Thứ Ba, 24 tháng 9, 2019

𝑯𝒖𝒚𝒆̂̀𝒏 𝒕𝒉𝒐𝒂̣𝒊 𝒎𝒐̣̂𝒕 𝒗𝒖̀𝒏𝒈 đ𝒂̂́𝒕 𝒄𝒐̂̉

𝑯𝒖𝒚𝒆̂̀𝒏 𝒕𝒉𝒐𝒂̣𝒊 𝒎𝒐̣̂𝒕 𝒗𝒖̀𝒏𝒈 đ𝒂̂́𝒕 𝒄𝒐̂̉
                                                            Ghi chép của Hồng Minh
(Văn nghệ THÀNH BẮC, số 2-2019)
Sáu mươi lăm năm trước, người lính Pháp cuối cùng buộc phải rút khỏi thị xã Bắc ninh, mở ra một thời kỳ mới: Thời kỳ hoà bình, xây dựng và phát triển. Ba mươi tư năm hợp nhất hai tỉnh Bắc Ninh-Bắc Giang, thị xã Bắc Ninh lặng lẽ, e ấp, khiêm nhường, như người thôn nữ xinh đẹp luôn ý thức được “phận mình’ ! Từ ngày tỉnh Bắc Ninh được tái lập, thị xã Bắc Ninh được trả lại danh phận là thị xã tỉnh lỵ, như luồng gió nồng ấm lay động trái tim, khơi dậy lòng tự tôn trong các “liền anh, liền chị” miền Quan họ, dồn trí và lực, tạo ra những bước chuyển động như huyền thoại, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh.

Với chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” tại Điện Biên phủ, ngày 20-7-1954 thực dân Pháp buộc phải chấp nhận ký Hiệp định Giơ-ne-va, lập lại hoà bình, chấm dứt chế độ cai trị của thực dân Pháp ở Đông Dương; công nhận nền độc lập của ba quốc gia Việt Nam, Lào và Campuchia.
Mười sáu ngày, sau khi người lính Pháp cuối cùng rút khỏi thị xã Bắc Ninh, Báo Nhân Dân đăng bài “Những ngày mới giải phóng ở thị xã Bắc Ninh”của nhà báo Hồng Hà, bài báo viết: “Nằm trên đường số 1, cách Hà Nội 30 cây số, thị xã Bắc Ninh với 1 vạn 7 ngàn dân nghe tin từ Giơnevơ (Thuỵ Sỹ) ai nấy đều hồi hộp, mong ngóng, chờ đợi bộ đội ta vào giải phóng. Các cửa hàng, cửa hiệu đều đóng chặt cửa chỉ còn nghe thấy tiếng ô tô của Pháp chạy lồng lộn về Hà Nội, tiếng giày đinh lính Pháp đi cướp vàng, tiền, xe đạp ở cửa Tiền, ở những phố vắng, tiếng súng bắn chết anh em tù trong thành, tiếng những đồng bào bị Pháp lùa đi Nam Bộ gọi nhau không chịu rời quê hương, tiếng đập phá ở nhà tên tỉnh trưởng...
Ngày 8-8-1954, ngày nhân dân mong đợi đã đến, những đơn vị bộ đội đầu tiên của ta từ huyện Việt Yên (Bắc Giang) qua cầu Đáp Cầu tiến vào thị xã, đồng bào mở toang cửa, tung xiềng xích đau khổ của 6 năm tạm bị chiếm, kéo ra đứng kín 2 bên đường từ Thị Cầu đến Cổng Ô, nét mặt rạng ngời, vui mừng khôn xiết, hân hoan phất cờ đỏ sao vàng năm cánh, vỗ tay chào đón bộ đội cụ Hồ. Nhiều gia đình mừng rỡ reo to: “Mở cửa rộng ra ! Các anh bộ đội đã về ! Bộ đội cụ Hồ đã về !”. Một bà mẹ già nhận thấy mặt con trong hàng ngũ quân đội vào thành, chạy ra ôm chầm lấy con khóc nức nở: “Con ơi, 6, 7 năm gian khổ, giờ mới có ngày sung sướng hôm nay”.
Hoà chung niềm vui trong mùa xuân đầu tiên quê hương giải phóng, tôi vào học lớp V tại trường Hàn Thuyên toạ lạc trên đồ Nác và trọ ở làng Đọ, làng Niềm…được chứng kiến những khó khăn trong buổi ban đầu và sự hồi sinh của thị xã. Sau ngày giải phóng, Đảng bộ và nhân dân bắt tay ngay vào nhiệm vụ hàn gắn vết thương chiến tranh, khắc phục và từng bước xoá bỏ tàn dư do chế độ thực dân để lại, khôi phục và phát triển kinh tế, ổn định đời sống, giữ gìn trật tự trị an…
Những năm đầu mới giải phóng, thị xã Bắc Ninh trải dài từ Cổng Ô đến Thị Cầu, Đáp Cầu, nhưng phố sá chỉ vẻn vẹn từ ngã tư Cổng Ô đến Trường tiểu học Bảy Mẫu (nay là Trường THCS Tiền An). Đại bộ phân dân cư thị xã sống về nghề nông, một vài cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp và một số người buôn bán nhỏ. Ngày ấy ô tô, xe máy đều là của hiếm, dân thị xã chủ yếu dùng xe đạp để đi lại hoặc ngồi xích lô. Cả thị xã chỉ có một loa truyền thanh tại khu vực cột cờ. Tối thứ bảy, người ngồi chật trên vỉa hè, trước cổng Nhà thờ, có khi tràn cả xuống đường để nghe sân khấu truyền thanh qua làn sóng Đài tiếng nói Việt Nam.
Vết thương nặng nề do chiến tranh để lại chưa kịp hàn gắn nhưng thị xã nhỏ hẹp và yên bình, nét duyên thanh lịch, trầm lắng trong từng nếp nhà nhấp nhô mái ngói, trên từng khóe mắt, nụ cười mỗi người dân xứ Kinh Bắc ngời lên niềm hân hoan, phấn khởi, lòng tôn kính, mến yêu, tin tưởng và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.
Ba mươi tư năm hợp nhất hai tỉnh Bắc Ninh-Bắc Giang, thị xã Bắc Ninh là “đô thị đèn dầu”, vẫn lặng lẽ, e ấp, khiêm nhường, như người thôn nữ xinh đẹp luôn ý thức được “phận mình’ !
Từ mùa xuân 1997, tỉnh Bắc Ninh được tái lập, thị xã Bắc Ninh được trả lại danh phận là thị xã tỉnh lỵ, cũng là thời điểm đất nước ta bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng và sự kiện tái lập tỉnh Bắc Ninh như luồng gió nồng ấm lay động trái tim, khơi dậy truyền thống, lòng tự tôn trong các “liền anh, liền chị” miền Quan họ, vươn vai, đứng dậy đồng hành cùng đất nước, cùng dân tộc, tiếp tục dồn trí và lực, vững tin bước vào thời kỳ mới, tạo ra những bước chuyển động như huyền thoại, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh.
Ngày 25 tháng 01 năm 2006, Chính phủ ban hành Nghị định về việc thành lập thành phố Bắc Ninh, tám năm sau công nhận là đô thị loại II. Ngày 25 tháng 12 năm 2017, được công nhận là đô thị loại I, trực thuộc tỉnh Bắc Ninh.
Sau nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính, cương vực địa lý của Thành phố được mở rộng, dân số tăng lên nhanh chóng. Với 16 phường và 3 xã, diện tích tự nhiên 82,6 km2, dân số 50, 2 vạn người (tính đến tháng 5-2017), nhiều gấp hơn hai mươi lần dân số ngày mới giải phóng, là đơn vị hành chính có số dân đông nhất so với các huyện, thị xã trong tỉnh, đã tạo ra thế và lực mới cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Từ một đô thị nhỏ nhoi, không có một ngôi nhà cao quá ba tầng, đường xá gồ ghề, lầy lội, có thời không điện, không nước máy, hai tiêu chí tối thiểu của một đô thị…Sau khi trở lại vị thế thị xã tỉnh lỵ, rồi được công là thành phố, nay được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I, một thành phố trẻ lớn lên nhanh chóng cả về cương vực địa lý và dân số. Thành phố đổi thay từng ngày, nếu đi xa vài năm, thậm chí vài ba tháng, trở lại đã khó nhận ra những phố sá cũ, những lối đi cũ.
Đổi thay căn bản nhất là từ một đô thị chủ yếu làm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và buôn bán nhỏ, kinh tế tự cung tự cấp đã chuyển sang là một thành phố công nghiệp. Năm 2018, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn chiếm 16,7% GRDP toàn tỉnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ chiếm 54,4% giá trị toàn tỉnh. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 2.824,9 tỷ đồng, chiếm gần 10% tổng thu ngân sách toàn tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người đạt 5.600 USD (127 triệu đồng).
Sáu tháng đầu năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) trên địa bàn đạt 10,5% . Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn đạt 14.519 tỷ đồng. Tỷ trọng công nghiệp- xây dựng, dịch vụ chiếm 99%, nông, lâm nghiệp và thuỷ sản còn 1,0%.
Thành phố Bắc Ninh trở thành một đô thị sầm uất, không gian đô thị được mở rộng. Trên địa bàn đã hình thành 3 khu công nghiệp tập trung và 5 cụm công nghiệp làng nghề, thu hút gần 2.000 doanh nghiệp và hàng trăm cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đang hoạt động hiệu quả. Nhiều tập đoàn lớn đã và đang đầu tư tại Bắc Ninh như Vincom, APEC, Mường Thanh, Vigracera; Hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị phát triển mạnh như: Him Lam Plaza, Dabaco Mart, Media Mart,… Hệ thống khách sạn, nhà hàng cao cấp được xây dựng ngày càng nhiều như: Le indochina, Phượng Hoàng, Hoàng Gia, Đông Đô, World Hotel và chuỗi cửa hàng ẩm thực của các tập đoàn, thương hiệu lớn trên thế giới như: Lotteria, King BBQ, Jollibee... đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của nhân dân địa phương và du khách.
Nhiều dự án khu đô thị với quy mô lớn được đầu tư và đưa vào sử dụng như: Vũ Ninh - Kinh Bắc, Hòa Long - Kinh Bắc, Hồ Ngọc Lân III; Khu đô thị mới đường Lê Thái Tổ (khu HUD); Khu đô thị mới Bắc đường Kinh Dương Vương (phường Vũ Ninh); Khu đô thị mới Nam Võ Cường (phường Võ Cường)...
Cùng với những di tích lịch sử, văn hóa hình thành từ lâu đời như Thành cổ Bắc Ninh, một trong bốn tòa thành đẹp nhất Bắc Kỳ, Văn Miếu Bắc Ninh lưu giữ 12 tấm bia đá “Kim bảng lưu phương”, ghi danh 677 vị đại khoa quê hương Kinh Bắc… trên địa bàn Thành phố đã hình thành những cơ sở văn hóa, giáo dục, y tế bề thế vào hàng nhất nhì trong nước như Trung tâm văn hóa Kinh Bắc, Trường THPT chuyên Bắc Ninh, Bệnh viện đa khoa, Thư viện, Bảo tàng tỉnh… Đường Lý Thái Tổ nối từ đường Kinh Dương vương đến đầu đường Lê Thái Tổ, rộng 53 mét, có dải phân cách trồng hoa, cây cảnh. Dọc hai bên đường là trụ sở các cơ quan tỉnh, cụm công trình văn hóa-thể thao và những tòa nhà hàng chục tầng lồng lộng vươn cao giữa trời xanh, mây trắng lững lờ trôi, đó là các trung tâm thương mại, dịch vụ, ngân hàng, khách sạn, nhà hàng cao cấp, siêu thị, cơ sở tập luyện thể thao, vui chơi, giải trí…Điểm đáng chú ý của các công trình này là được thiết kề kiến trúc theo không gian mở, tạo sự gần gũi giữa cơ quan công quyền đối với người dân. Đây là con đường đẹp nhất, trở thành phố đi bộ trong tương lai gần.
Dân thành phố giầu lên nhanh chóng. Đất nước đổi mới hơn ba thập kỷ, nhưng Bắc Ninh thực sự đổi thay, thực sự giầu lên từ những năm đầu của thế kỷ 21. Đất lành chim đậu, nhiều khu đô thị mới mọc lên, là không gian sống hấp dẫn thu hút cư dân từ Hà Nội, Bắc Giang và một số tỉnh lân cận về sinh cơ, lập nghiệp, một bộ phận cư dân thành phố dần dần chuyển từ nhà ống sang nhà vườn, biệt thự, kiến trúc tân kỳ.. Nhiều người giầu lên bằng trí tuệ và sự mặn chát của mồ hôi, vật lộn trên thương trường, sản xuất và cung ứng cho xã hội những sản phẩm phục vụ dân sinh và xuất khẩu; có người giầu lên, trở thành những “đại gia” nổi tiếng vùng Kinh Bắc ! Tất cả như minh chứng cho sức sống mãnh liệt, sức vươn lên mạnh mẽ của một thành phố trẻ năng động và phát triển.
***
Những năm gần đây, tôi có dịp làm việc với một số cán bộ lãnh đạo Thành phố và cán bộ chủ chốt phường, xã; phần lớn là lớp cán bộ lứa tuổi 7X, 8X. Trong những lần tiếp xúc và làm việc tôi đều bị cuốn hút bởi phong cách cởi mở, thân tình, có kiến thức về chuyên môn, hiểu sâu sắc về lĩnh vực và địa bàn phụ trách, làm việc có trách nhiệm, gần dân, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người dân. Cán bộ chủ chốt của phường xã đều được trang bị máy vi tính, máy in, photo copy … sử dụng thành thạo công nghệ thông tin để soạn thảo văn bản, in ấn tài liệu, khai thác thông tin trên internet, trao đổi văn bản và thông tin qua hộp thư điện tử, giao lưu với bạn bè, đồng nghiệp qua facebook... đã gợi lên trong tôi hình ảnh về đội ngũ công bộc thời @ của Thành phố. Đó là điều mà hơn 20 năm trước người lạc quan và giầu trí tưởng tượng cũng không dám nghĩ tới ngày nay cán bộ cơ sở có được kiến thức và tác nghiệp thành thạo những công việc như vậy.
Đảng bộ thành phố Bắc Ninh có gần 1 vạn đảng viên, chiếm 17% số đảng viên toàn tỉnh là đảng bộ có tỷ lệ đảng viên trên số dân cao nhất trong tỉnh, được tôi luyện từ trong khói lửa của các cuộc chiến tranh vệ quốc và trong xây dựng, phát triển, nhiều đảng viên đã từng kinh qua công tác lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh và thành phố, cán bộ chỉ huy trong lực lượng vũ trang.
Đó là những nhân tố có tính chất quyết định tạo động lực mới, vận hội mới thúc đẩy Thành phố vượt qua thách thức, xây dựng Thành phố “trở thành thành phố văn minh, hiện đại, văn hiến, giàu bản sắc văn hóa, hướng tới kinh tế tri thức và đô thị thông minh..." như Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đề ra ./.
Hồng Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét