Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2013

Vụ án “chặt tay cướp xe SH”: Án tử hình, nên không?
VOV.VN - Mẹ của tội phạm cầm đầu băng nhóm "chặt tay cướp SH" cho rằng bản án dành cho con mình là quá nặng

Phiên tòa xử vụ án “chặt tay cướp xe SH” chiều 25/12 đã khép lại với mức án tuyên khá nặng so với đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM trước đó. Các bị cáo bị tuyên án: Hồ Duy Trúc- tử hình; Nguyễn Văn Luông- chung thân, Nguyễn Hoàng Phương- 20 năm tù giam.
Trên mạng lan truyền hình ảnh người mẹ của tên Trúc- kẻ cầm đầu băng nhóm- vật vã đau khổ, kêu rằng: "Con tôi không giết người, không có ai bị chết. Bản án tử hình với con tôi là vô nhân đạo!”.
Bản án có thật là quá nặng hay không ?
Chặt tay người để cướp của, hành vi này của bọn tội phạm vô cùng man rợ, phi nhân tính, thể hiện sự coi thường pháp luật. Tại phần thẩm vấn ngày 24/12, các tên cướp khai trước tòa: chúng uống rượu cho thật say rồi xách dao đi, thấy "con mồi" thì lập tức ép xe vung dao chém, rồi mới cướp tài sản. Con dao gây án thường trao tay nhau từ vụ này sang vụ khác, tên nào cầm dao thì tên đó phải ra tay chém người để đồng bọn cướp tài sản. Thật là những chi tiết khiến người ta rùng mình!
Chúng sử dụng dao dài, chém người đang đi xe máy trên đường. Giả sử người bị cướp ngã, đập đầu xuống đường, nguy cơ tử vong rất cao. Khi bị chém đến gần đứt lìa cổ tay, nếu nạn nhân không được cấp cứu kịp thời cũng dễ dẫn đến chết vì mất máu. Trong vụ cướp SH này, người bị hại không chết có thể nói là do may mắn, chứ đâu phải bọn cướp cố tình tha mạng sống cho người ta!.
Bản án nhận được sự đồng tình của nhiều người. Hình phạt tử hình là xứng đáng, làm gương để răn đe những kẻ coi thường pháp luật, coi thường mạng sống của người khác. Chỉ khi những kẻ mất hết nhân tính này bị loại ra khỏi đời sống, người lương thiện mới có thể an tâm ra đường mà không lo bị cướp, bị chém; xã hội mới duy trì được trật tự, ổn định.
Pháp luật hình sự là một trong những công cụ để đấu tranh phòng ngừa, chống tội phạm, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật, chống mọi hành vi phạm tội; đồng thời giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm bảo đảm cho mọi người được sống trong một môi trường xã hội an toàn.
Theo phân tích của các luật sư, có rất nhiều tội Bộ luật Hình sự quy định mức hình phạt cao nhất là tử hình chứ không phải chỉ có tội giết người. Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi được quy định trong Bộ luật, tội phạm được phân thành nhiều cấp độ và tương ứng sẽ có những khung hình phạt thích hợp. Theo luật, loại tội cướp tài sản được quy định có khung hình phạt cao nhất là tử hình nếu gây thương tích cho người khác từ 61% trở lên, hoặc chiếm đoạt tài sản từ 500 triệu đồng trở lên, hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Một người mẹ phản ứng về bản án tử dành cho con mình như thế, cũng là điều không khó lý giải. Nếu có thể đổi mạng cho con mình, chắc bà cũng sẽ làm. Tuy nhiên, có lẽ bà mẹ tên Trúc chỉ biết thương con, thương mình mà không đặt mình vào địa vị người khác. Giả sử hắn là người bị hại, bà sẽ cư xử như thế nào ?
Người mẹ và người nhà tên Trúc đã đến gây rối công đường, làm náo loạn, chửi bới, hăm dọa luật sư và tòa án, không đếm xỉa gì đến sự tôn nghiêm của luật pháp. Quan sát vụ việc này, nhiều người bình luận: mẹ thế nào thì con thế ấy. Người mẹ kia thật không biết phải trái, chắc chắn chưa từng biết dạy dỗ con mình điều lương thiện. Để con tự do lêu lổng, trở thành người xấu, thành kẻ cướp đi hại người, thì nay kêu than khóc lóc phỏng có nghĩa lý gì?.

Không biết sự tình cụ thể ra sao, nhưng rõ ràng đây là bài học đối với các bậc cha mẹ trong việc nuôi dạy con mình. Chẳng thể đổ tội hết cho cái nghèo, sự thất học. Bài học đạo đức làm người, về quy luật nhân-quả, không cha mẹ dạy con thì ai dạy?
                                                                                                         Cảo Thơm/VOV online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét