Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2016

HÀ NỘI … 36 PHƯỜNG

HÀ NỘI … 36 PHƯỜNG

Hà nội –36 phố phường
Vinh Nghĩa.
Con trai hỏi: “Hà Nội 36 phố phường là những phố nào?”
Trả lời con:
“..Hà nội ba sáu phố phường
Hàng Ngang hàng Bạc hàng Đường hàng Gai..”
Dân ta có câu” Buôn có bạn, Bán có phường” Các phố tên Hàng xưa gọi là phường.
Nhưng không phải chỉ có 36 phố đâu.
Đó là câu ca dao thủa trước trẻ con Hà nội đứa nào chẳng thuộc. Sau này mới hiểu con số 36 chỉ là con số ước lệ mà thôi. Cũng như câu hát: Trên rừng 36 thứ tre hoặc: binh thư 36 chước,chước chuồn là hơn…
Kể ra thì nhiều nhưng có lẽ không ai còn nhớ rõ Hà Nội có bao nhiêu con phố Hàng.
Người nhà quê ra Thăng Long buôn bán làm ăn, mang theo nghề Tổ ở quê ra kẻ chợ, được các quan chức trong thành Thăng long quản lý cho vào từng phường và đặt tên theo làng nghề cho từng khu vực buôn bán làm ăn. Làng Canh quê mình có nghề Rèn chuyên sửa chữa cày bừa, cuốc xẻng. Các cụ ra đây cùng nhau mở lò rèn nên thành con phố Hàng Bừa, Hàng Cuốc. Do con đường quá ngắn nên chính quyền cho đổi lại thành phố Lò Rèn, nó còn tồn tại đến ngày nay.
Về quê thì “Sợ… vãi” nhưng lâu không về lại nhớ.
Lần này con trai muốn biết 36 phố phường. Vậy thì về thăm quê… .
Gọi điện thoại từ Sài Gòn đặt phòng ở Lữ quán Quả táo (Apple Hotel) số 15C phố Hàng Chiếu. Mình hỏi chỗ đó gần cửa ô Đông Hà phải không. Cô nhân viên reception:Sao chú lại biết ô quan Chưởng là Cửa Đông Hà? Chú quê đâu? Mình trả lời:”Hà Nội”“giọng nói của chú đúng người Hà Nội rồi. Sao chú không về nhà mà ở khách sạn ?” Ô hay con nhỏ này lạ nhỉ, kinh doanh mà hỏi thế thì chủ nó đuổi là cái chắc.
Trả lời nó: Chú có nhà, có đất ở Hà Nội nhưng không có chìa khóa vào nhà. Không ở Khách sạn thì chỉ còn nước ra Gầm Cầu tá túc thôi.
Cô ta bảo: “chú nói hay quá. Cháu sẽ giữ phòng đẹp cho chú”.
“Lữ quán Quả Táo” nằm ở đầu phố Hàng Chiếu. Phố nhỏ, nhà nhỏ thế mà Lữ quán cũng rộng rãi, tân tiến, nội thất toàn đồ xịn, có thang máy đàng hoàng.
Đầu phố Hàng Chiếu là di tích Ô Quan Chưởng. Chụp hình để đối chiếu với ngày xưa:

Thành Thăng Long có đến 21 cửa ô thì đây là cửa Đông, cửa này nhìn thẳng ra sông Hồng nên còn có tên là “Đông Hà Môn”. Khi Pháp đánh Thăng Long, binh lính của một ông quan cơ Chưởng đóng tại cổng này đã chiến đấu đến người cuối cùng nên dân Hà Nội gọi đây là Ô Quan Chưởng.

So với hình ngày xưa Ô quan Chưởng ngày nay vẫn giữ được nét kiến trúc nguyên thủy của nó. Hà Nội khi đó chưa có nước thủy cục nên người ta phải gánh nước từ sông Hồng về phố hàng Chiếu ở phía sau cổng.
Muốn biết hết 36 phố phường phải tìm hiểu thêm về lịch sử Hà Nội.
Nghe dân tuổi “Teen” nói “Dân ta phải biết sử ta./ Nếu mà không biết thì tra Google”mình cũng lên mạng tìm được bài này:

Hà Nội có gần 80 chữ phố tên Hàng, sau này mất mát đi nhiều.
Phố Hàng Gai (bán lưới đánh cá làm bằng sợi gai vì gần Hồ Thái Cực), Hàng Bông có Hàng Bông Đệm, Hàng Bông Lờ, Hàng Bông Cửa Quyền, hai bên có Hàng Mành, Hàng Hòm,

Hàng Nón, Hàng Trống (còn gọi là Hàng Thêu).
Khu phố cổ nhiều Hàng nhất: Hàng Thiếc, Hàng Điếu, Hàng Đồng, Hàng Bát Sứ, Hàng Bát Đàn, Hàng Vải Thâm, Hàng Sắt, Hàng Bừa (nay là Lò Rèn), Hàng Rươi, Hàng Lược, Hàng Chai (chính ra là ngõ Chè Chai mới chính xác), Hàng Cân, Hàng Sơn (món ngon Chả Cá đã chiếm lấy tên này, thành ra phố Chả Cá). Nhiều phố khác nữa như Hàng Quạt nằm trên phố Hàng Đàn cũ, còn Lương Văn Can lại nằm đè lên phố Hàng Quạt. Hàng Bún nằm tít phía Quán Thánh, trong khi Hàng Cháo dạt sang gần sân vận động Hàng Đẫy.

Phố Hàng Lọng xưa
Phố Hàng Đũa là phố Ngô Sỹ Liên. Còn Hàng Khay lại nằm kề bên Hồ Gươm, trong khi Hàng Giò là đầu phố Bà Triệu. Và bách hóa Tràng Tiền chính là đất phố Hàng Bài.
Có hai phố Hàng Vôi nay một vẫn là Hàng Vôi, một là Lý Thái Tổ. Hai phố Hàng Mã, một là Hàng Mã hiện nay, hai là Hàng Mã Vĩ gộp với Hàng Mây thành Mã Mây.

Phố Hàng Mã xưa
Hai phố Hàng Gà, một nối vào Hàng Cót và một chính là đầu Phố Huế, từng là cái chợ chiều họp chớp nhoáng, có rau cỏ, con cá, con gà, bán mua vội vã. Lại còn Hàng Tre nối với Hàng Sũ, ăn ngang là Hàng Dầu, buôn bán dầu ăn dầu thắp, nay có hàng cây hoa Sưa rất đẹp nở trắng muốt về mùa Xuân (không phải hoa Sữa có dấu ngã).
Cũng quãng này còn có Hàng Mắm, Hàng Muối, Hàng Trứng, Hàng Chĩnh, toàn những phố ngắn và nhà nhỏ bé, vừa thấp vừa nông. Phố Hàng Giày có món bánh trôi nóng của nghệ sỹ Phạm Bằng bán vào buổi tối, đi một đoạn là phố Hài Tượng, tức nơi ở của những người thợ làm giày dép, hài, hán. Hàng Cỏ không còn ai buôn cỏ mà đã có nhà ga xe lửa, đó là phố Trần Hưng Đạo.
Đầu Hàng Buồm có ngõ Hàng Thịt. Hàng Đẫy thành phố Nguyễn Thái Học xe đi một chiều. Hàng Bừa không làm răng bừa nữa mà sản xuất đồ sắt như cửa cuốn nay gọi là phố lò rèn. Hàng Lọng không còn nhà nào làm ô, làm tán, làm tàn, làm lọng, nó là khúc đầu tiên của con đường thiên lý xuôi Nam.
Hàng Kèn là đầu phố Quang Trung. Hàng Chè là đầu phố Cầu Gỗ giáp với Hàng Đào, còn Hàng Cau là đầu phố Hàng Bè, giáp với Hàng Mắm. Riêng phố Hàng Sơn từng bán sơn từ Phú Thọ chuyển về, đựng vào những cái “nải” bằng tre đan, có sơn nên nó thành thùng kín. Đầu thế kỷ XIX, có nhà họ Đoàn nghĩ ra món ăn ngon: Chả cá, và từ đó chính quyền cũng chịu thua gia đình này, đành chấp nhận phố này mang tên Chả Cá, mà Hàng Sơn không còn nữa.
Hàng Trống nay cũng không còn ai làm nghề bưng trống, tiện tang trống cho trẻ hay làm thứ trống ếch bịt bằng da dê… nó từng có tên Hàng Thêu vì ngoài nghề vẽ tranh, người dân ở đây còn có nghề thêu nổi tiếng. Phố Hàng Bún một thời có tên là Hàng Mụn, không phải mụn trên cơ thể mà là mụn bằng vải cũ để vá quần áo. Nhắc đến dòng tên này ta có phần ngậm ngùi về một thời Thăng Long nghèo khó, quần áo rách phải vá chằng vá đụp nên mới có hẳn một phố bán các thứ mụn đủ màu như thế. Trại Hàng Hoa nay cũng đã lặn chìm vào lòng đất. Nó là đầu dốc Ngọc Hà, cạnh vườn Bách Thảo, mà từ chỗ này Khái Hưng và Nhất Linh đã sáng tác tiểu thuyết “Gánh hàng hoa” nổi tiếng một thời, được dựng thành phim với chủ đề trong sáng của người con gái Hà Nội bán hoa nuôi chồng ăn học…
Phố Hàng Chai như trên đã nói, thực ra đây là một ngõ nhỏ, cực nhỏ, chỉ có bề rộng chưa đầy 2m, từng là nơi chiều chiều các bà đi rong buôn bán các loại phế phẩm. Là lông gà lông vịt, chai lọ cũ, sắt vụn đồng nát, vỏ bao đựng chè tầu bằng thiếc, bằng thủy tinh, gọi chung là các bà “đồng nát, chè chai lông vịt” vì thế mà ngõ này mang tên ngõ Chè Chai.
Không hiểu sao sau này chính quyền thành phố lại gạt lịch sử ra ngoài, gọi nó là phố Hàng Chai, cũng như bỏ cái tên phố Hàng Đũa, một nét đặc biệt của người Việt Nam, ăn cơm bằng đũa mà không ăn bằng thìa, bằng dĩa hoặc ăn bốc. Cũng không hiểu còn những ai ở Hà Nội nhớ về cái phố nho nhỏ ấy từng mang tên như thế, nó khuất mình phía sau ga Hàng Cỏ, nay là ga Trần Quý Cáp.
Còn Hàng Bút vốn là đoạn cuối của phố Thuốc Bắc. Hàng Bừa và Hàng Cuốc (nay gộp lại là phố Lò Rèn), Hàng Tàn tức Hàng Lọng (nay là đoạn đầu phố Lê Duẩn), Hàng Bột (nay là phố Tôn Đức Thắng), Hàng Đàn (nay là phố Hàng Quạt), phố Hàng Màn (nay là đoạn đầu phố Hàng Giày), phố Hàng Lam (đoạn đầu phố Hàng Ngang), phố Hàng Lờ (cuối Hàng Bông), phố Hàng Nâu (nay là Trần Nhật Duật), phố Hàng Tiện (nay là đoạn đầu Hàng Gai), phố Hàng Trứng (đoạn cuối phố Hàng Mắm), phố Hàng Gạo (phố Đồng Xuân), phố Hàng Sắt (nay là đoạn đầu phố Thuốc Bắc).
Đếm thử lại xem bao nhiêu phố Hàng của Hà Nội ?. Chắc vẫn còn thiếu. nhưng thôi thế là cũng đủ nhận diện dung nhan Hà Nội cổ rồi nhé.
Gần phố hàng Chiếu có nhiều người trong họ nhà mình. Cô Hoa ở phố hàng Gà, Ông Thành con cụ Thẩm ở Hàng Khoai, Cụ Nguyễn Vinh Vưu là curơ xe đạp xuyên Đông Dương những năm 1940-1944 nhà ở phố hàng Bát. Chú Thìn đã từng vào nhà mình có con gái là tiếp viên Hàng không, chú có cửa hàng Ốc Thìn tận trên Hồ Tây. Chú là con ông Hai Tẽo, ngày xưa bán phở quanh khu phố này, ông bán phở gánh dong. Lần nào bà nội cho đi chợ Đồng Xuân cũng được ăn “phở Tẽo” Phở Hà Nội gọi tên theo người bán mà chỉ một tên thôi mới đúng phở Hà Nội.

(Phớớ..) Phở gánh Hà Nội
Ngày bé hay trêu chọc các chú Hợi, Thìn con bà Tẽo bằng câu chuyện: ” Bà Tẽo đi bán sôi nóng rao: Ai lấy Tôi (Ai…sôi hơ ). Ông Tẽo bán phở rong kêu: Tớớớ (Phơớớ) Thế hai ông bà lấy nhau. Chúng nó tức lắm.
Đang kể chuyện thì điện thoại của con có tin bạn nhắn: 19h gap nhau o lau de hang cot Nó hỏi làm mình phì cười: “Hàng Cột ở đâu ? ” mình đùa nó: “Ở Cầu Diễn làng mình đó, Trường bắn Cầu Ngà có dẫy “hàng Cột” nhưng nghe đâu cũng bỏ rồi…ở phố cổ chỉ có hàng Cót thôi, ngay cuối hàng Mã cùng hướng với Hàng Chiếu.” nó à một tiếng bảo:” vì không có dấu nên nhầm. đúng là Hàng Cót. Tối con đi với bạn, Bố được tự do” 
Từ Hàng Chiếu qua phố Lò Rèn có một chút. Qua đó xem có còn ai người cùng làng làm nghề không. Trước kia đến đầu phố đã nghe chí chát tiếng búa vậy mà bây giờ phố Lò Rèn như các phố khác, không thấy lò rèn đâu. Đi dọc phố chỉ thấy vài cửa hàng bán vật liệu cửa sắt. May quá còn một lò rèn ở đầu phố nơi giáp với phố hàng Đồng. Hóa ra anh Hùng người trên làng Hòe Thị. Hình như anh ở xóm Đanh, họ hàng với nhà chú Quyền bạn mình.
Anh bảo: chắc chắn tôi là người làm nghề rèn cuối cùng của phố Lò Rèn.
Ngày bé cũng mấy lần ra đây xin học nghề. Nhưng phải kéo bễ suốt ngày nên nản bỏ cuộc.
Vỡ mộng làm “thợ Rèn đen đít”. Về nhà cố học nhưng cũng chẳng được nghề gì ra hồn.
Giờ đây đã đủ điều kiện gia nhập hội ” Mất sức- Hưu trí” gọi tắt là hội “Mất Trí” mà vẫn tiếc nghề của quê..
Lò rèn của anh Hùng chỉ có một mình anh làm, không có người kéo bễ, người quai búa. Anh kiêm nhiệm hết vì đã có máy, có điện làm thay.
Bễ của anh Hùng bằng môtơ điện.
Mai kia phố Lò rèn không còn là phố nghề của người làng Canh nữa, không còn Lò Rèn thì nó sẽ mang tên gì đây?
Phố cổ rồi sẽ mai một. Theo đà phát triển nó sẽ phải khác đi.
Lúc đó nói đến Hà Nội 36 phố phường du khách sẽ không hình dung nổi phường là gì. Loanh quanh phố cổ thấy cuộc sống ở đây vẫn chật hẹp, bon chen đôi lúc chụp giật.
Nhìn những cửa hàng có bề ngang hơn 1 mét ở phố cổ mà “chán như con gián”.
Nhưng dẫu sao họ cũng tự hào là dân phố cổ.
Vẫn dễ kiếm tiền từ khách phương xa…

Hà Nội ngày 7 tháng 9 năm 2013.
Vinh Nghĩa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét