là : khi cổng thành mở ra có thể trăm con ngựa chiến cùng xông ra một lúc. Lại có con lạch nhỏ khi bị bao vây cũng đủ cho một con thuyền tiếp tế lương thực cho binh lính trong thành .Đấy chính là nơi đóng quân mà binh pháp đã dạy.
             Để tưởng nhớ Hai Bà họ đã viết đôi câu đối, nay còn lưu trong đình làng: “Tráng tai đế vương cư ,hữu kỳ ,hữu cổ hữu mã bái long chiều diệc thiên địa hảo để phong thuỷ -Uất nhiên anh tuấn vực vi ki ,vi quan vi lương đống thạch trụ tự hương đảng lập hồ triều đình”
            Trải qua những cuộc biến thiên của lịch sử, các vương triều thay đổi những người mang tên họ nhà vua, hoặc những trung thần của các triều đại lại phải thay tên đổi họ rồi bỏ đi nơi khác, không rõ họ đi đâu, nên các dòng họ đa phần đều bị thất lạc gia phả.
         Đến cuối đời Trần có cụ Trịnh Đức Mại làm quan tới chức Đại tư đồ trấn quốc công, khi cụ mất vua Trần cho người về làm lễ an táng cụ ,văn tế có đoạn viết:  “ Duy ! Tướng quân, Thiết thạch anh tư ,Can thành lĩnh khí Hậu liên bôn tẩu ,Tố giản dư chi ,Nguyên hiệu trì khu ,Bất cô quốc khánh ,Thiên sương khái tử ,Trẫm thập niên tiền ,Định vị thù ,Đại thụ chi doanh hỗ ,Nhi thiên nhất lão ,Tính ghi cự đáo ,Chương thành chi ảnh ,Ô HÔ ! Sương thiên ba hàn ,Thần kiếm khứ hi ,Giang san chi viễn mộ ,Vân phi trù trướng ,Văn chung chi cảm” !
              Đến đời nhà Mạc có cụ Nguyễn Đình Khuê đỗ tiến sỹ, tất nhiên trước đó còn nhiều  người thi đỗ cử nhân, tú tài, nhưng gia phả thất truyền không rõ họ tên.  Đến đời hậu Lê : khoa bảng ở thôn Đại Mão nổi lên như cồn ; cụ Trịnh Đức Vận, cụ Lê Doãn Giản đỗ tiến sĩ, cụ lê Doãn Thân đỗ tiến sĩ. Sách dư địa chí Bắc Ninh chép cụ Lê Nho Thạc có nhiều học trò thành danh nhất ,18 người đỗ tiến sĩ hàng trăm người đỗ cử nhân tú tài . Cụ Lê nho Khoa ba ông cháu đều đỗ thủ khoa, hai cụ Phấn Năng, Phấn Dong đều đỗ cử nhân năm 15 tuổi . Trong nhà thờ cụ Lê Nho Thạc có đôi câu đối của các quan tiến sĩ mừng thọ cụ năm cụ thọ 60 tuổi:
Thuỳ thế giáo vô cùng Thu Dương Giang Hán
Tại nhân tâm bất dẫn Bắc Đẩu Thái Sơn
            Truyện truyền rằng : ở làng Có một cây gạo năm nào ra nhiều hoa thì nhiều người đỗ, năm nào ra ít hoa thì ít người đỗ ,có một khoá thi mà nguyên họ Đỗ thi đậu đến 4 người ,còn các dòng họ không đỗ khoa này thì cũng đỗ khoa khác ,bởi thế mà trong làng có xóm quan ,đường quan, làng cũng được tôn vinh là làng văn hiến.
           Sau cách mạng, làng vẫn giữ được truyền thống khoa bảng, nhiều người đã là tiến sĩ, giáo sư giảng dậy ở trong và ngoài nước.
            Ông Lê Minh Nghĩa tức Đỗ Nguyên Thành cán bộ tiền khởi nghĩa hàm bộ trưởng, khi mất táng tại Mai Dịch. Hiện nay thứ trưởng có một người, Cục- vụ viện trưởng có bốn người. Có hai người được phong quân hàm cấp tướng , cũng có người là bí thư sứ quán ở  nước ngoài, nhiều người là lãnh đạo cấp tỉnh, huyện như : Tỉnh uỷ , Giám đốc sở , Bí thư - thường vụ, Chủ tịch Phó chủ tịch cấp huyện. Trong quân đội, từ đại tá trở xuống không thể thống kê , trưởng phó phòng ban không tính ,còn có hàng chục người đang làm cán bộ quản lí như : giám đốc các ngành xây dựng ,giao thông ,y tế ,kho bạc ,ngân hàng ,may mặc v.v…
        Đúng như một thày địa lí đã nói : “ Đất này không làm quan cũng làm thày thiên hạ ".  Chỉ nguyên lĩnh vực giáo dục, làng Đại Mão đã có hai người từng là giám đốc sở , có hơn mười người là giám đốc : học viện, trung học chuyên nghiệp và trung học phổ thông, cũng có hàng chục người là hiệu trưởng các trường từ mầm non đến trung học cơ sở. Chi hội cựu giáo chức thôn Đại Mão hiện có hơn 70 người đang sinh hoạt ở địa phương. Số người đang đi dạy học cũng gấp vài lần con số đó, cũng có nhiều thày giáo nổi tiếng như thày giáo Lê Nho Tỳ ( đạt giải toán quốc gia), Trịnh Đức Khanh…
        Nói đến người có học hàm, học vị ở Đại Mão so với các nơi khác thì vẫn còn khiêm tốn ; nhưng cái tên “ làng văn hiến “ thì không dễ mấy nơi có được Người Đại Mão còn có nét văn hoá riêng là : “ Nam hành bất động thổ, ngôn bất chấn nhĩ “ có nghĩa là người đàn ông ở làng Đại Mão đi không có tiếng động ở đất, nói không để người nghe phải bịt tai ( tác phong  đi đứng, ăn nói khiêm nhường, lễ độ).
            Đây chỉ là sơ bộ tóm tắt những nét riêng của làng Đại Mão chứ không có gì thêm thắt cả.Xin cảm ơn độc giả.
                                                                             Đại Mão 4/10/2019
                                                                                 LÊ NHO LÃNG

Thứ Năm, 10 tháng 10, 2019

Những hình ảnh Hà Nội trong ngày thu lịch sử

Sáng 10/10/1954, đoàn quân tiếp quản đi qua 5 cửa ô tiến vào Thủ đô Hà Nội giữa rừng cờ hoa chào đón sau 9 năm "ra đi giữ trọn lời thề", gian khổ trường kỳ kháng chiến.
>>Hình ảnh thời khắc cuối cùng của quân đội Pháp ở Hà Nội năm 1954
>>Lễ chào cờ đặc biệt trong ngày giải phóng Thủ đô

Hình ảnh Hà Nội trong thời khắc lịch sử mùa thu năm ấy - 1
Nhấn để phóng to ảnh
Đúng 8h sáng 10/10/1945, các đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam tiến vào 5 cửa ô tiếp quả Thủ đô. Trong ảnh là tiểu đoàn 307 thuộc đại đoàn quân Tiên phong 308 đang đi qua cầu Long Biên tiền vào trung tâm Hà Nội.
Hình ảnh Hà Nội trong thời khắc lịch sử mùa thu năm ấy - 2
Nhấn để phóng to ảnh
Công chào bọc lụa trên phố Hàng Đào chào đón đoàn quân trở về tiếp quản Thủ đô.
Hình ảnh Hà Nội trong thời khắc lịch sử mùa thu năm ấy - 3
Nhấn để phóng to ảnh
Toàn cảnh đoàn quân tiếp quản đang tiến vào ngã năm Hàng Đào (nay là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục).
Hình ảnh Hà Nội trong thời khắc lịch sử mùa thu năm ấy - 4
Nhấn để phóng to ảnh
Quân tiếp quản đi qua phố Đinh Tiên Hoàng.
Hình ảnh Hà Nội trong thời khắc lịch sử mùa thu năm ấy - 5
Nhấn để phóng to ảnh
Đoàn văn công quân đội đi qua phố Hàng Ngang - Hàng Đào.
Hình ảnh Hà Nội trong thời khắc lịch sử mùa thu năm ấy - 6
Nhấn để phóng to ảnh
Nhân dân vây quanh ô tô cổ động chào đón đoàn quân tiếp quản trên phố Hàng Gai - Hàng Bông.
Hình ảnh Hà Nội trong thời khắc lịch sử mùa thu năm ấy - 7
Nhấn để phóng to ảnh
Các cô gái hân hoan tặng hoa tướng Vương Thừa Vũ.
Hình ảnh Hà Nội trong thời khắc lịch sử mùa thu năm ấy - 8
Nhấn để phóng to ảnh
Phóng viên nước ngoài đang tường thuật trực tiếp quang cảnh tiếp quản tại Sở xe điện Bờ Hồ.
Hình ảnh Hà Nội trong thời khắc lịch sử mùa thu năm ấy - 9
Nhấn để phóng to ảnh
Đoàn quân tiếp quản dừng chân trên phố Duy Tân (nay là phố Huế).
Hình ảnh Hà Nội trong thời khắc lịch sử mùa thu năm ấy - 10
Nhấn để phóng to ảnh
Đoàn cán bộ hành quân trước hiệu kem Long Vân - Hồng Vân ở khu vực quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục ngày nay.
Hình ảnh Hà Nội trong thời khắc lịch sử mùa thu năm ấy - 11
Nhấn để phóng to ảnh
Đi sau bộ đội là các nữ y tá từ chiến khu trở về.
Hình ảnh Hà Nội trong thời khắc lịch sử mùa thu năm ấy - 12
Nhấn để phóng to ảnh
Quân tiếp quản đi qua cổng dinh toàn quền Đông Dương, vị trí ngày nay là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hình ảnh Hà Nội trong thời khắc lịch sử mùa thu năm ấy - 13
Nhấn để phóng to ảnh
Đoàn xe tiếp quản đi qua ngã năm Hàng Đào (nay là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục).
Hình ảnh Hà Nội trong thời khắc lịch sử mùa thu năm ấy - 14
Nhấn để phóng to ảnh
15h ngày 10/10/1945, lễ chào cờ đầu tiên sau khi Thủ đô được giải phóng diễn ra ở sân trước cổng Đoan Môn.
Hình ảnh Hà Nội trong thời khắc lịch sử mùa thu năm ấy - 15
Nhấn để phóng to ảnh
Niềm vui trong những ngày Thủ đô Hà Nội vừa giải phóng.
Quý Đoàn (Ảnh tư liệu)

Thứ Tư, 2 tháng 10, 2019

Giáo dục đừng tham nhồi nhét, lấy đi tuổi thơ của trẻ

Giáo dục dừng tham nhồi nhét, lấy đi tuổi thơ của trẻ

Chiều 26/7, các thành viên của Hội đồng quốc gia về nguồn nhân lực và UB Đổi mới giáo dục quốc gia của Chính phủ đã cùng thảo luận về vấn đề bức thiết: Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh phổ thông.

Mỗi đại biểu tiếp cận từ những góc nhìn riêng, nhưng đều cảnh báo hiện tượng giáo dục đang "nặng dạy chữ, nhẹ dạy người" sẽ gây ra nhiều lệch lạc và tác hại cho chất lượng nguồn nhân lực tương lai.
'Giáo dục đừng tham nhồi nhét, lấy đi tuổi thơ của trẻ'
GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam: "Cần trở về với chữ Thiện"
Ở cấp tiểu học, trẻ chỉ cần đọc thông viết thạo và nắm được những điều cơ bản. Điều quan trọng nhất lúc này là rèn cho trẻ cái đức. Nhưng khi bắt tay vào làm, chúng ta vô tình “đánh cắp” tuổi thơ của trẻ, làm cho đứa trẻ già đi trước tuổi, đối xử với chúng như người lớn.
Theo tôi, muốn rèn Đức cứ chọn 3 thứ mà làm. Đầu tiên là dạy cái Thiện, thứ hai là không được Tham, thứ ba là phải có Trách nhiệm. Đừng tham nhồi nhét bằng lý thuyết sẽ không ăn thua gì. Nếu không giải quyết được 3 vấn đề trên, sẽ chẳng thể cho ra kết quả tốt
'Giáo dục đừng tham nhồi nhét, lấy đi tuổi thơ của trẻ'
PGS Nguyễn Quý Thanh – Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc Gia Hà Nội): "Giáo dục không chỉ diễn ra trong nhà trường"
Vai trò của giáo dục ngoài nhà trường cũng không kém gì trong nhà trường. Ở nước ngoài phân định rất rất rõ gia đình làm gì, trẻ em làm gì và nhà trường sẽ làm gì. Ngay cả những luật khác như luật báo chí, luật điện ảnh, luật bảo vệ trẻ em cũng phải có những điều chỉnh và hướng dẫn. Tôi nhận thấy luật điện ảnh các nước cũng góp phần làm công tác giáo dục rất rõ.
Vai trò của gia đình phải rõ hơn và trách nhiệm phải gắn chặt hơn. 
Về phương thức truyền tải, Giáo dục công dân nên được coi là một hoạt động giáo dục thì sẽ rộng hơn việc coi nó là một môn học (môn học sẽ gắn với điểm). Một hoạt động giáo dục sẽ hướng đến những phẩm chất sẽ có hiệu quả hơn.
Chúng ta phải có những bài giảng luân lý. Có thể học cách các bên tôn giáo đưa các bài giảng giáo lý tại sao lại thấm nhuần đến thế.
Về phương pháp đánh giá, đạo đức phải đánh giá đa chiều. Đánh giá phải thiên về khuyến khích nhiều hơn trừng phạt. Kinh nghiệm một số nước cho thấy, mỗi khi học sinh làm điều gì tốt sẽ được tích lũy điểm. Sau này khi lên bậc cao hơn, điểm tích lũy đó có thể chuyển đổi thành điểm một số môn học tương ứng.
'Giáo dục đừng tham nhồi nhét, lấy đi tuổi thơ của trẻ'
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc: "Phong trào Hướng đạo sinh có nhiều giá trị"
Điều quan trọng đầu tiên với bọn trẻ phải là tính trung thực. Trung thực là trẻ thích cái gì thì nói cái đó, không che đậy gì cả, kể cả là sự vụng về. 
Cuộc sống có thể rất đa dạng phong phú, nhưng ta hãy cố gắng đi vào cái cơ bản nhất. Hiện nay, điều ghê gớm nhất đang tác động vào xã hội chính là sự giả dối. Chỉ có cái thiện mới là gốc để triệt tiêu điều đó.
Chữ “thiện” là gốc phát triển của con người. Chúng ta có nhiều khẩu hiệu, mục tiêu nhưng xin trở về nguyên gốc của chữ “thiện”. Chữ “thiện” có thể phát triển ra rất nhiều, từ thiện nguyện, thiện tâm đến thiện chí. Xin hãy trở về những điều cơ bản nhất. Nhìn về lịch sử, chúng ta có thể tham khảo phong trào "hướng đạo sinh" do cụ Hoàng Đạo Thuý khởi xướng.
'Giáo dục đừng tham nhồi nhét, lấy đi tuổi thơ của trẻ'
PGS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội : Giáo dục ý thức chấp pháp
Cổ nhân đúc kết, luật pháp là chỗ dựa của nhân tâm. Luật pháp không nghiêm thì nhân tâm băng hoại. Pháp phải là sự sống, nền tảng, chỗ dựa. Nếu như không có chỗ dựa ấy thì cái thiện không có chỗ bấu víu.
Xem sách giáo khoa dạy Đạo đức của các nước Đông Á, phạm trù đầu tiên bao giờ cũng là chấp pháp.
'Giáo dục đừng tham nhồi nhét, lấy đi tuổi thơ của trẻ'
Anh Bùi Quang Huy, Bí thư TƯ Đoàn: "Cần thời lượng thích đáng cho hoạt động ngoại khoá"
Để giáo dục đạo đức lối sống cần phải có khung thời gian nhất định. Tuy nhiên, với lịch học như hiện nay, thời gian để học sinh thực hiện các hoạt động ngoại khoá cực kỳ hạn chế. Thậm chí nhiều nơi còn có tình trạng mỗi tuần chỉ có 1 tiết giáo dục ngoại khoá; tuy nhiên trường lại không sử dụng tiết học ấy cho hoạt động ngoại khóa mà chuyển sang dùng vào chính khoá.
'Giáo dục đừng tham nhồi nhét, lấy đi tuổi thơ của trẻ'
GS Nguyễn Hữu Đức, Tổ trưởng Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục: "Chú trọng khoa học về giáo dục"
Đạo đức và thái độ là nền tảng quan trọng, thậm chí bây giờ nó còn đóng vai trò “là mẹ thành công”. Hiện nay, nhiều công ty nước ngoài tuyển dụng không còn chỉ dựa vào năng lực nữa, mà còn thử thách ứng viên về thái độ cũng như ý thức với nghề nghiệp.
Chúng ta nói rất nhiều về việc “mải dạy chữ chưa quan tâm dạy người”. Thực ra không phải chúng ta chưa chú trọng việc “dạy người”. Nhưng làm cái gì cũng phải có nghề. Chúng ta có nghệ thuật áp đặt rất tốt nhưng khoa học dạy người lại… rất thiếu. Tôi đề nghị cần quan tâm hơn nữa khoa học giáo dục đặc biệt là giáo dục đạo đức lối sống.
Hiện chúng ta chỉ giáo dục bằng kinh nghiệm: ông bà dạy cháu, mẹ dạy con. Ngành giáo dục cần phải chú trọng hơn nữa việc nâng cao trình độ cho thầy cô sư phạm.
'Giáo dục đừng tham nhồi nhét, lấy đi tuổi thơ của trẻ'
Ông Trần Đức Cảnh, Cố vấn Hội đồng tuyển sinh đại học Havard: "Phải chú trọng thể dục thể thao"
Cần phát triển phẩm chất của học sinh thông qua các hoạt động thể dục thể thao. So với các nước phát triển trên thế giới, hoạt động thể dục thể thao ở nước ta còn ở mức… quá yếu. Trong khi, thể thao không chỉ là rèn luyện sức khỏe mà còn tạo ra sự linh hoạt cho học sinh. Điều này còn góp phần không nhỏ vào việc rèn luyện cho trẻ hiểu về tinh thần đồng đội và tạo ra suy nghĩ lành mạnh, tích cực về vấn đề sức khỏe, tính làm việc tập thể, tính cộng đồng, trách nhiệm,…
'Giáo dục đừng tham nhồi nhét, lấy đi tuổi thơ của trẻ'
TS Lê Đông Phương - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam: 
Giới trẻ hiện nay nhiễm những hệ giá trị bên ngoài Việt Nam quá sớm, trong khi ta chưa có biện pháp để ngăn cản hệ giá trị ngoại lai. Ví như sách ngôn tình, kiếm hiệp hiện nay chiếm đến một nửa số sách bán trên thị trường, trong khi sách giáo dục lối sống lành mạnh lại ít. Trên các trang mạng xã hội đầy rẫy những thông tin khích lệ sự hưởng thụ vật chất, xa hoa, những hành vi lệch chuẩn nhưng không được ngăn chặn.
'Giáo dục đừng tham nhồi nhét, lấy đi tuổi thơ của trẻ'
Bà Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội): "Giáo dục đạo đức lối sống...ưu tiên xếp sau thi cử"
Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh chưa gắn và tương đồng với việc thi cử hiện nay. Vì thế, các nhà trường rất quan tâm cũng khó triển khai, khó lan tỏa tới học sinh, giáo viên và cha mẹ vì ít tính thực dụng.
Bên cạnh đó, giáo viên cũng thiếu định hướng, thiếu động lực khi không biết bắt đầu từ đâu, như thế nào, nhỡ sai thì làm sao, có được bảo vệ không? Cho nên, cách an toàn nhất là cầm chừng hoặc không làm cho yên tâm. Chúng ta sẽ không thể có học trò có đạo đức lối sống tốt nếu thầy cô chưa là tấm gương tốt từ kiến thức chuyên môn đến lối sống hằng ngày.
'Giáo dục đừng tham nhồi nhét, lấy đi tuổi thơ của trẻ'
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: Trang bị cho học sinh kỹ năng và "bộ lọc" để "sàng" thông tin
Con cháu chúng ta đang sống trong một không gian mạng rất mạnh. Không gian ấy có rất nhiều “rác” mà dù có “quét” cũng không thể hết “rác”.
Do vậy, học sinh cần phải được trang bị kỹ năng và có “bộ lọc” để sàng lọc thông tin. Dạy đạo đức cũng là dạy những kỹ năng cơ bản để sống trong cuộc sống thực và không gian mạng. Tôi nghĩ Bộ GD-ĐT cũng nên xem thời đại có sự thay đổi như thế nào để thay đổi theo. Tất nhiên, mục tiêu giáo dục và chuẩn mực vẫn không thay đổi.
'Giáo dục đừng tham nhồi nhét, lấy đi tuổi thơ của trẻ'
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ: "Vẫn còn hiện tượng khoán trắng cho nhà trường"
Công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh phổ thông thời gian qua còn nhiều tồn tại, hạn chế; mục tiêu dạy chữ được chú trọng nhiều, trong khi mục tiêu dạy người vẫn còn bị xem nhẹ.
Việc phân bố nội dung, thời lượng giáo dục đạo đức chưa phù hợp; càng lên lớp cao hơn, nội dung giáo dục đạo đức càng giảm trong chương trình chính khóa; việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá chưa thực sự chuyển biến, nhiều khi còn dừng ở hình thức.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong giáo dục học sinh chưa chặt chẽ. Một bộ phận cha mẹ học sinh chưa tôn trọng các biện pháp giáo dục của trường học, vẫn còn tâm lý “khoán trắng” cho thầy cô và nhà trường.
Ngành sẽ bám sát tinh thần “5 điều Bác Hồ dạy” được thể hiện cụ thể trong 5 phẩm chất cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông mới. 
'Giáo dục đừng tham nhồi nhét, lấy đi tuổi thơ của trẻ'
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Phải làm cho trường ra trường, thầy ra thầy"
Kể từ khi có Nghị quyết 29, chúng ta đã làm và có chuyển biến nhưng đến tới nay, những nhận định tại nghị quyết này vẫn còn nguyên giá trị. Biểu hiện suy thoái vẫn có nguy cơ gia tăng. Chúng ta đã có rất nhiều phong trào, khẩu hiệu liên quan đến giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, nhưng soi vào thực tế thì thấy vẫn làm chưa tốt.
Ví dụ như, có khẩu hiệu “Tất cả vì học sinh thân yêu” mà để học sinh đội nắng chờ khai giảng; hát quốc ca nhưng lại bật nhạc có sẵn.
Tinh thần là phải làm sao trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò.
                                                                                                                                            Thúy Nga