Thứ Năm, 29 tháng 2, 2024

Họ Lê Đại Mão

 

HỌ LÊ THÔN ĐẠI MÃO

(Bài viết  về lịch sử văn hóa họ Lê thôn Đại Mão

Tại buổi gặp mặt đầu xuân của Hội đồng họ Lê tỉnh Bắc Ninh

Ngày 13 tháng giêng xuân Giáp Thìn 2024)

                                                               LÊ ĐÌNH THANH

         

Kính thưa các đ/c lãnh đạo thôn Đại Mão!

Kính thưa các vị đại biểu đại diện các dòng họ Lê tỉnh Bắc Ninh!

         

          Lời đầu tiên cho phép tôi xin được gửi lời chào trân trọng, lời chúc đầu năm mới tốt đẹp nhất tới các vị đại biểu về dự gặp mặt đầu xuân mới Giáp thìn 2024 của Hội đồng họ Lê tỉnh Bắc Ninh. Được sự phân công của Ban tổ chức tôi xin trình bày một số nét về lịch sử văn hóa làng Đại Mão.

          Làng Đại Mão là một ngôi làng cổ của vùng quê Kinh Bắc. Theo các tài liệu khảo cổ, làng Đại Mão có lịch sử hình thành từ hàng ngàn năm trước. Vào mùa xuân năm 40 (cách đây gần 2000 năm), tại nơi đây, nữ tướng Hai Bà Trưng đã lập đàn tế trời đất, làm lễ xuất quân tiến đánh thành Luy Lâu, đuổi quân Đông Hán ra khỏi bờ cõi, giành độc lập cho nước nhà.

Làng nằm trên bãi bồi của bờ nam sông Đuống, từ xa xưa được bao bọc bởi những cánh đồng ngô lúa, bãi mía, nương dâu xanh tốt. Làng có thế đất “Tay ngai”, có “Ngũ Mã chầu tiền, Tam Thai ủng hậu”. Đôi câu đối trên cột đồng trụ của đình làng có ghi: “Tráng tai đế vương cư, hữu kỳ, hữu cổ, hữu mã bái long chầu, diệc thiên địa hảo để phong thủy/ Uất nhiên anh tuấn vực, vi cơ, vi quan, vi đống lương trụ thạch, tự hương đảng lập hồ triều đình” nghĩa là: Mạch đất đẹp thay! chỗ ở của đấng đế vương, án có cờ, có trống, có ngựa bái, rồng chầu, thực đất trời tạo thành phong thủy/ Yên vui vậy! quê hương bậc anh tuấn, người làm thơ, làm quan, làm xà cao cột vững, tự làng xóm lập lên triều đình.

Quê hương Đại Mão có truyền thống hiếu học, khoa bảng, có văn chỉ thờ Khổng tử và các bậc tiên hiền, có bia đá ghi danh người đỗ đạt của làng. Thời Hán học, làng có nhiều người đi học, đi thi: gần 100 người đã đỗ từ tú tài trở lên, trong đó có 4 người đỗ tiến sĩ được ghi danh trong Văn miếu Quốc Tử Giám và Văn miếu Bắc Ninh, nhiều người đỗ nhất, nhị, tam trường. Có 35 người ra làm quan phục vụ đất nước, trong đó có người lập nhiều công trạng được vua ban khen “Văn thần trung vũ thần tại”. Nhiều người được bổ nhiệm làm quan tại các địa phương, làm nghề dạy học, làm nghề thầy thuốc.

          Một số vị tiêu biểu của làng: Cụ Trịnh Đức Mại – quan Tư đồ trấn quốc công thời Trần. Tiến sĩ Nguyễn Đình Khuê – quan Hiến sát sứ Sơn Tây, Hải Dương thời nhà Mạc. Tiến sĩ Trịnh Đức Vận – quan Giám sát ngự sử thời Hậu Lê. Tiến sĩ Lê Doãn Giản – quan Hữu thị lang bộ Công thời Hậu Lê. Tiến sĩ Lê Doãn Thân – quan Thừa chính sứ tước Trí xuyên thời Hậu Lê. Cụ Lê Doãn Quýnh (tức Lê Quýnh) là một võ quan Đại Việt, đại trung thần triều Lê trung hưng. Cụ Đỗ Trọng Vĩ là một danh thần triều Nguyễn, nhà văn hóa và nhà giáo dục Việt Nam, người có công tu bổ Văn Miếu Bắc Ninh và chấn hưng giáo dục Bắc Ninh.

          Đại Mão còn là đất của các thày đồ Nho. Thời kỳ Nho giáo làng có tới 94 người thuộc 11 dòng họ làm nghề dạy học. Các họ có nhiều người dạy học là: Lê Nho, Lê Doãn, Trịnh Đức, Nguyễn Hữu, Nguyễn Đình, Nguyễn Thế, Đỗ Trọng. Các thày giáo ở Đại Mão không chỉ dạy học ở làng, ở tỉnh, mà còn dạy học ở nhiều địa phương khác như: Thái Nguyên, Hải Phòng, Hải Dương. Đến đâu các thầy giáo người Đại Mão cũng đều là tấm gương sáng về đạo đức và học vấn. Tiêu biểu như cụ Đỗ Trọng Cơ dạy học ở Hiên Ngang (Tiên Du), dân làng ở đó đã lập đền thờ và dựng bia đá.

Làng Đại Mão nổi tiếng với nghề trồng dâu, chăn tằm, dệt vải. Vải của làng Đại Mão (làng Giữa) ngày xưa nổi tiếng trong vùng. Cạnh đình làng xưa còn có Đình Chợ, là nơi thờ tổ nghề dệt và cũng là nơi buôn bán các sản phẩm vải, lụa tơ tằm. Tại tòa thượng điện Đình Chợ có bức đại tự bằng chữ Hán “Văn vật khả quan”, để nói rằng làng Đại Mão là đất học, đất nghề đáng được các nơi tham quan học tập.

          Theo thống kê, làng Đại Mão có 17 dòng họ trong đó có 3 dòng họ Lê, đó là Lê Doãn, Lê Nho, Lê Đình, đều là các dòng họ tiêu biểu:

Họ Lê Doãn: là một gia tộc lớn của làng Đại Mão có phả hệ dài với nhiều đời hiển đạt, nhiều người làm công thần triều đình. Theo gia phả của dòng họ, tổ tiên họ Lê Doãn học hành đỗ đạt và làm quan cho nhà Lê Trung Hưng (từ thời vua Lê Trang Tông cho đến thời vua Lê Chiêu Thống, trong khoảng thời gian 257 năm) kế tiếp nhau 7 thế hệ với 11 cụ làm quan. Di sản văn hóa về truyền thống hiếu học khoa bảng họ Lê Doãn để lại cho hậu thế là ngôi nhà thờ họ với hệ thống gia phả, hoành phi, câu đối, bia đá và bức Gia giáo ngâm. Nhà thờ họ Lê Doãn được công nhân Di tích LSVH cấp tỉnh. Hiện nay số nhân khẩu có gần 1200 người, nhiều người thành đạt trên các lĩnh vực.

Họ Lê Nho có số nhân khẩu gần 1200 người. Họ Lê Nho trước đây có nhiều người đỗ đạt, làm nghề dạy học. Tiêu biểu như cụ Lê Chu Kiều dạy nhiều học trò đỗ đạt, trong đó có 15 học trò đỗ Tiến sĩ. Bài Gia huấn của cụ Lê Chu Kiều (họ Lê Nho), dạy con cháu: “Tình nghĩa cha con: Cha phải hiền, con phải hiếu/ Tình nghĩa vợ chồng: Phu xướng, phụ tùng/ Tình nghĩa anh em: Anh hòa, em kính ; trên hòa dưới thuận/ Tại hương lân: Phải hết lòng yêu thương mà không yêu ghét. Nếu làm quan: Phải giữ thanh khiết, cẩn thận, cần mẫn làm đầu”. Thời nay họ Lê Nho có nhiều người có học vị tiến sĩ, thạc sĩ là giảng viên trong trường Đại học, là cán bộ trong các cơ quan trung ương. Tiêu biểu như NGUT Lê Nho Nùng – GĐ sở GD&ĐT Bắc Ninh, ông Lê Nho Bội giảng viên ĐHXD  anh Lê Nho Thạnh, công tác tại Bộ Ngoại giao. Họ Lê Nho là điểm sáng của cả nước trong công tác Khuyến học theo dòng họ.

          Họ Lê Đình, với số khầu gần 250 người. Thời Nho học cũng có người học hành đỗ đạt, làm quan. Thời nay các thành viên trong dòng họ vẫn phát huy truyền thống của cha ông, có người có học vị tiến sĩ, thạc sĩ, công tác tại cơ quan trung ương, địa phương, là giáo viên tại các cấp học. Một số cháu học sinh đoạt giải HSG cấp quốc gia, quốc tế và cấp tỉnh. Họ Lê Đình có cụ Lê Thị Tải được tặng danh hiệu Mẹ VNAH, có ông Lê Đình Đạt là Thiếu tướng – Cục trưởng Cục đo lường Chất lượng quân đội.

Truyền thống văn hiến của làng Đại Mão tiếp tục được kế thừa và phát huy: Xuân tế tổ là một nét văn hóa đẹp được tổ chức tại các dòng họ vào ngày 10/giêng hàng năm. Là dịp để các con cháu xa gần về họp mặt, dâng hương tri ân tổ tiên, tổ chức phát thưởng các cháu học giỏi. Đình làng Đại Mão được công nhận là Di tích LSVH cấp tỉnh. Trong đình làng còn lưu giữ nhiều văn bia câu đối trong đó có bức Mục Dục, là một bài ca có nội dung nhằm giáo dục mọi người trong làng phải tuân theo để giữ lại những thuần phong mỹ tục của một miền quê văn hiến.  Hiện nay nhà tiền tế đình làng đang được tu bổ nâng cấp, Văn chỉ của làng chuẩn bị được phục dựng. Ngày 10/2 hàng năm tại đình làng tổ chức lễ xuân tịch, những năm Tý - Ngọ - Mão - Dậu tổ chức rước hội. Làng Đại Mão là một trong số ít làng trong tỉnh có thư viện đã hoạt động trên 10 năm, hiện có 10.000 cuốn sách phục vụ nhu cầu đọc sách cho mọi lứa tuổi. Nhiều CLB văn hóa, văn nghệ, TDTT được thành lập và hoạt động thường xuyên. Đặc biệt CLB thơ ca làng Đại Mão trong 20 năm hoạt động đã ra mắt 11 tập thơ với khoảng trên 1000 bài thơ.  Cơ sỏ hạ tầng, cảnh quan làng xóm được đầu tư xây dựng khang trang. Làng được công nhận đạt tiêu chí NTM, đang phấn đấu đạt NTM nâng cao.

Ba dòng họ Lê thôn Đại Mão với số nhân khẩu 2.700 người (chiếm gần 70% số nhân khẩu của làng Đại Mão), đã và đang góp phần quan trọng trong việc kế thừa và phát huy truyền thống văn khóa, khoa bảng của quê hương, xứng đáng với mỹ tự “Làng quê văn hiến” đã được nhân dân trong vùng tôn vinh.

Một lần nữa xin kính chúc các đại biểu một năm mới Giáp thìn 2024 An khang - Thịnh vượng; Chúc đại gia đình Họ Lê Bắc Ninh đoàn kết, phát triển hòa cùng dòng chảy văn hóa của dân tộc Việt Nam./.

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét