Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

ST Để biết thêm về quê hương Thuận Thành

Ba pho tượng Tam Thế - bảo vật quốc gia

09h05 | 17/01/2014
Nói về ba pho tượng đá cổ chùa Ngọc Khám (Linh Ứng tự), đều có niên đại vào đầu thời Trần – TK XIII, các pho tượng đều có sắc tướng và tư thế của tượng Tam Thế trong tòa Tam Bảo chùa và được tạo tác bằng đá xanh, nhìn tổng thể gồm 3 phần: Bệ tượng, tòa sen và thân tượng. Phần đế (bệ tượng) gồm 3 bậc, phần tòa sen có 3 lớp cánh sen. Các tượng đều làm theo kiểu phật ngồi xếp bằng tròn trên đài sen. 

Toàn bộ các cấu trúc đó đặt trên bệ đá ba bậc (cao 60 cm). Tượng thấp nhất với phong cách điêu khắc thế kỷ 15, còn bệ lại tương tự với các bệ sớm hơn trong khoảng thế kỷ 11 – 14. Trong đó trạm khắc của 1 bệ rất gần gũi với trạm khắc bệ tượng A di đà ở chùa phật tích. Với lối trang trí dày đặc hoa văn như đăng ten của nghệ thuật phật giáo đầy tính viên mãn thời Lý.


Ba pho tượng đá Tam Thế chùa ngọc Khám là loại tượng xuất hiện từ thời Trần gồm: A di đà: cao 1,37m, bệ cao 0.94m. Thích ca: cao 1,37m, bệ cao 1.02m. Di lặc: cao 1,40m, bệ cao: 1,09m. Các pho tượng tạo hình rất thống nhất: thế ngồi Y - ô - ga cân bằng, tay ở các tượng có thay đổi, hoặc đặt bằng, hoặc giơ cao ngang ngực, khuôn mặt bầu bĩnh hơi mỉm cười trong tinh thần phẳng lặng. Những lớp áo xao động choàng sát lấy thân, các trạm khắc trang trí trên ngực và y phục rất chi tiết và gợi cảm nhẹ nhàng trên cơ thể, làm theo truyền thống điêu khắc thời Lý. Bệ tượng gồm đài sen nở khối, phần giữa có khối tròn trạm rồng nổi cao, phần bệ để dưới cùng. Bệ của 2 tượng đầu là khối bát giác 3 cấp, tượng sau là khối hợp chạm ba via cánh sen. 

Những mô típ trang trí phủ kín các thành bệ tượng như: rồng, hoa sen, hoa cúc, dương xỉ…phối hợp với nhau dày đặc, xoắn và biến đổi nhiều, rồi triệt tiêu hướng vận động của nhau gây cảm giác sống động mà tĩnh tại, tinh thần cân đối, sinh động một cách trung thực của nghệ thuật thời Lê sơ (thế kỷ 15) đã quy chiếu các tác phẩm điêu khắc này – như những hình ảnh lẻ loi của một thời đại nghệ thuật đã từ lâu chìm trong dĩ vãng.

Chùa Ngọc Khám (Linh Ứng tự) xưa thuộc thôn Ngọc Khám, tổng Tam Á, huyện Siêu Loại, phủ Thuận thành. Nay thuộc Khu phố Khám, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, Tỉnh Bắc Ninh. Chùa Linh Ứng nằm ở trung tâm của xã Gia Đông, sát đường tỉnh lộ 282, mặt quay hướng đông nam.Theo văn bia “ Trùng tu Linh Ứng tự các chung bi ký” dựng năm 1613 do tiến sỹ Đỗ Quốc Dương, soạn: chùa Linh Ứng, có từ triều Trần, là một trong những danh lam cổ Tự với quy mô lớn trong vùng Dâu-Luy Lâu. Đến thời Lê, có thượng tướng quân-Kim Ngô và Lê Đình Chất bỏ tiền ra tu sửa. Năm 1612 làm gác chuông, dựng một tấm bia đá, trùng tu tiền đường, hậu đường, thiêu hương, cửa tam quan, 28 gian hành lang và trùng tu tượng Phật 37 pho. Đến ngày 19 tháng 11 năm 1612 khai quan khánh thành công trình “Đại Pháp” này.

Căn cứ vào văn bia dựng năm 1768 và câu đối có dòng chữ Hán niên hiệu Tự Đức 1849, thì chùa Linh Ứng đã được trùng tu, sủa chữa nhiều lần, gần đây nhất là năm1849.

Năm 1947 chùa Ngọc Khám( Linh Ứng tự) bị thực dân pháp phá bỏ chỉ còn lại ba pho tượng Tam Thế bằng đá xanh nằm lại trên nền chùa cổ và một bia đá đặt trên lưng Rùa : “ Trùng tu Linh Ứng tự các chung bi ký” khắc năm 1613.

Ngôi chùa Linh Ứng hiện nay đang tồn tại được tái dựng lại vào năm 1986, gồm các công trình như: Tam Bảo, Tam Quan và hai dẫy nhà hành lang, mỗi bên 6 gian. Tòa Tam Bảo kiến trúc kiểu chữ nhị gồm 5 gian Tiền Đường và 3 gian Thượng Điện, các công trình mới được tái dựng lại đều mang một đặc điểm chung của phong cách kiến trúc truyền thống. Trong chùa hiện thờ, ngoài ba pho tượng đá Tam Thế  còn lại từ cổ xưa, nhân dân địa phương cũng đã bổ sung thêm một số pho tượng mới chất liệu tạo tác bằng gỗ và các đồ thờ tự khác do khách thập phương công đức…

Ngoài cổng chùa, phía bên phải có một tấm bia đá khá lớn đặt trên lưng con rùa cao 2m, rộng 1m35, dầy 0,25 cm, Với nội dung ghi: “Trùng tu Linh ứng tự các chung bi” tức là bia trùng tu gác chuông chùa Linh ứng, dựng năm Hoàng Định thứ 13 (1613) đời vua Lê Kính Tông (1599 – 1619).

Ba pho tượng đá cổ xưa và khu di tích chùa Ngọc Khám ngày nay đã được nhà nước công nhận và xếp hạng di tích lịch sử văn hóa từ năm 1981 và vào cuối năm 2013- Ba pho tượng đá Tam Thế chùa Ngọc Khám – Thuận thành – Bắc ninh đã được thủ tướng chính phủ ban hành quyết định công nhận là bảo vật quốc gia.

Hiện nay ba pho tượng đá Tam Thế – bảo vật quốc gia có giá trị nghệ thuật đặc biệt này đã được nhân dân Ngọc Khám, xã Gia Đông và các ngành chức năng huyện Thuận thành, tỉnh Bắc Ninh bảo vệ chu đáo và tạo dựng cảnh quan khu vực di tích LSVH chùa Linh Ứng ngày một khang trang, tố hảo phục vụ cho du khách trong và ngoài nước đến tham quan chiêm ngưỡng quanh năm, đặc biệt là dịp lễ hội xuân đầu năm và lễ hội chùa Ngọc Khám (Linh Ứng tự) vào ngày mồng 7 tháng tư (Âm lịch) hằng năm. Không gian và thời gian ngày hội chùa đã được thể hiện, gắn liền với tâm thức của người dân trong vùng qua các câu ca xưa: “ Mồng bẩy hội Khám, mồng tám hội Dâu, mồng chín đâu đâu thì về hội Gióng…” Và “ Lâm râm hội Khám, u ám hội Dâu, nắng vỡ đầu hội Gióng…”.

Lễ hội chùa Ngọc Khám được tổ chức cùng dịp hội Dâu - với lễ thức rước Phật Tứ Pháp của nhân dân vùng Dâu – Luy Lâu xưa, nên đã thu hút được nhiều du khách đến tham quan, lễ Phật và đặc biệt để một lần được chiêm ngưỡng cổ vật “Ba pho tượng đá Tam Thế - Bảo vật quốc gia Việt Nam” tại khu di tích LSVH chùa Ngọc Khám, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Nho Thuận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét