Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2014

Dạy con thời hiện đại : áp lực của phụ huynh ( NHAN DAN)

Dạy con thời hiện đại: áp lực của phụ huynh
Thứ tư, 06/11/2013 - 02:11 PM (GMT+7)
[+] Cỡ chữ: Mặc định    
Hiệu trưởng Trường Quốc tế Anh –Việt Mark Sayer (trái) và ThS. Russell Freyer, chuyên gia đến từ Trường Quốc tế Concordia (Anh quốc). Ảnh: L.H
Hiệu trưởng Trường Quốc tế Anh –Việt Mark Sayer (trái) và ThS. Russell Freyer, chuyên gia đến từ Trường Quốc tế Concordia (Anh quốc). Ảnh: L.H
NDĐT - Bối cảnh xã hội với những thay đổi mạnh mẽ đã đặt ra nhiều thách thức cho phụ huynh trong việc dạy dỗ con cái. Trẻ em cần được định hướng như thế nào về những giá trị hướng tới tương lai, trong khi ngay cả chính phụ huynh có thể cũng còn đang băn khoăn trước những giá trị này? Chia sẻ của những chuyên gia giáo dục phương Đông và phương Tây.
Một nhiệm vụ “đau đầu”
Giống như một viên ngọc, muốn lên nước bóng đẹp thì cần phải được mài giũa công phu, trẻ em cũng vậy, muốn nên người cần được sự quan tâm và dẫn dắt đầy tâm huyết từ những người liên quan trực tiếp như ông bà, cha mẹ từ gia đình, thầy cô, các chuyên gia giáo dục từ nhà trường. Nhưng cả các nhà giáo dục và phụ huynh đều thừa nhận, hiện nay, giáo dục con cái là nhiệm vụ hết sức nặng nề, vô cùng “nhức đầu” đối với các bậc cha mẹ.
Tại buổi tọa đàm về giáo dục mang chủ đề “Ngọc muốn sáng trong phải năng mài giũa” tại Hà Nội đầu tháng 11 với sự tham gia của các chuyên gia giáo dục đến từ Anh - quốc gia có nền giáo dục phát triển - và các phụ huynh,PGS. TS. Văn Như Cương – Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh cho biết trước đây bố mẹ chỉ lo giữ gìn gia phong, nếp nhà, đến nay bố mẹ phải quan tâm nhiều hơn đến sự tác động của xã hội đến đứa trẻ.
Theo ông, các hoạt động giáo dục tại nhà trường chỉ thành công khi được tiếp nối tại gia đình. Ví dụ như với các cháu mầm non, khi đến trường các cô giáo để cho các cháu tự chủ trong một số hoạt động phục vụ bản thân là đều có chủ ý giáo dục trong đó. Nhưng nhiều khi về đến nhà,đa phần là bố mẹ hoặc người giúp việc lại làm hết, từ việc cởi giày dép, xếp vào chỗ quy định, hay là thay quần áo, cất đồ đạc cá nhân…Hoặc việc chấp hành giao thông, ở trường các cháu được dạy chấp hành luật giao thông, nhưng đi với bố mẹ lại vượt đèn đỏ. Như vậy giáo dục sẽ trở nên vô tác dụng. Phụ huynh không những phải luôn gương mẫu trong hành xử và còn phải thường xuyên nắm bắt những gì nhà trường truyền đạt thì việc giáo dục mới có hiệu quả.
Tuy nhiên, điều khó khăn hơn cả cho các bậc cha mẹ là ngày nay, Internet đã tác động nhiều đến đời sống hàng ngày. GS Văn Như Cương bày tỏ quan điểm về việc học sinh đang phụ thuộc nhiều vào mạng xã hội. Ông nói: “Tôi lo lắng về việc học sinh sử dụng Facebook. Quá mất thời gian cho nó. Khi chúng đưa một status lên và cứ ngồi chờ xem có bao nhiêu người like, rồi đôi dẫn đến cãi nhau, mắng nhau. Họ tham gia thế giới ảo nhưng lại thành đời sống thực.” Mặc dù tại Việt Nam, chưa có điều tra, thống kê xã hội nào về tỷ lệ học sinh vào mạng bao nhiêu phần trăm việc học tập, tra cứu, nhưng GS Văn Như Cương tin rằng con số các em vào mạng để phục vụ cho học tập là rất ít.
 
GS Văn Như Cương. (Ảnh: L.H)
ThS. Russell Freyer – Chuyên gia tư vấn tâm lý, Trường Quốc tế Concordia (Anh) cũng thừa nhận ngay cả đối với các bậc cha mẹ phương Tây thì những vấn đề này cũng đang là thách thức: “Bản thân Internet đôi khi dẫn đến tác động: tạo ra thế giới riêng nhưng thực ra ai cũng phải can thiệp.”
Một phụ huynh chia sẻ: Tôi đã cắt 3g, tôi tự dạy con học mà không thuê gia sư, tôi không thuê giúp việc mà tự làm việc nhà. Tôi cảm thấy ổn nhưng liệu tôi làm như vậy có đúng đắn hay không?
Vậy các bậc phụ huynh nên chuẩn bị những gì, định hướng trẻ con tới những giá trị nào trong tương lai? Có nguyên tắc nào trong hành trình vừa hạnh phúc nhưng cũng đầy nặng nhọc và mệt mỏi này không?
Là người đồng hành của trẻ
Th.s Russell Freyer cho rằng: “Chúng ta có quá nhiều thông tin về việc nuôi dạy con cái và như vậy dễ lạc hướng. Chỉ nên tập trung vào những kỹ năng cơ bản.”
Theo GS Văn Như Cương cần định hướng cho trẻ một số đức tính như: Trung thực, lòng thương người và sự ham hiểu biết. Ông nói rõ thêm trung thực tức là không biết nói dối, là không nói một đằng, làm một nẻo. Sau này các em sẽ là lứa người quản lý xã hội, đất nước, nên cần tạo ra những lớp người như vậy. Về lòng thương người, lòng yêu thương đất nước, yêu dân tộc rất quan trọng, không thể vô cảm trước sự đau khổ của nhân dân, đồng loại. Một công dân hoàn thiện cũng cần có lòng ham học, ham hiểu biết, có ý chí hướng và rèn luyện ý chí. Thầy giáo Russell Fryer cho biết thêm: “Tính trung thực cũng là giá trị mà tôi muốn chia sẻ.” và ông nhấn mạnh: “Phải cho trẻ cơ hội thực hành và cùng làm với chúng.”
Thầy giáo Mark Sayer - Hiệu trưởng Trường Quốc tế Anh Việt (Cơ sở Royal City- BVIS) là người đã làm việc tại nhiều trường học tại Anh. Gần đây nhất, ông đảm nhận vị trí Quản lý nội trú Trường Wellington và Hiệu trưởng Trường Elstree ở Berkshire. Ông đã từng làm việc với các thiếu niên trong độ tuổi từ 13-18. Thầy Mark Sayer cho rằng để xây dựng giá trị nên tảng cho con trẻ cũng như giúp chúng phát huy các đức tính tích cực, nhân bản thì người lớn cần giúp trẻ hiểu được các tình huống trong cuộc sống. Trẻ em luôn luôn học hỏi trong bất kỳ môi trường nào, dù ở trường, ở nhà, hay là trong kỳ nghỉ tại một nơi nào đó.
Ông kể câu chuyện một cô bé ra bờ biển sau cơn bão, có rất nhiều con sao biển bị cuốn lên bờ. Cô bé đã bắt một con và thả ra biển. “Bãi biển dài ngút ngát và có bao nhiêu là sao biển, con cố gắng giúp một hai con thì có ý nghĩa gì đâu?”- Bố cô bé hỏi. Cô bé trả lời: “Nhưng bố ơi, nó sẽ có ý nghĩa với con sao biển này”.
Theo ông, phụ huynh nên đặt các mốc thời gian trong quá trình lớn lên của con mình. Cha mẹ cần tận dụng các thời điểm trong quá trình phát triển đó để truyền đạt đến con cái những giá trị nào là cần thiết. Nếu phụ huynh luôn ý thức vấn đề đó thì sẽ đạt được những kết quả tích cực. Chẳng hạn nếu con có xin tiền để ủng hộ bão lụt, thay vì đôi khi do quen miệng chúng ta thốt lên như là: Sao ủng hộ nhiều thế? Hay: Đóng nhiều loại tiền thế? thì cha mẹ trong trường hợp này có thể tận dụng tình huống để trao đổi với con rất nhiều bài học ý nghĩa trong cuộc sống.
Các chuyên gia cũng như phụ huynh thừa nhận rằng ngày nay, trẻ em được hưởng nhiều lợi thế nhưng cũng chịu nhiều áp lực hơn các thế hệ trước. Các nhà giáo dục đến từ nước Anh cho rằng, bên cạnh việc rèn luyện những đức tính cần có như: trung thực, kỷ luật…thì cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cha mẹ là những người đồng hành, hướng dẫn trẻ tự giải quyết vấn đề gặp phải trong cuộc sống.
Đối với vấn đề Internet, thứ đã làm cho mọi thứ không còn biên giới, khi trẻ con dùng internet chúng biết chính xác chúng vào trang nào mà chúng thích và muốn tìm hiểu. Cha mẹ cần tôn trọng ý thích của con trẻ: được con muốn tìm hiểu một vấn đề thì con cứ tìm hiểu. Nhưng đương nhiên cha mẹ cần giám sát và hãy coi các hoạt động đó giống như một phương tiện cho trẻ học tập, phụ huynh nên trở thành người đồng hành trong quá trình sử dụng Internet của trẻ.
“Có lẽ trong chúng ta nên bớt kỳ vọng và tin tưởng hơn vào con trẻ.”- Thầy giáo Mark Sayer nói. “Không phải bao giờ chúng ta cũng có thể đi kèm theo con trẻ và bảo thế là đúng, thế là sai. Chúng ta phải giáo dục cho trẻ con biết được những nguyên tắc cơ bản và từ đó các em sẽ tự giải quyết khi đứng trước mỗi vấn đề.” Thầy hiệu trưởng kết luận về quan điểm giáo dục của mình.
LÊ HÀ (GHI)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét