Thứ Ba, 3 tháng 3, 2020

Bài viết của tác giả Lê Thanh nhân Ngày Thầy thuốc VN

 NHỮNG NGƯỜI THẦY THUỐC TUYẾN XÃ - NHỮNG VUI BUỒN CÒN ĐỐ
                     Bài viết nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/02/2020)
Hôm nay nhân kỷ niệm 65 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2020), tôi xin được gửi tới những người thầy thuốc lời cảm ơn chân thành nhất về những đóng góp của họ cho xã hội. Chúc các Thầy thuốc luôn lạc quan vượt qua mọi khó khăn gian khổ, kể cả những áp lực nghề nghiệp để hoàn thành sứ mệnh vẻ vang là BẢO VỆ VÀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE CHO NHÂN DÂN, mãi xứng đáng với lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu “Lương y phải như từ mẫu”.
Trong xã hội Việt Nam từ xa xưa đến nay có 2 nghề được tôn vinh là Thầy, đó là Thầy Giáo và Thầy Thuốc. Nghề Thầy Thuốc là một nghề mang trọng trách rất lớn là nghề trị bệnh cứu người. Trong đội ngũ thầy thuốc từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã thì người Thầy thuốc tuyến xã, đã và đang công tác tại trạm y tế cấp xã là những người chăm sóc sức khỏe ban đầu cho toàn dân nhưng họ lại chịu nhiều khó khăn, thiệt thòi nhất.
Tôi có đến thăm và trò chuyện với bà dì ruột tôi, bà Nguyễn Thị Tuyến, nguyên Phó trưởng Trạm y tế xã Hoài Thượng để hiểu thêm về họ.
Cách nay 62 năm (năm 1958), Trạm y tế xã Thượng Mão quê tôi bắt đầu được thành lập. Nhân sự lúc đó chỉ có 3 người là ông Chấn (quê làng Đông Miếu) phụ trách trạm, cụ Vũ Thị Lạc là nữ hộ sinh từ vùng kháng chiến huyện Phú Bình (Thái Nguyên) chuyển về quê hương và bà Thắp là nhân viên y tế. Cơ sở vật chất những ngày đầu còn đơn sơ với một dãy nhà cấp 4 nằm ở mảnh đất xóm trại, phía Tây Nam, rìa làng Đại Mão.
Năm 1963, Trạm trưởng là ông Trần Đăng Uyển, (quê làng Ngọ Xá), thay ông Chấn nhập ngũ, (sau đó ông Chấn hy sinh), cụ Lạc là nữ hộ sinh, ông Mỵ là y tá. Đặc biệt thời kỳ này trạm được đón nhận nghề Đông y gia truyền của cụ Lang Cót về trạm. Trực tiếp làm đông y có cụ lương y Nguyễn Đình Tứ, cụ lương y Nguyễn Thị Hoàn (cụ Thơ Tuyên), một thời gian sau có thêm cụ lương y Nguyễn Đình Toàn, cả 3 cụ đều là con cháu cụ Lang Cót. Lúc này 2 xã Thượng Mão và Hoài Đức đã sáp nhập thành xã Hoài Thượng và tên gọi của trạm là Trạm y tế xã Hoài Thượng. Cơ sở vật chất có thêm một dãy nhà cấp 4 hướng Đông, trang bị nhìn chung còn nghèo nàn.
Năm 1967, Trạm y tế được bổ sung 3 y sỹ chính quy là Y sỹ Lê Thế Trường (quê thôn Bình Cầu) là trạm trưởng, Y sỹ Nguyễn Thị Tuyến (Đại Mão) là trạm phó cùng Y sỹ Lê Thj Chanh là chuyên môn; ông Huyên, ông Tạc, bà Dung, là Y tá và bà Vũ Thị Lạc vẫn làm hộ sinh. Cơ sở vật chất được xây thêm một số dãy nhà cấp 4 và bổ sung thêm trang thiết bị, nhưng không đáng kể.
Năm 1992, ông Lê Thế Trường, trạm trưởng; bà Nguyễn Thị Tuyến xin nghỉ hưu (hưu xã), các cụ lương y Nguyễn Đình Tứ và cụ Thơ Tuyên và một số thầy thuốc tuổi cao đã nghi hoặc đã từ trần. Số lượng cán bộ nhân viên giảm hẳn, chỉ còn 4,5 người.
Những năm gần đây, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng Trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, Trạm y tế xã Hoài Thượng được xây dựng kiên cố 2 tầng vẫn trên khu vực đất ban đầu nhưng diện tích thu hẹp hơn, chỉ còn 1077,5 m2. Trạm được trang bị máy siêu âm xách tay, kính hiển vi, giường nằm cho bệnh nhân, hệ thống tủ thuốc và một số trang thiết bị thiết yếu. Đội ngũ cán bộ nhân viên của trạm có Trạm trưởng là bác sỹ, một trạm phó, một nhân viên phụ trách công tác Dân số KHHGĐ, 5 nhân viên y tế khác. Tất cả các cán bộ nhân viên của trạm đều được tuyển dụng là viên chức và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Nhìn lại chặng đường 62 năm xây dựng và trưởng thành, Trạm y tế xã Hoài Thượng đã trải qua bao thăng trầm.
* Những niềm vui và tự hào:
Trước hết về thành tựu đạt được: Trạm y tế xã Hoài Thượng có đội ngũ cán bộ y tế có trình độ chuyên môn vững vàng, chuyên tâm và say mê với nghề nghiệp. Tiêu biểu như Y sỹ trạm trưởng Lê Thế Trường, Y sỹ trạm phó Nguyễn Thị Tuyến cùng các nhân viên y tế khác rất giỏi về tây y. Ông Tạc, ông Huyên, bà Chanh … họ là những thầy thuốc luôn tận tụy vời nghề. Những năm trước đây, đời sống người dân còn khó khăn, các bệnh viện tuyến trên còn mỏng những lúc ốm đau, những khi tai nạn cần cấp cứu trước hết họ đều đến trạm y tế để được cứu chữa, trường hợp nặng họ mới đề nghị chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.
Về nhiệm vụ hộ sinh có cụ Vũ Thị Lạc, một nữ hộ sinh tiêu biểu gần như cả đời cụ gắn bó với nghề. Cụ Lạc được học nghiệp vụ hộ sinh từ thời Pháp. Trong kháng chiến, cụ theo cụ ông tham gia nghề hộ sinh tại vùng kháng chiến huyện Phú Bình (Thái Nguyên). Hòa bình lập lại, cụ cùng cụ ông và các con trở về quê hương và tham gia hộ sinh tại quê hương. Ngay sau khi thành lập trạm y tế xã, cụ là một trong những người đầu tiên tham gia công việc hộ sinh tại trạm y tế xã. Từ năm 1954 đến năm 1987, cụ đã đỡ đẻ cho hàng nghìn ca thành công. Nhiều ca đẻ khó nhưng bằng đôi bàn tay “vàng”, cụ đã dùng các thủ thuật biến nguy thành an. Trong xã Hoài Thường một số gia đình có cả 3 thế hệ đều cất tiếng khóc chào đời trên đôi tay cụ.
Trạm y tế xã Hoài Thượng còn có một nghề chuyên môn đặc biệt là Đông y mà rất ít nơi có, đó là nghề thuốc gia truyền của cụ Lang Cót. Theo nhà giáo Nguyễn Đình Chử (là chồng bà Tuyến, trạm phó và là cháu nội của cụ Lang Cót) thì cụ Lang Cót là đời thứ 6 được tiếp nhận nghề do các cụ đời trước truyền lại. Đên khi cụ Lang Cót hành nghề thì nghề này được phát triển, nổi tiêng cả vùng. Thày giỏi thuốc tốt, cụ điều trị được các bệnh như Tê thấp, thấp khớp, sai khớp do tai nạn, bệnh "dò xương" do nhiễm trùng, bệnh của phụ nữ (kinh nguyệt không đều). Ông Chử lúc còn trẻ đã chứng kiến bà nội (cụ Lang Cót) điều trị cho một thanh niên 16 tuổi bị ngã gãy xương ống tay, phần xương gãy nhọn như mũi mác đâm thủng cả phần cơ và da. Bằng những lá thuốc cụ kiếm được ở các khu vườn, bờ rào trong làng, cụ Lang Cót đã đắp 3 lá thuốc và sau 3 tuần vết xương cơ bản liền sẹo, phần xương gãy cơ bản liền, bệnh nhận cử động được. Năm 1963, 2 cụ lương y là Nguyễn Đình Tứ và cụ Nguyễn Thị Thơ Tuyên đã mang nghề từ gia đình về trạm y tế phục vụ cho bà con. Bệnh nhân đến điều trị tại trạm y tế xã không chỉ là người trong địa phương mà nhiều người bệnh từ khắp các huyện, tỉnh bạn sau khi chữa chạy nhiều nơi không khỏi, nghe tin môn thuốc gia truyền cụ Lang Cót, họ đã tìm về và được điều trị thành công, trong đó có cả các vị là sỹ quan cao cấp trong quân đội. Sau khi 2 cụ lương y là cụ Tứ, cụ Thơ Tuyên tuổi cao xin nghỉ, cụ Nguyễn Đình Toàn vẫn tiếp tục phục vụ bà con tại trạm y tế. Đến nay các cháu cụ Lang Cót trong đó có gia đình ông Chử và bà Tuyến vẫn duy trì được môn thuốc này. Thương hiệu được đăng ký bản quyền Thuốc xoa bóp “Bà Lang Cót”.
Những thành tựu của Trạm y tế xã Hoài Thượng rất nhiều, trước hết phải kể đến đóng góp của đội ngũ hàng chục thày thuốc đã công tác, cống hiến tại trạm nhiều chục năm. Những năm công tác tại trạm, họ thực hiện nhiệm vụ không khác một viên chức trong ngành y tế, làm đủ 8 giờ/ngày và 7 ngày/tuần. Hàng tuần còn trực đêm để sẵn sàng cấp cứu người bệnh. Với người làm hộ sinh như cụ Vũ Thị Lạc thì người sản phụ sinh nở bất kể ngày hay đêm, bất kể điều kiện thời tiết nào và cụ hầu như có mặt tại trạm. Tuy nhiên chế độ đãi ngộ của nhà nước đối với họ thật là rất thấp. Gọi là “lương” nhưng họ đâu có được hưởng như biên chế nhà nước. “Lương” của họ do ngân sách cấp xã chi trả. Lấy ví dụ như bà dì tôi có trình độ Y sỹ, học chính quy 3 năm, là trạm phó nhưng “lương” tháng chỉ đủ tiền mua 3 ca gạo (khoảng 4,2 kg), sau này có khá hơn thì lương tháng cũng chỉ mua được khoảng một yến gạo (10 kg). Vậy mà bà Tuyến vẫn phải cùng chồng là một thày giáo cấp 2 nuôi 4 đứa con, vẫn lạc quan, tâm huyết với nghề. Năm 1993, sau 26 năm công tác, dì tôi nghỉ hưu theo chế độ nhưng hưởng lương hưu từ ngân sách xã, mà ngân sách xã thì gặp khó khăn nên thường chậm trả. Dì tôi cũng như các cán bộ y tế khác phải bươn trải kiếm sống nuôi các con trưởng thành. Đến nay mặc dù đã ở tuổi gần “bát tuần” dì tôi vẫn mở cửa hàng Dược, bán một số loại thuốc thông thường và vẫn tư vấn sức khỏe cho bà con trong làng. Cửa hàng thuốc của dì tôi lúc nào cũng rộn rã tiếng nói cười không chỉ của người mua thuốc mà còn là của các cụ, các bà nghiện trầu cau, thế hệ của các “cô hàng xén răng đen, cười như mùa thu tỏa nắng” trong bài thơ Bên kia sông Đuống của Thi sỹ Hoàng Cầm quê tôi.
Ngày nay, nhờ đường lối đổi mới của Đảng và nhà nước, hệ thống y tế của Việt Nam đã có bước tiến bộ vượt bậc với đội ngũ các thày thuốc giỏi, hệ thống bệnh viện được hoàn thiện từ trung ương đến cơ sở, nhiều bệnh viện tư nhân được hình thành theo hướng xã hội hóa, trang thiết bị được đầu tư hiện đại, chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ nhân viên y tế được quan tâm. Nhiều thành tựu y khoa của Việt Nam đã ngang tầm thế giới, điển hình như thành tựu về phòng chống dịch covid 19 hiện nay.
* Những băn khoăn còn đó:
Nhiều cán bộ, nhân viên y tế của Trạm y tế xã Hoài Thượng từ những ngày mới thành lập đến nay tuổi đã rất cao, nhiều người đã là “người thiên cổ”. Số còn lại đang được hưởng lương hưu nhưng đồng lương hưu rất thấp và chậm trả. Những cán bộ, nhân viên y tế tại các trạm y tế sau gần 30 năm hành nghề khi nghỉ hưu lại được hưởng lương hưu từ ngân sách xã. Họ rất mong nhà nước quan tâm để họ được hưởng lương hưu theo ngạch bậc chuyên môn từ ngân sách nhà nước.
Đất đai của trạm y tế xã Hoài Thượng lúc ban đầu có diện tích rất lớn, khoảng hanhgf hecta, nay bị thu hẹp chỉ còn tren 1000 m2 do địa phương chuyển đổi sang đất ở cho hàng chục hộ. Trên khuôn viên đất của trạm dù đã được cấp sổ đỏ vẫn tồn tại vài ki ốt do UBND xã ký hợp đồng cho người địa phương, tiền cho thuê đất trạm y tế cũng không biết đi đâu, gây ảnh hưởng đến việc đi lại khi có xe cấp cứu người bệnh, vườn thuốc nam của trạm. Trạm y tế đã đề nghị UBND xã thu hồi đất do xã hợp đồng để trả lại cho trạm mà nhiều năm nay chưa được giải quyết.
Đầu tư cho trạm y tế tuyến xã là đầu tư cho công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe ban đầu, giảm bớt áp lực cho y tế tuyến trên, đầu tư cho y tế là đầu tư cho con người, là đầu tư cho sự phát triển. Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2/2020, những người thầy thuốc tuyến cơ sở xã tôi bên cạnh niềm phấn khởi, tự hào nhưng vẫn canh cánh những băn khoăn mong được các cấp quan tâm giải quyết.
Nhân kỷ niệm 65 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam, những người thầy thuốc rất yên tâm khi nghe Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: “Phải coi Y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng, y tế chuyên sâu đồng bộ y tế cộng đồng, gắn y học cổ truyền với y học hiện đại, quân y với dân y”. Họ rất vững niềm tin ở con đường và sự nghiệp vẻ vang mà họ đã lựa chọn./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét