Thứ Năm, 19 tháng 7, 2018

MỘT LẦN GẶP THÀNH HOÀNG




MỘT LẦN GẶP THÀNH HOÀNG
------------------------------

           
             Đình làng tôi trước đây to và đẹp nhất vùng. Nhưng đến năm Kỷ Sửu 1949 thời chống Pháp, Đình bị đốt để tiêu thổ kháng chiến, từ đó trở đi việc thờ cúng Thành Hoàng và các nghi lễ được tiến hành ở Chùa. Những năm trước, cụ Từ ở Đình làng  tôi thường là các cụ ông tuổi cao, ít nhiều có trình độ Hán học và nắm được nghi lễ về thờ cúng. Từ sau năm 1995, sau khi Đình được phục dựng tại nền cũ, để trông nom Đình và làm các thủ tục lễ nghi, làng lại tiếp tục cử một số cụ ra làm Thủ từ, lúc đầu là tự nguyện, sau này cắt luân phiên. Mới đầu, cử một vài cụ trên hoặc lứa tuổi 70, sau quy định mỗi năm cử 2 cụ từ, tuổi 65, làm nhiệm vụ trong vòng một năm, năm sau chuyển nhiệm vụ  cho 2 người ở  lứa tuổi kế tiếp. Để giúp các cụ từ và dân làng nói chung trong việc chuẩn bị đồ lễ, còn có đội khánh tiết ở lứa tuổi 55, cũng làm việc trong thời gian 1 năm và việc chuyển đổi tương tự như các cụ từ.
             Cũng theo quy định của làng, để trong nom quét dọn, thắp hương ở Nghè làng, mỗi năm làng cũng cử 2 ông ở lứa tuổi 65. Vì vậy, cách đây  5 năm, cùng với ông Thủy, tôi được dân làng phân công ra trông nom quét dọn, thắp hương ở Nghè Làng.

                                                 *
                                               *   *

            Hôm ấy, nhà ông Thủy có việc bận, không xuống quét dọn, thắp hương ở Nghè được. Đang lúi húi quét dọn một mình, tô nghe một giọng nói phía sau:
-         Chào cậu! Có mình cậu quét dọn ở đây thôi à?
 Tôi quay lại, thấy một cụ già chống  gậy trúc đứng phía sau.
-               Vâng! Chào cụ! Hôm nay đáng lẽ còn một ông nữa nhưng có việc bận, chỉ mình  cháu làm ở đây thôi.
Quan sát kỹ, tôi mới nhận ra cụ không phải người quen trong làng.
          Vóc người nhỏ nhắn, cụ mặc một bộ quần áo màu vàng  kiểu cổ mà  chỉ có những người tuổi tôi trở lên mới biết. Quần áo may bằng vải khổ hẹp, chắc là bằng vải sồi. Râu bạc, dài, tóc bạc trắng, đầu búi tó và có một cái gài tóc bằng lông nhím gài ngang ở búi tóc phía sau. Đôi mắt sáng, tinh nhanh, lông mày cũng bạc trắng. Da dẻ hồng hào, ít nếp nhăn. Quả là  mẫu người ít gặp và rất khó đoán tuổi. Tôi mạnh dạn làm quen:
-         Mời cụ ngồi  xuống ghế đây ạ! Chắc là cụ ở xa tới?
-         Không cậu ạ! Tôi cũng ở gần đây thôi!
-         Thế cậu làm gì mà quét dọn ở đây?
- Thưa cụ, theo lệ làng Giữa ở đây, mỗi năm làng chọn  4 người trong số anh em lứa tuổi 65 ra làm việc làng. Hai người làm thủ từ ở Đình, hai người ở Nghè này. Nhiệm vụ của 2 chúng cháu là quét dọn ban thờ, sân thềm, cổng và thắp hương thờ Thần hai buổi một ngày. Buổi tối thắp điện lên, sáng ra thì tắt. Nếu ai có việc, có lễ xuống Nghè thì anh em chúng cháu khấn giúp gia đình…
-         À ra vậy. Cậu được giao việc này là có phúc đấy!
- Vâng! Thưa cụ. Kể ra thì việc này cũng không vất vả lắm, nhưng nhiều người cũng ngại. Vì làm việc này phải có ý thức trách nhiệm. Dù nắng hay mưa  cũng phải đều đặn ngày hai lần xuống Nghè làm việc, quét dọn trông nom. Ngoài ra phải kiểm đếm tiền lễ của bà con làm lễ  ThầnThành Hoàng, không được nhầm lẫn một xu, rồi cuối tháng nộp cho làng. Nếu nhầm nhọt người dân sẽ đánh giá mình không hay cụ ạ.
-         Đúng vậy! Nhưng cậu giải thích cho tôi Nghè là gì nhỉ?
          Không rõ cụ có không biết thật hay không, hay là cụ thử mình? Thôi thì cũng như các lần các cháu thanh niên có hỏi, tôi từ tốn trả lời cụ:
-Thưa cụ, theo giải thích của một số người, thì Nghè là  một hình thức của đền miếu, thờ thần thánh. Đây là kiến trúc thường có mối quan hệ chặt chẽ với một di tích trung tâm nào đó. Nghè có thể thờ Thành Hoàng làng ở làng nhỏ, được tách ra từ làng gốc như Nghè Hải Triều, cũng có thể là một ngôi đền nhỏ của một thôn trong xã nhằm thích ứng với dân sở tại để tiện việc sinh hoạt tâm linh khi ngôi đền chính khó đắp ứng được nhu cầu thờ cúng thường nhật. Cũng có người cẩn thận hơn, người ta tìm tài liệu và cho cách giải thích về danh từ Nghè : theo Từ điển Việt – Bồ – La của A de Rhodes (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum, Roma, 1651) định nghĩa nghè là “chức vụ của các bậc văn nhân”.Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (Hà Nội, 1931) và Từ điển Việt Nam của Thanh Nghị (Sài Gòn, 1958) đều định nghĩa Nghè là “phòng làm việc trong điện các của nhà vua. Đời Lê chỉ những người đỗ tiến sĩ mới được vào làm việc trong các, cho nên mới gọi tiến sĩ là ông nghè. Đến triều Nguyễn, những người được vào trong các, dù không đỗ tiến sĩ cũng gọi là nghè”. Các vị tiến sĩ trước khi vào chầu chính thức thường được xếp đứng tại phòng nghè rồi lần lượt tiến vào triều nhận mũ áo vua ban.
 Nhưng cũng có người khái quát rằng: Nghè vốn là một bộ phận kiến trúc của đình – vốn là nơi thờ Thành Hoàng và đồng thời là trung tâm hội họp tế lễ của cộng đồng làng xã thời trước. Đình là nơi vừa thân quen, gắn bó, vừa tôn nghiêm, cổ kính. Nghè có thể ở vị trí gần sát đình hay xa hơn một chút, nhưng nó là một bộ phận cấu thành trong quần thể kiến trúc của đình. Nghè cũng có ban thờ, có thể có mái che hoặc có nơi đặt lộ thiên. Theo cháu, khái niệm Nghè Làng Giữa  ở đây có thể hiểu theo cách giải thích cuối, cụ ạ


- Khen cậu cũng chịu khó tìm hiểu đấy. Tôi cũng nghĩ như cậu. Nghè là một bộ phận kiến trúc của đình, cũng là nơi thờ thần Thành Hoàng. Nhưng cậu có biết Thần Thành Hoàng là gì không?
Được khen, tôi lại hăng hái giải thích:
- Thưa cụ, về khái niệm này thì cháu cũng đã tìm hiểu cụ ạ.                Thành Hoàng (chữ Hán: 城隍) là vị thần được tôn thờ chính trong đình làng Việt Nam. Vị thần này dù có hay không có họ tên & lai lịch, dù xuất thân bất kỳ từ tầng lớp nào, thì cũng là chủ tể trên cõi thiêng của làng và đều mang tính chất chung là “ hộ quốc tý dân” (hộ nước giúp dân) ở ngay địa phương đó.
 Tên gọi Thành Hoàng xuất phát từ chữ Hán: Thành là cái thành, hoàng là cái hào bao quanh cái thành; và khi ghép chung lại thành một từ dùng để chỉ vị thần coi giữ, bảo trợ cho cái thành, bảo vệ cho cả một khu vực. Nhà văn Sơn Nam cho biết thêm: Ông thần ở đình làng gọi là Thần Thành Hoàng, cai quản khu vực trong khung thành. Thoạt tiên là thần ngự trị nơi thị tứ, sau áp dụng (cả) nơi thôn xóm, (vì) vẫn có điếm canh bố trí bao quanh...
         Cũng theo Sơn Nam, thần Thành Hoàng, theo thông lệ, thờ thần đàn ông, vì khí Dương đem sức mạnh cho muôn loài, muôn vật. Và gọi ông Thần Hoàng là sai nghĩa, vì cái tên này chỉ thứ nghi lễ đốt tờ giấy vàng, tức bản sao sắc phong do nhà vua tặng cho cha mẹ, ông bà đã qua đời của quan chức cao cấp thời phong kiến; và tục này ở trong Nam Bộ không có.
               Bởi vậy, khi trích lại đoạn viết về tục "thờ thần" ở trong sách Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính, nhà văn Sơn Nam đã sửa từ "Thần hoàng" ra "Thành hoàng" cốt để người đọc không còn lầm lẫn giữa hai thứ. Tuy nhiên, xét trong sách Việt Nam phong tục, lễ Thần hoàng được xếp vào mục Phong tục trong gia tộc; còn việc thờ phụng Thần hoàng được xếp vào mục Phong tục hương đảng, thì rõ là tác giả sách đã chỉ ra đó là hai thứ khác nhau.
Điểm đáng chú ý khác nữa, vì là vùng đất mới, nên ở Nam Bộ nhiều đình làng, thần chỉ có tên là Bổn cảnh Thành hoàng hay Thành hoàng Bổn cảnh (神隍本境). Theo sách Minh Mạng chính yếu, quyển thứ 12, năm Minh Mạng thứ 20 (1839), thì nhà vua đã chuẩn y lời tâu của Bộ Lễ xin hạ lệnh cho các địa phương lập thêm thần vị Bổn cảnh. Đây là chức vụ mới, lúc trước không phổ biến. Lê Phục Thiện, người dịch sách trên chú giải: Thành hoàng là vị thần coi một khu vực nào. Bổn cảnh là cõi đất nơi mình được thờ. Nhà văn Sơn Nam cho biết bởi đây là dạng viên chức được vua ủy quyền trừu tượng, trong rất nhiều trường hợp, không phải là con người lịch sử bằng xương bằng thịt. Do vậy, đa phần không có tượng mà chỉ thờ một chữ "thần" (神) và thường cũng chỉ có mỹ hiệu chung chung là "Quảng hậu, chính trực, đôn ngưng" (tức rộng rãi, ngay thẳng, tích tụ).
Về nguồn gốc tục lệ thờ Thần Thành Hoàng, sách Việt Nam phong tục chép: Xét về cái tục thờ Thần hoàng (hiểu là thần Thành Hoàng) này từ trước đời Tam Quốc (Trung Quốc) trở về trước vẫn đã có, nhưng ngày xưa thì nhà vua nhân có việc cầu đảo gì mới thiết đàn cúng tế mà thôi. Đến đời nhà Đường, Lý Đức Dụ làm tướng, mới bắt đầu lập miếu Thần hoàng ở Thành Đô; kế đến nhà Tốngnhà Minh, thiên hạ đâu đâu cũng có lập miếu thờ.
Nước ta thuở bấy giờ đang lúc nội thuộc, tục Tàu truyền sang đến bên này, kế đến Đinh thì việc thờ quỷ thần đã thịnh hành rồi.
Nhưng cứ xét cái chủ ý lúc trước, thì mỗi phương có danh sơn (ngọn núi có tiếng), đại xuyên (sông lớn); triều đình lập miếu thờ thần sơn xuyên (núi sông) ấy để làm chủ tể (người đứng đầu) cho việc ấm tí một phương thôi. Kế sau, triều đình tinh biểu (làm cho thấy rõ công trạng, tiết tháo) những bậc trung thần nghĩa sĩ và những người có công lao với nước, thì cũng lập đền cho dân xã ở gần đâu thờ đấy. Từ đó dân gian lần lần bắt chước nhau, chỗ nào cũng phải thờ một vị để làm chủ tể trong làng mình...Dân ta tin rằng: Đất có Thổ công, sông có Hà bá; cảnh thổ nào phải có Thần hoàng ấy; vậy phải thờ phụng để thần ủng hộ cho dân, vì thế mỗi ngày việc thờ thần một thịnh...

 Cụ lại khen tôi: Cậu cũng chịu khó sưu tầm đấy. Vậy thì Thần Thành Hoàng làng mình thờ là ai?
- Thưa cụ, theo cháu hiểu thì các làng xã ở Việt Nam có 2 kiểu tôn thần Thành Hoàng làng. Một là tôn vinh các bậc trung thần nghĩa sĩ có công với nước, các anh hùng dân tộc, các vị có công lao khai phá dựng lên một làng xã hay một ông tổ nghề của làng… làm Thần Thành Hoàng. Đó là những con người có thực, đó là những nhân thần. Còn ở làng Giữa, thờ thiên thần cụ ạ, theo sử sách thì làng cháu thờ thần Thành Hoàng có tên là Lạc Thị Đệ Nhị Đại vương, cũng tương tự như bên Thụy Mão thờ Lạc Thị Đệ nhất Đại vương và bên Đông Miếu thờ Lạc Thị Đệ Tam Đại Vương.
Cụ già : À ra  vậy! Thế Nghè làng mình có nhiều người đến làm lễ ở đây không cậu?
- Thưa cụ, nhiều người đến chứ ạ. Ngày nào cũng có nhiều người đến đây làm lễ. Thường các gia đình trong làng có việc như tang lễ, dựng nhà cửa hoặc cưới hỏi cho các con… đều sửa lễ vật hoặc lễ đen đến làm lễ ở Đình và Nghè. Hoặc giả như chỉ xuống làm lễ ở Nghè vì người ta quan niệm Nghè cũng là nơi trú ngụ thường xuyên của Thần Thành Hoàng. Đến làm lễ ở Nghè đơn giản về lễ nghi, lại thuận tiện về đường đi, cho nên nhiều anh chị em đi chợ, hoặc đi bán hàng thường qua Nghè làm lễ, cầu mong đi đến nơi về đến chốn, hàng hóa bán được dễ dàng… Hàng tháng, số tiền cúng thu được ở Nghè thường nhiều hơn ở Đình. Các cụ trong Ban Nghi Lễ Đình làng thường xuyên thông báo công khai, tập hợp lại số tiền đó để tiếp tục tu bổ các công trình tâm linh trong làng cụ ạ.
Gần đây, các gia đình có các con cháu đi thi vào cấp III, thi đại học…cũng thường vào làm lễ cầu mong cho các cháu đỗ đạt. cũng có cả các cô giáo đến làm lễ cho con trước khi đi thi..
Cụ già nói:  Cậu có tin Thành Hoàng phù hộ không?
-         Thưa cụ, nói thật cháu cũng không tin lắm!
-         Đúng vậy! Thần thánh gì cũng chỉ phù hộ những
cháu ngoan ngoãn, chăm ngoan, chịu khó học thôi. Còn thần thánh nào phù hộ những đứa lười nhác lao động, học hành, vô lễ với người già, thầy giáo và bố mẹ? Nếu có ông Thần nào phù hộ những đứa ấy, thì dân chúng cũng phản đối, vì mất công bằng và thần cũng sẽ mất thiêng. Vậy từ nay có cháu nào đến làm lễ, cậu cứ nói vui với các cháu : phải “ Đông + Tây, Âm +  Dương kết hợp” nhé! Chứ chỉ có lễ lạt mà không chịu ngoan ngoãn học hành, chịu khó rèn luyện thì chẳng ông thần nào phù hộ cho đâu!


          Tôi thấy cụ già nói đúng quá, đấy là theo ý tôi, nhưng vẫn còn hơi thắc mắc : Cụ ơi, nếu họ lắm tiền, có lễ thật to thì Thần có phù hộ không?
          Lần đầu thấy cụ già tỏ vẻ bực bội:
-                     Ô, thế cậu tưởng các thần cũng như bọn quan lại tham nhũng ở cõi này à, “ tốt lễ dễ van” à? “ kinh tế thị trường “ à? Thần nào làm bậy thì bị cách ngay. Ở cõi tâm linh không như ở chốn trần thế này, quy trình thì phức tạp mà  lại đầy kẽ hở. Quy trình thì đúng nhưng vận dụng láo vẫn “ đúng quy trình” ! Ở cõi thiêng Thần nào làm sai thì bị trị ngay.
-                     Thế cháu hỏi cụ:   Thế người lễ nhiều, người lễ ít cũng giống nhau à, nếu thần phù hộ như nhau thì cũng là bất công?
-                     Tôi  tưởng cậu có nhận thức khá, nhưng đoạn này thì lại hơi yếu đấy! Các thần bao giờ cũng rất công bằng. Quan trọng nhất là “thành tâm”. Người nghèo có ít, người giàu có nhiều thần coi như nhau. Người có điều kiện cúng hàng triệu, hàng trăm, người nghèo vài ba chục cũng được. Thậm chí, không có tiền thì góp công, góp sức, tu bổ quét dọn chốn tâm linh, các thần vẫn cổ vũ, phù hộ nhiệt tình. Người khó khăn chỉ mang đầu đến lễ, thần cũng phù hộ, nhưng dĩ nhiên phân biệt kẻ giàu có mà bủn xỉn, không chịu tốn tiền. Như cậu nói ở làng mình, tiền cúng, lễ cũng là cúng thần, cũng là phục vụ cộng đồng, chứ thần nào tiêu đâu? Mà cúng là phải cúng bằng tiền thật, để còn dùng vào việc có ích, chứ cúng bằng “ tiền âm phủ”, vàng mã thì chỉ có đốt ra tro. Thần cũng chẳng hưởng mà dân cũng chẳng được tiêu…
         Tôi thật sự bị cụ chinh phục!  Cụ nói tiếp:
          - Nói thật với cậu, tôi thấy dân làng mình nhiều người còn lơ mơ lắm! Cứ tự hào là làng văn hiến, nhưng hỏi “văn hiến” là gì thì không biết! Ứng xử nào đã văn hiến lắm đâu. Cậu cứ nhìn vào trong làng thì thấy: Môi trường thì ô nhiễm. Cúng bái thì lộn xộn.Thanh thiếu niên bây giờ nhiều cháu chưa tôn trọng người già…Hỏi đến Nghè lễ ai, chắc nhiều người không biết. Đi chùa thì chăm nhưng nói xấu, cãi nhau như hát hay. Cháu xin một ít tiền đóng tiền học thì bà tiếc, đem tiền đó ra cúng chùa…Hỏi giáo lý đạo Phật thì chẳng biết gì…
          - Chùa làng cháu bây giờ được tôn tạo đẹp lắm cụ ạ, hàng ngày nhiều cụ ra chùa lễ phật, tu thân. Nhân đây cụ có thể giải thích triết lý cơ bản của đạo Phật không ạ?
          - Được chứ! Đạo Phật là một tôn giáo tốt, thực ra là một đạo khoa học và có tính nhân văn cao. Nó dạy con người ta ăn ở đạo đức, tu thân, rèn mình. Thương người, thương mọi chúng sinh và cả thương mình nữa. Đạo Phật dạy người ta tin vào luân hồi và nhân quả. Nếu có niềm tin như vậy cũng rất tốt cho xã hội, cho con người. Tuy nhiên có những người mê muội quá, hoặc có người lợi dụng sự mê tín làm khổ người ta, làm xấu đi hình ảnh của Đức Phật…
          - Nhưng cháu thấy ở nước mình toàn đi theo những tôn giáo có nguồn gốc từ nước ngoài…
          - Cậu nói thế không hoàn toàn chính xác. Vả lại thế giới là cộng đồng, văn hóa có tính lan tỏa, giao lưu. Nếu tôn giáo nào tốt, thì nó lan truyền nước nọ nước kia cũng là điều dễ hiểu, mình có theo, có học cũng chẳng sao.
         Nước mình, cũng có nhiều phong tục, tín ngưỡng có thể coi như một tôn giáo cũng được. Như tục Thờ Mẹ (Đạo Mẫu), thờ cúng tổ tiên, ông bà cha mẹ, khác hẳn nước ngoài chứ cậu?
          - Vâng, đúng như cụ dạy ạ.
- Ngay như  việc mỗi làng xã có Đình, có Nghè, có tục lệ thờ Thần Thành Hoàng như làng cậu chẳng hạn. Nói thật với cậu, ai mà được trông nom, chăm sóc công việc và thắp hương ở Đình, Nghè là có phúc lắm đấy. Nếu  làm việc có tâm là thần linh sẽ phù hộ cho mạnh khỏe, gia đình phát đạt, con cháu sẽ ngoan ngoãn trưởng thành…

                                            ***

Chợt một cơn gió mạnh thổi qua. Lá bay ào ào , bay sang cả dẫy ruộng xa cạnh Nghè. Mải nhìn theo luồng lá bay, quay lại thì không thấy cụ già đâu nữa.
Giật mình tỉnh giấc, thì ra là một giấc mơ. Hay là cụ già chính là Thần Thành Hoàng mà may mình được gặp?

                                                     Tháng 7 năm 2018

                                                    LÊ TRUNG THÔN 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét