Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2014

Nhân ngày gia đình Việt Nam

Không quên bữa cơm gia đình
Ngày Gia đình Việt Nam năm nay mang chủ đề giản dị nhưng ý nghĩa “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” để nhắc người Việt hãy biết trân trọng, gìn giữ những phút giây sum vầy, đầm ấm bên mâm cơm gia đình cùng người thân yêu của mình.
Ấm áp bữa cơm gia đình.

Trong thời thế giới “phẳng” ngày nay, những bữa cơm thân mật quây quần đông đủ vợ chồng con cái như không khí đầm ấm, chan chứa tình yêu thương của gia đình người nông dân nghèo “Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon” ngày càng hiếm hoi, xa lạ. Khi cuộc sống hiện đại đủ đầy hơn, chất lượng bữa ăn trong mỗi gia đình được nâng cao, thì không khí sum họp, đầm ấm lại có phần giảm đi. Mọi người lúc nào cũng bận rộn, gấp gáp. Ai cũng có thời gian biểu riêng của mình. Con cái thì học thêm ngoài giờ. Bố mẹ với muôn vàn lý do, người chơi thể thao, người bận tiếp khách, tiệc tùng, bia nhậu… nên thường xuyên ăn uống bên ngoài. Thế nên, dù sống chung dưới một mái nhà, ngày nào cũng ngủ cùng giường nhưng nhiều gia đình cả tuần không có được một bữa ăn sum vầy đông đủ.
Xưa nay, truyền thống văn hóa của người Việt vẫn coi bữa cơm là nơi truyền - nhận kinh nghiệm giáo dục, đạo đức, lối sống trong gia đình. Trong bốn điều “học ăn, học nói, học gói, học mở”, không phải ngẫu nhiên mà việc học ăn được ông bà ta đưa lên răn dạy đầu tiên. Ăn tuy là một nhu cầu thiết yếu thường xuyên mà mỗi con người cần được thỏa mãn nhưng người ta ăn không phải chỉ với chức năng nạp dinh dưỡng vào cơ thể mà còn để giao tiếp. Nếu không biết ứng xử có văn hóa trong những bữa tiệc đông người và “quên mình” khi ăn sẽ làm giảm phẩm chất văn hóa, lịch sự của mỗi người.
Ngay từ nhỏ, những đứa trẻ trong các gia đình Việt luôn được người lớn chú tâm dạy dỗ cẩn thận để biết mời cơm ông bà, bố mẹ, anh chị em trước khi ăn. Chúng còn được giảng giải thế nào là “liệu cơm gắp mắm”, “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” hoặc khi bất ngờ có khách đến chơi không kịp nấu thêm cơm thì mỗi người bớt lưng cơm là đủ phần mời khách vì “đói năm không ai đói bữa”… Như vậy, bữa cơm sum họp gia đình còn là thời điểm để thế hệ trước chuyển giao các giá trị văn hóa cho thế hệ sau.
Hạnh phúc nhỏ nhoi không phải ở việc ăn gì mà là trong cách người ta ăn và sự cần có mặt của nhau trong bữa ăn, ở sự nhường nhịn, hy sinh và sống vì nhau: “Miếng nạc thì để phần chồng, miếng xương phần mẹ, miếng lòng phần con” hoặc “Bấy lâu thiếp vắng mặt chàng/ Sầu bi trong dạ, ăn vàng không ngon”… Bữa cơm gia đình chính là nơi để mỗi thành viên trao gửi, vun đắp, nuôi dưỡng tình yêu thương và chăm sóc lẫn nhau. Người Việt bao giờ cũng vừa ăn vừa nói chuyện, đó cũng là nét văn hóa đặc trưng. Những lời hỏi han, trò chuyện khi ăn hoặc đôi khi là một vài cử chỉ yêu thương như gắp thức ăn mời nhau sẽ giúp các thành viên thấu hiểu và gần gũi hơn. Những giận hờn, khúc mắc trong cuộc sống chung cũng nhờ thế mà được hóa giải trong bữa cơm gia đình.
Ngày nay, sự phát triển chóng mặt của ngành dịch vụ và công nghệ thông tin đã mang đến rất nhiều tiện ích. Chỉ cần một cú điện thoại, một cái nhấp chuột là chẳng mấy chốc người ta đã có liền một suất ăn như ý. Hơn nữa, sống trong thời đại hội nhập, con người có thêm biết bao mối quan hệ. Có thể do sở thích nhưng nhiều khi là vì công việc bắt buộc mà người ta phải miễn cưỡng ăn ở ngoài. Song cho dù bất cứ lý do nào chăng nữa, đã là gia đình thì phải có rất nhiều thứ chung mà cái chung quan trọng nhất không thể bỏ, không thể quên là bữa cơm sum họp bên những người thân yêu của mình.
Bài, ảnh: V.Thanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét