Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2016

NHỚ VỀ NHỮNG CÁI GIẾNG QUÊ TÔI

NHỚ VỀ NHỮNG CÁI GIẾNG QUÊ TÔI
          Làm ăn, sinh sống ở xa quê, mỗi khi nhớ về quê hương, tôi thường nhớ về những cái giếng của làng, của xóm.
.
       
  Thời xa xưa thì tôi không rõ lắm, nhưng từ ngày tôi lớn lên, tôi chỉ biết đến 5 cái giếng của làng. Ở phía tây làng, có giếng Cầu Tháp. Ở phía đông có giếng Chùa, còn ở giữa làng có giếng Đình ở ngõ Đình , giếng Ngọc ở xóm Ngọc tỉnh ( Ngọc tỉnh hạng) hay nói gọn là xóm Ngõ Giếng. Ở Nghè làng còn một giếng nữa gọi là giếng mắt rồng.
           Trước đây, tôi cứ tưởng giếng mọi nơi cũng giống giếng quê tôi. Mãi sau này, được đi đến các vùng xa tôi mới biết giếng nhiều nơi sạch và đẹp hơn quê mình. Giếng quê tôi không là những giếng khơi, giếng xây gạch, hay xây bằng đá, các giếng làng tôi chỉ là những giếng đất. Nói đúng ra giếng là những cái ao, hứng nước mưa, đựng nước mặt chứ không có mạch ngầm. Chỉ khác những cái ao khác, thường ở nơi biệt lập, có bờ cao và chỉ để lấy nước ăn, cấm không ai được tắm giặt hay gây những thứ làm ô nhiễm giếng. Bờ giếng được đắp cao, thường được trồng cây dứa dại để cho trâu bò, trẻ con không được nghịch ngợm làm bẩn giếng của làng.
Tuy đơn sơ như thế, nhưng những cái giếng đất ấy đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của người làng tôi.
Từ bao đời nay, nó là nơi cung cấp nguồn nước sạch cho biết bao thế hệ dân làng. Ngày xưa, mấy nhà đã có nhà ngói tường gạch và xây được bể chứa nước mưa để dùng. Cũng không phải nhà nào cũng có những cái kiệu ( là cái chum to) để đựng nước mưa. Nhiều nhà chỉ có một vài cái vại đựng nước, mỗi cái chứa được vài thùng. Vậy để có nước ăn hàng ngày, ngoài nước mưa được hứng từ mái ngói, từ cây cau chứa vào chum, kiệu, vại, người dân thường mang quang gánh ra gánh nước giếng về dùng. Cũng chả có thùng tôn gánh nước, có khi là gánh bằng ‘quang vặn’’( một loại quang vặn từ lạt mềm, từ cây tre non tạo nên), và đồ đựng nước là những nồi đất Thổ Hà hay Phù Lãng sản xuất.
Người nông dân ngày xưa vất vả lắm. Đi làm tối ngày kiếm gạo, có khi tối về hết nước lại phải đi ra giếng gánh nước, đi xin lửa thổi cơm, luộc khoai sắn để ăn. Giếng đất ở làng tôi là thế, nhưng là nguồn nước sạch ngang với nguồn nước sạch bây giờ. Bằng chứng là biết bao lần lũ trẻ chúng tôi đánh khăng đánh đáo, chăn trâu tập trận, khát nước lội mấy bậc xuống giếng uống no nước lã ở giếng mà bụng cũng chẳng sao!
Nước giếng đa phần chỉ dùng làm nước ăn, còn tắm giặt đã có ao làng. Mấy nhà lịch sự gánh nước về cho con tắm? Có chăng khi tắm ao về, gọi là một vài gáo nước giếng tráng cho sạch hơn mà thôi.
        Ấy thế mà ở giếng Ngọc, trẻ con có thể thoải mái tắm nước giếng, vì bên bờ giếng có một cái thống đá đựng nước.Chỉ cần lấy giẻ hoặc nắm lá chặn lỗ thoát nước ở gần đáy thống, múc nước giếng đổ vào đó là có thể nằm tắm trong đó một cách thoải mái rồi. Tương truyền cái thống ấy ban đầu chỉ được dùng để vo gạo đồ xôi cúng tế ở Đình khi làng vào đám, nhưng sau này bọn trẻ thích tắm ở thống nên các cụ cũng cho qua.
                      Nói thêm một chút về giếng Ngọc. Cụ Lê Nho Lãng một người cao tuổi trong làng kể:

       
  “Thôn Đại Mão quê tôi, có một cái giếng đất tên là giếng Ngọc. Cái tên giếng Ngọc không biết có tự bao giờ ,có lần tôi hỏi cụ Nho Quán người cao tuổi trong xóm, cụ nói là cụ cũng không biết ,nhưng cụ chỉ biết trước kia trên bờ giếng có cái bia đề mấy chữ Thiên tạo Ngọc Tỉnh ,hậu nhân bất khả phần ,có nghĩa là: trời tạo ra giếng Ngọc người sau không được lấp.
Năm Quý Sửu (1913 ) trời làm một trận hồng thuỷ vỡ đê đại hà bia bị nước lũ cuốn trôi đất cát bồi lấp nên không còn nữa. Tôi lại thắc mắc tại sao giếng Ngọc lại còn có tên là giếng Diệc. Tôi lại hỏi cụ đồ Diễm người cao tuổi nhất làng lúc bấy giờ cũng là người uyên thâm về hán học. - Cụ đồ Diễm cho biết : tương truyền cái tên giếng Diệc có từ thời hai bà Trưng ; trước khi nghĩa binh hai bà chuẩn bị đánh thành Luy Lâu khu vực này là nơi hậu cần nên hai bà đã đổi thành giếng Diệc để khích lệ ba quân vì chữ diệc nghĩa là cũng . Ý chữ này là trị diệc tiến, loạn diệc tiến ,diệc lợi ngô quốc hồ:nghĩa là trị cũng tiến loạn cũng tiến thế cũng lợi cho nước ta vậy. Chứng minh điều đó đình làng còn đôi câu đối;
-Tráng tai đế vương cư hữu kỳ hữu cổ hữu mã bái long chầu diệc thiên địa hảo để phong thuỷ
-Uất nhiên anh tuấn vực vi cơ vi quan vi lương đống thạch trụ tự hương đảng lập hồ triều đình
Nghĩa quân Đề Vang khi đóng quân ở thôn Đại Mão cũng lấy xóm này làm nơi hậu cần. Năm Nhâm Thìn 1892 nghĩa quân của Đề Vang bị quân Pháp đánh bại chủ tướng Đề Vang bị bắt.Viên tướng của Đề Vang là ông Lĩnh Cổ chạy qua đây xuống giếng uống nước,uống xong ông tự than!Nếu ta sinh ra ở đất này thì đã không phải chịu kết cục như ngày hôm nay
Một năm xưa, có một ông thày địa lí về thôn Lam Cầu đi qua đây ông ta dừng chân ngắm giếng Ngọc và xung quanh hồi lâu. Ông ta nói với người đồ đệ của mình rằng : kiểu đất ở đây quá đẹp có giếng Ngọc lại có thần đồng phù trợ hai bên Tất loạn tắc tự an có bút có nghiên con người ở đây tuy danh vọng không cao nhưng cũng đủ làm thầy thiên hạ”
***
             Cuộc sống đổi thay. Cũng như nhiều miền quê khác, giếng cổ không đủ và không được dùng để cấp nước cho cư dân xung quanh. Nhiều nơi đã có nước sạch từ nhà máy cung cấp, quê tôi chưa được cấp nước sạch mà dùng nước giếng tự khoan, tự lọc…Giếng bây giờ chỉ còn là di tích cũ…
             Để bảo tồn giếng cổ, các giếng bây giờ đã được cải tạo lại. Giếng Cầu Tháp đã bị lấp. Giếng Đình, giếng Chùa đã được xây bờ. Tháng Tám vừa rồi, bà con xóm NGỌC TỈNH cũng đã tổ chức khánh thành việc tu bổ giếng. Bờ giếng được xây gach, đá cao đẹp hơn xưa, xung quanh trồng cau lấy bong mát, có sân bê tong, ghế đá cho bà con ngồi nghỉ ngơi hóng mát mỗi chiều…Kinh phí mấy trăm triệu đồng đa phần do dân đóng góp và do con em trong xóm, trong làng tài trợ thêm. Mỗi người góp sức một chút để bảo tồn một di sản của người xưa. Ai cũng nghĩ: nhũng giếng này đã cung cấp nguồn nước cho tổ tiên cha ông ta, để cha ông ta có sức mà lao động, sản xuất, chiến đấu xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước này; để sinh con đẻ cái và dạy dỗ chúng sao cho con cháu ngày càng tiến bộ, không hổ thẹn với công lao sinh thành, dạy dỗ của ông cha. Con hơn cha là nhà có phúc, các cụ ngày xưa bảo thế.
                                                                                                                                                               LÊ TRUNG THÔN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét