Thứ Tư, 25 tháng 12, 2019

Nhớ người nữ hộ sinh


         NHỚ NGƯỜI NỮ HỘ SINH
            Hôm nay, ngày 25 tháng 12 năm 2019 (30 tháng 11 năm Kỷ Hợi) người dân quê làng Giữa lưu luyến tiễn một người con của quê hương về cõi vĩnh hằng. Người đó là Cụ Vũ Thị Lạc - thường gọi theo tên chồng là Bà Nhân ( Cụ ông là cụ Lê Doãn Nhân).
             Những người từ trên 50 tuổi trở lên, khi nói đến Bà Nhân, hay bà Vũ Thị Lạc hộ sinh, hiếm có người không biết.
           Cụ Vũ Thị Lạc, sinh năm 1917 tại thôn Hán Đà (xã Hán Quảng, Quế Võ, BN) trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Gia đình cụ đã được Nhà nước trao tặng bằng “Có công với nước”.  Lớn lên, cụ làm bạn đời với cụ ông Lê Doãn Nhân, người thôn Đại Mão, Hoài Thượng, Thuận Thành.
       Trong cuộc kháng chiến chống  thực dân Pháp, cụ cùng gia đình tản cư theo kháng chiến tại thôn Giếng Mật (xã Tân Hòa, Phú Bình, Thái Nguyên). Tại đây, cụ vừa làm nữ hộ sinh của xã, vừa tham gia kháng chiến trong một đơn vị quân nhu, đồng thời hỗ trợ và cùng cụ ông làm cán bộ y tế kháng chiến tại huyện Phú Bình (Thái Nguyên).
           Sau khi hòa bình lập lại trên miền Bắc, năm 1955 cụ cùng gia đình về  quê tại thôn Đại Mão, xã Thượng Mão (nay là xã Hoài Thượng, Thuận Thành, Bắc Ninh). Do mắc bệnh hiểm nghèo, cụ ông đã mất từ năm cụ bà mới 43 tuổi. Một mình vượt qua bao khó khăn, cụ đã nuôi dạy 6 người con trong thời chống Mỹ và bao cấp.
       Trong hơn 50 năm làm công tác trong ngành y tế, trong đó hơn 30 năm công tác tại xã Hoài Thượng, với các trang thiết bị y tế nghèo nàn lạc hậu thời bấy giờ, cụ liên tục là nữ hộ sinh của xã, trực tiếp đỡ đẻ cho hàng nghìn lượt bà mẹ. Các ca sinh nở đều được “mẹ tròn, con vuông”. Nhiều ca đẻ khó, với kinh nghiệm tích lũy được cộng với tấm lòng yêu người, yêu nghề cụ đã dùng thủ thuật để người sản phụ “vượt cạn” thành công.
            Tại xã Hoài Thượng, nhiều gia đình có 2 thế hệ, cá biệt có gia đình cả 3 thế hệ cất tiếng khóc chào đời trên hai bàn tay cụ, bà con nhân dân địa phương tôn vinh cụ là "Nữ hộ sinh có đôi bàn tay vàng".

             Sinh thời, cụ bằng lòng và tự hào khi các con cháu đều ngoan ngoãn, học tập công tác, đều phấn đấu, trưởng thành. Anh con trai đầu của cụ, Lê Doãn Thắng được du học tại Cộng hòa dân chủ Đức và Trung Quốc, học nghề sản xuất chân tay giả. Thừa hưởng gien khéo tay của mẹ, anh đã sản xuất nhiều bộ chân tay giả có chất lượng cao, đem lại niềm hạnh phúc cho nhiều đồng chí thương binh. Anh thứ hai, Lê Doãn Tiến đi bộ đội, hoàn thành nghĩa vụ về quê cũng khéo tay với nghề cơ khí. Con gái thứ ba, chị Lê Thị Thịnh học xong đại học Dược Hà Nội, về công tác tại Quảng Ninh. Con gái thứ tư, chị Lê Thị Bình, công tác trong ngành xây dựng tại Hà Nội. Người con trai thứ 5, anh Lê Doãn Quang học xong phổ thông, nhập ngũ, học sĩ quan chính trị, sau chuyển sang ngành Kiểm sát. Anh con trai út, Lê Doãn Đức công tác trong ngành công an. Các con cụ đều có chuyên môn, tay nghề vững vàng, nay đã tới lúc nghỉ hưu và yên bề gia thất. Các cháu của cụ đều ngoan ngoãn, học giỏi, đang công tác trong nhiều lĩnh vực. Gia đình cụ là một gia đình tiêu biểu, toàn diện: “Mẹ thì đôn hậu, gương mẫu; Con thì trai tài gái sắc, dâu hiền, rể thảo; Cháu thì ngoãn ngoãn, học hành tiến bộ” được mọi người xung quanh kính nể,cảm phục.
             Năm 1990, sau khi nghỉ hưu, cụ rời quê  ra sinh sống với vợ chồng anh con trưởng tại phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Tại đây cụ cũng rất tích cực tham gia các hoạt động của Hội Người Cao tuổi và CLB Thơ của khu phố.
             Xa quê, nhưng cụ luôn hướng về quê hương, cùng gia đình tham gia đóng góp, ủng hộ công đức xây dựng các công trình văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng, phúc lợi của quê hương, dòng họ.
             Với những đóng góp của cụ với Tổ quốc và nhân dân, 8 năm liền cụ đã được tăng danh hiệu Chiến sỹ Thi đua, nhiều Bằng Khen, Giấy Khen của các cấp lãnh đạo chính quyền và ngành Y tế. Cụ đã được  Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất. Năm cụ được 100 tuổi, cụ đã vinh dự nhận thiếp chúc tết của Chủ tịch nước.
            Sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù đã được các thày thuốc hết lòng cứu chữa, được các con cháu hết lòng chăm sóc, cụ đã tạ thế hồi 20h46 ngày 22/12/2019, thọ 103 tuổi. Hôm nay, gia đình đưa tro cốt cụ về an táng ở quê hương. Người dân làng Giữa nói riêng, người Hoài Thượng nói chung  xúc động  đón  cụ về  yên  tại Nghĩa trang nhân dân thôn Đại Mão.

Trong hình ảnh có thể có: 1 người
           Nhớ một công dân cao tuổi đáng kính, có nhiều công lao to lớn với đất nước và làng xã, quê hương,  mọi người xin chia buồn cùng gia đình và chúc cụ mãi thanh thản nơi ngàn thu cực lạc.

                                                                                    LÊ ĐÌNH NGẠN

https://static.xx.fbcdn.net/rsrc.php/v3/y4/r/-PAXP-deijE.gif







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét