Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

THƠ NGƯỜI LÀNG GIỮA 13B- ĐỖ TUẤN ANH

THƠ NGƯỜI LÀNG  GIỮA ( 13B )
              TRẦN DỰC ( ĐỖ TUẤN ANH) 

                  Thơ Người làng Giữa (13) đã giới thiệu  chùm thơ của tác giả Trần Dực tức Đỗ Tuấn Anh - sinh 1928 hiện trú tại phường Mai Dịch Hà Nội. ( Bài thơ “ Bóng anh soi bóng em” tác giả Trần Dực làm năm 1955 nhân kỷ niệm và thắp hương tưởng nhớ ông Đỗ Nguyên Tiến ở bến Đào Viên, nơi Liệt sĩ hy sinh. Bài thơ “ Đất nước nặng ân tình” ( đăng trong tập Sông Đuống một thời nổi sóng _ NXB QĐND  Hà Nội 2010 ) ông đề tặng hương hồn các anh hùng liệt sĩ và Đồng chí Trần Vũ ( Đỗ Nguyên Tiến ).
                Ông Trần Dực là con thứ 3 của cụ Đỗ Thúc Hỗ (1904-1951) là người họ Đỗ ở Đại Mão. Cụ Hỗ mồ côi mẹ từ 5 tuổi, lúc nhỏ cụ được học một chút ít chữ nho, quốc ngữ hoàn toàn tự học. Hơn 10 tuổi, cụ Hỗ được ra HN học vẽ,có tác phẩm được trưng bày ở Nhà triển lãm Đấu Xảo ( nay là CLB Hữu Nghị ) HN,rồi về quê dựng Trại, là nơi lao động kiếm sống , là nơi dạy con. “Mình làm trại là mình làm mướn cho mình” ( Sau CCRĐ, trại được chia nhỏ cho nông dân, khoảng 40 hộ xóm 4 Đại Mão hiện giờ ở trên đất trại của cụ ). Vợ mất sớm, một mình gà trống nuôi con, cụ vẫn cho 2 con trai lớn đi kháng chiến. Đó là các ông:
            1 - Đỗ Nguyên Tiến ( 1926-1950)  Bí danh Trần Vũ- Liệt sĩ thời kỳ kháng chiến chống Pháp           
            2- Đỗ Tuấn Anh – bí danh Trần Dực sinh năm Đinh Mão 1928. Lúc nhỏ, ông được học ở trường Bưởi, đỗ Trung học rồi Trung học Chuyên Khoa. Tháng 12-1944 tham gia Đoàn học sinh cứu quốc của Mặt trận Việt Minh tại trường, đi bộ đội tháng 2 năm 1947, vào Đảng CS tháng 8 năm 1947.
            Ông từng giữ các chức vụ : Chính trị viên Trung đội 3, Đại đội Nghĩa quân (1947); Phó ban Chính trị Tỉnh đội BN ( 1948-1949); Phó ban Tuyên huấn Bộ Tư lệnh Liên Khu Việt Bắc (1950); Trưởng ban Tuyên huấn Quân Khu Đông bắc (1955);  Chính ủy Trường Quân chính Quân Khu Đông bắc (1956-1957);  Tư lệnh Pháo Binh Quân Khu Đông Bắc ( 1964-1967); Tham mưu trưởng Pháo Binh mặt trận Tây Nguyên ( 1971-1972) và Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải Quân Nhân dân Việt Nam.            
           
            Nhân làng Giữa khai trương thư viện, ông đã gửi tặng Thư viện nhiều sách, trong đó có tập Tấm lòng son mà ông là tác giả. Xin  trân trọng giới thiệu cùng các bạn một số bài thơ trong tập sách đó.

            Bài thơ sau viết bằng chữ Hán, là bài thơ ca ngợi quê Làng Giữa, đăng trong tập Tấm Lòng Son  của ông.


       TIẾNG THƠM VĂN HIẾN

Tự cổ Trung thôn Văn hiến hương
Hà sơn tang hải thượng lưu phương.
Đức Giang* hồng thủy thiên thu cổn
Đại Mão tân phong vạn thế xương!

Dịch thơ:

Từ xưa văn hiến Trung thôn
Nước non dâu bể, tiếng thơm truyền đời.
Nước sông Đuống đỏ cuộn trôi,
Làng ta đổi mới, muôn đời đi lên!

                                             Ngày 1 tháng Hai năm Ất Hợi 1995

·       Sông Đuống chạy cạnh làng, có tên Hán Việt là Thiên Đức Giang                         
                                                 
             Bài thơ sau cũng có tên như bài trên, là bài thơ ông làm nhân Đình Làng Đại Mão được phục dựng, nói lên tình cảm của ông với mái đình và quê hương:


TIẾNG THƠM VĂN HIẾN
                                                    Kỷ niệm Đình Làng Đại Mão được phục dựng

Đình ta cột lớn mái cong
Vươn lên hưng thịnh, hanh thông, vững vàng.
Phép vua, lại có lệ làng,
Nghìn xưa Văn hiến, quê hương nhân tài.
Đình ta chứng kiến bao đời
Kiếp dân, vận nước đầy vơi bao lần.
Tưng bừng, náo nức hội xuân;
Vinh quy lễ đón đầy sân, chật đường.

Mùa thu Cách Mạng rền vang,
Bài ca cứu nước : sẵn sàng hy sinh.
Ngất trời khí thế sân đình,
Trẻ già xuất phát tuần hành thị uy.
Giặc gây khói lửa bốn bề,
Càn dân, bắt cán điệu về trước sân.
Biết bao tang tóc điêu tàn;
Cuối cùng đình bị phá tan đâu còn!


Giờ đây đổi mới nước non,
Chung tay ta lại góp gom xây đình.
Đình xưa: khúm núm bạch đinh;
Đình nay: trên dưới nghĩa tình xóm thôn.
Đình xưa: khinh nữ trọng nam;
Đình nay: các giới cùng bàn việc công.
Đình xưa: thờ phụng thành hoàng;
Nay thêm Liệt sĩ khói nhang đêm ngày.

Thăm quê: nay lại thấy Đình,
Những mong: mãi mãi quê mình đi lên!

---o0o---

             Bài thơ Nhận quà  là bài thơ ông làm từ tháng 8 năm 2005 có lẽ đến nay vẫn mang tính thời sự:


                   NHẬN QUÀ 

Mái gianh hớn hở nhận quà:
Điện Biên toàn thắng, người nhà bình an.
Thư về đỏ cánh hoa ban
Cỏ cây náo nức, nước non sáng bừng

Bom rơi, đạn réo tạm dừng,
Đón anh chiến sĩ phòng không trao quà
Xinh xinh mảnh lược đuya – ra
Sớm khuya chải tóc, mượt mà niềm tin.

Và đây quà của Tây Nguyên
Theo đường dây lửa, giữ gìn chuyển ra:
Dịu dàng một cánh dù hoa,
Quàng lên âu yếm như là tay anh.

Con tàu lặn lội biển xanh
Nâng niu gửi gấm nghĩa tình Trường Sa:
Trắng trong một cụm san hô,
Một xâu vỏ ốc, nét hoa tuyệt vời!

Nhá nhem, trời nhọ mặt người
Xe đưa khách lạ đến chơi, biếu quà.
Vắng ông, thì đã có bà;
Hôi tanh mùi “ Vé ”, xót xa sự đời!

Mới hay: Muôn sự tại người
Món quà tình nghĩa cho đời sáng trong.
Món quà chứa những mưu toan
Làm sao giữ được chữ Tâm cho đời?

Là một người lính, nhiều lần được làm việc trực tiếp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông có các bài thơ mừng Đại tướng khi Đại tướng 90,97 tuổi :


       TIẾNG THƠM VĂN HIẾN

Chín mươi xuân đẹp chữ Kiên Trung
Bút vẫy, gươm vung, một tấm lòng,
Nhân nghĩa sáng soi vầng nhật, nguyệt
Năm châu lừng lẫy nghiệp anh hùng
                              
                                                                 Hà Nội- tháng 8 năm 2000

       KÍNH MỪNG
                ANH VĂN ĐẠI THỌ TUỔI 97

Thống soái và Anh Cả, một người.
Võ công văn đức rạng muôn đời
Xuân thêm một tuổi, dân thêm phúc
Theo Bác gương soi mãi sáng ngời.    
                         
                                                                 Hà Nội, tháng 2 năm 2007


                                          ===***===

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét