Thứ Ba, 18 tháng 2, 2014

Bài viết về LÊ QUÝNH( Báo Bắc Ninh)

Lê Quýnh - Đại trung thần triều Lê
Làng Đại Mão trước cách mạng tháng Tám năm 1945 thuộc tổng Thượng Mão, huyện Siêu Loại, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc thôn Đại Mão, xã Hoài Thượng, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, người xưa có câu “Góp họ thành làng”, ở nơi đây từ xưa đến nay vẫn nổi tiếng là làng văn hiến, địa phương nổi danh đất học, vì có nhiều dòng họ hiếu học và khoa bảng đã xây nên nếp thuần phong mỹ tục của quê hương, do vậy đời phong kiến đã được phong là đất “Văn vật khả quan”.
Các tài liệu chữ Hán hiện còn lưu tại gia tộc họ Lê, thuỷ Tổ của họ Lê Doãn đến định cư lập nghiệp tại Đại Mão vào thời vua Lê Uy Mục (1505-1509), đến nay vào khoảng hơn 500 năm. Theo bia phả, tổ tiên họ Lê Doãn chủ yếu làm quan cho nhà Lê từ thời Lê Trung Hưng (Lê Trang Tông) cho đến thời Lê Mạt (Lê Chiêu Thống) trong khoảng thời gian 257 năm (1532-1789) dòng họ nối tiếp khoa bảng và kế tiếp nhau 7 thế hệ làm quan phục vụ cho triều Lê.
Do thấm nhuần tư tưởng Nho giáo và đạo Khổng nên bất kỳ ai trong dòng họ Lê Doãn được bổ nhiệm làm quan cũng đều tận tụy phục vụ triều đình, bao giờ cũng làm trọn đạo bầy tôi trung, với gia đình, họ hàng làng mạc các cụ luôn giữ trọn chữ Hiếu, chữ Đễ, chữ Kính và chữ Hòa.
Trong 7 thế hệ phục vụ triều đình nhà Lê, tiêu biểu có 11 người làm quan, trong đó Tổ hệ thứ 10: Lê Doãn Quýnh thường gọi là Lê Quýnh (con trai tiến sĩ Lê Doãn Giản) sinh năm Canh Ngọ (1750) đời vua Lê Hiển Tông, năm 21 tuổi được bổ làm Nho sinh ở Chiêu Văn Quán, nhờ phúc ấm của cha, được ban tước Hiển cung đại phu, năm Bính Ngọ (1786) cuối đời vua Lê Hiển Tông, Lê Quýnh giữ chức Tổng quản binh, vâng mệnh vua đi phủ dụ vùng Giang Bắc, khi trở về được phong tước Bá, năm ấy 37 tuổi.
Đến mùa Đông năm Đinh Mùi (1787) Chiêu Thống năm thứ nhất, nghĩa quân Tây Sơn chiếm được thành Thăng Long, vua Chiêu Thống chạy lên Lạng Giang, Lê Quýnh đem gia binh (lính địa phương) hộ giá vua. Vâng mệnh vua ông đi tìm Thái hậu, Hoàng hậu và Nguyên tử chạy lên Cao Bằng, mặc dù bị quân Tây Sơn truy đuổi nhưng ông vẫn đưa được cung quyến nhà vua sang phủ Nam Ninh - Trung Quốc, Lê Quýnh qua Quảng Đông theo đường biển về Vị Hoàng, Nam Định gặp vua được phong tước Trường Phái hầu.
Khi nhà Thanh cho Tôn Sĩ Nghị đem quân sang viện giúp vua Lê thì Lê Quýnh được vua ban kiếm ấn và giữ chức Tổng binh lương, sau đổi lại giữ chức Bình chương sự. Mùa xuân năm 1789 quân Tây Sơn đánh chiếm Thăng Long, thời gian này Lê Quýnh đang chữa bệnh tại quê nhà, quân Tôn Sĩ Nghị tan rã chạy về nước, vua Chiêu Thống và một số bầy tôi chạy sang đất Bắc, trong đó có Lê Doãn Tuấn là con trưởng Lê Doãn Thân, lúc này Lê Quýnh ở quê chữa bệnh mới khỏi, đã đứng ra chiêu mộ nghĩa sĩ, luyện tập binh lính chờ thời cơ khôi phục lại nhà Lê.
Được tin Phúc Khang An theo lệnh của vua Thanh vời gọi sang Trung Quốc gặp vua Chiêu Thống để tính chuyện khôi phục ngai vàng, Lê Quýnh cùng với em con ông chú ruột là Lê Doãn Trị và một số bầy tôi cũ của nhà Lê vào khoảng 13, 14 người, trong đó có cả người con trai thứ hai của Lê Quýnh là Lê Doãn Thuyên cùng bố và chú sang đất Thanh.
Đến đất Thanh mới rõ là vua và các bầy tôi tòng vong đã chịu cắt tóc, ăn mặc theo người Thanh, vua Thanh dụ dỗ nhóm Lê Quýnh phải làm theo vua Chiêu Thống, Lê Quýnh và cả nhóm không nghe ông nói: “Chúng tôi đầu có thể chặt chứ tóc không thể cắt, da có thể lột chứ quần áo không thể thay”. Nhưng để trọn đạo vua tôi, Lê Quýnh cho phép con trai là Lê Doãn Thuyên cắt tóc, mặc quần áo nhà Thanh thay cha để hầu vua, còn nhóm Lê Quýnh hơn 10 người, triều đình nhà Thanh dụ dỗ nhiều lần không được cuối cùng khép nhóm Lê Quýnh vào tội bất tuân (không chịu làm theo) và phân tán làm nhiều nhóm nhỏ, mỗi nhóm bắt tù một nơi.
Bị giam ở ngục Yên Kinh cùng với Lê Doãn Trị, Trịnh Hiến, Lý Bình Đạo, nhóm 4 người này trên đường đi Yên Kinh gặp vua Càn Long đi tuần du, bị Càn Long thẩm vấn, qua sự đối đáp của Lê Quýnh vua Thanh đã phải thán phục và gọi nhóm 4 người là tứ nghĩa sĩ và khen ngợi Lê Quýnh là con người cương nghị, khí tiết. Chính lời khen này đã được đúc kết thành 4 chữ thờ ông “Tinh Trung Tráng Liệt”.
Sau khi được về nước Lê Quýnh đã đem theo hài cốt gia quyến vua Lê cùng các bầy tôi tòng vong về nước, an táng song vua Lê thì vua Gia Long mời các ông ra làm việc cho nhà Nguyễn, hai anh em ông từ chối và nói rằng: “Chúng tôi chỉ biết thờ một chúa”, hai ông xin về quê dạy học, làm thơ và mất tại quê nhà.
Trong thời gian ngồi tù lúc nào Lê Quýnh cũng nghĩ đến việc khôi phục ngai vàng nhà Lê, nghĩ tới quê hương đất nước, nghĩ tới mẹ già, điều này đã được thể hiện trong 3 tác phẩm lớn ông viết trong thời kỳ ở tù là: “Bắc hành tùng ký”; “Bắc hành lược biên”; “Bắc sở tự tình phú”. Và khí tiết còn được thể hiện trong 30 bài thơ ông làm trong suốt thời gian bị cầm tù.
Chính vì Lê Quýnh có khí tiết như vậy nên đến đời vua Tự Đức năm 1860, triều đình nhà Nguyễn đã tôn Lê Quýnh là nhân vật số 1 trong số 23 bầy tôi tiết nghĩa của nhà Lê và lập đền “Cố Lê Tiết Nghĩa từ” ở phía Tây thành Thăng Long, phường Thụy Chương, huyện Vĩnh Thuận (nay ở đường Thụy Khuê, quận Tây Hồ - Hà Nội). Thứ tự các bài vị đều sắp đặt theo như lời bàn của Bộ. Chính giữa là linh vị của Trường Phái hầu Lê Quýnh, đặt thụy hiệu là “Trung Nghị”. Bên tả bày linh vị của 11 người, gồm: Đề lĩnh Nguyễn Viết Triệu; Thượng thư Bút phong Đình Giản; Đinh Võ hầu Trần Quang Châu; Trần Danh Kệ; Hữu thị lang Nguyễn Huy Diệu; Trấn thủ Lê Hân; Chỉ huy Lê Doãn Trị; Chưởng tứ bảo Lê Quí Thích; Nguyễn Hùng Trung; Lê Tùng, Tả tham chính Kinh Bắc; Bình vọng Lê Trọng Trường. Bên hữu bày linh vị của 11 người, gồm: Tĩnh nạn công thần Trần Danh Án; Thanh hình hiến phó sứ Tuyên Quang Nguyễn Đình Viện; Nội thị Nguyễn Quyên; Trần Đĩnh; Đốc đồng Nguyễn Quốc Đống; Địch quận công Hoàng Ích Hiểu; Nguyễn Đình Miên; Đoàn Thận Xưởng; Võ uý Nguyễn Trọng Du; Lê Thức; Cận quang hầu Phạm Như Tùng. Tất cả 22 người ấy đều được đặt thụy hiệu là “Trung Mẫn”.
Vua Tự Đức có tập thơ vịnh những bày tôi tiết nghĩa nhà Lê mỗi người 4 câu tứ tuyệt, Lê Quýnh được Tự Đức vịnh như sau:
Vô cô ninh tử bất ninh vu
Nghĩa dũng giai phi khởi trượng phu
Túng dị kim tàng tâm tự phẫu
Khẳng đồng Phan Nhạc thủ năng mô
(Trích trong Ngự chế Việt sử tổng vịnh)
Tạm dịch:
Khép tội “bất tuân” bắt ông tù
Khí tiết xứng danh đấng trượng phu
Ý chí là vàng xin tự phẫu
Noi gương Phan Nhạc sáng nghìn thu.
Cuộc đời và con người của Lê Quýnh được sinh ra và lớn lên khi đất nước xảy ra nhiều biến cố lịch sử, chúng ta thấy biết bao thương cảm khi rút ra từ đây một ý niệm rõ ràng và cụ thể về ông: Một người tài ba về văn chương, những tác phẩm của ông còn lưu lại là các tập “Bắc hành tùng kí”, “Bắc hành lược biên” và “Bắc sở tự tình phú”, có giá trị sử học và văn học; một đại trung thần của vương triều nhà Lê.
Nguyễn Văn Đáp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét