Thứ Năm, 16 tháng 1, 2014

Có nên hỏa táng người chết? Trần Đăng Khoa VOV

Trần Đăng Khoa: Có nên hoả táng người chết?

VOV.VN - Trần Đăng Khoa: Một việc đại sự, rất nghiêm túc và linh thiêng, xem ra cũng rất giản dị thôi. 
Kính gửi anh Khoa

Nhiều gia đình ở thành phố, có nhà nhiều tầng. Họ dành riêng một phòng, có khi cả một tầng để làm nơi thờ cúng. Vậy có thể đặt lọ tro cốt người đã mất ở đây được không? Nếu được thì nên đặt thế nào? Nếu không được thì tại sao? Dựa cơ sở khoa học hay tâm linh ?

Tôi biết hiện nay, đã có nhiều gia đình để tượng, di ảnh người đã mất ở gian thờ. Các nước Phương Tây, trong nhà còn có hầm mộ. Xem phim, thấy ở Pháp, ở Mỹ có để lọ tro cốt trên bàn thờ. Còn thông thường hiện nay ở Hà Nội, hay TP HCM lọ tro cốt được gửi ở nghĩa trang hoặc nhà chùa. Việc gửi này cũng có nhiều hệ lụy:

- Thủ tục phiền phức và quá tải.

- Phải trả phí mặt bằng và trông coi (hiện tại khoảng 2 triệu một năm).

- Không thường xuyên chăm nom hương đèn được và tốn thời gian công của đi lại của người thân.

- Chưa kể đến phải tiêu cực phí hoặc "công đức" nếu gửi ở chùa.

Lọ tro cốt hiện nay cũng nhỏ đẹp, vệ sinh. Nếu có thể đây cũng là một kiểu xã hội hóa để giảm tải được chăng? Trong bộ phim Hồ Chí Minh một hành trình, tôi thấy trên bàn thờ một Việt kiều ở Pháp bên cạnh di ảnh có cả hai lọ tro cốt. Trên tờ Metro, có câu chuyện một kẻ trộm lấy lọ cocain nhưng khi bị bắt mới biết hắn lấy nhầm lọ tro cốt

Rất mong nhận được câu trả lời của  anh, bằng thư riêng hoặc qua vov online                

Kính thư
NGUYỄN VĂN LIÊM
nguyenvanliem1939@gmail.com
TRẦN ĐĂNG KHOA:
Câu hỏi của bác rất hay. Đây cũng là một việc làm giản dị, nhưng rất đỗi quan trọng trong mỗi một gia đình, lại được rất nhiều người quan tâm, nên tôi đưa ra bàn chung ở đây. Tôi cũng mong trong số bạn đọc VOV, có nhiều nhà tâm linh, nhà khoa học, những chuyên gia hàng đầu, có sự hiểu biết sâu sắc và chuyên sâu về lĩnh vực chúng ta đang bàn mà bác muốn được tham khảo và chia sẻ. Tôi hy vọng họ sẽ giúp được bác. Và họ sẽ trực tiếp trao đổi với bác qua Email hoặc qua điện thoại.
Thực ra, khi bàn về vấn đề này, bác cũng đã tham khảo qua nhiều kênh khác nhau, cả ở trong nước cũng như ở nhiều nước trên thế giới về việc thờ cúng tro cốt người đã khuất.
Hỏa táng đang trở thành phương thức chôn cất thông dụng.

Ở Việt Nam chúng ta, từ trước cho đến nay, trừ các bậc tu hành, còn người bình dân, chết thường địa táng. Mỗi một dân tộc, hay một địa phương lại có những phong tục nghi lễ khác nhau. Ở các nước văn minh, người ta cũng đang chuyển dần từ địa táng sang hỏa táng. Ở Hoa Kỳ, vào thập niên 70, trong 10 người chết mới có một người hỏa táng, nhưng hiện nay cứ 4 người chết đã có một người hỏa táng rồi. Tỷ lệ người hỏa táng hiện nay là 25%. Người ta tiên đoán vào năm 2025, số người chết ở Mỹ được hỏa táng sẽ lên đến 50%.
Riêng ở Việt Nam, do nhu cầu bảo vệ môi trường và dân số tăng nhanh, chính quyền ở nhiều địa phương khuyến khích người dân nên chuyển sang phương thức hoả táng. Theo quan niệm hiện đại, hỏa táng là một hình thức rất hợp vệ sinh, bảo vệ được môi sinh, không mất đất, lại giảm bớt được rất nhiều công đoạn như xây mộ, tảo mộ, bảo quản mộ, cải táng, di dời… Cho nên việc hỏa táng càng ngày càng được phổ biến rộng rãi.
Trong cộng đồng Phật giáo, nhiều người quan niệm nên dành đất cho người sống ở, hơn là xây quá nhiều những mộ chí, những nghĩa trang cho người đã mất. Nhiều gia đình cũng đã lựa chọn phương thức hỏa táng này. Việc hỏa táng đang dần trở nên thông dụng. Cũng có điều khiến nhiều người còn có chút băn khoăn. Với người sống thì rất tốt rồi. Còn với những người đã khuất thì sao? Việc hỏa táng liệu có phù hợp và có điều gì không tốt ảnh hưởng tới người chết không?
Tôi có hỏi một số nhà ngoại cảm đích thực về việc hỏa táng. (Tôi muốn gọi những nhà ngoại cảm đích thực để khu biệt họ với những kẻ lừa bịp giả danh ngoại cảm  làm nhiễu loạn đời sống mà dư luận đang lên án). Họ nói hỏa táng giúp người chết siêu thoát được tốt hơn.
Còn việc để tro cốt, thờ cúng tro cốt ở đâu là sở thích của từng gia đình. Không có gì ảnh hưởng đến người chết cả. Có gia đình mang tro cốt về nghĩa trang an táng, xây mộ, phủ cỏ xanh lên như mọi ngôi mộ khác. Có gia đình không có người hương khói, thờ cúng thì gửi vào chùa. Cũng có người để một phần tro cốt lên bàn thờ gia đình, như bác đã đề cập. Điều này hoàn toàn tùy thuộc vào ý thích của gia đình và phong tục tập quán của địa phương.
Ở trong Nam, người dân hay đưa tro cốt về gia đình. Tôi đến thăm nhà báo, nhà viết kịch Lưu Trọng Văn, con trai nhà thơ lớn rất nổi tiếng Lưu Trọng Lư. Trong khu vườn nhà mình, anh Văn có xây một cái am rất đẹp thờ bố mẹ. Trong am là hai bình tro cốt của nhà thơ Lưu Trọng Lư cùng phu nhân. Phía sau là di ảnh rất đẹp của hai cụ. Nhiều gia đình, không xây am, mà để tro cốt lên bàn thờ. Ngoài Bắc không có phong tục này, và cũng ít người làm như vậy. Họ đưa tro cốt vào mộ, xây ngoài nghĩa trang.
Việc để tro cốt ở đâu, có khi còn là ý nguyện của người đã khuất. Có người yêu cầu con cháu thả tro cốt họ xuống sông, xuống biển hoặc rải xuống nơi họ yêu mến và có nhiều kỷ niệm khi còn sinh sống.
Nhớ lại mấy năm trước đây, theo một ký giả người Việt hiện đang sinh sống ở nước ngoài, trong trận bóng tại cầu trường San Francisco, lúc đang diễn ra trận đấu, một chiếc máy bay nhỏ bay trên cầu trường và thả xuống một chất bụi mầu hơi đỏ. Nước Mỹ đã chứng kiến vụ khủng bố ngày 9/11, rồi lại nghe về vi khuẩn Anthrax, nên khán giả chạy tán loạn. Cầu thủ phải ngưng ngay trận đấu.
Về sau báo chí cho biết chất bụi mầu hơi đỏ đó là tro cốt của người quá cố mà khi còn sống ông ta là fan của đội cầu San Francisco. Ông đã để lại di chúc là khi ông chết phải thiêu xác và rải trên cầu truờng San Francisco cho ông. 
Vậy đấy bác Nguyễn Văn Liêm ạ. Một việc đại sự, rất nghiêm túc và linh thiêng, xem ra cũng rất giản dị thôi. Chúc bác sớm có được cách lựa chọn tốt nhất trong việc thờ cúng tro cốt người thân. Cầu mong các cụ siêu thoát./.
Trần Đăng Khoa/VOV
  • Phan Chí Dũng
    Thân chào bác Đăng Khoa và đọc giả VOV!

    Để hiểu rõ hơn về việc hỏa táng là nên hay không nên, chúng ta cùng nhau nhìn lại vài điều dưới các góc độ khác nhau để có cái nhìn đúng đắn và chọn lựa cho mình phương cách tốt nhất.

    Thứ nhất: theo quan niệm khoa học đương đại thì việc hảo táng giúp bảo vệ môi sinh, tiết kiệm cho thân nhân. Do chưa công nhận sự tồn tại của vong (linh hồn) nên khoa học chỉ chú trọng đến thân xác sau chết và những ảnh hưởng của nó đến tự nhiên và xã hội loại người. Vì thế nên hỏa táng người chết hơn là các hình thức khác.

    Thứ hai: theo quan niệm của tôn giáo: nhìn nhấn sự tồn tại của linh hồn sau khi chết.
    2.1 Theo Phật giáo: sau khi chết linh hồn nào còn quyến luyến chưa dứt bỏ được đời sống trần thế thì chưa thể giải thoát được. Sự quyến luyến đó rất đa dạng: có khi là tiền tài vật chất của mình làm ra, có khi là vì sự đẹp đẻ của hình thể người đó, có khi là do tình cảm của người sống quá sâu nặng khiến hương linh không yên tâm rời bỏ. Hoặc đơn giản vì mồ cao, mã đẹp. Vì vậy mà người xưa (có 1 vùng ở Tây tạng bây giờ cũng vậy) chỉ gởi ảnh vào Chùa để siêu độ, mong hương hồn của thân nhân sớm giải thoát. Còn toàn bộ những vật dụng,... mà làm người chết lưu luyến đều được đốt đi hoặc cho đi hay gởi vào Chùa. Từ đó thấy rằng, hỏa táng góp 1 phần nhỏ để hương hồn khỏi phải lưu luyến cái thân xác, cái mồ mã nữa mà yên tâm giải thoát.
    2.2 Theo quan niệm của Thiên Chúa giáo (Công giáo+Tin Lành+...): sau khi chết linh hồn phải chịu phát xét, người tốt lên thiên đàng, người chưa tốt vào luyện ngục để tôi luyện lại cho tốt để chờ ngày lên thiên đàng, người xấu xa phải chịu hình phạt đời đời nơi hỏa ngục, đau đớn trong lửa đỏ. Cái thân xác hư nát sẽ được sống lại vào ngày sau hết để hợp cùng linh hồn thành một thể (Trích kinh tin kín: "tôi tin xác loài người ngày sau sống lại..."). Vậy nên với quyền phép của Thiên Chúa thì có địa táng hay hỏa táng,... thì cũng sẽ được sống lại mà thôi, điều đó chẳng có quan trọng gì. Nếu hỏa táng có lợi thì nên hỏa táng.

    Với hai tôn giáo lớn đó và góc nhìn của khoa học đương đại, thiết nghĩ việc lựa chọn hỏa táng là nên. Song, việc táng xác thế nào không còn quan trọng nữa mà việc quan trọng là sự suy niệm và việc lành mà người thân làm, hồng tạo thêm nhiều phước báu cho vong linh mới là cần thiết. Mồ có cao, mã có đẹp, đám có linh đình,... mà người thân không có lòng cầu nguyện, cầu siêu, không sống tốt, không làm lành thì không hương hồn nào yên nghỉ được.
  • ndanhcm
    Điện táng cho người đẫ khuất là cách làm văn minh vì không ảnh đến môi trường, tiết kiệm diện tích, không phải nhiều công đoạn phức tạp
  • Trần Long Ẩn
    Tôi cho rằng vừa có, vừa không có thế giới bên kia, nếu người chết không bị hỏa táng.
    Bởi vì xương cốt nằm đâu, thì hồn phách (hay hồn cốt) tinh anh nằm đấy. Nó chỉ có thể phiêu diêu đâu đó thôi, chứ không thể xa lìa hẳn xương cốt mà đi được. Bởi vì xương cốt con người, dù có bị nằm sâu dưới ba tấc đất và trải qua hàng trăm năm đi chăng nữa, nó vẫn có đủ "ma lực" để giữ hồn phách ở bên mình.
    Vì sao? Vì nó vẫn còn ở dạng "tươi sống hữu cơ". Hay nói cách khác là còn nhân điện. Theo nghiên cứu của tôi, bắt đầu từ sau đời Cao tổ trở về trước, thì khả năng nhân điện hầu như bị triệt tiêu hết trong xương cốt - nó sẽ dần trở lại chất vô cơ (ví dụ như đá).
    Nếu có ai nói rằng: người chết nghìn năm vẫn gọi hồn được là không có căn cứ và hỏa thiêu rồi mà vẫn còn hồn phách ở thế giới bên kia cũng là thiếu căn cứ.
    Khi xương cốt đã hóa thạch hay thành bột tro dưới sức nóng ngàn độ..., thì tự nó sẽ giải thoát cho linh hồn. Lúc đó, linh hồn sẽ bị "rơi tự do" vào vũ trụ mênh mông thăm thẳm.
  • Ái Nữ
    Trả lời của Lão Khoa thỏa đáng.
    Tôi thấy dân tộc ở Tây Nguyên còn tiến bộ hơn nhiều trong việc "địa táng". Họ không xây mộ, không bốc mộ, "ném" một lần là về với đất mãi mãi, không hương khói gì, chẳng nhìn thấy mồ mả đâu, khu nghĩa địa chỉ còn là rừng cây, rất tươi mát nhẹ nhàng.
    "Thế giới bên kia" là từ dân gian quen dùng thôi, còn trên thực tế thì nó không ở "bên kia" đâu.
  • Việt An
    @Lão Khoa!
    Theo tôi nên hỏa táng. Nếu địa táng, thì làm trong quan, ngoài quách, đúc đáy bê tông, xây gạch đặc, tô kỹ như xây hồ nước, và chỉ mai táng 1 lần (giống như ờ miền Nam). Việc bốc mộ ở ngoài Bắc rất mất vệ sinh. Nói thẳng ra là lạc hậu.
    Ở quê tôi, chính quyền qui định 2 khu nghĩa trang. 1 khu chôn tạm, sau đó bốc mộ về khu khác, mới là chính thức để lâu dài. Khu mộ tạm, cứ người này đào lên, thì người khác lại được chôn xuống. Thấy mà sợ!
    Sau khi hỏa táng, việc để cốt ở chừa, hay xây mộ thì tùy từng gia đình. Nếu để ở chùa, cũng cần có qui định sau bao nhiêu năm, thì "giải phóng" đi. Nếu mang về nhà, sẽ khó giải quyết về sau. Các thế hệ nối tiếp, sẽ làm cho số lượng tro cốt nhiều lên. Lúc đó bỏ đi cũng khó, giữ lại cũng khó. Chưa kể có người ko có con trai, ko lẽ cô dâu mang tro cốt về nhà chồng? Tốt nhất là hỏa táng xong, tro cốt cho về với cát bụi. Gia đình chỉ cần giữ di ảnh cũng được. Hiếu thảo tại tâm mà. Nếu ko làm được như vậy, sau khi hỏa táng, xây 1 ngôi mộ vừa phải để ở đấy.
    Trong thực tế, có nhiều ngôi mộ hoang, ko ai chăm sóc. Có thể vì lâu đời quá, con cháu tứ tán, chẳng còn ai chú ý đến nữa. Vậy thì phần mộ đó cũng có ý nghĩa gì đâu.
  • THANH THỦY
    Anh Khoa ạ, đọc bài viết này em nhớ lại ngày bốc mộ mẹ chồng em. Vì mẹ em uống nhiều thuốc trước khi mất nên lúc mở áo quan ra phần thân của mẹ em nổi lên còn cái đầu mẹ em lại chìm xuống nước. Rất nhiều người đứng xung quang, kể cả những người bốc mộ đã bỏ chạy trước hình ảnh khác thường đó. Khi họ hoàn hồn quay trở lại bốc tiếp, họ phải bóc thịt mẹ em ra và phần thịt ấy không được an táng... Em thương mẹ lắm nên đã khóc rất nhiều và từ đó em cảm thấy hình thức bốc mộ rất giã man. Hỏa táng hay địa táng mà tránh được bốc mộ với em đều là lý tưởng nhưng vì môi trường, có lẽ hỏa táng nên là hình thức được lựa chọn. Hơn nữa, em cũng tin là có linh hồn. Linh hồn sẽ siêu thoát, và như vậy thể xác chỉ như là chiếc áo thôi. Em cũng đồng ý với anh, "chiếc áo" ấy để ở đâu hoàn toàn là lựa chọn của người quá cố và gia đình họ.
    Anh thật tuyệt vời khi tư vấn về tất cả các lĩnh vực của cuộc sống như thế này! Cảm ơn anh!
    Em Thủy
  • Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét