Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2018

MỘT LẦN ĐƯỢC GẶP NHÀ THƠ HOÀNG CẦM

MỘT LẦN ĐƯỢC GẶP NHÀ THƠ HOÀNG CẦM
Lần gặp ấy cách đây 32 năm (1996), khi ông về thăm quê, làng Lạc Thổ, xã Song Hồ (nay thuộc Thị trấn Hồ - đến 1997 mới thành lập Thị trấn Hồ), huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Cùng đi với ông có đoàn làm phim tài liệu về cuộc đời và sự nghiệp thơ của ông, một số nghệ sỹ đoàn Quan họ Bắc Ninh, anh Hoàng Kỳ con trai của ông, một cô gái người Nhật đang làm nghiên cứu sinh tiến sỹ về Văn hóa Việt Nam. Huyện Thuận Thành được tổ chức buổi đón tiếp ông, có một số lãnh đạo huyện; Phòng GD&ĐT có anh Nguyễn Đức Bưởi – trưởng phòng và tôi – phó trưởng phòng; Phòng VHTT; NGUT Nguyễn Tiến Chấn, nguyên HT trường THPT Thuận Thành, người cùng làng với nhà thơ; đông đảo giáo viên dạy giỏi môn văn và học sinh giỏi văn trong huyện; lãnh đạo ĐU&UBND xã Song Hồ.
Năm ấy ông 74 tuổi. Với chiếc áo sơ mi màu đỏ, quần màu sẫm là phẳng phiu, mái tóc bạc trắng, dáng người xương xương, nhưng đặc biệt trên gương mặt ông là đôi mắt sáng, môi đỏ, nước da trắng, trông ông rất phong tình. Nghe ông tâm sự về cuộc đời, về nghiệp thơ bằng một giọng trầm, ấm nhưng hào sảng, nhất là lúc ông đọc những bài thơ Lá diêu bông, Bên kia sông Đuống bằng một cảm xúc khi sâu lắng, lúc mãnh liệt. Có đoạn ông cất tiếng ngâm bằng âm hưởng của ca trù, của những giai điệu dân ca quê hương, như đã ngấm vào con tim ông. Câu chuyện về cuộc đời, ông kể:
Ông tên thật là Bùi Tằng Việt, sinh 22 tháng 2 năm 1922, tại xã Phúc Tằng, nay là thôn Phúc Tằng, xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Quê gốc của ông ở làng Lạc Thổ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ông xuất thân trong gia đình nhà nho lâu đời. Thân sinh ông thi không đỗ, về dạy chữ Hán và làm thuốc bắc ở Bắc Giang. Tên ông được đặt ghép từ địa danh quê hương: Phúc Tằng và Việt Yên. Thuở nhỏ, ông học tiểu học, trung học đều ở Bắc Giang và Bắc Ninh; đến năm 1938, ra Hà Nội học trường Thăng Long. Năm 1940, ông đỗ tú tài toàn phần và bước vào nghề văn, dịch sách cho Tân dân xã của Vũ Đình Long. Từ đó, ông lấy bút danh là tên một vị thuốc đắng trong thuốc bắc: Hoàng Cầm.
Năm 1944, do Chiến tranh thế giới thứ hai xảy ra quyết liệt, ông đưa gia đình về lại quê gốc ở Thuận Thành. Cũng tại nơi này, ông bắt đầu tham gia hoạt động Thanh niên Cứu quốc của Việt Minh. Cách mạng tháng Tám nổ ra, ông về Hà Nội, thành lập đoàn kịch Đông Phương. Khi Chiến tranh Đông Dương bùng nổ, ông theo đoàn kịch rút ra khỏi Hà Nội, biểu diễn lưu động ở vùng Bắc Ninh, Bắc Giang, Sơn Tây, Thái Bình một thời gian rồi giải thể.
Tháng 8 năm 1947, ông tham gia Vệ quốc quân ở chiến khu 12. Cuối năm đó, ông thành lập đội Tuyên truyền văn nghệ, đội văn công quân đội đầu tiên. Năm 1952, ông được cử làm Trưởng đoàn văn công Tổng cục Chính trị, hoạt động biểu diễn cho quân dân vùng tự do và phục vụ các chiến dịch.
Tháng 10 năm 1954, đoàn văn công về Hà Nội. Đầu năm 1955, do đoàn văn công mở rộng thêm nhiều bộ môn, Hoàng Cầm được giao nhiệm vụ trưởng đoàn kịch nói. Cuối năm 1955, ông về công tác ở Hội Văn nghệ Việt Nam, làm công tác xuất bản. Tháng 4 năm 1957, ông tham gia thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, và được bầu vào Ban chấp hành. Tuy nhiên, không lâu sau, do vụ án "Nhân văn Giai phẩm", ông phải rút khỏi Hội nhà văn vào năm 1958 và về hưu non năm 1970 lúc 48 tuổi.
Ông nổi tiếng với vở kịch thơ Hận Nam Quan, Kiều Loan và các bài thơ Lá diêu bông, Bên kia sông Đuống. Bài thơ Bên kia sông Đuống được chọn vào giảng dạy trong giáo trình trung học phổ thông. Ngoài bút danh Hoàng Cầm ông còn có các bút danh: Bằng Việt, Lê Thái, Lê Kỳ Anh, Bằng Phi.
Đầu năm 2007, ông được Nhà nước Việt Nam tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật do Chủ tịch nước ký quyết định. Thời gian cuối đời ông sống tại Hà Nội và ông đã mất vào ngày 6 tháng 5 năm 2010 vì bệnh nặng.
Về nghiệp Thơ, ông kể: “Tôi sớm viết thơ tình vì trời "bắt tội" tôi yêu sớm. Tám tuổi đã biết say mê. Nàng thơ đầu tiên của tôi hơn tôi 8 tuổi. Ngày ấy, mẹ tôi bán hàng xén. Một lần từ tỉnh lỵ trọ học về thăm nhà, tôi nhìn thấy chị mua hàng ở chiếc quầy nhỏ. Trong ánh nắng chiều, chị hiện ra trước mắt tôi, đẹp rực rỡ như một thiên thần. Từ đó trái tim tôi lao đao, choáng ngợp vì chị. Tôi hiểu đó là thứ tình cảm gái trai thật sự chứ không phải là tình chị em con trẻ. Trước, mỗi thứ bảy tôi mới về thăm nhà một lần thì từ khi biết chị, cứ đều đặn đến thứ tư và thứ bảy là tôi mua vé tàu về quê. Rồi tôi lẽo đẽo đi theo chị, chỉ để ngắm thôi. Hai chị em cứ quyến luyến nhau như thế cho đến ngày chị đi lấy chồng. Chị tên là Vinh, là người con gái đã gợi hứng cho bài thơ Lá Diêu Bông của tôi”.
Bài thơ “Bên kia sông Đuống” ông sáng tác năm 1948. Sông Đuống còn gọi là sông “Thiên Đức”, là một nhánh của sông Hồng nối với sông Thái Bình, chia tỉnh Bắc Ninh ra làm hai phần: Nam (hữu ngạn), và Bắc (tả ngạn). Quê hương Hoàng Cầm ở Nam phần tỉnh Bắc Ninh, ngay bên bờ sông Đuống. Khi giặc Pháp chiếm Nam phần Bắc Ninh thì Hoàng Cầm đang công tác ở Việt Bắc. Một đêm giữa tháng tư năm 1948, Hoàng Cầm trực tiếp nghe tin giặc Pháp đánh phá quê hương mình (nằm bên bờ sông Đuống, thuộc xứ Kinh Bắc - một vùng đất trù phú và nổi tiếng vì có truyền thống văn hoá lâu đời). Ông rất xúc động và ngay đêm ấy, dưới ngọn đèn dầu ông viết một mạch từ 12 giờ đêm đến gần sáng với “niềm căm giận và niềm thương cảm sâu sắc” như chính nhà thơ đã có lần tâm sự về bài thơ này (“bên này” là đất tự do, hướng về “bên kia” là vùng giặc chiếm đóng và dày xéo). Bài thơ lần đầu tiên được đăng trên báo “Cứu quốc” tháng 6-1948 và nhanh chóng được phổ biến rộng ra toàn quốc. Cái huyền thoại về Sông Đuống “nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ” có thể là không có thật với bất kỳ ai, nhưng với Hoàng Cầm, người mà mỗi bài thơ đều như được phát tích từ một huyền tưởng cổ tích, ông đã từng thấy sông Đuống nằm nghiêng thật, trong tâm khảm của ông. “Bên kia sông Đuống”, “Đêm liên hoan”, kịch thơ “Kiều Loan”… chính là một trong những thành công vang dội nhất của Hoàng Cầm thời chống Pháp.
Ông nói về những bóng hồng trong mộng của mình bây giờ cũng đã chẳng còn như xưa. Chị Vinh - mối tình đầu đẹp nhất của cậu bé trai mười hai tuổi bây giờ chỉ có thể nói về chị bằng một lời ngắn ngủi buồn: “hồng nhan bạc mệnh”. Một người Chị khác, với mối tình “Cây tam cúc” nghe đâu hiện đang ở Thủ Đức, nhưng bà không dám nhận mình đã từng “gọi đôi cây trầu cay má đỏ, kết xe hồng đưa Chị đến quê Em”. Người vợ thứ hai của ông, bà Tuyết Khanh, người vào vai “Kiều Loan”, đã hạ sinh cho ông một nàng tố nữ đặt tên nhân vật vở kịch để kỷ niệm, cũng là một mối tình lớn mà những thi sĩ cùng thời thường hay trầm trồ bàn tán, nhất là khi trẻ bà còn là “mối tình si” của nhà thơ Vũ Hoàng Chương. Do trắc trở số phận, bây giờ, bà đang sống ở Mỹ. Còn bà Lê Hoàng Yến, người sau cùng sống với nhà thơ, chính là người đã sống với ông lâu nhất. Nhưng bà mất cũng đã 20 năm nay…
Năm 1958, sau vụ bị quy chụp Nhân văn giai phẩm, ba mươi năm lặng lẽ ngồi nhà như một vị thiền sư, kỳ thực, hồn thơ Hoàng Cầm đã lặng lẽ hướng về Kinh Bắc, đi tìm một mối giao cảm mà chính ông mới là người hiểu rõ. Những bài thơ hay nhất trong đời thơ của ông ra đời, tuy không được phát hành nhưng vẫn được chuyền tay. Sau cao trào đổi mới, được khôi phục quyền công bố, đăng tải tác phẩm, liên tiếp những tập thơ “Về Kinh Bắc”, “Lá diêu bông”, “Mưa Thuận Thành”, “99 tình khúc” của Hoàng Cầm ra mắt đã khiến độc giả sửng sốt. Một giọng thơ đầy sức quyến rũ bởi cái nội tâm sâu thẳm và chiều sâu văn hoá của một địa danh rờ rỡ hiện lên.
Thơ Hoàng Cầm mượt mà như một điệu dân ca, lại có sự tha thiết, quyến rũ, bồng bềnh và cũng lắm lúc hồn nhiên, dân dã của hát xoan, hát ghẹo, lại có cả sự khó cắt nghĩa rõ ràng của một tâm thức luôn hướng về những gì tưởng như là mộng ảo. Nên đọc thơ ông, thường, người ta thấy cảm nhiều hơn là dễ phân tích. “Nghé cây bài tìm hơi tóc ấm, Em đừng lớn nữa Chị đừng đi, Tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa, ổ rơm thơm đọng tuổi đương thì”…(Cây tam cúc), “Ngày cưới chị, em tìm thấy lá, Chị cười xe chỉ ấm trôn kim, Chị ba con em nhìn thấy lá, Xoè tay phủ mặt chị không nhìn” ( Lá diêu bông)…
Những câu thơ của ông luôn ẩn chứa một nỗi buồn kiêu sa, trong vắt, nỗi buồn của một người từ thuở bước chân sẻ đồng nhảy chân chim trên bờ nghiêng sông Đuống, ngây thơ lắm, hồn nhiên lắm, nhưng đã biết những gì mộng ảo của mình sẽ chẳng bao giờ thành sự thật, mà vẫn tin và yêu tất cả những gì mộng ảo, để một ngày nào đó, con sẻ đồng kia sẽ hóa thành phượng hoàng bay đi tìm những câu chuyện do mình từng mong ước dệt nên. Con chim sẻ ấy, cánh phượng hoàng ấy, đều là một Người Thơ cả, đều là câu thơ do chính ông viết ra “ Đợi sau khi Em qua đời, sẻ đồng thành phượng núi” (Đếm giờ), và cũng đều là vị thuốc đắng - giấc mơ ngọt cho Hoàng Cầm vượt lên những thử thách nhân gian.
Trong buổi gặp gỡ hôm ấy khi có người hỏi: Ở tuổi “xưa nay hiếm, ông có thể tự hào mà “tổng kết” bao nhiêu “lá diêu bông” đã bay qua đời mình? Ông nói mỉm cười: Không đếm được. Nếu đếm và kể ra thì liên quan đến đời tư của rất nhiều người. Trong đời tư, tôi yêu nhiều người và cũng có nhiều người yêu tôi. Nhưng không phải mối tình nào cũng suôn sẻ, trọn vẹn. Có rất nhiều thất vọng và thất bại. Tôi là một người rất quý trọng tình yêu, không yêu đương bừa bãi để thoả mãn nhu cầu. Đã gọi là tình yêu thì người đàn bà mình yêu phải hướng thiện với những gì đẹp đẽ nhất. Khi thực tế ngược lại với mơ ước, tôi thất vọng và thành ra tan vỡ. Mà càng như thế, càng yêu nhiều, tình yêu càng được nhân lên.
Để nói về sự nghiệp thơ của Hoàng Cầm, xin được dẫn trong điếu văn đọc tại tang lễ ông, nhà thơ Hữu Thỉnh - chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: Thi nhân "Mưa Thuận Thành" là nhà thơ "Độc đáo mà tự nhiên, là mình mà cũng là tất cả". Hữu Thỉnh cho rằng, sinh ra ở Bắc Ninh dường như là một "biệt đãi của số phận" dành cho Hoàng Cầm, bởi: "để làm một thi nhân, không còn mong ước gì hơn là được sinh ra, tại một vùng quê phong tình vào bậc nhất của đất Bắc, được bồi đắp cái năng lượng sống tối đa đủ tươi tốt cho cả đời người". Và Hoàng Cầm, với ý thức rằng ông chính là "Khí thiêng sông núi nhập / Duyên nghiệp thầm dư ba / Nghĩa tình quê vun đắp / Thấu dạ nghén tài hoa", có lẽ, cũng đã trả hết ân tình cho đời, bằng sự nghiệp thơ độc đáo, tài hoa. Ông, cũng chính là một "biệt đãi" mà số phận đã trao cho văn hóa Kinh Bắc, cho thi ca Việt Nam.
Trông lần gặp ấy còn có những câu chuyện vui về ông. Các cô diễn viên Quan họ có mặt hôm ấy, lúng liếng trong bộ áo tứ thân mớ ba mớ bảy, nón thúng quai thao trình bày nhứng làn điệu quan họ mượt mà cho ông nghe. Lúc đầu họ gọi ông bằng chú, vì ông hơn họ đến vài ba chục tuổi. Ông nhẹ nhàng hỏi: thế mình với các bạn có họ hàng với nhau không? Không ạ! Thế thì đừng gọi mình bằng chú, nhà thơ làm gì có tuổi. Được ông gợi ý, các cô gái chuyển sang gọi ông bằng anh, ông rất thích lắm. Cùng đi với ông còn có anh Hoàng Kỳ, con trai cả của ông, công tác tại Sở VHTT Hà Bắc. Vậy là cách xưng hô chuyển sang thân mật: anh bố - Hoàng Câm, anh con - Hoàng Kỳ.
Cô gái người Nhật, khoảng 26 tuổi, đang làm nghiên cứu sinh Tiến sỹ về Văn hóa Việt Nam cùng dự buổi ấy, cô nói tiếng Việt khá sõi. Nghe Thơ Hoàng Cầm, cô rất thích thú. NGUT Nguyễn Tiến Chấn hỏi cô gái Nhật: cháu nghe thơ của Hoàng Cầm, cháu hiểu được nhiều không. Cô nói: Thơ Hoàng Cầm rất hay những nhiều hình ảnh, ẩn dụ, rất tiếc cháu chỉ hiểu được gần 50%. Nhưng cháu sẽ cố gắng học thêm tiếng Việt để hiểu thêm về thơ Hoàng Cầm.
Chiều hôm nay, tôi lại thơ thẩn bên bờ nam sông Đuống. Sông Đuống trước mắt tôi trong tiết trời chớm thu, ráng chiều vàng rực, vẫn ” trôi đi một dòng lấp lánh”, soi bóng câu cầu Hồ, dập dìu xe cộ và người qua lại. Bên tai tôi văng vẳng giọng thơ ông đọc bài Bên kia sông Đuống. Một giọng thơ cuốn hút, lúc trầm ấm khi nói về dòng sông quê vùng quê Kinh Bắc thơ mộng với “Xanh xanh bãi mía bờ dâu. Ngô khoai biêng biếc”, với “những cô hàng xén răng đen, cười như mùa thu tỏa nắng”. Lúc đanh thép căm hờn khi nói về tội ác của giặc đang giày xéo trên quê hương: “Thân ta hoen ố vì mày. Hờn ta cùng với đất này dài lâu...”. Lúc lại hào sảng, lạc quan khi nói về một ngày mai tươi sáng: “Bao giờ về bên kia sông Đuống. Anh lại tìm em. Em mặc yếm thắm. Em thắt lụa hồng. Em đi trẩy hội non sông. Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh”.
Đã 18 năm trôi qua, Hoàng Cầm - ông hoàng thơ tình Việt nam đã trở về với dòng sông Đuống quê hương để ra biển lớn, hay ông đang phiêu diêu đi tìm lá Diêu bông ở cõi trời nào. Nhưng với tôi, với những người yêu kính ông, yêu thơ ông, ông còn mãi với vùng quê Kinh Bắc, với cả non sông đất Việt này./.
                                                                          Lê Đình Thanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét