Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

Thử tìm nguồn gốc của tên thôn ĐẠI MÃO

      Lời người BT :  Tại sao Làng Giữa có tên Đại Mão ( Đại Mão Trung),làng có từ bao giờ là câu hỏi chưa có ai trả lời một cách thấu đáo. Trang TVGL xin trân trọng giới thiệu bài viết sau của tác giả Thập Nhị Nhân với một tiêu đề rất khiêm tốn.Mong nhận được nhiều ý kiến của độc giả:

                         Thử tìm nguồn gốc của tên thôn Đại Mão

   Làng Đại Mão còn gọi là Trung Thôn hay gọi nôm na là Làng Giữa. Đây là một làng rất cổ ở khu vực Đồng bằng Bắc bộ. Nhưng có từ bao giờ thì cho đến nay chưa có sử sách nào ghi chép được chính xác. Ngay cả tên làng là Đại Mão thì cũng có nhiều cách lý giải khác nhau, nhưng đôi khi thiếu căn cứ chắc chắn.
   Căn cứ vào những dữ liệu khảo cổ, câu truyện truyền miệng và tín ngưỡng dân gian… có thể chứng minh được đây là ngôi làng hình thành cách đây không dưới 2000 năm và tên làng Đại Mão không thể xuất hiện muộn hơn thời Hai Bà Trưng.

·         Về dữ liệu khảo cổ: Tuy chưa có một công trình khảo cổ nào mang tầm cỡ quốc gia tại khu vực làng, nhưng trong lần khai quật đất làm gạch, người dân đã phát hiện được ngôi mộ khá lớn, xếp bằng gạch có kết cấu đặc biệt. Tuy bên trong không còn hài cốt, chỉ còn một cái bình gốm nhỏ và những mảnh gốm vỡ. Rất tiếc chiếc bình không được bảo quản mà bị đập vỡ vứt đi. Nhưng theo nhà sử học Trần Quốc Vượng đã từng đến xem xét và kết luận: đây là mộ cổ thời Nhà Hán. Có nghĩa Người Hán đã từng đến và ở đây. Nếu xét về cấu trúc và độ lớn ngôi mộ, cộng với những suy luận giản đơn về kinh tế cách đây hai ngàn năm thì ngôi mộ không thể là của Người Hán bình thường, có thể là của một vị quan cai trị hoặc một thương gia. Nhưng nơi đây không có dấu hiệu của nơi buôn bán, vì thế không thể có thương gia ở đây mà chỉ có thể là mộ của một viên quan cai trị. Như vậy, Người Hán đã đến đây, và cũng không thể là hậu Hán vì Hậu Hán không cai trị nước ta. Nhưng vì sao người Hán lại đến ở một vùng đất ven sông này?
·         Về truyền thuyết: Theo các cụ già ở làng truyền lại, trước đây trong các ngôi Điếm thờ của làng, ngoài thờ thổ thần, đều có thờ các danh tướng nhà Hán như Hàn Tín, Tiêu Hà, Bành việt, Kình Bố…chứng tỏ đã có một thời Nhà Hán cai trị ở đây và bắt dân thờ phụng quan lại Nhà Hán. Tuy Việt Nam từng bị Bắc thuộc gần 1000 năm nhưng không thể có chuyện các triều đại sau Hán sang cai trị mà lại thờ phụng quan lại Nhà Hán được. Điều đó chứng tỏ rằng ngôi làng này đã hình thành ít nhất từ thời Tiền Hán.
·         Về cấu trúc và tên địa danh “khác lạ”: Làng Đại Mão có cấu trúc khác lạ so với các ngôi làng khác trong vùng. Xung quanh làng đều có ao hồ nối nhau liên tiếp, phía trong ao hồ là lũy tre dày đặc. Mặt làng cổ hướng về phía Bắc, nơi có dòng sông Thiên Đức án ngữ, tạo thành thế phòng thủ vững chắc. (Theo binh pháp thì thế phòng thủ thường là mặt hướng đối phương, có sông suối án ngữ, phía sau có đất rộng và tiện đường rút lui)
    Làng còn lưu tên gọi các khu khác nhau như Cổng Dinh (cổng trại nơi Vua ở khi dã ngoại, cổng quay về hướng Bắc), Ngõ Làng, Ngõ Giếng, Ngõ Quan (Ngõ Cửa - quan ở đây là cửa lớn), Cầu Lai (Kiều Lai - Cầu đến, ở phía Đông làng. Cầu này thường thấy ở cổng thành lũy, nó được hạ xuống, bắc qua hào nước khi có người vào hoặc ra), Cầu Kê (Quán kê là nhà bói toán, ngày xưa Vua làm việc gì cũng có quam Chiêm Bốc xem bói để định cát hung), Đông Lai Hạng (đường đi phía đông Cầu Lai), Tây Lai Hạng (đường đi phía Tây Cầu Lai ), Cầu Tháp ( Quán Tháp - nhà dập bản in sách hoặc chép sách), Mã cao, Mã thấp,Trống, Cờ, Bút, Bảng, Ngè ( Nơi các quan văn chờ Vua hỏi ý kiến - nghĩa cổ, nay Việt Nam ít dùng nghĩa này, thường lấy nghĩa miếu thờ thần, ông tiến sỹ)… Các danh từ tên đất đều gắn liền với dinh lũy nơi Vua ở, chứng tỏ trong quá trình tồn tại của làng đã có một thời gian nào đó có Vua về lập hành dinh tại đây.

·         Vua nào đã qua và lập hành dinh ở đây? Xét trong lịch sử thì khu vực này khả năng có hai lần Vua đi qua. Đó là Vua Hai Bà Trưng và Vua Lê Chiêu Thống. Nhưng Vua Lê Chiêu Thống chạy loạn Tây Sơn, dấu mình tạm lánh về khu vực này trước khi cùng cha con Cụ Lê Quýnh sang Trung Quốc cầu viện binh nên chắc chắn không dám công khai và có đủ thời gian để xây dựng dinh lũy như vậy được. Vì vậy, chỉ có thể là Vua Hai Bà rút về đóng đô ở đây sau khi thất thủ tại Mê Linh như lời tiền nhân truyền lại.
   Vì cuộc khởi nghĩa của Hai Bà bị Mã Viện Nhà Hán diệt, cho nên Nhà Hán đàn áp những nơi Vua Bà đã qua và lập bộ máy cai trị tại đó cho nên mới có việc bắt dân thờ quan lại nhà Hán và có mộ Hán tại khu vực này.

·         Thời gian hình thành làng: Hai Bà thất thủ, chuyền hành dinh về đây, dựa vào dân lập thế phòng thủ, như vậy thì làng có cách đây không thể dưới 2000 năm và trước cả khi Hai Bà khởi nghĩa. Khu làng chính thuộc Ngõ Làng ngày nay (đây là vùng đất cao hơn cả).
   Theo phong thủy thì khi lập làng bao giờ cũng có giếng chung để cung cấp nước cho cả làng. Khu đất đào giếng nước được chọn rất cẩn thận và thường không di chuyển (Kinh Dịch có câu: Cải ấp bất cải tỉnh có nghĩa thay đổi làng chứ không thay đổi giếng) vì vậy Ngõ Giếng xuất hiện cùng với Ngõ Làng trong làng Đại Mão cổ. Còn việc nó được gọi là Ngọc Tỉnh (Giếng Ngọc) có lẽ từ khi được cung cấp nước cho sinh hoạt cho nhà Vua ngoài việc cung cấp cho dân và quân đóng trong làng.
   Ngõ Quan (Ngõ Cổng) xuất hiện khi dinh lũy được hình thành, như vậy cũng có lịch sử hàng ngàn năm. Nếu coi ngõ quan là “nơi quan ở” thì về binh pháp quan không ở gần cầu lai, nơi cổng ra vào của dinh lũy. Còn như ngõ các quan ở thì chỉ là các quan của các triều đại sau này ở mà có tên này. Nếu vậy thì ngõ này xuất hiện muộn, cách đây vài trăm năm mà thôi (vào thời hậu Hậu Lê)
   Phía chính Nam của khu làng cũ còn có địa danh Ngọ Xá (Nơi ở chính Nam dành cho khách) có thể đã là nơi mà khách của nhà Vua chờ ra mắt hoặc xin ý chỉ.

·         Tên làng cổ là gì? Tuy làng có từ trước khi Hai Bà khởi nghĩa, nhưng tên làng trước đó là gì thì không ai biết, chỉ lưu truyền tên Đại Mão hoặc Trung thôn, gọi nôm là Làng Giữa. Vậy làng Đại Mão nghĩa là gì và khả năng mang tên Đại Mão này từ bao giờ?

·         Liên quan tới thiên văn cổ ? Ta đã biết, trong thiên văn cổ từ hàng ngàn năm trước đã chia đường Hoàng đạo (đường đi tưởng tượng của Mặt Trời trên bầu trời ) ra 28 cung, tương ứng với 28 chòm sao gọi là Nhị Thập Bát Tú. Các chòm sao này được đặt tên theo các con vật cả thực, cả ảo và chia ra 4 phương. Mối phương có 7 chòm sao và được đặt tên như sau:
Phương Bắc -  Huyền vũ              北方玄武   : gồm 7 chòm sao
                       Đẩu Mộc Giải       斗木獬       : Cua  
                       Nữ Thổ Bức          女土蝠       : Dơi
                       Nguy Nguyệt Yến 危月燕       : Én   
                       Bích Thuỷ Du        壁水貐   : Dím
                       Thất Hoả Trư         室火猪       : Lợn
                       Hư Nhật Thử          虚日鼠      : Chuột
                       Ngưu Kim Ngưu    牛金牛    : Trâu

Phương Tây - Bạch Hổ                   西方白虎  gồm 7 chòm sao:
                       Khuê Mộc Lang      
奎木狼      : Sói                 
                       Lâu Kim Cẩu           
娄金狗    : Chó                       
                       Vị Thổ Trĩ               胃土雉      : Trĩ                          
                       Mão Nhật Kê           
昴日鷄        : Gà
                       Tất Nguyệt Ô           毕月       : Quạ                     
                       Chuỷ Hoả Hầu         
觜火猴     : Khỉ                       
                       Sâm Thuỷ Viên        参水猿      : Vượn
                      
Phương Nam - Phượng Các           南方朱雀  gồm 7 chòm sao:
                      Tỉnh Mộc Hãn         
井木犴    : Cầy                    
                      Liễu Thổ Chương    
柳土獐      : Hoẵng           
                      Trương Nguyệt Lộc
张月鹿     : Nai             
                      Chẩn Thuỷ Dẫn        
轸水     : Giun
                      Quỷ Kim Dương      鬼金羊      : Dê
                      Tinh Nhật Mã           星日馬      : Ngựa
                      Dực Hoả Xà             翼火蛇      : Rắn

Phương Đông - Thanh Long        東方青龍
                       Giác Mộc Giao   
角木蛟  : Sấu                                                
                       Đê Thổ Lạc         氐土貉 : Cu Ly                      
                       Tâm Nguyệt Hồ  
心月狐  : Cáo                   
                       Cơ Thuỷ Báo      
箕水豹  : Báo.
                       Cang Kim Long  亢金龍  : Rồng
                       Phòng Nhật Thố  
房日兔  : Thỏ
                       Vĩ Hoả Hổ           尾火虍  : Hổ
   Như vậy phương Tây gồm 7 chòm sao thì sao Mão ở chính giữa, có nghĩa nói một cách tương đối nó ở gần chính Tây theo đồ hình phương Tây dưới đây.



   Trong chòm sao Mão lại gồm 5 ngôi sao, có ngôi ở giữa là sáng nhất. Như vậy có thể liên quan phần nào giữa cái tên Đại Mão 大昴 và chòm sao Mão Nhật Kê 昴日鷄 ở hướng Tây trong cung Bạch Hổ của đường Hoàng Đạo chăng? Tại sao xuất hiện 5 địa danh Tỏi Mão, Đại Mão, Thụy Mão, Mão Điền và Mão Xuyên trong khu vực này?


·         Có thể tên Đại Mão được đặt từ khi Vua Hai Bà về đây? Khi Hai Bà khởi nghĩa, trong lời thề ra quân giết giặc có đoạn: Một xin rửa sạch quốc thù. Hai xin nối lại nghiệp xưa Vua Hùng... Điều đó chứng tỏ Hai Bà lấy Đất Tổ là nơi hướng tâm linh của nghĩa quân. Như vậy tuy dời dinh lũy ở Mê Linh về đất mới, sau khi thất thủ, nhưng tâm tư luôn hướng về Đất Tổ.
    Nếu đứng từ Đại Mão thì Đất Tổ ở phía Tây (Ngày nay theo tọa độ địa lý do hệ thống Định Vị Toàn Cầu cung cấp thì: làng Đại Mão ở tọa độ: 21độ 05phút 02,22giây Bắc; 106độ 06 phút 50,67giây Đông. Đền Hùng có tọa độ: 21độ 22phút 05,04 giây Bắc; 105 độ 19phút 30,37giây Đông. Như vậy nếu từ Đại Mão thì Đền Hùng lệch chừng gần 8 độ so với hướng Tây (về phía Bắc), nhưng thời ấy có thể do không thể có bản đồ và địa bàn chính xác cho nên có thể bỏ qua sai số, với góc lệch nhỏ như vậy thì vẫn coi là chính Tây).


Trong Địa lý Toàn thư, của Quách Phác bên Tàu, lý giải các địa huyệt đều gắn với một chòm sao nào đó trên Thiên cầu (Bản đồ sao của bầu trời). Đây là điều bắt buộc của các nhà địa lý, chiêm tinh khi xem thế đất. Đối với nhà vua, việc tìm đất ở, đất đặt tông miếu thì điều này càng quan trọng.
    Sơ lược về xác định chòm sao ứng với vùng đất nào đó như sau: Trái Đất quay quanh Mặt Trời mất một năm, nhưng ngày xưa các nhà thiên văn cổ không biết điều này mà cho rằng Mặt Trời quay quanh Trái Đất. Như vậy sau một năm thì Mặt Trời quay về vị trí cũ và hành trình 1 năm vẽ nên một đường biểu kiến gọi là đường Hoàng Đạo trên bầu trời. Ứng với mỗi vị trí Mặt Trời, từ Trái Đất nhìn chiếu qua Mặt Trời lên Thiên Cầu sẽ ứng với một ngôi sao nào đó (Thiên Cầu là mặt cầu tưởng tượng mà trên mặt cầu đó có hình chiếu của các vì sao trong bầu trời). Nhưng để đơn giản người ta chỉ chọn 28 vị trí tương ứng với 28 chòm sao gọi là Nhị Thập Bát Tú trên Thiên Cầu, ứng với vị trí Mặt Trời trên đường Hoàng Đạo (nhìn từ trái đất thì các chòm sao này đều nằm “sau lưng Mặt Trời”). Như vậy, một đường Hoàng Đạo là vòng tròn khép kín có 28 cung (Thực tế không đều nhau vì khoảng cách các chòm trên Thiên Cầu không đồng đều) và chia ra 4 hướng. Muốn xác định mình ứng với cung nào thì phải nhìn về Mặt Trời, chòm sao trên Thiên Cầu nằm “sau lưng mặt trời” là ứng với nơi mình đứng, không phải chòm sao sau lưng mình.
     Như vậy, theo Thiên văn cổ thì khi Vua hướng về Đất Tổ, tức là hướng về chính Tây thì nơi Vua Bà đang đóng quân ứng với Chòm Sao Mão trên cung Bạch Hổ của đường Hoàng Đạo (Tên đủ là Mão Nhật Tinh Quân 昴日星君 - con gà), có lẽ vì thế mà có tên Mão.
     Nhưng trong Chòm Sao Mão thì lại có 5 ngôi sao. Trong 5 ngôi có một ngôi sáng nhất, có lẽ vì thế mà Vua đặt cho nới làng mình đang ở là Đại Mão (ứng với ngôi sao sáng nhất trong Chòm Sao Mão - Thuộc cung Bạch Hổ- chính Tây trên đường Hoàng Đạo).
      Cũng có lẽ vì thế cho các ngôi còn lại trong Chòm Sao Mão được đặt cho: Tỏi Mão ( chân của Mão), Thụy Mão ( Ngọc của Mão), Mão Điền (ruộng của Mão), Mão Xuyên (vùng bình địa của Mão)
     Vì Đại Mão nằm chính giữa Chòm Sao Mão và cũng là giữa cung Bạch Hổ cho nên còn được gọi là Trung Thôn hay nôm na là Làng Giữa.

·         Nói Tóm lại: Làng Đại Mão là một làng cổ, có trước thời Hai Bà Trưng. Hai Bà đã từng về đây xây dinh lũy chống Hán, sau khi thất thủ tại Mê Linh. Khi xây dựng dinh lũy tại đây đã đặt tên cho làng là Đại Mão hay Trung Thôn, mục đích là để hướng tâm linh nghĩa quân về Đất tổ Vua Hùng. Đại Mão là lấy tên ngôi sao lớn nhất trong Chòm Sao Mão thuộc cung Bạch Hổ (gồm 7 chòm trên đường Hoàng Đạo hợp lại) Đại Mão viết theo chữ Hán là:大昴 (Mão tên đủ là Mão Nhật Tinh Quân 昴日星君-  thuộc Nhị Thập Bát Tú).
   Vì các nhà Địa lý, chiêm tinh phát hiện vùng đất tốt cho nên mới chọn nơi này đặt dinh lũy để Vua cùng nhân dân chống Hán. Và có lẽ vì thế mà Đại Mão đích thực là vùng đất địa linh nhân kiệt, sản sinh nhiều nhân tài, nối tiếp nhau xây dựng nên một làng quê có truyền thống văn hóa lâu đời. Biết như vậy cũng là niềm tự hào của người dân trong làng, người dân càng thêm trân trọng và giữ gìn truyền thống văn hiến của làng mình để xây dựng Đại Mão càng thêm giàu đẹp.   

                                                                                   Thập Nhị Nhân 
                                                                                        mạn đàm
-----------------------------------------------------------------------------------------

             Thư của Thập Nhị Nhân ( nhận 29-11-2014)
   Cảm ơn Bác đã đăng bài. Mục địch đơn giản của em chỉ là để "tìm hiểu thử" tên làng thôi. Chúng ta đều là hậu sinh, mà sử sách lại không còn chép. Vậy cứ nêu giả thiết rồi chứng minh, nhiều ý kiến có lý sẽ giúp mình tiến dần đến sự thật bác ạ.
      Trong binh pháp thì từ hàng ngàn năm bao giờ thành cũng phải có dân, Vua phải dựa vào dân, cho nên khu mình đúng là phải có người ở trước đó như Bác nói, nhưng chưa phải là làng. Theo em,  nếu chỉ là ấp thì không đúng. Ấp bao giờ cũng kèm tên theo làng (làng đông thì ra lập ấp ví dụ Ấp Hồ do dân Hồ ra ở; ấp Đông Côi do dân Đông Côi tách ra...), mà xung quanh chắc lúc ấy cũng không có làng nào đông hơn mình đâu. Gọi lá trại thì chỉ một ít người thôi. Có thể tên lúc đó chưa gọi là làng, nhưng chắc chắn về mặt"đơn vị hành chính" nó phải tương đương với làng ngày nay.

       Mặt khác, nếu Vua đã ở đây, lại đặt cho là Đại Mão thì phải lớn hơn hẳn các làng xung quanh. Nếu xét liên quan thì làng Đông Miếu cũng xuất hiện còn sớm hơn cả Lam Cầu, Bình Cầu... Vì đặc điểm là Vua ở đâu, bốn phương đều có Miếu thờ thần (Thành Đại la và Thăng long sau này cũng vậy). Phía Nam có Nghè thờ thần phía Nam. Phía Tây có cầu Kê vừa thờ thần vừa cầu xin bói toán (kiểu như đàn xã tắc ấy). Phía Bắc chắc cũng có nhưng dần mai một tên, em chưa tìm hiểu được. Phía đông có miếu thờ thần phía Đông. Có thể xưa gọi là Miếu Đông, và dân ở xa hơn miếu tức là về phía đông của Miếu Đông và tên làng từ đó gọi là Đông Miếu.

     Thụy Mão có lẽ cũng có vào thời đó rồi. Vì thế khi Vua về đây, có ba anh em một gia đình nào đó giúp vua và có thể tử trận, nhưng không phải là danh tướng nên tên tuồi không lưu đến nay. Khi Việt Nam độc lập khỏi Trung Quốc thì đinh làng mới xuất hiện, đặc trưng của Văn hóa Việt (TQ không có đình của mỗi làng) Trước đây khó khăn thì mười làng mới có một làng có đình. Sau kinh tế khá hơn và tính độc lập cao hơn nên làng nào cũng có. Khi ấy Thần hoàng là ai để tôn thờ? Có lẽ người dân nhớ ngay đến tam vị Đại vương được Vua Hai Bà xưa ghi công tích. Nhưng trải qua hàng ngàn năm không nhớ tên nữa mà chỉ lấy thứ bậc để tôn thờ thôi. Chẳng thể là thờ các con của Ngài Lạc Long Quân được vì con Trưởng ở Vĩnh Phú rồi.

     Lý do vì thế nên em giả thiết là làng Đại Mão có trước khi Hai Bà đến, nhưng không mang tên ấy. Tên thật là gì thì em Xin chịu.
     Mạn đàm tí cho vui, mong bác lượng thứ.

------------------------------------------------

Người biên tập: Đồng ý với ý kiến của Thập Nhị Nhân. Một số ông trong làng bảo rằng thờ Thành hoàng Đại Mão là thờ Bách Noãn ( Trăm trứng ), một trong những  người con của Lạc Long Quân. Tôi cũng cho là không phải, các con của Lạc Long Quân đều có tên rồi, còn Lạc Thị Đệ Nhị Đại Vương không phải là tên của các con Lạc Long Quân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét