Thứ Ba, 15 tháng 10, 2019

TRÒ CHUYỆN VỚI HOÀNG CẦM VỀ “BÊN KIA SÔNG ĐUỐNG”
(Sưu tầm)
Bên kia sông Đuống là một trong những bài thơ tiêu biểu của Hoàng Cầm. Chúng ta hãy cùng lắng nghe nhà thơ tâm sự đôi nét về tác phẩm này.
* Bên kia sông Đuống là một trong những bài thơ hiếm hoi làm nổi bật được vẻ đẹp của làng quê Việt Nam với những “lớp văn hoá” đặc sắc. Ông đã viết bài thơ như thế nào?
Nhà thơ Hoàng Cầm:
Viết về quê hương, điều cốt yếu phải làm hiện lên rõ nét cái hồn của vùng quê đó. Như vậy đòi hỏi phải có cảm xúc mạnh, trí tưởng tượng sâu rộng, sức liên tưởng dồi dào qua các sự vật tình cảnh có thực, đồng thời phải thấu hiểu lịch sử và nhân vật lịch sử của một vùng đất. Từ nhỏ tôi đã theo mẹ đi lễ chùa, dự hội chùa Phật Tích, Chùa Dâu, Bút Tháp, Tiên Sơn, Long Khánh… và đến phường hát Quan họ mà mẹ tôi là thành viên. Những đêm hát ấy thấm đậm vào hồn tôi từ hồi đó.
Lớn lên, tôi vào bộ đội năm 1947 và có viết một số bài thơ kháng chiến. Đầu năm 1948, tôi và một số anh em lập đội văn công, đóng ở chiến khu 12 thuộc làng Thượng huyện Phú Bình, giáp Thái Nguyên. Một buổi chiều Tư lệnh trưởng chiến khu 12 (gồm Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Ninh và Lạng Sơn) gọi tôi lên và nói: “Tối nay có mấy người ở làng Đông Hồ lên báo cáo về tình hình chiến sự ở vùng này. Anh sang nghe vì đó là quê anh”. Tôi hồi hộp và mong mỏi cả buổi chiều. Trước đó tôi nghe tin đồn rằng làng tôi bị giặc Pháp từ Hà Nội đánh lên, chiếm lấy. Ở đó tôi còn mẹ già, vợ và ba đứa con thơ. Chín giờ tối, một người liên lạc đưa tôi đến Bộ Tư lệnh. Vương Văn Trà là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn sông Đuống, lính toàn người địa phương, vừa cầm súng vừa đi cày. Vương Văn Trà là người làng tôi nên mỗi lời nói của anh khiến tôi đau nhói nơi ngực trái. Bọn giặc chiếm được làng nào là lập hội tề ngay ở làng ấy và đốt đình chùa, phá chợ, cướp bóc của cải, đàn áp dân lành. Làng mạc tan tác, bố mẹ vợ con li tán. Chính gia đình tôi cũng bị li tán, không biết đi đâu, sống chết ra sao. Báo cáo quá nửa đêm mới hết. Tôi như ngồi trên cả đống than, đống lửa. Trở lại toà soạn báo Quân Việt Bắc do Nguyên Hồng làm Tổng biên tập, đóng trong một nhà dân, mọi người đã ngủ say, hơi lành lạnh của buổi đêm đã quá khuya. Ngổn ngang trong lòng. Tôi ngồi đốt thuốc lào nhưng không có ý định viết gì vì nỗi lo lắng về gia didnh, vợ con tràn ngập trong tim. Khoảng hai giờ sáng, tiếng gà gáy vang lên, ngọn đèn dầu bập bùng. Tôi như tỉnh, như mê, tình cảm trào ra bên ngoài, vội vơ lấy bút giấy và như có tiếng ai đó đọc dịu dàng văng vẳng bên tai:
Em ơi, buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lì
Cứ thế, tình cảm trào ra ngòi bút. Tôi viết một mạch đến bốn giờ sáng. Tôi đánh thức Nguyên Hồng dậy đọc cho nghe. Mới đến câu thứ năm với giọng đọc thiết tha, nức nở của tôi, Nguyên Hồng bật khóc và cứ thế thổn thức cho đến khi tôi đọc hết bài thơ dài. Bài thơ nhanh chóng được phổ biến khắp nơi. Bây giờ nhớ lại cảm giác khi Nguyên Hồng khóc, tôi biết, tôi đã làm được một chút gì đó cho quê hương yêu dấu của tôi.
* Người “em” trong bài thơ này là ai và có ý nghĩa gì?
Nhà thơ Hoàng Cầm:
Em ơi buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Những câu thơ đầu tiên như thể có ai đọc cho tôi chép, chúng như thể những lời an ủi dịu dàng đối với tâm hồn đau khổ của tôi. “Em” ở đây tượng trưng cho nỗi khắc khoải của tâm hồn thi sĩ. Câu mở đầu là một lời an ủi nên các từ toàn là âm bằng dịu dàng. Tâm hồn thi sĩ vượt qua khoảng cách của không gian và thời gian tìm về làng xóm quê hương. Tâm hồn ấy muốn dằn vặt, muốn đau nỗi đau chung của quê hương. Chỉ cần bằng hai câu mở đầu đó thôi, bài thơ lập tức được chuyển về đúng khung cảnh của quê hương và qua đó có thể trực tiếp nói lên tất cả nỗi đau đớn dang giày vò mảnh đất ấy mà không cần phải dùng đến “nỗi nhớ” “nỗi li biệt” “nỗi xa cách” nữa. Như vậy chính tâm hồn thi sĩ đã trở về đúng nơi nguồn cội của mình. Ở mảnh đất yêu dấu ấy, bằng kí ức thơ ấu, bằng nỗi nhớ thương lo lắng không nguôi cho gia đình hoà trộn với ấn tượng từ lời kể của Vương Văn Trà, tâm hồn thi sĩ mường tượng ra tất cả, từng khuôn mặt từng dáng người, từng bờ cỏ, bụi cây.
* Hình ảnh đầu tiên hiện ra thật thơ mộng yên bình. Nhưng giờ đây khi một bờ là vùng giặc chiếm thì cả con sông như “nghiêng nghiêng” đau đớn. Theo tác giả, hình ảnh thơ này được hiểu như thế nào?
Nhà thơ Hoàng Cầm
Để hiểu câu thơ này trước hết phải hiểu được từ “nghiêng nghiêng”. Nếu chỉ dùng một chữ “nghiêng” thôi thì dòng sông được thể hiện trong trạng thái tĩnh. Còn khi dùng từ láy “nghiêng nghiêng” người ta có cảm giác dòng sông luôn xao động. Khi dùng chảy “nghiêng nghiêng” tôi muốn nói một sông Đuống trăn trở, vật vã, thao thức trong tâm hồn nhà thơ.
BÊN KIA SÔNG ĐUỐNG
Em ơi! Buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lỳ
Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì
Xanh xanh bãi mía bờ dâu
Ngô khoai biêng biếc
Đứng bên này sông sao nhớ tiếc
Sao xót xa như rụng bàn tay
Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp
Quê hương ta từ ngày khủng khiếp
Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn
Ruộng ta khô
Nhà ta cháy
Chó ngộ một đàn
Lưỡi dài lê sắc máu
Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang
Mẹ con đàn lợn âm dương
Chia lìa đôi ngả
Đám cưới chuột tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan tác về đâu ?
Ai về bên kia sông Đuống
Cho ta gửi tấm the đen
Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên
Những hội hè đình đám
Trên núi Thiên Thai
Trong chùa Bút Tháp
Giữa huyện Lang Tài
Gửi về may áo cho ai
Chuông chùa văng vẳng nay người ở đâu
Những nàng môi cắn chỉ quết trầu
Những cụ già phơ phơ tóc trắng
Những em xột xoạt quần nâu
Bây giờ đi đâu ? Về đâu ?
Ai về bên kia sông Đuống
Có nhớ từng khuôn mặt búp sen
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng
Chợ Hồ, chợ Sủi người đua chen
Bãi Tràm Chỉ người dăng tơ nghẽn lối
Những nàng dệt sợi
Đi bán lụa mầu
Những người thợ nhuộm
Đồng Tỉnh, Huê Cầu
Bây giờ đi đâu ? Về đâu ?
Bên kia sông Đuống
Mẹ già nua còm cõi gánh hàng rong
Dăm miếng cau khô
Mấy lọ phẩm hồng
Vài thếp giấy dầm hoen sương sớm…
Chợt lũ quỷ mắt xanh trừng trợn
Khua giầy đinh đạp gẫy quán gầy teo
Xì xồ cướp bóc
Tan phiên chợ nghèo
Lá đa lác đác trước lều
Vài ba vết máu loang chiều mùa đông

Chưa bán được một đồng
Mẹ già lại quẩy gánh hàng rong
Bước cao thấp trên bờ tre hun hút
Có con cò trắng bay vùn vụt
Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu ?
Mẹ ta lòng đói dạ sầu
Đường trơn mưa lạnh mái đầu bạc phơ.
Bên kia sông Đuống
Ta có đàn con thơ
Ngày tranh nhau một bát cháo ngô
Đêm líu ríu chui gầm giường tránh đạn
Lấy mẹt quây tròn
Tưởng làm tổ ấm
Trong giấc thơ ngây tiếng súng dồn tựa sấm
Ú ớ cơn mê
Thon thót giật mình
Bóng giặc dày vò những nét môi xinh
Đã có đất này chép tội
Chúng ta không biết nguôi hờn
Đêm buông xuống dòng sông Đuống
- Con là ai ? - Con ở đâu về ?
Hé một cánh liếp
- Con vào đây bốn phía tường che
Lửa đèn leo lét soi tình mẹ
Khuôn mặt bừng lên như dựng trăng
Ngậm ngùi tóc trắng đang thầm kể
Những chuyện muôn đời không nói năng
Đêm đi sâu quá lòng sông Đuống
Bộ đội bên sông đã trở về
Con bắt đầu xuất kích
Trại giặc bắt đầu run trong sương
Dao loé giữa chợ
Gậy lùa cuối thôn
Lúa chín vàng hoe giặc mất hồn
Ăn không ngon
Ngủ không yên
Đứng không vững
Chúng mày phát điên
Quay cuồng như xéo trên đống lửa
Mà cánh đồng ta còn chan chứa
Bao nhiêu nắng đẹp mùa xuân
Gió đưa tiếng hát về gần
Thợ cấy đánh giặc, dân quân cày bừa
Tiếng bà ru cháu buổi trưa
Chang chang nắng hạ võng đưa rầu rầu
"À ơi... cha con chết trận từ lâu
Con càng khôn lớn càng sâu mối thù"
Tiếng em cắt cỏ hôm xưa
Hiu hiu gió rét mịt mù mưa bay
"Thân ta hoen ố vì mày
Hờn ta cùng với đất này dài lâu..."
Em ơi! Đừng hát nữa! Lòng anh đau
Mẹ ơi! Đừng khóc nữa! Dạ con sầu
Cánh đồng im phăng phắc
Để con đi giết giặc
Lấy máu nó rửa thù này
Lấy súng nó cầm chắc tay
Mỗi đêm một lần mở hội
Trong lòng con chim múa, hoa cười
Vì nắng sắp lên rồi
Chân trời đã tỏ
Sông Đuống cuồn cuộn trôi
Để nó cuốn phăng ra bể
Bao nhiêu đồn giặc tơi bời
Bao nhiêu nước mắt
Bao nhiêu mồ hôi
Bao nhiêu bóng tối
Bao nhiêu nỗi đời.
Bao giờ về bên kia sông Đuống
Anh lại tìm em
Em mặc yếm thắm
Em thắt lụa hồng
Em đi trảy hội non sông
Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh.
                                         Việt Bắc, tháng 4-1948

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét