Thứ Năm, 12 tháng 6, 2014

Bài giới thiệu Nghè làng Đại Tự-Thanh Khương ( Thuận Thành )

Nghè Đại Tự

15h01 | 13/06/2013
Thôn Đại Tự thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành vốn là một làng Việt cổ, xưa thuộc vùng Dâu (tên chữ là Luy Lâu, hay Liên Lâu), nằm bên bờ sông Dâu.
Theo thư tịch cổ và truyền thuyết, làng Đại Tự là vùng đất hội tụ của “tứ linh tứ quý”. Nghè Đại Tự nằm ở trên thế đất tựa như “đài sen” có “tiền chu tước, hậu huyền vũ”, “tả long, hữu hổ”, nơi thờ Thành Hoàng làng là Tiết độ sứ quận Giao Châu và lai lịch công trạng đã được sử cổ, cũng như truyền thuyết dân gian ghi chép, ca ngợi. Cuốn “Thần tích thần sắc” của làng Đại Tự được kê khai vào năm 1938, đã ghi lại lai lịch công trạng của Thành Hoàng là người có công với nhân dân địa phương trong việc chiêu dân lập ấp, có ân uy lớn với dân với nước.
Nghè Đại Tự trải qua các triều đại nhiều lần trùng tu tôn tạo. Hiện nghè là công trình kiến trúc nghệ thuật của thời Nguyễn còn bảo lưu được. Thượng lương của Hậu cung còn dòng chữ Hán “Hoàng triều Duy Tân lục niên tam nguyệt thập lục nhật trùng tu thụ trụ thượng lương cát” (tức được trùng tu vào năm 1912). Nghè hình chữ “Đinh” gồm Tiền tế và Hậu cung, bộ khung gỗ chạm khắc trang trí “Tứ linh tứ quý” và hoa lá cách điệu nghệ thuật, mái ngói với các lớp đao cong duyên dáng. Tiền tế 5 gian được xây theo kiểu bình đầu bít đốc tay ngai, cột trụ hai bên, đỉnh đắp “Lưỡng long chầu nguyệt”. Hậu cung 3 gian được xây theo kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái đao cong duyên dáng.
Đặc biệt, ngăn giữa Tiền tế và Hậu cung là bức cửa cấm với hai cửa ngách hai bên, là nơi tập trung trang trí chạm khắc: Vì nóc của gian này theo kiểu “ván mê” được chạm nổi mặt “Hổ phù” ở giữa và hai bên là Rồng chầu. Dưới là bức cửa võng chạm thủng “Lưỡng long chầu nguyệt” và hai bên diềm là “Tứ linh tứ quý”. Hai bức cốn bên trên cửa ngách chạm nổi kênh bong “Rồng mây” với nét chạm điêu luyện, tinh xảo, mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Trước Tiền tế là sân rộng, qua sân là ao nghè và phía trước là cánh đồng, bao quanh còn có giếng nghè và vườn tược rộng rãi, quanh năm cây cối sầm uất cổ kính linh thiêng.
Hiện nghè Đại Tự còn bảo lưu được nhiều tài liệu, cổ vật quý như: Sắc phong, ngai bài vị, hoành phi, câu đối, hương án, bia đá, các đồ thờ tự… là những di sản văn hóa quý giá, không những cho biết về địa danh hành chính, tín ngưỡng, phong tục tập quán… của thôn Đại Tự xưa kia, mà còn cung cấp nhiều thông tin quý giá về lịch sử, văn hóa của vùng Dâu-Luy Lâu từng nổi tiếng là trung tâm kinh tế, chính trị, tín ngưỡng tôn giáo đầu tiên của nước ta. Đặc biệt là hệ thống bia đá cung cấp nhiều thông tin về lịch sử văn hóa của các thời đại trước đây.
Nghè Đại Tự nằm trong quần thể di tích đình-nghè là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa của cộng đồng làng xã nơi đây từng nổi tiếng với lễ hội truyền thống. Hội đình nghè được mở vào mùng 8 tháng Giêng âm lịch.
Xưa kia để chuẩn bị lễ hội, từ trong năm quan viên chức sắc của làng đã họp để bầu Quan Đám và phân việc cho các phe giáp trong làng. Quan Đám của làng được nhận ruộng công để trồng lúa, nuôi lợn tế Thánh. Vào hội, ngay từ mùng 2, đình và nghè đã được mở cửa để bao sái đồ thờ tự, phong cờ quạt. Ngày mồng 4, làng tổ chức tế Xuân và làm lễ nhập tịch. Sáng ngày mùng 8 chính hội, làng tổ chức rước Thánh từ nghè về đình để tế lễ mở hội. Đám rước long trọng tôn nghiêm, rợp trời cờ, kiệu, tàn, lọng, siêu đao, bát bửu, trống, chiêng, quan viên tế và dân làng. Khi đám rước Thần về đến đình làng tế lễ trong 2 ngày, mỗi ngày 3 tuần tế. Lễ vật tế Thần là lễ “Tam sinh” (lợn, bò, trâu); về sau chỉ còn: Xôi, gà, rượu, hoa quả, hương hoa.
Tục truyền, làng Đại Tự kết chạ với làng Thanh Hoài vì thờ chung Thánh. Mỗi khi mở hội có tục tế lễ giao lưu. Trong những ngày lễ hội, sau phần lễ là phần hội với những tục trò dân gian vui chơi giải trí như: Đu cây, vật, thi cỗ, ca trù, cờ tướng… Ngày nay, phần hội có thêm nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ và thể thao như: Ca hát, thơ ca, bóng đá, cầu lông… đã thu hút đông đảo nhân dân địa phương vào những sinh hoạt văn hóa văn nghệ thể thao vui tươi lành mạnh mang đậm bản sắc dân tộc.
Nghè Đại Tự với những di sản văn hóa quý giá, vật thể (kiến trúc, điêu khắc, thần tích, sắc phong, bia đá…) và phi vật thể (truyền thuyết, tín ngưỡng, lễ hội) khẳng định bề dầy lịch sử văn hiến của vùng Dâu cổ kính xứ Kinh Bắc-Bắc Ninh.
Đỗ Thị Thủy- Báo Bắc Ninh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét