Thứ Bảy, 7 tháng 6, 2014

Kỷ niêm ngày Người Cao tuổi


Đại Mão kỷ niệm 73 năm ngày truyền thống người cao tuổi Việt nam và Ngày người cao tuổi Việt Nam

I-HOẠT ĐỘNG KỶ NIỆM

Nhân kỷ niệm 73 năm ngày truyền thống người cao tuổi Việt nam và ngày người cao tuổi Việt Nam (6/6/1941 - 6/6/2014), Ban Chấp hành Chi hội Người Cao tuổi thôn Đại Mão đã tổ chức Hội nghị Kỷ niệm ngày truyền thống nói trên vào sáng 6/6 tại Nhà Văn Hóa.
Tới dự có nhiều đại biểu là Hội viên đại diện cho hơn 600 hội viên của Chi hội nằm trong 830 hộ trong thôn, có các  đại biểu đại diện cho Chi bộ, Ban Quản lý thôn cùng nhiều đại biểu các đoàn thể trong Ban Mặt trận cơ sở.

Tại Hội nghị, cụ  Nguyễn Đình Nghiễn trình bầy đề cương tuyên truyền  Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam-Ngày người cao tuổi Việt nam, các đại biểu nhớ thêm: Ngày 06 tháng 6 năm 1941, đồng chí Nguyễn Aí Quốc ra Lời kêu gọi "Kính cáo đồng bào" và " Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão" (tháng 6 năm 1941). Theo đề nghị của Ban Thường vụ Hội Người cao tuổi Việt Nam (khoá III), ngày 26 tháng 5 năm 2006, Thủ tướng Chính phủ Quyết định số 772/QĐ-TTg: Lấy ngày 06 tháng 6 hàng năm là "Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam".
Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khoá XII) ngày 23 tháng 11 năm 2009 đã ban hành Luật người cao tuổi. Điều 6,  Luật người cao tuổi ghi rõ: "Ngày 06 tháng 6 hằng năm là Ngày người cao tuổi Việt Nam"

Các đại biểu tự hào về truyền thống Người Cao tuổi Việt Nam, hiểu thêm vị trí, vai trò của người cao tuổi, như khoản 3, Điều 37 Hiến pháp 2013 đã  nêu rõ: "Người cao tuổi được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

   Sau đó Hội nghị  nghe cụ Lê Nho Giá - Chi hội trưởng Hội Người Cao tuổi thôn ôn lại một số truyền thống Người Cao tuổi thôn nhà. Thống nhất quan điểm của Người cao tuổi địa phương : Đồng tình, ủng hộ chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước trong việc giải quyết quan hệ Việt Nam- Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay; nhắc các hội viên gương mẫu thể hiện tuổi cao gương sáng trong việc thực hiện nhiệm vụ trước mắt của địa phương như đẩy mạnh sản xuất, làm tốt công tác đóng góp thuế và các loại nghĩa vụ năm 2014, đặc biệt là việc học tập tuyên truyền và vận động Quy ước của Thôn.

Hội nghị cũng được nghe đại biểu Chi bộ, Ban Công tác Mặt trận, Ban Quản lý thôn báo cáo tình hình sản xuất, các chủ trương công tác của địa phương và  động viên các hoạt động của Chi hội.

Hội nghị cũng được nghe nhiều lời ca tiếng hát, ngâm thơ của hội viên, nhất là lời  ca của ông Nguyễn Đình Hiệu và tiết mục ngâm thơ của bà Đỗ Thị Huy…

Bà Huy đã trình bày bài thơ của một tác giả địa phương – cụ Đỗ Trọng Ban ( nay đã mất). Xin giới thiệu cùng bạn đọc :
                   
                                                   QUÊ TÔI

Bao giờ bạn đến Thuận Thành,
Mời về Đại Mão quê mình tham  quan.

Đường đi lại dọc ngang than thản.
Cây thẳng hàng xòe tán xum xuê.
Làm ăn lương thiện nhiều nghề,
Chợ vui trăm nẻo, đi về bán mua.

Chiều vang tiếng chuông chùa gióng giả,
Sáng trẻ thơ rộn rã tới trường.
Nơi đây Văn vật khả quan,
Mời bạn thăm cảnh đình làng như thêu.

Đây Mã Bái- Long Triều phong thủy,
Vẫn đống lương trụ thạch xưa nay.
Người dân nghề nghiệp trong tay,
Tinh hoa tú phát đất này dài lâu.

Ôi Tổ Quốc mạnh giàu đổi mới,
Ôi quê hương vời vợi màu xanh!
Bên dòng sông Đuống vây quanh,
Ruộng đồng màu mỡ thắm tình phu sa.

Lộc đất nảy thơm hoa kết trái,
Con cháu nay trẩy hội rồng mây.
Tre già măng mọc đẹp thay,
Muôn hồng ngàn tía đắm say lòng người.

Quê tôi vui lắm bạn ơi!
Nhất ngày Xuân tế Mồng Mười tháng Giêng./.
Đại Mão-2008

Bài thơ do cụ Nguyễn Đình Yên sưu tầm, nói về việc chăm sóc Người Cao tuổi cũng được nhiều cụ quan tâm :

                               MUỐN ĐƯỢC TRƯỜNG THỌ

Trăm năm trong cõi người ta,
Muốn được trường thọ phải là rèn thân.

Trước là về việc uống, ăn,
Rau nhiều thịt ít khẩu phần thường xuyên.
Nhiều thịt có hại cho tim,
Mỡ nhiều bất lợi gây nên béo phì.
Hoa quả tươi, cứ ăn đi!
Đường trong hoa quả khác gì thuốc đâu.
Ăn ít nhai kỹ no lâu,
Dễ cho tiêu hóa phòng đau dạ dầy.
Nhiều chua ít mặn ít cay,
Giúp cho huyết áp tháng ngày bình yên.

Ngủ nhiều sức giảm chớ quên!
Ngủ sâu, nhẹ nhõm ưu phiền trong ta.
Vệ sinh thông thoáng cho da,
Hàng ngày phải tắm nên là thói quen!

Cười nhiều, giận ít thì nên,
Cười là thuốc bổ chất men cuộc đời.
Giận hại tỳ đấy ai ơi,
Biếng ăn kém ngủ tiếng cười mất đi!

Đi bộ nhiều, ít ngồi xe;
Lưu thông khí huyết giảm tê buốt người!

Làm nhiều nói ít bớt lời,
Xung quanh kính trọng, bạn đời mến yêu./.



I-ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN

 Nhân kỷ niệm 73 năm ngày truyền thống Người cao tuổi Việt Nam và ngày Người cao tuổi Việt Nam (6/6/1941 - 6/6/2014), xin gửi đến các Cụ và quý bạn đọc đề cương tuyên truyền cho Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam-Ngày người cao tuổi Việt nam năm 2014 do Trung ương Hội người cao tuổi Việt nam Phát Hành

Ngày 06 tháng 6 năm 1941, đồng chí Nguyễn Aí Quốc ra Lời kêu gọi "Kính cáo đồng bào" và " Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão" (tháng 6 năm 1941). Theo đề nghị của Ban Thường vụ Hội Người cao tuổi Việt Nam (khoá III), ngày 26 tháng 5 năm 2006, Thủ tướng Chính phủ Quyết định số 772/QĐ-TTg: Lấy ngày 06 tháng 6 hàng năm là "Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam".
Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khoá XII) ngày 23 tháng 11 năm 2009 đã ban hành Luật người cao tuổi. Điều 6,  Luật người cao tuổi ghi rõ: "Ngày 06 tháng 6 hằng năm là Ngày người cao tuổi Việt Nam"
  Ngày 06 tháng 6 năm 2014, kỉ niệm 73 năm Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam (06/6/1941-06/6/2014) - Ngày Người cao tuổi Việt Nam (06/6), Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam gửi các cấp Hội "Đề cương tuyên truyền Ngày truyền thống người cao tuổi - Ngày người cao tuổi Việt Nam" như sau:

1- Bối cảnh ra đời của lời kêu gọi "Kính cáo đồng bào"  ngày 06 tháng 6 năm 1941 và "Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão" của  đồng chí Nguyễn Aí Quốc.
a) Khái quát tình hình thế giới, trong nước lúc đó và chủ trương của Đảng.
Ngày 01 tháng 9 năm 1939, chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ.
Ở Châu Âu, quân đội phát xít Đức tiến công Ba Lan, Pháp, Chính phủ phản động Pháp đầu hàng, làm tay sai cho Đức (tháng 6 năm 1940). Ở Viễn Đông, quân đội phát xít Nhật tiến sát biên giới Việt - Trung.
Ở Đông Dương, thực dân Pháp lo sợ trước ngọn lửa cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Đông Dương và sự đe doạ nhẩy vào Đông Dương của phát xít Nhật; để đối phó, một mặt thực dân Pháp thực hiện chính sách thời chiến, ra sức phát xít hoá bộ máy thống trị, thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân ta; lệnh "tổng động viên" được ban bố, cùng chính sách "kinh tế chỉ huy" được thi hành nhằm tăng cường vơ vét sức người và sức của ở thuộc địa để cung ứng cho cuộc chiến tranh đế quốc. Chính sách phản động trên của thực dân Pháp đã đẩy nhân dân ta vào cảnh sống ngột ngạt, bần cùng.
Ngày 22 tháng 9 năm 1940, Nhật cho quân tiến đánh Lạng Sơn, ném bom thành phố Hải Phòng, đổ bộ vào thị xã Đồ Sơn. Quân Pháp ở Lạng Sơn nhanh chóng đầu hàng Nhật; sau đó Nhật lấn dần Pháp, buộc thực dân Pháp phải nhượng bộ, quỳ gối đầu hàng Nhật, cấu kết với phát xít Nhật để bóc lột nhân dân ta. Từ đó, nhân dân ta chịu 2 tầng  áp bức: thực dân Pháp và phát xít Nhật.
Ngày 28 tháng 01 năm 1941, đồng chí Nguyễn Aí Quốc về nước. Sau khi xem xét tình hình, đồng chí đã trực tiếp xây dựng cơ sở cách mạng, tổ chức quần chúng, chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám. Hội nghị Trung ương tám do Người chủ trì, từ ngày 10 đến 19 tháng 5 năm 1941 tại Pắc Bó (Cao Bằng). Hội nghị nhận định: "Cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc" và đưa ra chủ trương: phải giải phóng Đông Dương ra khỏi ách thống trị của Pháp - Nhật.
Hội nghị Trung ương 8 đã hoàn chỉnh sự chuyển hướng chiến lược và sách lược đề ra từ Hội nghị Trung ương 6 (tháng 11 năm 1939), Hội nghị Trung ương 7 (tháng 11 năm 1940) làm cơ sở để tập hợp quần chúng, xây dựng lực lượng chính trị, xây dựng lực lượng vũ trang, căn cứ địa cách mạng, chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền về tay nhân dân.
Thực hiện chủ trương chuyển hướng chiến lược trên, ngày 19 tháng 5 năm 1941 Mặt trận Việt minh chính thức được thành lập.
b) Nội dung cơ bản của Lời kêu gọi "Kính cáo đồng bào" và "Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão"
Để tập hợp lực lượng toàn dân thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc, đồng chí Nguyễn Aí Quốc ra lời kêu gọi "Kính cáo đồng bào"ngày 06 tháng 6 năm 1941 và "Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão" tháng 6 năm 1941
- Câu đầu tiên trong Lời kêu gọi "Kính cáo đồng bào" Người viết: " Hỡi các bậc phụ huynh!"; tiếp sau, mới đến các hiền nhân, chí sĩ, sĩ, nông, công, thương, binh...Điều đó đã khẳng định vai trò vận động, lôi cuốn, tầm ảnh hưởng rất quan trọng của các bậc phụ huynh (người cao tuổi) trong xây dựng khối đoàn kết toàn dân, thực hiện nhiệm vụ đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian để giành tự do, độc lập cho Tổ quốc. Người dẫn chứng bằng các tấm gương truyền thống của phụ lão góp phần vào những chiến công chung trong lịch sử dân tộc (Phụ lão đời nhà Trần, cụ Phan Đình Phùng, cụ Hoàng Hoa Thám...)
- Cùng thời gian này, Người ra "Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão". Người chỉ rõ: "Trách nhiệm của các vị phụ lão với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão xây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước bị mất, phụ lão cứu. Nước suy sụp, phụ lão phù trì.
Nước nhà hưng, suy, tồn, vong phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề... Nước nhà lo, các cụ cùng phải lo. Nước nhà vui, các cụ đều cùng được vui...
 Đối với gia đình, đối với Tổ quốc phụ lão có trọng trách là bậc tôn trưởng, đối với làng xóm, đối với bà con, phụ lão có sự tín nhiệm lớn lao. Phụ lão hô, nhân dân hưởng ứng; phụ lão làm, nhân dân làm theo..."
Người khẳng định: Thời cơ (cơ hội) giải phóng dân tộc đã đến, Người kêu gọi "Toàn dân đoàn kết" để đấu tranh  giành độc lập, tự do cho dân tộc. "Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy", "Việc cứu nước là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm: người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có sức góp sức, người có tài năng góp tài năng "...
 2- Thực hiện Nghị quyết của Đảng, hưởng ứng lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Aí Quốc, người cao tuổi đã sát cánh cùng nhân dân cả nước tích cực tham gia nhiều phong trào, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng.
a)  Từ năm 1941 đến  1945: hàng chục vạn người cao tuổi tham gia vào hội Phụ lão cứu quốc, tuyên truyền ủng hộ Mặt trận Việt Minh, xây dựng căn cứ địa cách mạng Bắc Sơn - Võ Nhai, củng cố và mở rộng khu căn cứ Cao - Bắc - Lạng, xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang của Đảng, nuôi, giấu, làm giao thông liên lạc cho cán bộ, làm công tác binh vận, giữ bí mật các cơ sở hoạt động của Đảng, tuyên truyền chống âm mưu chia rẽ của địch,  vận động thanh niên không đi lính cho Pháp, không làm tay sai cho Nhật, tích cực xây dựng lực lượng tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền. 
b) Trong kháng chiến chống Pháp, bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân, giữ vững nền độc lập dân tộc (02/9/1945 - 1954): Nhiều cụ đã gương mẫu thực hiện và vận động con cháu  tham gia diệt giặc đói,  giặc dốt và giặc ngoại xâm. Ở vùng địch tạm chiếm, các cụ dùng mưu kế rào làng kháng chiến, vận động con, cháu thực hiện khẩu hiệu "Cướp súng giặc, giết giặc", áp dụng lối đánh du kích tiêu hao sinh lực địch; tự tay đốt nhà mình thực hiện tiêu thổ kháng chiến, đối phó có hiệu quả các trận càn của giặc. Ở vùng tự do, vùng căn cứ địa kháng chiến, các cụ hăng hái tăng gia sản xuất, đóng thuế cho Nhà nước, góp gạo nuôi quân đánh giặc, động viên thanh niên xung phong đi bộ đội, đi thanh niên xung phong mở đường chiến dịch. Các "Hội mẹ chiến sĩ" tích cực vận động tiết kiệm, xây dựng "Hũ gạo nuôi quân", hết lòng chăm sóc anh em thương binh từ các mặt trận đưa về.
c) Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 -1975) người cao tuổi đã hăng hái tham gia thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược của dân tộc:
Tại miền Bắc: Nhiều hội viên phụ lão đã tích cực tham gia xây dựng những "Cánh đồng 5-10 tấn thắng Mỹ" giành danh hiệu "Phụ lão 3 giỏi". Nhiều cụ mạnh khỏe còn tham gia các đội "Bạch đầu quân", đặc biệt Trung đội lão dân quân Hoàng Hoá (Thanh Hoá) đã mưu trí, dũng cảm dùng súng bộ binh bắn rơi máy bay phản lực Mỹ, được Bác Hồ gửi thư khen.
  Tại chiến trường miền Nam: Nhiều cụ đã ngày đêm đào hầm nuôi dấu cán bộ, đùm bọc, giúp đỡ quân giải phóng, tham gia đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị. Nhiều bà má miền Nam tay không, dũng cảm đi đầu trong các đoàn biểu tình, hô vang các khẩu hiệu: Đả đảo sự đàn áp của Mỹ, Ngụy, đòi chồng, đòi con đang bị giam cầm; kêu gọi anh, em binh lính ngụy quay súng trở về với Tổ quốc, với đồng bào... bất chấp xe tăng, lưỡi lê, họng súng của kẻ thù.
d) Trong công cuộc đổi mới hôm nay: Nhất là từ khi Hội Người cao tuổi Việt Nam được thành lập (10/5/1995), người cao tuổi cả nước đang đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước "Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", ra sức hiến kế, hiến công nêu gương sáng trên các lĩnh vực sản xuất, xoá đói, giảm nghèo, khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập, xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tích cực thực hiện cuộc vận động xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh. Bằng uy tín của mình, hàng triệu hội viên người cao tuổi đã tham gia các tổ chức hoà giải, an ninh nhân dân, thanh tra nhân dân, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, trực tiếp hoà giải các bất hoà trong cộng đồng  dân cư, phát hiện kẻ xấu, cảm hoá giáo dục người lầm lỗi. Nhiều cơ sở Hội ở vùng biên giới và biển đảo đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng giáo dục, động viên nhân dân định canh, định cư, xây dựng làng bản, yên tâm sản xuất, không vượt biên, vượt biển trái phép, tích cực chống lại âm mưu của bọn xấu: Lôi kéo di dân tự do, phá rừng, buôn bán trái pháp luật, nhổ cột mốc lấn chiếm vùng đất biên cương, xâm phạm vùng biển, đảo và thềm lục địa của Tổ quốc. Ở Tây Nguyên, từ sau Hội nghị biểu dương các Gìa làng tiêu biểu các dân tộc Tây Nguyên (tháng 3/2009), nhiều cụ đã  giáo dục con, cháu không nghe lời dụ dỗ của bọn xấu, không đi biểu tình, không chia rẽ dân tộc, không vượt biên. Trên phạm vi toàn quốc, hàng vạn hội viên người cao tuổi đang đảm nhận Bí thư chi bộ, cấp uỷ Đảng, trưởng, phó nhiều đoàn thể ở địa phương và cơ sở.
Cùng với thực hiện phong trào "Tuổi cao - Gương sáng" trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Hội Người cao tuổi Việt Nam đã tích cực xây dựng tổ chức Hội ngày càng lớn mạnh. Từ ngày thành lập Hội đến nay, đã có 100% xã, phường, thị trấn thành lập tổ chức Hội cơ sở, có 99.578 chi hội, 250.540 tổ hội bám rễ sâu trong các thôn, bản, buôn, làng, khu dân cư, tổ dân phố, thu hút trên 8 triệu người cao tuổi vào Hội (8.077.912- cuối năm 2013). Nhiều cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương đánh giá cao Hội Người cao tuổi như: Một đoàn thể đông hội viên, hoạt động phong phú, góp phần tích cực thực hiện các chương trình kinh tế, xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội từ cơ sở; việc nhà, việc làng, việc nước đều có người cao tuổi tham gia. Tổ chức Hội Người cao tuổi thực sự là cầu nối giữa Đảng với dân.
Ngày nay, trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong xu thế già hoá dân số; đánh gía cao vai trò, vị thế của người cao tuổi, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm chăm sóc ngày càng tốt hơn và phát huy những tiềm năng, kinh nghiệm quý của người cao tuổi. Hội Người cao tuổi đã từng bước góp phần tạo dựng được hệ thống chính sách cho người cao tuổi mà đỉnh cao là Luật Người cao tuổi; xác định được mục tiêu của người cao tuổi là: Sống vui, sống khoẻ, sống hạnh phúc, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội; Hội Người cao tuổi Việt Nam là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; khẳng định 3 mặt hoạt động của Hội là: Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; chăm sóc, phụng dưỡng, phát huy vai trò của người cao tuổi; phong trào thi đua yêu nước "Tuổi cao - Gương sáng", thông qua các hoạt động mang lại hiệu quả cao như: "Người cao tuổi thi đua làm kinh tế giỏi"; người cao tuổi với phong trào "Xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh"; người cao tuổi với cuộc vận động "Xây dựng đời sống văn hoá"; người cao tuổi với phong trào "Khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập", người cao tuổi với phong trào "Bảo vệ an ninh, phòng chống tội phạm" "giữ gìn an ninh trật tự biên giới đất liền, biển đảo"; phong trào "Aó ấm cho NCT", "Xoá nhà tạm cho NCT"  người cao tuổi "góp phần bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới"; với việc thực hiện chương trình "Mắt sáng cho người cao tuổi".
Những hội viên người cao tuổi hôm nay chính là lớp người đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình cho đất nước. Đó là những trai tài, gái giỏi đầy lòng yêu nước năm xưa, nghe theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ, đã đứng lên đạp đổ ách thống trị của đế quốc, phất cao cờ cách mạng tháng 8 năm 1945 giành chính quyền về tay nhân dân, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Đó là những con người gan góc, trường kì kháng chiến chống thực dân Pháp "9 năm làm một Điện Biên" chấn động địa cầu. Những con người đánh Mỹ bằng cả quân sự, chính trị, ngoại giao; đánh giặc bằng cả 3 thứ quân, bằng vũ khí thô sơ và hiện đại, bằng cả kinh nghiệm truyền thống mấy ngàn năm lịch sử để kết thúc thắng lợi bằng chiến dịch lịch sử mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Suốt hơn 70 năm hi sinh, chiến đấu trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học, an ninh, quốc phòng, xây dựng Đảng, đến nay trong số hội viên người cao tuổi cả nước có 6.900 cụ được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý "Mẹ Việt Nam anh hùng"; 7.000 là lão thành cách mạng; 30.000 người là cán bộ cách mạng đã bị địch bắt, giam cầm, tù đày; trên 500.000 người cao tuổi là thương, bệnh binh; trên 100.000 người là cựu Thanh niên xung phong; 5.000 người có công với cách mạng; trên 1.700.000 người là Cựu chiến binh; trên 1.400.000 người hiện đang hưởng chế độ hưu trí, mất sức; 232 người cao tuổi được phong Anh hùng quân đội, Anh hùng lao động. Nhiều đại biểu người cao tuổi được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam các khoá. Đây là những đại biểu người cao tuổi ưu tú, tiêu biểu cho trí tuệ, đạo đức của người cao tuổi Việt Nam đang phát huy tích cực những nội lực sẵn có, đóng góp xứng đáng vào việc chăm lo xây dựng cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, của Nhà nước, đưa sự nghiệp vẻ vang của đất nước ta phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Điều đặc biệt hơn và rất tự hào, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người cao tuổi Việt Nam đẹp nhất, Người anh hùng giải phóng dân tộc, Người chiến sĩ lỗi lạc trong phong trào cộng sản quốc tế, là danh nhân văn hoá thế giới, Người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời là người đầu tiên kêu gọi thành lập Hội Phụ lão cứu quốc, tiền thân của Hội Người cao tuổi Việt Nam ngày nay.
3- Ngày 06 tháng 6 hàng năm trở thành Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam,cũng là Ngày người cao tuổi Việt Nam.
 Sau Lời kêu gọi "Kính cáo đồng bào" và "Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão" của đồng chí Nguyễn Aí Quốc, sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh ; cùng với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, phong trào "Đoàn kết toàn dân" "đoàn kết các bậc phụ lão" ngày càng phát triển; với sức mạnh đại đoàn kết dân tộc đã tạo ra nguồn lực to lớn, mạnh mẽ; là một trong những nhân tố góp phần quyết định thắng lợi các nhiệm vụ trong từng đoạn cách mạng của dân tộc.
Từ nguyện vọng  tha thiết của lớp người cao tuổi trong cả nước; sự quan tâm sâu sắc, đánh giá cao của Đảng, Nhà nước đối với những cống hiến to lớn trong suốt 65 năm chiến đấu và xây dựng đất nước của lớp người cao tuổi Việt Nam; theo đề nghị của Ban Thường vụ Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam (khoá III), ngày 26 tháng 5 năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 772/QĐ-TTg: Lấy ngày 06 tháng 6 hàng năm là "Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam".
Tiếp đó để khẳng định vai trò, vị thế của người cao tuổi và Hội Người cao tuổi Việt Nam, đồng thời thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi trong xã hội, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khoá XII) đã ban hành Luật người cao tuổi ngày 23 tháng 11 năm 2009. Điều 6 của Luật đã ghi rõ: "Ngày 06 tháng 6 hàng năm là Ngày người cao tuổi Việt Nam"
Như vậy, từ năm 2010, ngày 06 tháng 6 hàng năm là Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam, đồng thời cũng là Ngày Người cao tuổi Việt Nam.
Năm 2013, đất nước tuy còn khó khăn bộn bề, nhưng điều rất phấn khởi, tự hào là: Đảng, Nhà nước, các tầng lớp nhân dân trên mọi miền đất nước, trong đó có người cao tuổi đã tập trung nghiên cứu, tích cực bổ sung, sửa đổi Hiến pháp năm 1992 phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế trong thời kì mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Hàng chục triệu ý kiến dân chủ, tâm huyết, trí tuệ, tham gia, bổ sung, sửa đổi Hiến pháp của các tầng lớp nhân dân, trong đó có trên 2 triệu ý kiến tham gia của người cao tuổi và Hội Người cao tuổi Việt Nam. Ngày 28 tháng 11 năm 2013, Quốc hội khoá XIII, nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã biểu quyết thông qua bản Hiến pháp mới.
Về vị trí, vai trò của người cao tuổi, khoản 3, Điều 37 Hiến pháp 2013 nêu rõ: "Người cao tuổi được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
4- Kỷ niệm Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam và Ngày Người cao tuổi Việt Nam năm 2014.
Gắn kết chặt chẽ công tác tuyên truyền Ngày truyền thống người cao tuổi
 với tổ chức tuyên truyền Hiến pháp năm 2013, Luật Người cao tuổi, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, kỉ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII; triển khai thực hiện và giám sát thực hiện Luật người cao tuổi, chương trình hành động Quốc gia về người cao tuổi, giai đoạn 2012-2020, đẩy mạnh phong trào thi đua để hoàn thành tốt  nhiệm vụ năm 2014 của các cấp Hội, thực hiện tốt nhiệm vụ của Hội Người cao tuổi Việt Nam do Đảng, Nhà nước giao cho "Làm nòng cốt trong phong trào toàn dân chăm sóc, phụng dưỡng, phát huy vai trò người cao tuổi".
Năm nay không phải năm chẵn, các cấp Hội chỉ đạo các chi hội người cao tuổi tổ chức nhiều hoạt động kỉ niệm thiết thực phù hợp với thực tế địa phương. Từ trung tuần tháng 5 đến trung tuần tháng 6, các cấp Hội người cao tuổi phối  hợp với các cơ quan chức năng, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về Luật người cao tuổi, chương trình hành động Quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012 - 2020, chương trình hành động nhiệm kì IV của Hội Người cao tuổi Việt Nam.
Các buổi sinh hoạt của chi hội, tập trung tọa đàm về ý nghĩa, mục đích Ngày truyền thống - Ngày người cao tuổi Việt Nam, xây dựng tổ chức hội vững mạnh, đẩy mạnh xã hội hóa phong trào toàn dân chăm sóc, phụng dưỡng, phát huy vai trò người cao tuổi, vận động các gia đình, con cháu và cộng đồng dân cư thăm hỏi, giúp đỡ người cao tuổi, nhất là người cao tuổi khó khăn, cô đơn, khuyết tật; xây dựng Qũy chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; triển khai thực hiện "Chương trình mắt sáng cho người cao tuổi", "Người cao tuổi tham gia bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới"; xây dựng, phát triển các loại hình câu lạc bộ người cao tuổi ở cơ sở.

                                    ……………………………………………….

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét