Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2018

Giai thoại vui về bài thơ “Hữu duyên thiên lý…”

Giai thoại vui về bài thơ “Hữu duyên thiên lý…”

12 Tháng Năm 2018 11:51 SA 
DƯƠNG LINH

Bookmark and Share

Hình ảnh của HV125 - Giai thoại vui về bài thơ “Hữu duyên thiên lý…”
Hồi ấy sau Hiệp định Genève 1954, đơn vị tôi tập kết ra miền Bắc. Điểm đến đầu tiên là bãi biển nghỉ mát nổi tiếng Sầm Sơn của tỉnh Thanh Hóa, lúc này là nơi đón tiếp bộ đội và cán bộ miền Nam tập kết. Sau nhiều lần di chuyển, đơn vị tôi đến đóng quân chính thức ở chợ Nghè, xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc - một xã nghèo ở vùng ven biển Thanh Hóa. Hằng tuần sau những ngày học chỉnh huấn cải cách ruộng đất căng thẳng, tôi và anh bạn nữa trong Ban chỉ huy đơn vị hay ra uống cà phê ở một quán nhỏ cuối chợ Nghè trên đường ra bến đò Thắm, qua đò là địa phận huyện Nga Sơn cũng thuộc tỉnh Thanh Hóa. Ông chủ quán, người ta quen gọi là cụ Phái, là một người tầm thước tuổi gần 60 rất vui tính hay nói cười vui vẻ với khách, đặc biệt là với anh em bộ đội miền Nam. Ngoài việc bán quán, ông Phái còn là một thầy thuốc Đông y rất giỏi, tiếng tăm khắp vùng. Người ta kể rằng cách đấy ba năm, ông là Chủ tịch Mặt trận Việt Minh huyện; lúc ấy bên huyện Nga Sơn có một ông địa chủ có mỗi cô con gái đang đau mắt rất nặng, chạy chữa nhiều thầy không khỏi, sắp bị mù đến nơi, ông hốt hoảng kêu gọi ai chữa con ông khỏi mù ông sẽ gả không cho, không cần biết người đó lớn hay nhỏ tuổi, có vợ hay chưa. Và ông Phái quẩy tráp tới nhận, rồi bằng tài nghệ của mình ông đã chữa cho cô gái khỏi mù. Giữ lời hứa, ông địa chủ đã gả cô con gái cho ông Phái. Việc này đã gây tai họa lớn cho ông thầy thuốc Đông y “mát tay” này… Bà vợ lớn và hai con đồng lòng “mời” ông ra khỏi nhà,
 cùng lúc cấp trên cũng “mời” ông ra khỏi chức Chủ tịch Mặt trận Việt Minh huyện vì “mất lập trường giai cấp” lấy con gái địa chủ, trong lúc đang học tập giảm tô. Vậy là ông ra cất một cái quán nhỏ ven đường cuối chợ Nghè, cùng với cô vợ nhỏ vừa bán quán vừa bốc thuốc chữa bệnh nếu có yêu cầu. Ai biết chuyện có ý chia buồn với ông vì sự mất mát một lúc quá lớn này, thì ông cười bảo “Ở đời việc gì cũng đều có cái giá phải trả của nó. Đành chấp nhận thôi!”.
Khi đơn vị tôi đến đóng quân ở chợ Nghè này thì người vợ nhỏ của ông đã sinh một bé gái được 2 tuổi khá xinh xắn dễ thương. Ông thường hay lấy chè riêng của ông rất thơm ngon đãi chúng tôi và kể rất vui đủ thứ chuyện trên đời. Có lẽ ông nhận thấy hai anh bộ đội miền Nam này dễ cảm thông những điều ông tâm sự.
Một hôm, sau những câu chuyện vui, đột nhiên ông hỏi chúng tôi: “Hai anh có nghe hay có biết mấy câu thơ ‘Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ/ Vô duyên đối diện bất tương phùng’ không?”. “Ờ, đó là hai câu thơ mà anh bộ đội miền Nam nào gần như cũng thuộc lòng - anh bạn tôi cười rộng mở - nhất là những anh bộ đội quê miền Bắc tham gia chiến đấu ở miền Nam, họ quen những cô du kích hay dân công hỏa tuyến, thế rồi Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, họ yêu nhau và thành vợ thành chồng. Trong khi đó có những anh du kích hay bộ đội cùng quê, cùng chiến đấu bên nhau vậy mà lại ‘anh đi đường anh, tôi đi đường tôi’, thật làVô duyên đối diện bất tương phùng”.
- Thật ra hai câu thơ trên là hai câu đầu của một bài thơ trong câu chuyện ngày xưa mà tôi nghe các cụ kể lại - ông Phái vui vẻ nói tiếp - Và vì hai câu thơ trên phù hợp với hoàn cảnh, tâm trạng nhiều người, nên họ dễ nhớ và truyền khẩu đời này sang đời khác mà không chú ý đến xuất xứ của nó. Tôi sẽ kể cho hai anh nghe. Chuyện là thế này:
Ngày xưa có một ông viên ngoại gia tư thuộc loại khá giả nhất vùng, vợ mất sớm, chỉ để lại cho ông một cô tiểu thư xinh đẹp tài sắc hơn người. Rất nhiều mối mai đến hỏi khi tiểu thư đến tuổi cập kê, nhưng viên ngoại chưa chấp nhận mối nào, bởi ông không gả đi mà muốn bắt rể, vì nhà ông chỉ có một con gái. Một buổi sáng nọ bỗng dưng có ba chàng trẻ tuổi tướng mạo khôi ngô cùng đến một lượt, ngỏ ý muốn cầu hôn cô tiểu thư. Ba chàng trai đó, mỗi người một vẻ, một người là thi sĩ, một người là xạ thủ nổi danh “bách phát bách trúng”, còn người thứ ba là một vận động viên chạy bộ nổi tiếng.
Nhìn ba người, ông viên ngoại không giấu được mối cảm tình với họ, ông bảo:
- Với ba vị tráng sĩ lão phu rất quý trọng, người nào cũng xứng đáng cho lão phu nhận làm hiền tế trong nhà này. Nếu có ba con gái, lão phu sẵn sàng gả hết cho ba vị. Tiếc rằng lão phu chỉ có mỗi một mụn gái nên lão phu tính thế này: Lão sẽ mở cuộc thi, ai thắng cuộc sẽ là hiền tế của lão. Các vị có đồng ý không?
Tất cả đều trả lời:
- Xin viên ngoại cho biết nội dung thi.
Viên ngoại nhìn ba người với ánh mắt vui vẻ:
- Đại khái là thế này: Tráng sĩ giỏi thơ văn sẽ chép ba ngàn tờ từ Tứ Thư, Ngũ Kinh. Tráng sĩ giỏi bắn cung thì bắn rụng hết lá cây ngô đồng trước cổng. Còn tráng sĩ giỏi vận động thì chạy đến Tràng An vác chiếc trống về đây. Thời gian là từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều. Ai xong trước, báo với lão thì coi như thắng cuộc.
Tất cả một lần nữa cúi đầu: - Xin vâng.
Sáng sớm hôm sau, gia nhân của tráng sĩ làm thơ đã có mặt tại nhà viên ngoại, kẻ mài mực cho vào các chậu lớn, người lo xếp các xấp giấy để vào chỗ dễ lấy để viết. Gia nhân của tráng sĩ bắn cung thì mang đến hàng đống bó tên và các dây cung dự trữ phòng khi dây cung bị đứt khi bắn. Còn chàng tráng sĩ vận động cũng có mặt rất sớm.
Đúng 6 giờ, viên ngoại gõ một loạt kẻng báo bắt đầu cuộc thi. Tráng sĩ vận động cúi chào viên ngoại rồi phóng nhanh ra đường lớn để về kinh thành Tràng An. Chàng tráng sĩ bắn cung cũng cúi đầu chào viên ngoại rồi lấy cung bắn ngay phát tên đầu làm rơi một chiếc lá ngô đồng trước mặt viên ngoại. Còn tráng sĩ làm thơ thì ngồi vào bàn trong nhà lấy bút lông chấm vào chậu mực lớn viết dòng chữ đầu trên xấp giấy chồng cao trên mặt bàn. Ngồi đối diện với bàn viết của tráng sĩ làm thơ là cô tiểu thư xinh đẹp đang thêu đôi chim uyên ương lên áo gối cưới. Thi thoảng cô nàng liếc nhìn sang chàng thi sĩ đang ngồi tập trung chép theo trí nhớ Tứ Thư, Ngũ Kinh với nét bút thanh thoát sắc sảo trên những tờ giấy trắng chồng cao bên cạnh. Đôi lúc chàng cũng ngừng bút nhìn sang nàng tiểu thư xinh đẹp với đôi tay khéo léo đan chỉ màu trên chiếc gối dành cho ngày cưới. Sau mỗi lần nhìn như vậy, tay chàng như có thêm sức mạnh viết nhanh trên giấy.
Thời gian lặng lẽ trôi qua. Đến quá trưa, chàng đã chép xong 3.000 tờ giấy. Thay vì báo cáo với viên ngoại đã hoàn thành cuộc thi, chàng bắt gặp ánh mắt và nụ cười e thẹn của nàng nhìn sang, bèn nổi hứng làm bốn câu thơ:
Tràng An chi cổ vị quy đề
Bán xạ ngô đồng nhật chỉ tê
Nhất triêu táng tận tam thiên trát
Thi ẩm thanh trà thị ngã thê!
Tạm dịch nghĩa:
Đến giờ trống Tràng An vẫn chưa thấy về
Cây ngô đồng chỉ mới bị bắn rơi nửa lá,
Ta buổi sáng đã chép xong ba ngàn tờ
Nàng uống trà kia đích thị là vợ của ta rồi.
Viết xong bài thơ chàng khe khẽ ngâm đủ cho nàng nghe, và nàng vội vã rót đầy một chén trà nóng rồi hai tay nâng chén trà ngang mày đưa mời chàng theo lệ xưa vợ mời chồng rất cung kính (cử án tề mi) bởi nàng tin chắc rằng chàng đã thắng cuộc và sẽ là chồng nàng. Được người đẹp cung kính mời, chàng đón chén trà với niềm sung sướng đến ngây ngất. Nhấp một ngụm nhỏ, chàng rung đùi ngẫm nghĩ tiếp một bài thơ nữa để tặng người đẹp sẽ là vợ sắp cưới của mình.
Đúng lúc ấy ngoài sân có tiếng kêu lớn: “Thưa nhạc phụ, con đã mang trống Tràng An về đây rồi!”, tiếp theo là một loạt tiếng vỗ trống bùng bùng vang dội.
Chàng thi sĩ giật mình ngơ ngác nghe như đất lở dưới chân mình. Chỉ vì một khoảnh khắc lơ mơ nghĩ tìm tứ thơ để tặng người đẹp, chàng đã để mất một hạnh phúc to lớn tưởng nằm chắc trong tầm tay.
Người con gái vội viết mấy câu thơ đưa cho chàng thi sĩ để an ủi người mà lẽ ra phải là chồng nàng nếu báo tin sớm thắng cuộc với viên ngoại:
Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ
Vô duyên đối diện bất tương phùng
Ẩm thị ngã trà hoàn ngã trản
Tràng An chi cổ dĩ bồng bồng
Tạm dịch:
Ngàn dặm duyên may tình cũng gặp
Không duyên đối mặt chuyện không thành
Chàng uống trà xong xin trả chén
Tràng An trống đã vỗ liên thanh
Ông Phái mỉm cười kết thúc câu chuyện:
- Thì ra ngàn đời nay thi sĩ thời nào cũng vậy, có những lúc họ sống trong ảo ảnh mơ màng không chú ý gì đến thực tế, do đó có khi họ để mất những hạnh phúc đã có một cách oan uổng, nhưng bù lại những khoảnh khắc lơ mơ đó họ cũng để lại cho đời những câu thơ bất hủ. Hai anh có đồng ý vậy không?

__________
Chú thích:
Câu “Hữu duyên...” xuất xứ từ tác phẩm hí kịch Trương Hiệp trạng nguyên 張協狀元 của tác giả khuyết danh đời Tống bên Trung Hoa. Nguyên văn: “Hữu duyên thiên lý năng tương hội/ Vô duyên đối diện bất tương phùng” 有緣千里能相會,無緣對面不相逢.
Có lẽ từ tác phẩm đó nên có giai thoại mà nhà văn Dương Linh kể. Xin ghi lại để bạn đọc tham khảo.
H.V.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét