Thứ Tư, 6 tháng 2, 2019

LỄ MỪNG THỌ nét văn hóa mang tính nhân văn

 LỄ MỪNG THỌ
nét văn hóa mang tính nhân văn
          Lễ mừng thọ đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người Việt trong mỗi dịp đầu Xuân hoặc vào đúng ngày sinh. Mừng thọ là một nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam ta bởi nó thể hiện sự tôn trọng, tấm lòng hiếu thảo cũng như sự kính trọng của con cháu đối với các bậc cao niên. Kính lão thì đắc thọ - Kính già thì già để tuổi cho.


Trong hình ảnh có thể có: 1 người

Một nét văn hóa mang tính nhân văn
Không rõ phong tục mừng thọ chính xác có từ bao giờ, nhưng đã được lưu truyền từ đời này sang đời khác và tồn tại cho đến ngày nay. Thông thường, 70 tuổi gọi là thượng thọ, 80 tuổi là đại thọ, 90 tuổi là thượng thượng thọ và tròn 100 tuổi là bách tuế hay bách niên chi lão.
Trong tâm thức dân gian của người Việt, mỗi người sinh ra đều mong muốn đạt được Ngũ Phúc trong đời là: Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh. Trong đó, Thọ là yếu tố khó nắm bắt nhất nên cũng là điều mà mọi người mong muốn nhất. “ Tứ thời Xuân tại thủ - Ngũ Phúc, Thọ vi tiên” để nói rằng trong bốn mùa của một năm thì mùa Xuân là mùa khởi đầu; trong Ngũ Phúc thì Thọ là mong muốn trước hết của mỗi con người. Điều này còn được thể hiện ngay trong đời sống thường nhật, trong những lời chúc tụng, bao giờ người ta cũng đề cập đến lời chúc về sức khỏe đầu tiên, còn tiền tài hay danh vọng chỉ được xếp sau. Tuổi thọ là điều quý giá nhất của đời người mà không phú quý nào sánh bằng.
Gia đình có người cao tuổi được coi là đại hồng phúc; con cháu được mừng thọ ông bà, cha mẹ là được thêm niềm vui, niềm tự hào. Chính vì vậy, mừng thọ là một nét đẹp văn hóa đáng trân trọng.
Thông thường, những nghi thức trong lễ mừng thọ phụ thuộc vào phong tục của từng nơi, từng địa phương mà có cách tổ chức khác nhau. Về cơ bản mừng thọ được tổ chức tại gia. Trong ngày mừng thọ, con cháu sẽ chúc rượu thọ, nói những lời tốt đẹp để tỏ lòng biết ơn, mong cha mẹ, ông bà được sống lâu, sống thọ, tặng một sỗ lễ vật nhỏ như: tấm áo, chiếc khăn… hay làm thơ, câu đối, tặng chữ, tặng tranh… để ông bà vui lòng.
Các cụ được quan tâm sẽ phấn khởi vì thấy rằng đã cổ lai hy vẫn không bị đối xử lạnh nhạt. Mừng thọ cũng là cách giáo dục, răn dạy con cháu bổn phận ăn ở trước sau với người đời, với xã hội.
* Một phong tục luôn được duy trì
Một lễ mừng thọ được tổ chức sao cho vừa trang trọng vừa ấm cúng sẽ đem lại niềm vui và may mắn cho cả gia đình. Thông qua việc tổ chức mừng thọ, người già sẽ thấy hạnh phúc hơn vì con cháu đề huề lại hiếu thảo, họ nhận thấy công sức bao năm bỏ ra để nuôi dạy con cái, cống hiến cho xã hội đã được đền đáp xứng đáng. Con cháu cũng sẽ thấy tự hào về ông bà cũng như truyền thống gia đình mình, vui vẻ vì đã có cơ hội để báo hiếu, làm vui lòng ông bà, cha mẹ.
Những năm gần đây, lễ mừng thọ không chỉ bó hẹp trong gia đình mà còn có các hội, đại diện chính quyền tham gia chúc thọ. Nhiều nơi bây giờ tổ chức mừng thọ cho các cụ ở đình rất long trọng, vừa có tục lệ xưa lại vừa thể hiện sự quan tâm của cộng đồng đối với người được mừng thọ.
* Mừng thọ ở làng Đại Mão
Làng Đại Mão vốn có truyền thống văn hiến do vậy việc mừng thọ cũng trở thành nét đẹp văn hóa từ xưa đến nay. Tại nhà tiền tế đình làng xưa được xây hai bệ cao trang trọng, một bên là Trọng Sỉ (trọng tuổi cao), một bên là Trọng Tước (trọng người đỗ đạt, được bổ làm quan) để dành cho người tuổi cao và người có chức tước khi làng có việc tế lễ, mở hội. Các cụ còn có câu “nhất trọng sỉ, nhị trọng tước” để so sánh hai vị trí đó.
Việc mừng tho ở làng Đại Mão ngày nay, vẫn đươc duy trì có nề nếp. Ngay từ trước tết nguyên đán, chi hội Người cao tuổi thôn đã lập danh sách các cụ tuổi trên 100 và các cụ tuổi chẵn 100, 90, 80, 70 để mừng thọ. Tết Kỷ Hợi – 2019, Đại Mão có cụ bà Vũ Thị Lạc tuổi 102 (đến nay có 5 cụ bà được tuổi từ 100 trở lên); có cụ ông Lê Doãn Nhân được tuổi thọ 100 (là cụ ông đầu tiên của làng); có 6 cụ được tuổi 90; 30 cụ được tuổi 80, 14 cụ được tuổi 70. Sáng mồng 2 tết, tai nhà văn thôn Chi uỷ, BQL, ban Công tác mặt trận, chi hội Người Cao tuổi thôn tổ chức trang trọng lễ mừng thọ các cụ được tuổi chẵn và kết nạp 54 người có tuổi 60 là hội viên Người cao tuổi Việt Nam. Cụ ông tuổi 100 diện bộ quần áo đỏ, 6 cụ tuổi 90 trong bộ quần áo vàng. Buổi lễ chúc thọ được diễn ra rất trang trọng, có chương trình văn nghệ chào mừng của đội văn nghệ chi hội Người cao tuổi, lãnh đạo địa phương đã phát biểu chúc thọ và tặng quà cho các cụ được tuổi chẵn.
Các cụ được tuổi chẵn còn được các đoàn đại diện dòng họ nội ngoại, các gia đình thông gia, các hội đồng niên, đồng học và con, cháu tới chúc thọ ngay từ sáng ngày mồng một tết và các ngày tiếp theo. Không khí ngày tết vốn đã rất vui, lại càng thêm rộn ràng, tấp nập với các hoạt động chúc thọ người cao tuổi ở Đại Mão quê hương tôi./.

                                                   Bài và ảnh: Lê Đình Thanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét