Thứ Hai, 1 tháng 9, 2014

Tản mạn sau buổi liên hoan

TẢN MẠN SAU BUỔI LIÊN HOAN

 Nhân dịp cháu gái con chú em nhà cậu chuẩn bị nhập trường vào học đại học, mình được mời đến uống rượu liên hoan mừng cho cháu.
Phải nói rằng cả nhà rất phấn khởi tuy cháu vào đại học cũng không phải là gì ghê lắm so với thời buổi bây giờ. Rất nhiều trường và rất nhiều cơ hội cho các cháu vào đại học. Chẳng trường tốp đầu thì tốp giữa, tốp cuối. Chẳng trường công thì đã có trường tư…Nhưng cháu mình được vào trường dạng tốp đầu. Học phổ thông cháu chăm học, kết quả luôn vào diện khá giỏi, lại chịu khó tham gia công tác đoàn thể xã hội; vậy việc cháu được vào đại học phản ánh đúng sức học và quá trình phấn đấu rèn luyện của cháu. Như mình nghĩ, cháu được vào đại học là tất nhiên, là một quá trình được đánh giá đúng chứ không phải là chuyện rủi, chuyện may.

Nhớ lại thời mình cũng được vào đại học…Lúc đó cả nước đang thời kỳ chiến tranh. Học sinh học hết cấp 3 phổ thông cũng không nhiều, cả huyện có hơn trăm người; khi ra trường chủ yếu đi theo 2 con đường : vào bộ đội và đi đại học. Nhà ai chưa có người đóng góp hãy ưu tiên làm nghĩa vụ quân sự đã. Số còn lại được Ban Tuyển sinh các cấp duyệt cho vào các trường đại học hoặc trung học chuyện nghiệp mà không phải thi cử gì

.

Kể ra đi học thời ấy cũng có nhiều cái sướng. Nhà nước cho học bổng mỗi tháng 18 đồng, cho mua gạo sổ tháng 15 kg, coi như tạm đủ ăn. Trường nào có ký túc xá thì sinh viên được ở miễn phí, nếu đi sơ tán thì ở trọ nhà dân không mất tiền. Cái ăn, cái mặc thì đạm bạc đơn giản. Không có mốt nọ mốt kia vì mỗi năm được phát phiếu mua vải 4 mét. Nhà nào khá giả thì cho con mang cái xe đạp đi theo, còn không có, muốn đi đâu thì đi bộ. Nói chung, mọi sinh viên không phải mặc cảm lắm về cảnh khó khăn của mình hoặc gia đình mình. Mọi người đều chịu khó học hành. Khi cần là “ ba sẵn sàng” nên nhiều anh đang học hoặc tốt nghiệp rồi cũng vào ngay bộ đội cùng với cả thầy giáo dạy đại học…Đấy là những cái sướng. Nhưng cái khổ cũng đủ điều. So với điều kiện ăn mặc, học tập, sinh hoạt của các cháu bây giờ thì đúng là  xưa một vực, nay một trời. Đó là điều tất nhiên vì ngày nay đất nước thanh bình và đã bao năm bước vào thời kỳ đổi mới, mỗi cháu sinh viên đều được hưởng thành quả cách mạng của bao thế hệ  đem lại và sự chăm sóc của cha anh…

Mỗi nhà có con đi học bây giờ, mừng thì mừng nhưng cũng nhiều cái lo. Trước mắt lo mua đồ dùng sinh hoạt, dụng cụ học tập, rồi lo chỗ ở, cái ăn, lo phương tiện đi lại, lo tiền học phí và đóng góp khác cho các cháu. Nhưng cái lo nhất là con mình học tập và rèn luyện ra sao, liệu có bằng anh bằng em không; liệu có đua đòi mắc vào các tệ nạn không…

Nhớ lại mấy năm trước, có một gia đình người quen tưng bừng mở hội tiễn con vào đại học. Người ăn kẻ uống cười nói râm ran. Ý đẹp lời hay, chúc cháu vượt vũ môn keo này trận khác… Mừng là mừng thật, nói là nói thật lòng tuy hơi khách sáo. Thế nhưng cậu thanh niên nhà ta lại khác người. Hôm mình hỏi bố cậu : Cháu bây giờ tốt nghiệp đi làm ( đi công tác ) ở đâu? Thu nhập có khá? Ông bố cười buồn: Nói thật với  thầy giáo, cháu chưa tốt nghiệp ra trường. Đáng lẽ ra trường vài năm rồi nhưng vì cháu không chịu học, lại mải chơi điện tử nên kết quả kém quá, thi đi thi thi lại nhiều môn, trả nợ nhiều lần nay mới gần tốt nghiệp. Nhưng còn là may đấy thầy giáo ạ! Ở trường đấy, em biết còn nhiều em sinh viên phạm pháp, mắc tệ nạn xã hội bị đuổi học, khổ cho gia đình quá  thầy giáo ơi!...

Mong sao, con em mình có đủ sức mạnh vượt qua những cạm bẫy của cuộc đời. Được vào học đại học là một vinh dự, là niềm vui và ước mơ của bao người, trong đó có những người do điều kiện gia đình không được học tiếp mặc dù đã trúng tuyển… Các con hãy nghĩ rằng : được vào học đại học là cái mốc đánh dấu một chặng đường, là kết quả đáng phấn khởi của bản thân và gia đình, dòng họ, địa phương. Nhưng phải phát huy kết quả bước đầu để học tập, luyện rèn; để trở thành người lao động có tri thức hơn ông bà cha mẹ xưa kia. Suy cho cùng, đi học cũng để đi làm, chứ có phải đâu học để làm quan làm tướng gì đâu, cháu nhỉ?

                                                                                         LÊ TRUNG THÔN



          

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét