Thứ Tư, 8 tháng 8, 2018

NGUYỄN HÀ HẢI – MỘT TẤM GƯƠNG HỌC SINH VƯỢT KHÓ

NGUYỄN HÀ HẢI – MỘT TẤM GƯƠNG HỌC SINH VƯỢT KHÓ
Sáng nay 08/8/2018, tôi đến thăm một chàng trai đã gây ấn tượng với tôi trong thời gian công tác - em Nguyễn Hà Hải, một học sinh vượt khó của huyện Thuận Thành.
Tại ngôi nhà đơn sơ ở thôn Chợ, xã An Bình, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, tôi gặp lại chàng trai Nguyễn Hà Hải. Vẫn dáng người xương xương, đôi chân và cánh tay khuyết tật, đi lại rất khó khăn nhưng trên khuôn mặt em là đôi mắt sáng, đầy nghị lực và niềm lạc quan.
Chị Nguyễn Thị Tâm, mẹ của em kể lại câu chuyện gia đình: Chị sinh năm 1954, thoát ly gia đình năm 1972, làm công nhân xăng dầu nhiều nơi, sau chuyển về làm lại Gia Lâm, Hà Nội. Do hoàn cảnh đưa đẩy, chị không có điều kiện xây dựng gia đình. Vượt qua mọi lời dị nghị, chị thực hiện quyền làm mẹ. Đến ngày 18/7/1990, chị sinh một bé trai và đặt tên là Nguyễn Hà Hải. Khi sinh, Hà Hải thiếu cân, sức khỏe yếu, tứ chi có dấu hiệu khuyết tật. Vừa đi làm để kiếm đồng lương ít ỏi, chị vượt qua mọi khó khăn để nuôi con dần khôn lớn.
Năm Hà Hải lên 7 tuổi, đôi chân và tay em rất yếu không tự đi lại được, nhưng em rất khát khao được đến trường học. Chị Tâm phải để Hà Hải ờ nhà cho bà dì nuôi nấng. Hàng ngày người bà tuổi cao cõng cháu đến trường Tiểu học An Bình. Chị vẫn phải ra Gia Lâm làm việc để kiếm tiền nuôi con, cuối tuần hớt hải về thăm con. Những năm học cấp THCS, Hà Hải được một người tốt bụng cho một chiếc xe lăn. Hàng ngày bà dì lại tiếp tục đẩy chiếc xe lăn đưa cháu đến trường trong suốt 4 năm trời. Năm 2005, Hà Hải tốt nghiệp THCS. Thương con vẫn khát khao được đi học, chị Tâm phải nghỉ chế độ hưu non để về chăm con. Hàng ngày trên tuyến đường 7 km từ thôn Chợ, xã An Bình đến trường THPT Thuận Thành số 3 (thị trấn Hồ) người ta thấy một người mẹ không quản nắng mưa, giá rét đẩy chiếc xe lăn đưa con đến trường. Ròng rã ba năm trời như vậy, Hà Hải không phụ lòng mẹ, em đã cố gắng học hành hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT và dự thi tuyển sinh vào trường Đại học KHXH&NV, chuyên ngành Thông tin thư viện.
Tháng 6.2008, Hà Hải nhận được giấy báo trúng tuyển đại học. Nhận được kết quả này, hai mẹ con chị Tâm nửa mừng nửa lo. Mừng vì Hà Hải đã đạt được ước mơ đại học. Nỗi lo thì nhiều lắm: Lo tiền ăn học, lo chỗ ở trọ, lo đi lại, lo cả sức khỏe cho con. Nhưng rồi với nghị lực và khát vọng học tập của con, chị Tâm lại đưa con bước vào cửa trường đại học. Trong suốt 4 năm trời, hai mẹ con thuê được một phòng trọ rộng 6 m2, cách trường khoảng 3 km. Hàng ngày sau khi đưa con vào lớp học xong, chị lại làm thêm việc quét dọn vệ sinh để thêm vào đồng lương hưu ít ỏi của mình. Đến hết giờ học lại đưa con trên chiếc xe lăn về nhà trọ. Từ năm thứ hai của đại học, Hà Hải thương mẹ, đòi dạy kèm thêm cho một số em học sinh, kiếm thêm tiền đưa cho mẹ. Năm 2012, Hà Hải đã tốt nghiệp đại học.
Sau khi tốt nghiệp đại học lại thêm lỗi lo kiếm việc làm. Nhiều sinh viên học xong đại học, có sức khỏe còn đang thất nghiệp. Được sự giúp đỡ của một số người tốt bụng giới thiệu Hà Hải xin làm hợp đồng Thủ thư tại trường Đại học Kinh Bắc (Bắc Ninh). Trước tấm gương vượt khó khăn của chàng trai khuyết tật, nhà trường đã chấp thuận. Tuy nhiên khi hai mẹ con Hà Hải lên thăm trường, chị Tâm lại ái ngại việc đi lại xa xôi, ăn ở khó khăn. Mẹ phải đi theo để chăm sóc con, không làm được việc gì thêm, đành phải trả lòi nhà trường xin thôi. Cuối năm 2012, được lãnh đạo UBND huyện, phòng GD&ĐT huyện và Trường THCS An Bình quan tâm, Hà Hải được nhận làm hợp đồng nhân viên thư viện (Thủ thư) Trường THCS An Bình ngay gần nhà.
Thư viện trường THCS An Bình lúc đầu chỉ có hơn 1000 đầu sách, chủ yếu là sách tham khảo cho giáo viên và một số sách, truyện cho thiếu nhi. Khi Hà Hải về làm Thủ thư, em đã cố gắng vận dụng kiến thức đã học ở trường đại học để củng cố lại thư viện. Em đề xuất với nhà trường trang bị cho thư viện máy tính, lập danh mục các đầu sách cập nhật vào máy tính để quản lý trên máy tính, tiện cho việc tra cứu. Em cũng đề xuất với nhà trường đầu tư tiền mua thêm sách, huy động mọi người tặng sách, làm tốt công tác giới thiệu sách báo. Nhờ vậy số đầu sách tăng dần, học sinh ham đọc sách hơn. Sách truyện được bảo quản tốt hơn.
Theo gợi ý của đồng chí Chủ tịch UBND huyện Thuận Thành, được sự đồng ý của Phòng GD&ĐT, phòng VHTT, UBND xã An Bình, và Hội đồng gia tộc họ Đỗ Thư viện trường THCS An Bình được mang tên Trạng nguyên Nguyễn Quang Bật. Việc mang tên Trạng nguyên Nguyễn Quang Bật, một danh thần thời Lê, người quê xã An Bình là thủy tổ của dòng họ Đỗ, một dòng họ khoa bảng có nhiều người học giỏi, đỗ đạt trong các triều đại phong kiến cũng như thời nay là một vinh dự của nhà trường, góp phần khích lệ học sinh học hành, vươn lên. Hôm 20.11.2015, nhân kỷ niệm ngày NGVN, nhà trường công bố quyết định và gắn biển Thư viện Nguyễn Quang Bật. Đông đảo lãnh đạo địa phương, các thế hệ học sinh thành danh, các bậc phụ huynh, các doanh nghiệp tại địa phương đã tới dự và tặng sách cho Thư viện.
Tiếng lành đồn xa, tấm gương vượt khó của Nguyễn Hà Hải đã được nhiều người mến mộ. Tháng 12.2017, VTV6 dành một chương trình Hôm nay ai đến đẻ giới thiệu về em. Trường liên cấp THCS&THPT Maricuiri đã mời Hà Hải tới dự buổi giao lưu với học sinh toàn trường. Đồng thời nhà trường cũng cử một đoàn học sinh về Trường THCS An Bình giao lưu về sách và tặng cho Thư viện Nguyễn Quang Bật 2000 cuốn sách. Hà Hải cũng được mời dự giao lưu với trường Tiểu học mai Dịch (Quận Cầu Giấy, Hà Nội). Tấm gương vượt khó của em đã để lại nhiều ấn trượng trong các em học sinh của các trường Thủ đô.
Không những hăng say, miệt mài công việc Thủ thư, với niềm đam mê môn văn từ nhỏ Hà Hải còn viết truyện ngắn và làm thơ. Nhà xuất bản Kim Đồng đã xuất bản hai tập truyện ngắn của em: Cậu bạn tý họn và Món quà trung thu. Các câu truyện của em thật dung dị nhẹ nhàng nhưng ẩn chứa khát vọng sống, được các bạn nhỏ yêu thích. Thư viện Nguyễn Quang Bật hiện nay có trên 10.000 đầu sách vởi thể loại phong phú. Hà Hải cho biết: sắp tới thư viện được huyện trang bị thêm hệ thống tủ, giá, bàn ghế cho độc giả và đặc biệt là xây dựng thành thư viện điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, đúng với chuyên môn mà em được đào tạo tại trường đại học.
Với tôi, hình ảnh chị Tâm hàng ngày đưa Hà Hải đi học những năm ở THPT Thuận Thành đã gây cho tôi nhiều ấn tượng. Tháng 8. 2028 khi nghe Hội khuyện học huyện báo cáo danh sách khen thưởng những học sinh đỗ cao vào đại học và những học sinh vượt khó, trong đó có Hà Hải, tôi càng ấn tượng mạnh hơn. Sau khi Hà Hải nhập trường Đại học, tôi cùng một số phóng viên Đài PTTH Bắc Ninh ra Hà Nội thăm và làm phim giới thiệu về em. Nhờ vậy trong quá trình học đại học em cũng được một số nhà hảo tâm giúp đỡ. Tôi cũng thường động viên em và tặng em những món quà nho nhỏ. Khi tới dự kỷ niệm 20.11.2015 và công bố quyết định Thư viện Nguyễn Quang Bật, tôi có tặng em chiếc laptop. Đầu năm 2018, được sự quan tâm của UBND huyện Thuận Thành, Hà Hải đã được tuyển dụng là nhân viên thư viện nhà trường.
Đến thăm gia đình em hôm nay, hai mẹ con em phấn khởi lắm. Mặc dù phía trước còn gặp nhiều khó khăn, tiền lương hưu của mẹ và tiền lương của con chỉ là 5 triệu chi tiêu còn phải tằn tiện nhưng khát vọng của em bước đầu đã toại nguyện. Mong cho Hà Hải đi trên đôi chân và một cánh tay khuyết tật, với nghị lực và quyết tâm của mình em sẽ từng bước đạt được mơ ước từ nhỏ của mình. Chúc cho em sớm tìm được người bạn đời cùng nhau đi tiếp trên con đường phía trước./.
                                                                                  Thuận Thành, ngày 08.8.2018
                                                                                           LÊ ĐÌNH THANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét