Thứ Hai, 16 tháng 10, 2017

Từ DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển

Chuyển trọng tâm từ DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển: Bước ngoặt lớn, quan trọng của chính sách dân số trong tình hình mới


 

GiadinhNet - Sau 25 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương Đảng khóa VII về chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), công tác Dân số lại trở thành một nội dung quan trọng của Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng khóa XII.

Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển; chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ gắn bó hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia”.
Báo Gia đình & Xã hội trân trọng giới thiệu bài viết của GS.TS Nguyễn Đình Cử, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em (IPFCS) về bước ngoặt lớn của chính sách dân số Việt Nam trong thời kỳ mới.

Đã đến lúc phải giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số. ảnh: Hà Anh
Đã đến lúc phải giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số. ảnh: Hà Anh
Sự cần thiết phải chuyển trọng tâm của công tác DS-KHHGĐ
Hơn 55 năm qua, với chính sách sinh đẻ có kế hoạch, mục tiêu của chính sách DS-KHHGĐ là giảm sinh “đã đạt được một cách vững chắc”.
Việc đạt được mục tiêu “Mức sinh thay thế” một cách vững chắc đã đặt ra câu hỏi: Chính sách trong lĩnh vực Dân số của nước ta hơn nửa thế kỷ qua đặt KHHGĐ là trọng tâm liệu có còn thích hợp? Và nếu cần thay đổi thì phải thay đổi như thế nào?
So với thời điểm hoạch định chính sách DS-KHHGĐ (1961), dân số nước ta đã xuất hiện những đặc điểm và những xu hướng mới, khác biệt chưa từng thấy. Những đặc điểm và xu hướng này sẽ tác động rất lớn đến sự phát triển bền vững của Việt Nam theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực, mang lại cả cơ hội và thách thức.
Trước hết, Việt Nam là quốc gia có quy mô dân số lớn, mật độ dân số rất cao. Hiện nay, trên thế giới chỉ có 4 nước (Ấn Độ, Băng - la - đét, Nhật Bản, Phi-li- pin) có số dân và mật độ dân số lớn hơn Việt Nam. Trung Quốc, tuy dân số nhiều hơn, nhưng mật độ lại chỉ bằng nửa Việt Nam.
Theo dự báo, Dân số Việt Nam vẫn tiếp tục tăng nhưng chậm lại (giai đoạn 2009-2019 bình quân hằng năm khoảng 1%, sau đó sẽ dưới 1%). Năm 2025, nước ta sẽ có 100 triệu dân và tiếp tục tăng chậm lên đến khoảng 107-108 triệu vào giữa thế kỷ! Dân số đông là một thị trường lớn, hấp dẫn đầu tư nhưng cũng là thách thức lớn về an ninh lương thực, năng lượng,… Bên cạnh đó, mặc dù tỉ lệ dân thành thị thấp nhưng tốc độ di cư, đô thị hóa, tích tụ dân số đang diễn ra khá mạnh. Di dân góp phần thay đổi cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, nâng cao năng suất lao động nhưng việc tích tụ dân số với mật độ rất cao cũng dẫn tới nhiều áp lực tới hạ tầng cơ sở; gây tắc ách giao thông, ô nhiễm môi trường…
Chúng ta đang trong thời kỳ cơ cấu dân số “vàng” với số người trong độ tuổi lao động hơn gấp đôi số người phụ thuộc. Điều này mang lại nhiều “dư lợi” về lao động nhưng cũng là thách thức về tạo việc làm và việc làm có năng suất, thu nhập cao. Cơ cấu dân số “vàng” sẽ chấm dứt vào khoảng đầu thập niên 40 của thế kỷ này. Vì vậy, nếu không khai thác nhanh và hiệu quả, cơ hội “vàng” sẽ bị bỏ qua.
Với sự phát triển kinh tế - xã hội và những thành tựu về y học, tuổi thọ của người dân tăng lên, song chúng ta cũng đang phải đối mặt với tình trạng già hóa với tốc độ vào nhanh nhất thế giới. Theo dự báo, Việt Nam, từ già hóa đến khi dân số già chỉ khoảng 27 năm (2011-2038). Trong khi đó, Pháp phải mất tới 115 năm, Thụy Điển 85 năm, Úc 73 năm, Mỹ 69 năm. Điều đáng nói là chúng ta chưa có sự chuẩn bị tốt về an sinh xã hội để thích ứng với một xã hội già hóa, chăm sóc và phát huy người cao tuổi một cách tốt nhất. Dù tuổi thọ trung bình đã tăng lên (74 tuổi) nhưng số năm sống khỏe mạnh trong cả cuộc đời không cao. Hơn 70% người cao tuổi sống ở nông thôn, khu vực có trình độ phát triển thấp hơn đô thị, phải sống phụ thuộc vào con cái... Những đặc điểm trên làm trầm trọng thêm thách thức về già hóa trong quá trình phát triển.
Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Số trẻ sơ sinh trai trên 100 trẻ sơ sinh gái cao (112,2/100), ảnh hưởng lớn đến cấu trúc dân số trong tương lai. Hiện tượng biết trước giới tính thai nhi ngày càng phổ biến, tỷ lệ phụ nữ mang thai biết trước giới tính thai nhi là 83%. Sự mất cân bằng giới tính khi sinh do nhiều nguyên nhân, trong đó có ảnh hưởng của Nho giáo, bất bình đẳng giới, lạm dụng kỹ thuật. Tình trạng này không được cải thiện, đương nhiên sẽ dẫn đến sự phát triển không bền vững về mặt xã hội.
Chất lượng dân số tăng lên nhưng chưa cao. Việt Nam chưa bao giờ lọt vào tốp 100 nước có “Chỉ số phát triển con người” (HDI) cao nhất. Nhiều năm nay, Tổng cục DS-KHHGĐ thực hiện các dự án nâng cao chất lượng dân số, như tư vấn tiền hôn nhân; sàng lọc trước sinh và sơ sinh… đã thu được những kết quả tốt. Tuy nhiên, các thành công vẫn chỉ mới trong khuôn khổ các dự án.
Trước tình hình thế giới, trong nước đã và đang có nhiều thay đổi, đòi hỏi phải có những đổi mới về công tác dân số, Hội nghị Trung ương 6, khóa XII đã chỉ rõ cần có sự chuyển trọng tâm công tác dân số: Từ DS- KHHGĐ sang Dân số và phát triển, để giải quyết toàn diện, đồng bộ và căn bản hơn các vấn đề dân số.
Bước ngoặt quan trọng trong chính sách
Việc chuyển trọng tâm này, một là nhằm “giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số”, với các nội dung được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6: “Phấn đấu duy trì ổn định vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ lệ giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; duy trì và tận dụng có hiệu quả lợi thế cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hoá dân số, nâng cao chất lượng dân số, phân bố dân số phù hợp với quá trình phát triển”. Những nội dung này, không gì khác là giải quyết các vấn đề dân số đang đặt ra hiện nay và trong tương lai.
Như vậy, nếu trước đây, chính sách DS-KHHGĐ, chỉ tập trung vào một nội dung là KHHGĐ với mục tiêu giảm sinh thì nay, chính sách dân số mới với sáu nội dung, tức là với phạm vi rộng lớn hơn nhiều. Rõ ràng, đây là một chủ trương mới và rất lớn của Đảng.
Hai là, chuyển trọng tâm, chứ không phải là “từ bỏ KHHGĐ” mà KHHGĐ được thực hiện theo phương thức mới. Trong định hướng chính sách dân số mới, “Duy trì mức sinh thay thế” là nội dung đầu tiên. Để trung bình số con của mỗi bà mẹ khoảng 2,0-2,1, đương nhiên phải áp dụng các biện pháp KHHGĐ, tức là không thể “từ bỏ KHHGĐ”. Vấn đề là cần tổ chức KHHGĐ theo phương thức mới. Đó là “giảm sinh ở những tỉnh, thành phố có mức sinh còn cao; duy trì kết quả đã đạt được ở những tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế; thực hiện mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp”. Do đó, việc truyền thông, phương thức cung cấp phương tiện, dịch vụ cũng phải khác nhau giữa các địa phương này.
Ba là, đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động về dân số và phát triển. Để xây dựng và thực hiện được chính sách dân số mới mà trọng tâm là “Dân số và phát triển”, trước hết phải đổi mới tư duy về chính sách dân số. Điều này không đơn giản, nhất là khi tư duy DS-KHHGĐ, hơn nửa thế kỷ qua, đã “ăn sâu” trong xã hội, trong mỗi gia đình và từng thôn xóm, bản làng. Một trong những giải pháp then chốt, cần đi trước một bước đó là đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động về dân số và phát triển. Thông điệp truyền thông ngày nay không chỉ xoay quanh KHHGĐ mà cần phủ kín 6 nội dung mà chính sách dân số mới sẽ hướng tới. Đa dạng hóa kênh truyền thông, truyền tải những thông điệp phù hợp tới từng nhóm đối tượng, từng vùng, miền là yêu cầu cấp bách hiện nay.
Bốn là, tính đến các yếu tố dân số trong quá trình kế hoạch hóa phát triển. Một trong những giải pháp cơ bản giải quyết mối quan hệ Dân số và Phát triển ở nước ta, như Kết luận số 119-KL/TW ngày 4-1-2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng là:“Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục đưa công tác dân số và phát triển thành một nội dung trọng tâm trong công tác, hoạt động thường kỳ; đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về dân số và phát triển vào nghị quyết, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội”. Nói cách khác, đó là tính đến (lồng ghép) yếu tố dân số vào kế hoạch hóa phát triển.
Tình trạng dân số của nước ta ngày nay đã hoàn toàn khác tình trạng dân số cách đây hơn nửa thế kỷ. Vì vậy đã đến lúc phải giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số, chứ không chỉ đơn thuần là KHHGĐ.
GS.TS Nguyễn Đình Cử - Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét