Thứ Bảy, 11 tháng 10, 2014

Để hiểu thêm một câu văn cổ

ĐỂ HIỂU THÊM MỘT CÂU VĂN CỔ

          Hôm vừa rồi, thầy giáo Mỹ ( Lạc Thổ) tặng tôi một số sách, trong đó có quyển “ Kỷ yếu hội thảo họ Dương Việt Nam với phong trào Khuyến học Khuyến tài”. Chưa có dịp đọc kỹ, dù mới xem qua cũng đã thấy họ Dương ở Việt Nam là một dòng họ nổi tiếng, có truyền thống yêu nước và hiếu học. Họ đã có nhiều hoạt động khuyến học khuyến tài trong nhiều năm qua và đã gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp. Họ đã được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đề nghị đăng cai Hội thảo  về công tác này nhằm rút kinh nghiệm cho việc tổ chức Hội thảo trong các dòng họ khác ở nước ta.
Theo Kỷ yếu nói trên, tại Hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Cầm-Chủ tịch Hội Khuyến học VN đã có báo cáo “ Công tác khuyến học – khuyến tài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay”. GSTS Phạm Tất Dong- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội khuyến học có đề dẫn Hội thảo “ Họ Dương Việt nam với phong trào khuyến học khuyến tài”. Ông Dương Đình Chiến, Chủ tịch Hội đồng họ Dương cũng đã có báo cáo “Họ Dương Việt nam với phong trào khuyến học khuyến tài” và nhiều đại biểu khác của họ Dương ở nhiều tỉnh thành và các địa phương báo cáo minh họa.
Ông Dương Văn Phong, Phó Chủ tịch HĐHD Gia Lâm, Long Biên đã có bài tham luận nói về thân thế và sự nghiệp của trạng nguyên Dương Phúc Tư, sinh năm Ất Sửu 1505, người xã Lạc Đạo- huyện Gia Lâm – phủ Thuận An- Trấn Kinh Bắc ( Văn Lâm- Hưng Yên ngày nay). Cụ là “ danh nhân của Tổ quốc, là tấm gương của trí thức Việt Nam” ( Vũ Khiêu). Sau khi không làm quan, cụ Trạng về quê dạy học. Học trò cụ có nhiều người thành đạt, đỗ cao như Trạng nguyên Phạm Trấn Đỗ, đặc biệt cụ dạy dỗ con cháu rất hiệu quả. Sau cụ, 8 hậu duệ các đời thi đỗ đại khoa, Tiến sĩ được ghi danh trên bia Tiến sĩ Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Tác giả Dương Văn Phong đã có câu đối thể hiện lòng ngưỡng mộ chân thành và sâu sắc tới Trạng nguyên Dương Phúc Tư:

Đại Việt hiền tài, tỏ rõ tinh hoa Dòng Lạc Đạo
Mạc triều quốc trạng, rạng ngời khí tiết Gốc Dương gia 

                                           ***

Ở cuối tham luận, tác giả Dương Văn Phong viết:

“ Để tưởng nhớ và biết ơn Trạng nguyên Dương Phúc Tư, con cháu Cụ ghi lại một vài lời dạy ( nếu có gì chưa đúng, mong các vị lượng thứ):
Nhân sinh bách nghệ, văn hóa vi tiên ( Người ta sinh sống bằng trăm nghề khác nhau, văn hóa bao giờ cũng được coi là hàng đầu)
Nho sĩ thị trân, thi thư thị thảo ( Người có học bao giờ cũng được trân trọng, sách vở phải được coi là của báu) ”.
Thấy hai câu trên ý rất hay, tôi có đọc cho một cụ trong làng nghe. Cụ giải thích cho tôi như sau:
1-                      Câu trên chắc chắn không phải là lời dạy của Trạng nguyên Nguyễn Phúc Tư, mà là một câu văn có trong sách cổ.
2-                      Về nội dung : ông Phong ghi nhầm một vài từ, hoặc do đánh máy sai. Phải ghi là
                      Nhân sinh bách nghệ, văn học vi tiên,
                      Nho sĩ thị trân, thi thư thị bảo.


Tìm hiểu thêm, tôi được biết câu này là trích ở sách Minh Đạo Gia Huấn, do các tác giả Trình Hạo và Trình Di thời nhà Tống ở Trung quốc biên soạn.
Có một tài liệu trích dẫn như sau:

人生百藝,文學爲先
儒士是珍,詩書是寶
古者聖賢,易子而教
德行純和,擇爲師友
Nhân sinh bách nghệ, văn học vi tiên
Nho sĩ thị trân, thi thư thị bảo
Cổ giả thánh hiền, dịch tử nhi giáo
Đức hạnh thuần hòa, trạch vi sư hữu




DỊCH NGHĨA:

Người đời làm cả trăm nghề, Văn Học là nghề đứng đầu 
Nho sĩ là người đáng trọng, Thi Thư là sách đáng quý
Các vị thánh hiền thủơ xưa đổi con với nhau mà dạy
Những trang đức hạnh thuần hòa đáng chọn làm thầy, làm bạn
Có tài liệu cho biết:   Trình Hạo 程顥 (10321085) tự Bá Thuần 伯淳, Hào Minh Đạo 號明道, người đời thường gọi là Minh Đạo Tiên Sinh 明道先生.  Ông là người thời Bắc Tống quê ở Lạc Dương Y Xuyên 洛陽伊川 (nay là tỉnh Hà Nam 河南, Trung Quốc). Ông đỗ tiến sĩ năm 1057 và làm qua nhiều chức quan, đời sau truy phong là “Dự Quốc Công” 豫國公. Ông được thờ trong Khổng Miếu 孔廟.
    Trình Di 程頤 (1033 -1107) tự Chánh Thúc 正叔,  là em của Trình Hạo, thường gọi là  Y Xuyên tiên sinh. Hai anh em được người đời tôn xưng là “Lạc Học” hay Nhị Trình. Đời sau truy phong là Lạc Quốc Công 洛國公, và cũng được thờ ở Khổng Miếu.
            Có tài liệu đăng về nội dung sách trên:
  MINH ĐẠO GIA HUẤN   
Nhân sinh bách nghệ     
Văn học vi tiên       
Nho sĩ thị trân     
Thi thư thị bảo 
Cổ giả Thánh hiền 
Dịch tử nhi giáo 
Đức hạnh thuần hòa 
Trạch vi sư hữu. 
Dưỡng nhi bất giáo 
Nãi phụ chi quá. 
Giaó nhi bất nghiêm 
Nãi sư chi nọa. 
Học vấn bất cần 
Nãi tử chi ác. 
Hậu tòng tiên giác 
Giám cổ tri kim. 
Học hữu tam tâm 
Bất khả thất nhất. 
phụ mẫu hậu thực 
tử học cần mẫn. 
Nghiêm sư tác thành 
Nhân hữu tam tình 
Khả sự như nhất. 
Phi phụ bất sinh 
Phi quân bất vinh 
phi sư bất thành. 
Hữu đạo đức giả 
Tử tôn thông min 
Vô đạo đức giả 
Tử tôn ngu muội. 
Dưỡng nam bất giáo 
Bất như dưỡng lư. 
Dưỡng nữ bất giáo 
Bất như dưỡng trư. 
Huấn đạo chi sơ 
Tiên thủ lễ pháp. 
Bất tri vấn đáp 
Thị vi ngu thô. 
Bất giáo nhi thiện 
Phi Thánh nhi hà. 

    Dịch thơ 
Nghề trong cuộc sống có trăm loại 
Học tập, giáo dục phải làm đầu. 
Nho sĩ quý tựa trân châu 
Thơ, sách bảo ngọc chớ hầu làm ngơ. 
Bậc Thánh hiền thuở xưa dạy trẻ 
Đổi con mà dạy lẽ cương thường. 
Đức hạnh thuần túy, hòa lương 
Chọn thầy chọn bạn tỏ tường mà chơi. 
Nuôi con chẳng dạy thời là lỗi 
Bậc sinh thành còn đổi cho ai. 
Dạy chẳng nghiêm cũng là sai 
Do thầy trễ nải hôm mai dạy trò. 
Học hỏi mà chẳng lo cần mẫn 
Dễ hư hỏng, đáng giận người con. 
Biết sau theo trước lối mòn 
Soi xưa mới biết vuông tròn thời nay. 
Kẻ học ba điều này tâm đắc 
Không điều nào bỏ đặng lơ là. 
Cha mẹ trung hậu thực thà, 
Siêng năng chăm chỉ mới là con ngoan. 
Thầy nghiêm giỏi lo toan thành nghiệp. 
Ba tình cảm của kiếp làm người 
Kính trọng như một chẳng lơi. 
Không cha không mẹ sao thời có ta. 
Không quyền chính, vinh đà sao có 
Chẳng thầy hiền, việc khó sao thành. 
Có đạo đức sẽ nên danh 
Con cháu sẽ được thông minh sáng ngời. 
Kẻ không đạo đức thời hậu quả 
Con cháu ngu dốt, họa khôn lường. 
Nuôi trai chẳng dạy cương thường 
Chẳng thà uổng phí nuôi lừa còn hay. 
Sinh con gái chẳng tày dạy dỗ 
Chẳng bằng nuôi lợn,đổ cơm thừa. 
Dìu dắt dạy bảo sớm trưa 
Giữ theo lễ phép phải đưa hàng đầu 
Việc không rành, chẳng cầu hỏi đáp 
Âý là kẻ dốt nát ngu đần. 
Không dạy mà giỏi chuyên cần 
Hẳn là bậc Thánh có phần nào sai. 

Vậy là tương đối rõ về nguồn gốc, xuất xứ câu văn trên. Nhân  cơ hội này, tôi mới có dịp tìm hiểu cuốn  Minh Đạo gia huấn và hiểu thêm ít nhiều.
Tôi cứ ngẫm nghĩ : Ngày xưa các cụ nhà ta được học nhiều chữ nho. Câu văn thì ngắn nhưng nội dung cực kỳ súc tích, có nhiều sách, nhiều câu như những câu châm ngôn, dạy người ta kinh nghiệm mọi mặt, dạy cách làm người; dĩ nhiên có những điều không phù hợp với thời đại mới.
Thanh niên bây giờ đi xa, học rộng, đọc biết nhiều, đông tây đủ cả.Tuy nhiên có những cuốn sách cổ các bạn không có cớ hoặc không chủ ý tiếp cận, nhưng nếu đọc được thì có lợi rất nhiều, nhất là đường ứng xử. Minh Đạo gia huấn là một ví dụ cụ thể./.

                                                                        LÊ TRUNG THÔN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét