Thứ Hai, 2 tháng 3, 2020

Bài của KTS Nguyễn Huy Phách ( Quê Mão Điền )

Chia tay với anh Phạm Đình Nghĩa về cõi vĩnh hằng- một người cả đời trăn trở với nghề XD, tâm huyết với quê hương- đọc lại bài viết cũ nhân kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh
QUY HOẠCH THỊ XÃ BẮC NINH NĂM 1997,
CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ
                                              KTS. NGUYỄN HUY PHÁCH
Bức tranh đô thị là kết quả của các nhà hoạch định chính sách, các nhà lãnh đạo, kết quả của ý đồ sáng tạo trong những đồ án của các kiến trúc sư, các nhà quản lý... mà ở đó vai trò cực kỳ quan trọng là của người dân trong việc tổ chức môi trường sống, xây dựng và cải tạo đô thị.
Ngược dòng thời gian cách đây hai thập niên, từ trung tuần tháng 9 năm 1996, trước khi có Nghị quyết của Quốc hội khoá IX về việc tách tỉnh Hà Bắc (ngày 6-11-1996), Chủ tịch UBND tỉnh Hà Bắc Ngô Đình Loan sớm ý thức được những công việc gấp gáp, nặng nề cho tỉnh mới. Việc nghĩ tới đầu tiên là công tác quy hoạch cho thị xã Bắc Ninh, bởi từ khi sáp nhập 34 năm, nó không còn là thị xã tỉnh lỵ nữa, người dân vẫn thường gọi vui là “thị xã đèn dầu”, đến năm 1996 vẫn chưa có nước máy sạch để dùng. Rồi sẽ rất lúng túng nếu sau khi tái lập tỉnh không kịp có những định hướng làm cơ sở pháp lý cho việc chuẩn bị đầu tư xây dựng các cơ quan, công sở; xây dựng nhà ở cho nhu cầu tái định cư; xây dựng hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị. Làm sao cho phù hợp giữa trước mắt với lâu dài, giữa cục bộ và toàn cục. Nếu không có quy hoạch, dễ gây ra chắp vá, tốn kém do những đòi hỏi cấp thiết để ổn định cuộc sống, ổn định xã hội.
Trăn trở và trách nhiệm, lắng nghe những ý kiến tâm huyết của cơ quan chuyên môn, lãnh đạo tỉnh, trong đó trực tiếp là Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Đình Loan. Để làm quy hoạch sao cho có được tầm nhìn phát triển có tính dự báo khoa học, tính khả thi cao, tầm nhìn phát triển dài hạn cho miền đất Bắc Ninh sống và phát triển bền vững cho nhiều thế hệ mai sau. Ông Loan chủ động cùng với lãnh đạo sở Xây dựng Hà Bắc, trực tiếp là Phó Giám đốc sở, Kỹ sư Phạm Đình Nghĩa ra Viện quy hoạch Đô thị và Nông thôn, Bộ Xây dựng đặt vấn đề lập quy hoạch thị xã Bắc Ninh. Hiểu rõ yêu cầu cấp thiết của tỉnh, Viện chấp nhận và cử KTS. Lã Thị Kim Ngân chủ trì cùng các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm của Viện để nghiên cứu.
Quá trình lập quy hoạch cũng là một cuộc chiến quyết liệt với thời gian (thông thường phải mất 9 tháng đến 1 năm). Với Bắc Ninh, chúng tôi yêu cầu làm trong 3 tháng, trên cơ sở tận dụng tối đa các số liệu đo đạc cũ, kể cả bản đồ quân sự rồi sẽ bổ sung tiếp sau. Trong quá trình làm còn có nhiều ý kiến trái chiều, đến nỗi có lúc anh chị em KTS phải mang tài liệu về nhà nghiên cứu
Tới ngày 16 tháng 10 năm 1996, tỉnh mở hội nghị thông qua ý tưởng của các phương án quy hoạch tại trụ sở UBND thị xã Bắc Ninh cũ, thành phần gồm các lãnh đạo chủ chốt quê ở Bắc Ninh (có thêm Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư Hà Bắc cùng dự). Công việc lúc đó diễn ra rất dân chủ, công khai, minh bạch, tập trung trí tuệ nhiều người. Ngoài cán bộ của Sở Xây dựng, của Viện Quy hoạch quốc gia, còn có cả sự tham gia của các vị lãnh đạo tỉnh, các ngành, các huyện, thị xã và các chuyên gia tư vấn, phản biện, kể cả các vị lão thành cách mạng, các vị nguyên là lãnh đạo cũ của Bắc Ninh, Hà Bắc về những vấn đề lớn như tính chất, chức năng đô thị, lựa chọn định hướng phát triển không gian… cho thành phố Bắc Ninh tương lai.
Hội nghị được nghe cơ quan tư vấn trình bày và thảo luận rất sôi nổi. Theo đó, vùng nội thị được ưu tiên đầu tư ban đầu là nối khu vực Thị Cầu-Vũ Ninh với Đại Phúc (phường Suối Hoa hiện nay); phát triển Bồ Sơn-Khả Lễ-Hoà Đình của Võ Cường; kết nối Thành Cổ- Vệ An qua Y Na đến Phúc Sơn, Cổ Mễ. Riêng khu trung tâm chính trị- hành chính của tỉnh cũng được bàn luận nhiều, có cả ý kiến giữ nguyên khu thị xã cũ làm trụ sở UBND tỉnh, còn Tỉnh uỷ sẽ về khu nhà nghỉ Suối Hoa. Có 3 phương án mới là: Khu vực sau Đọ Xá (vị trí Đài tưởng niệm hiện nay); khu sau Gò Đỏ, cuối đường Dây Diều cũ (Ngã Sáu hiện nay) và phương án chọn là cánh đồng xã Vũ Ninh, lấy trục thần đạo theo hướng Núi Đèo-Đồi Nác (Văn Miếu). Hội nghị nhất trí cao và yêu cầu đơn vị tư vấn khẩn trương hoàn chỉnh.
Tái lập tỉnh Bắc Ninh 1-1-1997 là một mốc son đánh dấu bước khởi đầu một quá trình chuyển động toàn bộ đời sống kinh tế, xã hội... của cộng đồng dân cư trong tỉnh, nhất là đối với thị xã tỉnh lỵ. “Tỉnh Bắc Ninh được tái lập, đánh dấu một sự kiện lịch sử quan trọng, đáp ứng tình cảm nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân Bắc Ninh, phù hợp với yêu cầu đổi mới…” (Phát biểu của Bí thư Tỉnh uỷ lâm thời Ngô Đình Loan trong diễn văn ngày tái lập tỉnh). Ngày vui đó, nhân dân Bắc Ninh với không khí hồ hởi, phấn khởi, cờ hoa rực rỡ thì lãnh đạo tỉnh và những người xây dựng chúng tôi thực sự lo lắng và trăn trở với trách nhiệm của mình, bởi quê hương đang kỳ vọng nhiều ở sự kiện lịch sử trọng đại này.
Sau nhiều lần tham gia chỉnh sửa (ngày 22-1-1997 thông qua Thường vụ Tỉnh uỷ lần cuối cùng), đến ngày 19 tháng 2 năm 1997 cũng là ngày hội Lim 13 tháng Giêng, tại Bộ Xây dựng (Hà Nội) mở hội nghị thông qua quy hoạch chung thị xã Bắc Ninh. Với bộ hồ sơ đồ sộ và những kiến giải sâu sắc, cùng với những ý kiến phản biện tâm huyết của các chuyên gia đầu ngành, coi như bộ xương sống của thành phố Bắc Ninh tương lai được định hình. Chọn hướng phát triển không gian đô thị, bố cục không gian đô thị có tính khả thi, từ việc bố trí trung tâm hành chính tới các khu nhà ở, khu công nghiệp, hướng phát triển thành phố tương lai... Đô thị hoá đồng hành với công cuộc công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước, tất cả được lý giải biện chứng và khoa học. Quy hoạch hướng tới sự bền vững. Chọn hướng cho những trục đường mới mở ra các phía của yêu cầu phát triển đô thị.
Việc mở ra các trục không gian lớn khang trang ở quy hoạch khu trung tâm thành phố thể hiện một tầm nhìn rộng nhằm đáp ứng những yêu cầu phát triển lớn trong tương lai. Khu vực này sẽ tiêu biểu cho “hồn vía” của đô thị cả về kiến trúc cảnh quan, cả về lối sống và văn hóa. Các công trình công sở sẽ đặt chủ yếu ở khu trung tâm sẽ có những vị trí thích hợp với tầm nhìn tốt sẽ tạo được không gian hoành tráng và bề thế. Cũng có ý kiến lo rằng việc mở rộng không gian lớn như vậy là quá mức cần thiết so với quy mô đô thị (sợ mất nhiều đất nông nghiệp), tuy nhiên nếu nhìn đến yêu cầu phát triển trong tương lai của đô thị nhiều tiềm năng này thì cũng có thể coi việc mở rộng là thực sự hợp lý. Nằm ở vị trí không xa trung tâm thủ đô, Bắc Ninh chắc chắn sẽ có tốc độ phát triển nhanh, nhiều yêu cầu xây dựng lớn có tác dụng giảm tải cho thủ đô là điều diễn ra trong tương lai gần.
Ngay cả vị trí tượng đài Vua Lý Thái Tổ cũng được giành hẳn một vị trí trang trọng của trục thần đạo dự kiến sau này sẽ mang tên Người, cũng xuất phát từ nhận thức: Không gian đô thị, kiến trúc cảnh quan và điêu khắc là ba yếu tố quan trọng làm nên vẻ sang trọng, khẳng định sự phát triển và bộ mặt của đô thị tương lai. Thực tế trả lời: những quyết sách trong lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh lâm thời là bước đi ban đầu đúng hướng, đột phá mở đường cho sự phát triển bộ mặt của thành phố Bắc Ninh.
Thời gian không dài, nhưng đô thị Bắc Ninh dẫu còn non trẻ cũng hiện dần lên bộ mặt của nó, với hầu hết các công sở được xây dựng mới, khang trang và bề thế hơn. Nhìn chung khai thác những nét tinh hoa của kiến trúc truyền thống kết hợp trong kiến trúc hiện đại, ở đó biết khai thác yếu tố mái ngói một cách sáng tạo, giản dị, mực thước mà cũng rất tinh tế, sắc sảo trong cốt cách của ngôi nhà Việt. Hai công trình được coi là bộ mặt của tỉnh là trụ sở HĐND & UBND tỉnh và trụ sở Tỉnh uỷ (được tặng Giải thưởng Kiến trúc quốc gia) được nghiên cứu khá nhuần nhuyễn khi sử dụng hệ mái dốc và nét hài hoà trong bố cục mặt bằng, mặt đứng công trình. Là công sở nhưng cũng là công trình văn hoá, nó gần gũi, ấm cúng với mọi người trên một khu đất được coi là đắc địa. Công trình đầu não của tỉnh ở một miền đất có bề dày lịch sử văn hoá, nền nếp “có lịch có lề” thì có được sự hài hoà là một triết lý sống mang tính truyền thống, mãi là một bài học quý giá ./.
NHP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét