Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

Đất và Người Đại Mão kỳ 16 : Cụ Lang Cót

ĐẤT VÀ NGƯỜI ĐẠI MÃO-TRUNG THÔN ( 16 )
                                                                    Nguyễn Hữu Kim
        
           ĐẤT VÀ NGƯỜI ĐẠI MÃO -TRUNG THÔN kỳ 16 giới thiệu bài viết của thầy giáo về hưu Nguyễn Hữu Kim ( xóm 3 Đại Mão) giới thiệu về một bà lang ở quê ta.
                                                        ----------------------------------

            Làng Đại Mão từ xưa đã được nhiều người  quanh vùng biết đến vì nhiều nét độc đáo, chẳng hạn làng dệt nhiều vải và vải này người ta gọi là “ vải Giữa”.Trong khoảng thời gian cách đây khoảng 40-70 năm, nhiều người còn biết đến làng Giữa ( Đại Mão Trung) nhờ tiếng tăm chữa bệnh và vị thuốc xoa bóp  tê thấp của một cụ bà trong làng : Cụ Lang Cót).
           Vì còn ít tuổi, tôi chưa được cụ trực tiếp chữa bệnh cho lần nào. Nhưng có một lần vào khoảng năm 1955-1956 gì đó, một đêm tôi nằm ngủ và sáng dậy đầu nguẹo sang một bên, cổ cứng lại không quay đầu được. Gia đình bèn đưa đến ông Nguyễn Đình Tứ là con trai cụ, xoa bóp, ấn huyệt và lạ thay chỉ 1 lần khỏi hẳn. Tôi vẫn còn nhớ, hôm đó được nắn bóp đầu cổ, tôi đau quá và đã chửi ông. Người nhà ngại quá, ông chỉ cười: Cho nó chửi!
Chắc là với lòng vị tha của người thầy thuốc, và có thể cũng bị trẻ chửi nhiều lần, ông mới dễ dàng tha thứ như vậy chăng?
            Ngày nay ta có thể hiểu đây là cách chữa bệnh bằng vật lý trị liệu. Bằng việc xoa bóp, nặn trực tiếp vào bệnh nhân với bài thuốc đã ngâm rượu, bao nhiêu người đã được chữa khỏi nhờ cụ Lang Cót và thuốc tê thấp của cụ lang Cót.
            Chuyên mục mong được tiếp tục đăng các  bài viết, hình ảnh của quý độc giả về mảnh đất và con người quê hương. Bài viết xin đánh máy và  gửi cho ông Lê Đình Ngạn, địa chỉ nganhttt@gmail.com
                                                                  %%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%


SƠ LƯỢC THÂN THẾ – SỰ NGHIỆP
CỤ LANG CÓT
 Cót là tên cháu gái nội đầu tiên của cụ. Họ tên chính  của cụ là: Nguyễn Thị Triện sinh năm 1880 trong một gia đình nông dân, nho học, có nghề thuốc đông y, ở thôn Đại Mão, xã Hoài Thượng, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Thân phụ là Nguyễn Hữu Trù, làm ruộng, tiếp thu môn Thuốc chữa tê thấp của tổ tiên.
Thân mẫu là Lê Thị Xuân làm ruộng.
Cụ có anh trai là Nguyễn Hữu Cân, nay Nguyễn Hữu Phê gọi là cụ.
Hai chị gái là: Nguyễn Thị Chân, nay Nguyễn Hữu Khánh gọi là cụ. Nguyễn Thị Trợ nay Nguyễn Đình Mài gọi là bà.
Và một gái là: Nguyễn Thị Tiên, nay Nguyễn Hữu Cường gọi là bà ngoại, Nguyễn Đình Đồng thờ cúng gọi là bà bác.
Cụ xây dựng gia đình với cụ ông là Nguyễn Đình Liêm trong khi cả hai cụ như bây giờ chưa đến tuổi thành niên. Cụ ông là con trai thứ hai, thân phụ là Nguyễn Đình Dương, thường vẫn gọi là cụ Đô đã tham gia phong trào Cần Vương kháng Pháp. Thân mẫu là Nguyễn Thị Vân, là vợ thứ hai của cụ Dương quê ở Từ Ái, xã Song Giang, huyện Gia Bình.

Theo gia phả truyền lại, cụ ông xuất thân từ một “Gia tư vốn cũng thường thường bậc trung”. Song, do chịu ảnh hưởng ít nhiều của chế độ phong kiến, nên hai cụ khi mới ăn ở với nhau “cảnh nhà bạch ốc” – tức là vẻn vẹn chỉ có túp nhà tranh trên mảnh đất là chốn từ đường của hai cụ hiện nay, và một cái hố nước gần bẩy sào ở đầu làng. Mãi sau này do lũ lụt bồi đắp đầy dần mới trồng trọt được. Khi trồng trọt được gọi là trại. Nay là cơ ngơi của các chắt nội Nguyễn Đình Đãng, Nguyễn Đình Hoàn, Nguyễn Đình Cát, Nguyễn Đình Chiến, Nguyễn Đình Thụy và chắt ngoại là Lê Nho Trung.

Hai cụ sinh hạ được ba trai, hai gái.
Ba trai là:
Nguyễn Đình Vấn sinh ra Nguyễn Thị Cót, Nguyễn Đình Bồ, Nguyễn Thị Thóc, Nguyễn Đình Quảng, Nguyễn Đình Chử.
Nguyễn Đình Tứ sinh ra Nguyễn Đình Mạn, Nguyễn Đình Lư, Nguyễn Thị Thẩm, Nguyễn Thị Liểu, Nguyễn Đình Thùy.
Nguyễn đình Ôn mất sớm
Hai gái là:
Nguyễn Thị Hòa sinh ra Nguyễn Thị Tuyên, Nguyễn Hữu Kim.
Nguyễn Thị Tị sinh ra Lê Thị Hoản, Lê Nho Hoan, Lê Thị Bản, Lê Thị Bạn, Lê Thị Yên, Lê Thị Nhiên.
Ngoài con ruột còn có hai con đỡ đầu là: Trịnh Đức Hán và Lê Doãn Hoa sinh ra Lê Doãn Quyền.

Tuy hai cụ “bạch ốc”, nhưng cụ ông được sinh ra từ một gia đình “bậc trung” ở trên một quê hương có tiếng là tôn sư trọng đạo, tức một quê hương hiếu học, nên tuy bần bách nhưng đang ở độ tuổi học hành, cụ đã có chí tiến thủ trở thành một thư sinh, những muốn gây dựng sự nghiệp. Song vì hoàn cảnh gia đình nên “chí chưa thành, lòng chưa toại”, đang học phải ở nhà mở trường dạy học chữ nho, nhằm dậy trước hết là con cháu, sau là cho chỗ thân tình, tin cậy được biết chữ, biết đạo lý làm người, nâng cao tri thức, mở mang trí tuệ phục vụ cho cuộc sống.
Bởi vậy, cụ Nguyễn Thị Triện phải “tần tảo sớm hôm, thất lưng buộc bụng” lo cơm áo cho 5 con, lo toan cả đèn sách cho chồng. Trong hoàn cảnh ấy nên cụ vẫn thường đọc câu thơ “Nuôi đủ năm con với một chồng” là vậy.
Nuôi chồng, nuôi con, tưởng rồi ra sẽ được thành thơi nhờ dựa. Nào ngờ, chồng đương dạy học mới 57 tuổi đã qua đời. Một đời người, cụ phải bốn lần cưới vợ cho hai con. Đặc biệt hai lần cưới vợ cho hai cháu nội do mẹ cha mất sớm. Con trai thứ ba của cụ là Nguyễn Đình Ôn cũng như các anh, các em tính tình hòa nhã. Rất chuyên cần học tập, học tập giỏi, chỉ vì nhà quá thanh bạch, đang ở độ tuổi học hành cũng lại phải như cha, đã ra đi dạy học chữ nho ở tận Vu Giản thuộc Thành phố Bắc Giang hiện nay, rồi lâm bệnh từ trần ở tuổi 27 tại nơi đất khách quê người, không có vợ con.
Từ mất mát đau thương cụ hút thuốc lá giải phiền từ đó sinh ra nghiện thuốc lá.
Trong hoàn cảnh là vậy, song cụ được bên bố mẹ đẻ truyền cho môn thuốc tê thấp, cụ đã đi sâu vào học hỏi, và trước hết ứng dụng vào người trong gia đình có bệnh, từ đó loang ra trong thôn xóm, dần dần trở thành một lương y được nhiều bệnh nhân ở nhiều tỉnh thành trên miền Bắc tìm đến. Cụ đã chữa khỏi cho hàng ngàn bệnh nhân. Bệnh nhân điển hình chữa khỏi có nhiều. Song phải nói đến: bà Bảng ở Á Lữ, bà Thệ ở Ngọc Khám huyện Thuận Thành, tưởng không qua khỏi liệt toàn thân mà cụ chữa khỏi được, nên con cháu đến nay vẫn thường nhớ đến, đi lại như một gia đình.
Ông Nội ở Thái Bảo huyện Gia Bình nguyên là bệnh nhân của cụ. Sau bị giặc Pháp bắt mang giam cầm, đánh đập ở tại bốt Hồ Thuận Thành. Do bị kiệt sức chúng tha về, ông không thể về quê được đã phải gắng sức vào nhà cụ để nương nhờ. Được cụ và cả gia đình chăm sóc chu đáo. Song, không qua được tử thần. Cụ đã cùng gia nhân tổ chức an táng cho chu đáo. Cho đến nay con cháu nội ngoại của ông vẫn thường đi lại với con, cháu, chắt cụ để hàm ơn. Ông Kỷ ở Phủ Lý, tỉnh Hà Nam bị thấp khớp, đi bệnh viện, bệnh viện cho về, được tin cụ chữa được đã tìm đến. Cụ chữa cho khỏi, nên hàng năm vẫn đến tạ ơn cụ. Khi cụ qua đời, đến xin gia đình cho được chịu tang.
Thiếu tướng Hoàng Văn Thiệm quê ở Tiền Hải, Thái Bình, bị liệt cả đôi chân, đi chữa ở nước ngoài không đỡ, được tin cụ có tiếng là chữa giỏi, đơn vị quân đội đã đưa Thiếu tướng đến nhờ cụ chữa cho. Qua bút tích một bài thơ của con rể cụ tặng Thiếu tướng khi Thiếu tướng trở về đơn vị. Sáu câu đầu của bài thơ là:
Nửa năm ngày tháng là bao
Thế mà lòng đã dạt dào tình thân
Bệnh căn đã chuyển đôi phần
Chúc về sức khỏe dần dần như xưa
Nước non kia vẫn đương chờ
Chờ người chiến sĩ phất cờ tiên phong...

Đã cho thấy chẳng những bàn tay phục dược của cụ, mà còn cho thấy tình cảm keo sơn, gắn bó giữa gia đình thày thuốc với một quân nhân là bệnh nhân.
Bệnh nhân đến, có bệnh nhân chỉ hướng dẫn về sử dụng, có bệnh nhân phải lưu trú một đôi tuần, thậm chí một vài tháng. Có thời kỳ trong nhà có tới một vài chục bệnh nhân, nên phải nhờ các gia đình lân cận.

Xuất phát từ bệnh nhân đến đông, xuất phát từ để truyền lại cho con cháu mai sau, cụ đã truyền cho con trai cụ là Nguyễn Đình Tứ, con gái cụ là Nguyễn Thị Hòa. Cháu chị gái cụ là Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Hữu Mỵ. Người có vợ đến chữa bệnh khỏi, theo yêu cầu cụ cũng truyền cho như ông Nhớ Thệ ở Ngọc Khám.

Do tấm lòng làm phúc, do sẵn có tình thương nên trong nhà lúc nào cũng phải có ít đồ đun dự trữ, có chum tương, vại cà, vại trám, vại dưa, gọi là “tương cà gia bản” để cho bệnh nhân dùng. Có bệnh nhân khốn khó, không phải cụ chỉ cho thuốc mà còn cho cả sinh hoạt hàng ngày nếu ở lại, cho tiền đi đường để ăn quà uống nước.

Đối với trong họ, ngoài làng cụ cũng có những ưu ái nên được nhiều người kính trọng. Đặc biệt cụ đã có công nuôi nấng, dựng nghiệp đối với ông Nguyễn Đình Bắc gọi là bác dâu, ông Nguyễn Hữu Mỵ gọi là bà dì chẳng may bị cha mẹ mất sớm.

Với con cháu, cụ thường dạy bảo sống sao cho xứng với cảnh nhà. Một lần con mua chiếc áo gấm về, cụ bảo: Hãy cất đi, đừng mặc vội. Con biết ý, để lại ngay cho người khác.

Con mua một chiếc đồng hồ côn, cứ 15 phút, nhất là hết giờ này sang giờ khác dạo đàn rất hay. Cụ bảo đồng hồ đánh đàn hay thật, nhưng lại treo trên vách đất, thế là chiếc đồng hồ cũng được con chuyển nhượng không dùng nữa. 

Con thỉnh thoảng đi đánh tổ tôm, sợ rồi quá đà, cụ chỉ nói nhẹ nhàng: Mẹ cha trọng chữ, cơ cần con đừng sa ngã. Thế là con làm ngay đôi câu đối bằng gỗ với nội dung:
- Độc khả vinh thân, canh khả phú
- Cần năng sáng nghiệp, kiệm năng doanh.
Nghĩa là:
- Chăm học tập, bản thân sẽ được vẻ vang, vinh hoa; Làm tốt ruộng đồng, sẽ giàu có
- Chịu khó với nghề nghiệp sẽ mở mang, gây dựng lên; Tằn tiện không hoang phí rồi sẽ có đầy đủ dư dật.
Từ đó, con không bén mảng gì đến 120 quân nữa.

Trong kháng chiến chống Pháp, cũng như sau hòa bình lập lại trên miền Bắc, cụ thường cho tiền động viên cán bộ đi làm công tác, hội họp; đi làm nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, biển diễn văn nghệ.

Phải nói, cụ là con người cơ cần để sinh nghiệp, tích Thiện để trì gia, lại được đức ấm của Tổ tiên nội ngoại. Có công trời chẳng phụ lòng. Đặc biệt được thụ nghiệp môn thuốc gia truyền của tổ ngoại, đã cứu dân độ thế có uy tín. Chữa thuốc tất nhiên có làm phải có lãi, nhưng lãi cụ lấy không đáng là bao, bệnh nhân mất ít tiền lại được khỏi bệnh. Bởi vậy người bệnh đến đông. Bệnh nhân đông tất nhiên năng nhặt chặt bị nên được lợi nhuận nhiều. Trên cơ sở đó, cụ từ chỗ cảnh nhà “bạch ốc”, từ chỗ phải ra tận dụng từng vũng trâu đằm, từng bãi cỏ dại ở bãi tha ma Mã Tràng để cấy cây lúa. Rồi lĩnh canh, mua mầu của người có ruộng, ăn tiêu dè dặt. Bởi vậy, cho đến năm 1953 tất cả trước sau cụ đã tậu được trên 5 mẫu ruộng chia cho con cháu, con gái cũng có phần. Trong ba năm 1957 – 1959 cụ đã mua lại và xây dựng được bốn cơ ngơi nhà ngói, sân gạch. Tích lũy được ít nhiều để lúc tuổi già con cháu đỡ lo toan.
Đương  lúc “cứu dân độ thế” tín nhiệm ngày một rộng ra, do tuổi già sức yếu cụ đã từ trần ngày 13 tháng 5 năm Quý Mão (1963) hưởng thọ 84 tuổi.
Cụ mất đúng vào tháng 5. Trả là lúc cụ còn khỏe, cụ nói: cụ chết, sẽ chết vào tháng 5. Nhưng khi cụ mất lại là tháng 4 Nhuận. Bởi vậy, có ý xì xào cụ có phải là thánh đâu mà mình biết được tháng mình chết. Ít lâu sau, trên đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin: Nhà làm lịch xin lỗi năm nay không có tháng Nhuận, tháng 4 Nhuận là tháng 5. Cụ quả là người biết trước mệnh mình.

Sau khi cụ qua đời được 50 ngày, do cơ chế lúc đó, tất cả các ngành nghề đều phải đưa vào làm ăn tập thể, môn thuốc của cụ lại là môn thuốc đáng giá, nên xã bắt ra làm ở Trạm xá. Nếu gia đình ai bán thuốc, ai chữa bệnh cho bệnh nhân ở nhà sẽ bị trừng phạt, xã không chứng nhận hồ sơ cho con cháu xin vào Đảng, xin đi học. Thế là con trai, con gái cụ, sau đó hai cháu của cụ được cụ hướng dẫn xoa bóp đã trở thành nhân viên đông y làm việc ở Trạm xá cùng với tây y ở 5 gian Trạm xá chật hẹp.
Nghề thuốc của cụ được mang ra Trạm xá. Con cháu cụ vẫn phát huy tinh thần chữa bệnh cứu người một cách trách nhiệm, nên đã thu hút ngày một đông bệnh nhân từ khắp nơi tìm đến. Nhờ đó, Trạm xá thu được lợi nhuận ngày một cao, quỹ ngày càng dầy. Bởi vậy, bắt đầu từ năm 1965 và những năm tiếp theo cơ sở Trạm xá xã đã quy hoạch xây dựng lại hoàn toàn theo kiểu chữ môn gồm 7 gian hướng đông, 5 gian hướng nam, 5 gian hướng bắc, tất cả đều là cấp 4, đủ chỗ cho cán bộ nhân viên làm việc và có chỗ cho bệnh nhân lưu trú.

Có thể nói, Trạm xá từ cuối năm 1963 đến năm 1980 – 1981 là một Trạm xá có tiếng thơm lan tỏa khắp nơi. Cơ sở vật chất nổi lên được, là nhờ có môn thuốc của gia đình cụ mang ra phục vụ ở Trạm xá. Chính vì thế, cách đây khoảng 20 năm về trước, cứ chiều hôm trước của ngày húy nhật cụ là Trạm xá có lễ mọn đến làm lễ cụ. Đó là thể hiện “uống nước nhớ nguồn”, gia đình rất trân trọng.

Khái quát lại, thân thế sự nghiệp của cụ là một tấm gương, một bức tranh toàn cảnh tự vươn lên trong cuộc sống. Tu tâm tu đức. Vì người bệnh trên hết để mang lợi ích cho mình và cho cả cộng đồng xã hội, nên đã được người đời biết đến, ca tụng.
Bởi vậy, con cháu nội ngoại của cụ cho đến thời điểm này luôn luôn được hưởng hồng phúc. Cộng với ơn nhờ thời đại mới, thời đại Hồ Chí Minh, không đến nỗi gian truân, thiếu thốn như lúc cụ sinh thời. Được như vậy đúng là “con hơn cha”.
Để cây gốc rễ ngày một sâu, cành lá ngày một xanh tốt, xin nguyện hứa với anh linh cụ: Nội cũng như ngoại, luôn luôn đoàn kết bên nhau, cùng nhau thi đua học tập, phát triển kinh tế gia đình.
                                                                                    Ngày 19/6/2013
                                                                        Cháu ngoại: Nguyễn Hữu Kim
                                                                         Chắt nội: Nguyễn Đình Hiệu
                                                                                      Phụng thảo!







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét