Thứ Năm, 19 tháng 11, 2015

TÍNH SƯ PHẠM TRONG THƠ VÀ CUỘC ĐỜI VĨNH XƯƠNG

TÍNH SƯ PHẠM TRONG THƠ VÀ CUỘC ĐỜI VĨNH XƯƠNG
                                                                    Vinh Nghĩa

Sinh thời ông nội tôi: cụ Giác Tiên – Nguyễn Vinh Phúc lấy 4 chữ: Nông-Tang–Giáo-Dưỡng làm kim chỉ Nam cho con cháu theo đuổi. Nghề Nông làm cơ sở, nghề phụ là trồng dâu nuôi tằm (Tang), nghề dạy học làm chí hướng (Giáo), nghề chữa bệnh để cứu đời (Dưỡng). Cụ là một ông đồ Nho có hàng trăm môn sinh và là ông đồ Nho cuối cùng của làng Thị Cấm quê tôi. Trên vách nhà, cụ viết bài trong sách “Quân Tử” của Quản Trọng bằng chữ Nho:
        Nhất niên chi kế mạc như thụ cốc
        Thập niên chi kế mạc như thụ mộc
        Chung thân chi kế mạc như thụ nhân
        Nhất thụ nhất hoạch giả cốc dã
        Nhất thụ thập hoạch giả mộc dã
        Nhất thụ bách hoạch giả nhân dã
Tạm dịch:
        Kế một năm chi bằng trồng lúa
        Kế mười năm chi bằng trồng cây
        Kế trọn đời chi bằng trồng người
        Trồng một gặt một ấy là lúa
        Trồng một gặt mười ấy là cây
        Trồng một gặt trăm ấy là người
Cụ luôn nhắc nhở cho con cháu câu:
Chung thân chi kế mạc như thụ nhân
Các con cháu cụ theo đuổi nghề dạy học. Cụ có 9 người con, riêng Chú Tường bằng tuổi tôi chết khi mới 1-2 tuổi còn lại 8 người thì hầu như ai cũng có một thời làm công việc dạy học. Bác Thiển (Bác trưởng Vũ gái) suốt đời dạy học ở làng Xốm quê chồng. Bác Tuyết (Bác Cầu gái), một thời gian dài dạy học ở thôn Nội Linh xã Ngô Quyền huyện Tiên Lữ- Hưng Yên. Bác Nguyệt (Bác Chấp gái) dạy học ở Sài Gòn, nghỉ dạy trước khi đi định cư ở Vương Quốc Bỉ. Chú Chình dạy Bổ túc văn hóa cho công nhân khi làm việc trên cung đường sắt Yên Bái-Lào Cai. Các cô Nhật, Xiêm tham gia dậy bình dân trong phong trào xóa nạn mù chữ. Cô Mên (Kim Dung) dạy mẫu giáo của nông trường Thanh Sơn Phú Thọ sau chuyển về An Khê Gia Lai. Các Em, các cháu của cụ đều là giáo viên mẫu mực như: các thầy Vĩnh Lạc trường Bùi thị Xuân Đà Lạt, thầy Vinh Chúng trường Hà Đông, thầy Vinh Diệu, Vinh Cường trường cấp 3 Minh Khai Hà Nội , cô giáo Phương Ninh, Bích Thuận trường Lạc Viên, Cô giáo Châu trên Yên Bái, cô giáo Thái, thầy giáo Sỹ ở An Khê v.v…bản thân tôi cũng dạy học hơn 1 năm ở trường cấp 2 Trung Hòa – Từ Liêm Hà Nội (năm 66-67) và 3 năm dạy học ở trường lái xe quân đội (71-73).
Cậu tôi, nhà giáo Vĩnh Xương bắt đầu dạy học từ năm 1957 tại sở giáo dục Hải Phòng cho đến khi nghỉ hưu. Là giáo viên tiểu học, Ông đã dạy ở hầu hết ở các trường của Hải Phòng như Hùng Vương, Lạc Viên, Ngô Quyền, Đằng Giang, Phọng Pháp, An Đà.. Trong phong trào hai tốt, nhiều năm liền ông đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp sở. Học sinh của ông nhiều người đã thành danh nhưng luôn nhớ đến ông, người thầy giáo đầu đời thời tiểu học.
Những năm 60 cậu tôi hay đọc sách của nhà sư phạm Liên Xô Macarenco. Ông đọc nhiều sách về tâm lý giáo dục của nhiều nhà sư phạm nổi tiếng, ông rất tâm đắc với những quyển sách của giáo sư tâm lý học Phạm Cốc trường đại học sư phạm Hà nội
Ông luôn là một kho tư liệu về phương pháp sư phạm trong công việc truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm giảng dạy. Mỗi khi có dịp gặp nhau tôi thấy ít khi nói chuyện về kinh tế đói khổ, thóc cao gạo kém mà toàn nói về dạy học. Ông luôn quan niệm không có học sinh học kém, không có học trò dốt. Người thầy phải tìm hiểu tại sao trò không thuộc bài? Thầy giảng bài trò có hiểu không? Nó không hiểu thì lý do tại sao? Những câu hỏi như thế tôi luôn nghe được từ ông mỗi khi xum họp cả nhà.
Là giáo viên tiểu học ông luôn rèn cho học trò của mình chữ viết đẹp. Ông bảo chữ viết là thần sắc của con người. Ai là học trò của ông sau này chữ viết đều đẹp , chí ít thì cũng không quá xấu như học trò thời nay. Ông luôn gợi mở lòng ham mê học tập của học trò, sự tiến bộ của trò phải là sự tự rèn rũa mà nên. Không mài, không rũa, không rèn luyện / ở đấy mà Xương với chả Vinh (tự trào 1) Ông hay ví von con người với thiên nhiên cây cảnh. Mà thiên nhiên luôn vận động, cây trút lá mùa đông là để mùa xuân thay lá mới, đừng buồn vì cái rét mùa đông vì sau giá rét cây sẽ đâm chồi nảy lộc. Mùa Xuân cây lớn con người lớn lên /Cháu nhìn quang cảnh thiên nhiên /Cánh đồng.. thảm cỏ xanh thêm rất nhiều / tuổi chín mười rất đáng yêu / tuổi thơ phơi phới như diều đang lên / Tập sao cho khỏe, cao thêm.. (thơ gửi cháu)
Ông động viên cách học tập của trò, để học trò tiến thêm trong học tập.Học cho giỏi, học cho nhanh / Phải biết cách học thông minh hơn người / Nghe thầy cô, nuốt từng lời / về nhà nhớ lại học bài thuộc ngay / Lo toan chú ý từng ngày / Viết nhanh viết đẹp quen tay dần dần …
Ông phản đối việc dùng thang điểm, bằng cấp để đánh giá chất lượng học trò. Bởi vì dùng thang điểm bằng cấp cụ thể thì xã hội sẽ chạy theo thang điểm bằng cấp với mọi cách, học thêm rôi xin điểm, mua điểm. Bằng thật vốn tên người ta/ chữa thành bằng giả hóa ra tên mình/ Đủ hồ sơ nghiên cứu sinh/ dự đại học để thành cử nhân (Bằng thật, Bằng giả) Ông cũng phản đối việc đầu tư xây dựng “điểm” để nhân “diện” của ngành lúc đó. Người ta đầu tư tiền bạc, nhân tài, vật lực của xã hội để dựng lên một tiếng trống Bắc Lý cho cả miền Bắc noi theo, học tập, trong khi cả nước, điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn. Cơ sở vật chất vô cùng hạn hẹp. Ngay ở Hải Phòng một trung tâm kinh tế lớn thứ hai của Miền Bắc, một hải cảng vào loại nhất nhì Đông Dương vậy mà trường cấp 1 xã Hùng Vương huyện An Hải nơi ông dậy mấy năm liền phải dùng đình, chùa, lăng, miếu của làng làm lớp học và nơi ở cho các thầy cô. Tan học vào lúc thủy triều cạn, học trò phải xuống sông bắt cáy phụ giúp kinh tế gia đình, để trở thành một “Bắc Lý” ở đây là một thách thức quá sức với các thầy cô thời đó, nhưng những học sinh xã Hùng Vương, học trò của ông nay cũng nhiều người thành đạt trong cuộc sống.
Ông quan niệm ở bậc tiểu học các em phải được tiếp cận tất cả các môn của khoa hoc tự nhiên và Xã hội kể cả âm nhạc, ngoại ngữ, Trên đời vô số thứ cần / Âm nhạc , di dưỡng, tinh thần cũng hay/ học vẽ phong cảnh cỏ cây/ thể thao thể dục chân tay khỏe đều/ nếu không cố gắng thêm nhiều/ Thì bao giờ tiến lên theo kịp người.
ông hay làm các đoạn văn vần hoặc câu thơ ngắn cho học trò dễ nhớ những mệnh đề khô cứng của các môn tự nhiên hay các sự kiện của môn lịch sử.
Ai đã từng đứng trên bục giảng của người thầy đều gặp phải vấn đề nan giải khi dưới lớp có những em học sinh nghịch ngợm, bướng bỉnh quậy phá mà trong sư phạm gọi đó là học sinh cá biệt . Với ông, ông sẵn sàng trao những việc quan trọng của lớp cho những học sinh đó. Ông luôn “gạn đục khơi trong” gợi mở, hướng thiện để cải hóa các em cá biệt. ông cho rằng trẻ có khỏe mạnh, thông minh thì nó mới nghịch ngợm. Trẻ có bản lĩnh thì mới bướng bỉnh quậy phá. Người thầy-gia đình và xã hội phải cùng nhau uốn nắn, dạy dỗ. luôn động viên lũ trẻ, để cho chính các em ý thức được sự tồn tại và phát triển của chính các em trong cộng đồng. Nhưng cuộc sống không phải bao giờ cũng thành công trong việc cải hóa con người, những thói hư tật xấu mặt trái của xã hội luôn cướp đi những đức tính ngoan ngoãn hiếu thảo để lại nỗi buồn tê tái không chỉ các bà mẹ phải chịu đựng: Người thứ tư điềm đạm: / Tuyệt vọng nhất là người đàn bà không cười được khi thấy con / Người thứ năm mắt lim dim / – Mô Phật/ Lão Xà ích dật dây cương / Roi quật, bụi tung đường (Đi lễ chùa)Ngay cả với con cái của ông, cũng có đứa “cá biệt” nhưng ông không tuyệt vọng, ông nhẹ nhàng bảo con chở mình bằng xe máy đi quanh làng một vòng, để cho dân làng Thị Cấm hiểu rằng bố con mình vẫn vui vẻ(Thư gửi chị) …. Thế mà nó cố tình không chịu…Tôi hiểu lúc đó là lúc đau lòng nhất của ông…
Ông thường nhẹ nhàng hỏi học trò: Một năm được mấy mùa xuân?/ Một ngày được mấy giờ Dần hỡi ai? / một tuần được mấy thứ hai ?/ Một tháng trăng sáng có vài ngày thôi / Tuổi con người- thời gian trôi/ chả bao giờ chạy giật lùi lại đâu..( Gửi Phương Thảo tuổi 13)
Cách đặt câu hỏi để trò trả lời như thế tức là ông đặt học trò phải tham gia chủ động vào công việc giảng dạy, học tập. Tạo cho học trò một bản lĩnh học tập không thụ động, đó là phương pháp sư phạm tiên tiến mà các nước văn minh đã áp dụng từ lâu.
Ông luôn tâm niệm đào tạo được một công dân tốt phải thể hiện là con ngoan trong gia đình, trò giỏi trong nhà trường, con người tốt trong xã hội. Ba thành tố GIA ĐÌNH- NHÀ TRƯỜNG-XÃ HỘI phải thống nhất cùng nhau trong việc đào tạo CON NGƯỜI
Tiếc thay ba môi trường giáo dục Gia Đình- Nhà trường- Xã hội ở ta nhiều lúc không gặp nhau cho nên nền giáo dục hiện nay của đất nước còn nhiều bất cập. Những người đã từng làm thầy không thể không buồn lòng. Ông cũng đau xót kêu lên: Hai bảy năm trời tôi dạy học / Đời tôi cống hiến một phần tư / Trong nghề dạy học không lười nhác / Chưa đủ cho đời chuộc tiếng ư? (Túy hậu ca)
“Chuộc tiếng” đây là sự chuộc tiếng với tổ tiên, với các đấng Tiền nhân, “Chuộc tiếng” với con người hiện tại, với xã hội đương thời. “Chuộc tiếng” với thế hệ tương lai của đất nước, những chủ nhân ông của Tổ quốc mai sau. Đó là công việc suốt đời, công việc trồng người, để thực hiện được câu:
Chung thân chi kế mạc như thụ nhân
Kỷ niệm ngày mất của cậu tôi, (26 tháng 3 năm 2001- 26 tháng 3 năm 2011) Nhà Giáo, Nhà Thơ Vĩnh Xương , tôi viết bài này mong muốn thể hiện lại những trăn trở, suy nghĩ về sự nghiệp giáo dục của cậu tôi lúc sinh thời, một người trọn đời làm nghề dạy học, lấy nghề dạy học làm mục đích theo đuổi, một nghề góp phần làm theo lời dạy của chủ tich Hồ Chí Minh:
” Vì lợi ích trăm năm phải Trồng Người”
                                                     Vinh Nghĩa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét