Thứ Ba, 24 tháng 6, 2014

Nhớ vua LÊ THÁNH TÔNG

Từ lời Chủ tịch nước - nhớ vua Lê Thánh Tông
 Thứ ba, 24/06/2014 09:28 
 
̣(CATP) Trong bài trả lời phỏng vấn TTXVN về tình hình biển Đông mới đây, chợt nghe Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhắc đến lời vua Lê Thánh Tông nói với triều thần được ghi trong sử sách, có nhiều người lần giở Đại Việt sử ký toàn thư - bộ sử ký do Ngô Sĩ Liên biên soạn dựa trên sự chỉnh lý và bổ sung hai bộ quốc sử trước đó, hoàn thành lần đầu vào năm Hồng Đức thứ 10 (1479). 
>> Chủ tịch nước nhắc lại lời vua Lê Thánh Tông

Theo bộ xuất bản của Nhà xuất bản Khoa học xã hội. H.2004, tập II, trang 488-489, năm ấy là năm Hồng Đức thứ 4, Quý Tỵ (1473), tháng 4, vua ra sắc chỉ cho các nha môn phải dùng giấy trúc trong các bản tâu, định chế độ lương bổng cho các quan trị nhậm trong ngoài, rồi “dụ bọn thái bảo Kiến Dương bá Lê Cảnh Huy (quan đứng đầu phụ trách việc biên cương) rằng: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước núi, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di!”. 
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Ảnh: TTXVN
Tầm nhìn đế vương thấy rõ cái họa muôn đời của Đại Việt, một quốc gia luôn phải đối phó với nguy cơ ngoại xâm, các bậc minh quân luôn chú trọng việc phòng bị biên cương, giữ gìn bờ cõi. Lê Thánh Tông thường đề phòng ngoại bang và nhắc nhở quân dân không được lơ là, mất cảnh giác. Đại Việt sử ký toàn thư còn chép: Chỉ trong năm Đinh Hợi (1467), tháng 5 vua ban sắc dụ khiển trách các quan trấn thủ, phó tổng binh và thổ quan các xứ Lạng Sơn, An Giang, Bắc Bình: “Quan coi giữ bờ cõi của triều đình, cố nhiên phải giữ đất yên dân, đánh ngăn giặc ngoài là chức phận của mình”; tháng 9 vua căn dặn quan trấn thủ và phó tổng binh các vệ ở các xứ An Bang, Lạng Sơn, Tuyên Quang: “Các ngươi chức vụ đứng đầu một phương, chống giữ biên thùy nên phòng bị những sự không ngờ, để ngăn ngừa giặc ngoại xâm”... Đặc biệt là căn dặn các quan chức, kẻ nào “dám đem một thước núi, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di”.

“Thước núi, tấc đất” - đó không chỉ là lời răn dạy về giang sơn không thể tự tiện “vứt bỏ” dù nhỏ bé đến đâu vẫn là “đất Thái tổ” - đất Tổ quốc, mà còn là lời thề sông núi quyết tâm giữ gìn bờ cõi cương vực từng tấc đất, từng thước núi giang sơn; việc làm rõ “điều ngay lẽ gian” thể hiện thái độ bình tĩnh tự tin vào lẽ phải, nhưng “tranh biện” phải để cho giặc không “lấn dần”. “Thước núi, tấc đất” là giá trị thiêng liêng của giang sơn Tổ quốc không thể “làm mồi cho giặc” - đổi lấy quyền lợi - lợi ích cá nhân được, không chấp nhận bất cứ ai, bất cứ nước nào, dù mạnh đến đâu, bắt Việt Nam phải nhượng bộ chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. “Tội tru di” - tội lớn nhất trong thời phong kiến với những hình phạt khốc liệt, đó không chỉ là răn đe kẻ có âm mưu phản quốc, mà còn là việc ngăn ngừa những hành động đầu hàng quân giặc.
Đã thấm thía nỗi nhục mất nước của hơn ngàn năm Bắc thuộc và gần trăm năm Pháp thuộc, càng thấm thía cái khảng khái của ông cha xưa khi nhận lãnh “Sông núi nước Nam vua Nam ở; rành rành định phận ở sách trời”. Từng thấy nước Đại Việt “vốn xưng nền văn hiến đã lâu; núi sông bờ cõi đã chia”, càng hiểu rõ lời Cụ Hồ “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Nghe Chủ tịch nước giữa Thủ đô Hà Nội nhắc lại lời vua Lê hơn 600 năm trước, lại nhớ lời Thủ tướng giữa chính trường khu vực ASEAN khẳng định Việt Nam “nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”. Hơn 90 triệu dân hậu duệ Lê Thái Tổ càng thấm lời Người: “Một thước núi, một tấc sông của ta... chớ cho họ lấn dần”.
Vị vua anh minh
Vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497) lên ngôi năm 18 tuổi và đã để lại một sự nghiệp rực rỡ trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự. Ông được coi là gương mặt tiêu biểu của nền văn hóa, văn học Thăng Long thế kỷ XV, là người có công xây dựng điện Đại Thành và bia Tiến sĩ tại Văn Miếu năm 1484. 

Trong 38 năm, Lê Thánh Tông đã hai lần đổi niên hiệu (Quang Thuận và Hồng Đức). Ông nêu gương đức trị, thực thi pháp trị, đưa ra nhiều chính sách cải cách “vô tiền khoáng hậu”. Lê Thánh Tông đặc biệt chú ý tới đào tạo và sử dụng nhân tài. Lê Thánh Tông đã cho mở 12 khoa thi Đình, lấy đỗ 501 vị Tiến sĩ, bằng một nửa số hiền tài của ba triều đại Lý, Trần, Hồ đào tạo được trong 397 năm cộng lại. Lê Thánh Tông là nhà tổ chức và quản lý nhà nước pháp quyền vô cùng tài giỏi. Dưới sự giám sát và điều hành, chỉ đạo trực tiếp của Lê Thánh Tông, đã để lại: Hồng Đức hình luật, Hồng Đức thiên hạ bản đồ... Bộ Luật Hồng Đức (tức Quốc triều hình luật) ra đời sau hơn 14 năm biên soạn. 

Vua Lê Thánh Tông không chỉ là nhà pháp trị, nhà đức trị, nhà cải cách vĩ đại, mà còn là nhà văn hóa lớn. Đặc biệt, Lê Thánh Tông là nhà thơ lớn, là người sáng lập và là chủ soái Hội Tao đàn. Những bộ sách đồ sộ, tiêu biểu như: Thiên Nam dư hạ tập, Hồng Đức Quốc âm thi tập, Quỳnh uyển cửu ca, Minh lương cẩm tú... là di sản văn học rất có giá trị thời Lê.

PGS-TS HÀ MINH HỒNG
(Trường ĐH KHXH&NV TPHCM)
 
 PGS-TS HÀ MINH HỒNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét