Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Đất và Người Đại Mão Trung Thôn kỳ 17 : Mẹ VNAH Nguyễn Thị Ngọc

ĐẤT VÀ NGƯỜI ĐẠI MÃO-TRUNG THÔN ( 17 )
                                                                             
           ĐẤT VÀ NGƯỜI ĐẠI MÃO -TRUNG THÔN kỳ 17 giới thiệu  về một trong 4 Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng  ở quê ta.
                                                        ----------------------------------

            Trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc, người làng Giữa đã tham gia trong nhiều lĩnh vực.  Nhiều người trục tiếp cầm súng, tham gia các lực lượng vũ trang. Ở Bia ghi danh LS trong Đình Làng có ghi tên tất cả các Liệt sĩ người quê hương ta trong các thời kỳ . Gần 40 người được công nhận là thương binh.

            Làng có 4 bà mẹ được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu  Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng, là các cụ:

1-      Lê Thị Tải, được phong tặng năm 1995 – năm nay 101 tuổi – mẹ LS Lê Đình Nghiễn.
2-      Nguyễn Thị Gái , truy tặng năm 2015, mẹ LS Nguyễn Hữu Tẩm, LS Nguyễn Hữu Hựu.   
3-      Trịnh Thị Nhung, truy tặng năm 2015, mẹ LS Nguyễn Hữu Đỗ, LS Nguyễn Hữu Trọng.
4-      Nguyễn Thị Ngọc, truy tặng năm 2015, mẹ LS Đỗ Nguyên Tiến, LS Đỗ Trọng Kiên.

            Những trang viết dưới đây là tài liệu gia đình Mẹ Nguyễn Thị Ngọc cung cấp cho BBT.

            Chuyên mục mong được tiếp tục đăng các  bài viết, hình ảnh của quý độc giả về mảnh đất và con người quê hương. Bài viết xin đánh máy và  gửi cho ông Lê Đình Ngạn, địa chỉ nganhttt@gmail.com

                                                                  %%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%


Bà mẹ Việt Nam Anh Hùng
Nguyễn Thị Ngọc
-==-
Cụ Nguyễn Thị Ngọc sinh năm 1903.(Qúy Mão) mất ngày 15 tháng 3 năm Tân Tỵ (11/4/1941), người làng Ngọc Quan xã Lâm Thao huyện Lương Tài tỉnh Bắc Ninh, kết hôn với cụ Đỗ Thúc Hỗ người làng Đại Mão xã Hoài Thượng huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh.
   Hai cụ sinh được 7 con, 4 trai, 3 gái theo thứ tự:
  • Đỗ Nguyên Tiến (bí danh Trần Vũ), sinh năm 1925, liệt sĩ chống Pháp.
  • Đỗ Tuấn Anh (bí danh Trần Dực), sinh năm 1927, nguyên phó Tham mưu Trưởng quân chủng Hải Quân, đã nghỉ hưu.
  • Đỗ Thị Cư sinh năm 1932, phụ nữ Cứu Quốc, đã mất.
  • Đỗ Thiếu Khang, sinh năm 1933, đảng viên, đã nghỉ hưu.
  • Đỗ Thị Khương, sinh năm 1935, đảng viên, đã nghỉ hưu.
  • Đỗ Trọng Kiên, sinh năm 1937, cán bộ giảng dạy đại học, ủy viên Thường Vụ Thành đoàn Cần Thơ, liệt sĩ chống Mỹ.
  • Đỗ Thị Sâm, sinh năm 1939 (mất sớm).
Liệt sĩ Đỗ Nguyên Tiến (Trần Vũ) hy sinh ngày 20/9/1950 (tức ngày 9 tháng 8 năm Canh Dần) vì bị địch phục kích trên sông Đuống tại bến đò Đào Viên huyện Gia Lương, khi đó ông là Chính trị viên Huyện đội, Uỷ viên Thường vụ huyện ủy, huyện Gia Lương.
Liệt sĩ Đỗ Trọng Kiên là cán bộ giảng dạy trường Đại học Sư phạm Hà nội, trong đoàn Cán bộ Giáo dục vào Miền Nam là đảng viên, Uỷ viên Thường vụ Thành đoàn thành phố Cần Thơ, làm công tác nội tình, vận động sinh viên học sinh nội thành. Ông hy sinh vì bị pháo cối địch bắn ngày 20/9/1969 (tức ngày 9 tháng 8 năm Kỷ Dậu) tại khu bám trụ ngoại thành thành phố Cần Thơ (xã Phú Hữu, huyện Châu Thành tỉnh Hậu Giang).
Cụ Nguyễn Thị Ngọc là một người phụ nữ phúc hậu đảm đang, dáng người tầm thước, nét mặt thanh tú. Cụ tần tảo nuôi con, thường lên tỉnh lỵ Bắc Ninh lấy sợi về cung cấp cho dân làng dệt vải rồi lại mang vải đi bán ở các chợ quanh vùng.
Cụ mất sớm khi mới 39 tuổi (con trai lớn của cụ - ông Đỗ Ngyên Tiến - mới 15 tuổi, con gái út - Đỗ Thị Sâm - mới lên 2). Cụ Đỗ Thúc Hỗ gặp cảnh “gà sống nuôi con” (cụ mất ở tuổi 49 - ngày 27/7/1951 tức là ngày 24 tháng 6 năm Tân Mão).

Hai cuộc chia ly
-==-
Trần Dực
Bài này đã đăng trong tập sách kỷ niệm
50 năm ngày Thương Binh - Liệt Sĩ - 1997
Của Bộ thương binh xã hội
Quê tôi ở Bắc Ninh, bên dòng sông Đuống. Bố mẹ tôi sinh được bốn anh em trai, tôi là thứ hai.
Năm 1938, vì điều kiện kinh tế gia đình, anh cả tôi là Trần Vũ phải thôi học vào Sài Gòn kiếm việc làm. Năm 1944 anh ra Bắc, hoạt động trong mặt trận Việt Minh. Khi cuộc kháng chiến bùng nổ anh là ủy viên quân sự huyện Gia Bình. Tôi kém anh chỉ hai tuổi cũng vào bộ đội rồi về công tác ở Ban Chính trị tỉnh đội.
Khoảng tháng 5 năm 1947, giặc Pháp chiếm đóng hết bốn huyện nam phần Bắc Ninh. Thời gian này anh Vũ là chính trị viên huyện đội Gia Bình, anh em tôi chỉ gặp nhau trong những dịp họp cán bộ dân quân toàn tỉnh. Mỗi lần gặp anh tôi biết được bao chuyện: chuyện gia đình, làng xóm, bạn bè. Đặc biệt anh hay kể cho tôi nghe về tội ác của giặc, cuộc sống của bộ đội, du kích và cán bộ ở hậu địch, trong sự đùm bọc của đồng bào, những kỳ tích của nhân dân trong phong trào “thi đua giết giặc” do tỉnh phát động như trận phục kích gan góc ở Khoái Khê tháng 6 năm 1948. Bộ đội Nghĩa quân của tỉnh phối hợp với du kích tập trung Gia Bình diệt gọn một trung đội Âu Phi bắt sống 9 tên, thu toàn bộ vũ khí. Nghe chuyện anh kể tôi rất tự hào về quê hương.
Tháng 7 năm 1949, giặc Pháp mở chiến dịch Bastille chiếm nốt bắc phần tỉnh Bắc Ninh. Tháng 3 năm 1950, tôi được điều về phòng chính trị Bộ tư lệnh Liên khu Việt Bắc. Thế là từ đó anh em tôi càng cách xa nhau hơn. May sao, ngày 18 tháng 9 năm 1950, tôi nhận được thư anh Vũ, anh ra vùng tự do họp và nhắn tôi xuống Bắc Giang gặp anh. Trưởng phòng chính trị lúc bấy giờ là đồng chí Lê Đình Thiệp rất tâm lý, giục tôi lấy xe đạp của anh đi cho kịp. Mừng quá tôi vội vã đạp xe từ Thái Nguyên xuống Bắc Lý (Hiệp Hòa, Bắc Giang), khấp khởi nghĩ đến lúc anh em gặp nhau sau hơn một năm xa cách. Nhưng đến trạm liên lạc, tôi sững sờ được biết: trước đó hai giờ anh đã vượt sông Cầu để về nam phần Bắc Ninh. Đó là vì sau hợp nhất hai huyện Gia Bình và Lương Tài anh Vũ được cử vào Ban thường vụ huyện ủy phụ trách chính trị viên huyện đội. Anh phải về địa phương ngay để triển khai nghị quyết. Tôi có ngờ đâu, lần ấy không gặp được anh là phải vĩnh viễn xa anh. Sau này nghe đồng chí Khánh, Phó Bí thư huyện ủy, hồi đó là Trưởng ban công tác chính trị huyện đội Gia Lương kể lại, tôi mới biết rõ trường hợp hy sinh của anh Vũ:
“Anh cùng đồng chí Bính, Thường vụ tỉnh ủy, đồng chí Hưng, Bí thư huyện ủy Gia Lương và đồng chí Hổ, huyện đội trưởng đang qua đò Đào Viên – sông Đuống – thì bị địch phục kích. Anh bắn trả lại nhưng do ở thế bất lợi nên đã hy sinh. Thi hài anh trôi về đâu đến nay vẫn không ai biết. Hôm đó là ngày 20 tháng 9 năm 1950, anh mới 24 tuổi. Nghe tin anh mất, đồng chí đồng đội và nhân dân vùng căn cứ du kích Gia Lương và nhất là ở Ngụ Triện ai nấy đều xót xa và đến nay vẫn còn nhớ tiếc. Thỉnh thoảng lại nhắc tới người chỉ huy.




Trước vận nước (Tưởng nhớ anh cả Đỗ Nguyên Tiến)
Tranh sơn dầu (khổ 60cm X 80cm) của Đỗ Thiếu Khang


trẻ tuổi dũng cảm, ham học hỏi và sâu sát gắn bó với quần chúng ấy”.
Nhớ hồi nhỏ, khi tôi lên sáu, anh lên tám, anh thường đọc truyện cho tôi nghe. Một lần đọc truyện Mạnh Lệ Quân, thích thú quá, hai anh em chen đẩy nhau lăn từ trên phản xuống đất, vẫn tiếp tục nằm dưới đất đọc. Rồi anh rủ tôi chặt cây chuối, lao xuống nước bám vào tập bơi, có lần suýt chết đuối. Anh em cứ quấn quýt lấy nhau, biết bao kỷ niệm thật là khó quên, vậy mà anh sớm bỏ tôi!
Những tưởng đời người có một cuộc chia ly như vậy là đã quá đau xót rồi, vậy mà …
Em Trọng Kiên là em thứ tư, kém tôi mười tuổi. Khi em mới lên ba, thì mẹ tôi qua đời. Sau khi bố tôi mất, anh em tôi đón Kiên ra vùng tự do. Với bản tính hiền hòa, hiếu thảo lại rất cần cù, em cố gắng học tập và luôn luôn là cán bộ đoàn tích cực. Năm 1962, em tốt nghiệp đại học, được bổ nhiệm làm cán bộ giảng dạy môn Sinh vật trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tôi còn nhớ những buổi đi nghiên cứu về rắn ở làng Lệ Mật – Gia Lâm, em làm chả rắn cho tôi ăn, say sưa nói về vai trò và triển vọng của Sinh học đối với đời sống. Tuy dạy học nhưng em vẫn xin đi bộ đội để được rèn luyện như các anh mình. Mãi đến năm 1964, khi Trung ương chủ trương đưa cán bộ dạy đại học vào Nam làm nhiệm vụ đào tạo cán bộ tại chỗ, cung cấp cho sự nghiệp giáo dục miền Nam, nguyện vọng thiết tha của em mới được đáp ứng.
Chiều ngày 4 tháng 8 năm 1964. Kiên đến thăm tôi ở Bãi Cháy, nơi quân khu bộ Đông Bắc đóng, khi đó tôi làm Tư lệnh pháo binh quân khu. Em cho tôi biết kết quả luyện tập đi bộ, leo núi, đeo nặng và chuẩn bị mọi mặt. Em rất khoan khoái báo tin sức khỏe đã tốt đến mức y tế cũng không biết rằng trước đây đã có thời gian em bị sơ nhiễm lao phổi.
Sau vụ tầu chiến Mỹ xâm nhập hải phận nước ta giữa Hòn Mê và Lạch Trường, bị Hải quân ta đánh đuổi chiều ngày 2 tháng 8 năm 1964, chúng dựng lên vụ “Vịnh Bắc Bộ”, ráo riết chuẩn bị đánh phá các căn cứ của ta dọc bờ biển và trên đảo. Sáng ngày 5 tháng 8 năm 1964, Tư lệnh quân khu lệnh cho tôi phải lập tức xuống tầu đi đốc chiến ở đảo Bạch Long Vĩ. Vì thế tôi không kịp gặp lại Kiên để anh em chuyện trò tâm sự thêm.
Sau đó, tình hình chiến sự gay gắt hơn, hai lần Kiên về thăm gia đình, tôi vẫn không gặp được em. Và rồi cho đến cuối năm 1965 em lên đường đi B. Tôi có ngờ đâu lần gặp em ngày 4 tháng 8 năm 1964 lại chính là cuộc chia ly vĩnh viễn thứ hai với người thân trong đời tôi. Tôi chỉ còn nhận được tin Kiên qua bốn bức thư, ba lần viết trên đường giao liên và bức cuối cùng viết khi em đã vào tới khu giải phóng Nam Việt Nam. Trong lá thư thứ tư em viết:
“Em đã đưa được ba lô tài liệu vào khu giải phóng và ngay khi viết dòng thư này, lũ trực thăng hung ác vẫn sà ngay trên đầu chúng em. Hy vọng rằng đừng bao giờ chúng nó lùng ra tụi em”.
Từ đó là bặt tin, nhưng chúng tôi vẫn hy vọng. Năm 1970, vào Tây Nguyên, tôi càng hy vọng có thể bắt liên lạc được với Kiên. Cho đến năm 1974, tìm gặp được đồng chí Trần Đỉnh, người cùng hoạt động với Kiên, tôi mới biết chắc chắn rằng em không còn nữa.
Cuối tháng 5 năm 1985, tôi vào Cần Thơ tìm mộ Kiên mới rõ, sau khi vào Cần Thơ, em được kết nạp vào Đảng năm 1967 và được bầu làm Uỷ viên Ban chấp hành Đoàn thanh niên giải phóng thành phố Cần Thơ, hoạt động nội thành, đóng vai giáo sư, vận động sinh viên chống Mỹ, Ngụy. Các anh Sáu Đông, Bí thư thành đoàn hồi Kiên hoạt động và Đỗ Văn Me, Nguyễn Văn Sơ đã kể lại những ngày sống và chiến đấu cùng Kiên. Trường hợp Kiên hy sinh là do bị lộ, phải bật ra vùng bàn đạp bám trụ ở Đông Bắc thành phố Cần Thơ, gần đồn Cây Dương. Ở đây, tình hình rất căng thẳng nhưng Kiên vẫn tranh thủ học tiếng Nga. Có cây đàn ghi ta, em vừa đánh vừa hát các bài ca cách mạng và không quên giới thiệu cái độc đáo của dân ca quan họ quê mình. Em được bà con cô bác mến trọng về trình độ hiếu biết, khả năng công tác, tinh thần chiến đấu, đặc biệt tính nết đôn hậu và sự tận tâm với bạn bè.
Sáng ngày 20 tháng 9 năm 1969, cối 106,7 ly từ đồn Cây Dương bắn ra chỗ Kiên và các đồng chí bám trụ. Ở đây chỉ có một cái hầm nổi. Em giục mọi người vào hầm trước, em đang còn đứng ở ngoài thì một quả đạn tiếp theo đã nổ ngay gần cửa hầm. Em bị thương, mảnh đạn trúng vào cổ và ngực, đến bốn giờ sáng, em hy sinh. Ông Tám, trưởng ban nông nghiệp xã thương cảm đã tìm kiếm được cỗ áo quan khá tốt để liệm và mai táng Kiên. Công việc vừa xong thì địch bắt đầu càn ra vùng này …
Hai mươi mốt năm, sau cái ngày anh em tôi gặp nhau lần cuối ở Bãi Cháy, ngày 31 tháng 5 năm 1985 khi ra công tác ở đảo Trường Sa, được phép của Tư lệnh Hải quân, tôi tới thăm mộ em đã được bà con quy về nghĩa trang xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, dưới vòm trời xanh cao thăm thẳm, sau hàng dừa nghiêng nghiêng trầm mặc, bên gốc gạo sừng sững uy nghi. Kiên ơi! Em có biết anh như đang trong mơ! Lẽ nào em đã chết! Không, không, em không chết! Tiếng đàn của em vẫn sống mãi trong tâm tưởng mọi người. Những việc tốt em làm mà chị Năm Sinh cùng hoạt động với em kể lại được các đồng chí và bạn bè em tiếp tục thực hiện với sự phát triển của Cần Thơ.
Thắp nén hương lên mộ của Kiên, tôi lại nhớ lại về anh Vũ, thi hài anh trôi dạt về đâu, để tôi có thể đến viếng thăm anh như đến thăm Kiên và cũng cắm được nén hương như nén hương thương nhớ này!
Tôi đã khóc trên dòng Hậu Giang có những hàng cây bần soi bóng như đã khóc ở bến đò Đào Viên, bên dòng sông Đuống năm xưa.
Hai lần chia ly, hai nỗi xót thương khiến tôi tự nghĩ và thấy những cống hiến của mình cho đất nước thật nhỏ bé. Ước mong sao có thêm nghị lực để tiếp tục đấu tranh cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước ngày càng đổi mới, chống mọi tiêu cực xã hội, xứng đáng với các liệt sĩ anh hùng./.
                     Tháng 7 năm 1997


Trích hồì ký “Tôi và Cuộc Đời”
Của Đỗ Thiếu Khang
-==-
Tết Tân Mão năm ấy đang đến gần, không rõ vì chuyện gì bố gọi tôi về.
  • Con thưa với hai bác: tình hình ở nhà căng lắm, có khi bố cũng phải ra Hà Nội, Tết này xin hai bác cho các con ở ngoài ấy.
                        Nói rồi ông đứng lên bậu cửa, với tay tìm tờ giấy nhỏ dấu dưới mái ngói lặng lẽ đưa cho tôi. Đó là “Giấy báo tử” của anh cả.
Mảnh giấy đánh máy này rất đơn sơ, chỉ vài dòng báo tin, không kèm theo bất kỳ một lời lẽ nào khác nhưng rõ ràng, rành mạch do trung đoàn trưởng Vũ Hắc Thông ký.
Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần … và ứa nước mắt nhìn bố.  Bố ngồi lặng, bặm môi … Lát sau, ông nhíu lông mày, mắt như nhìn vào trong suy tưởng, kìm giọng, chậm rãi nói:
  • Người ta bảo …. không tìm được xác … nên ghi “hay mất tích” chứ chắc là …
Mấy tháng sau chúng tôi đã rõ hơn đôi chút:
Anh cả là Chính trị viên Huyện đội Gia Lương.
Một đêm, anh cùng đoàn cán bộ huyện đi từ bờ bắc sông Đuống trở về qua bến đò Đào Viên thì lọt vào ổ phục kích của giặc. Chúng để đoàn người đi trước “an toàn” và đợi mọi người sang sông gần hết mới ùa ra vây bắt. Anh cả bắn trả quyết liệt … và bị trúng đạn hy sinh giữa dòng sông Đuống “nghiêng nghiêng” ấy!
Anh ơi! Chúng em quên sao được hình ảnh anh khi vừa về đến sân nhà đã ngồi thụp xuống, dang rộng cánh tay ôm cả bốn đứa vào lòng và nói trong nghẹn ngào: “các em, các em!”
Ôi! Tình thương yêu biết mấy!
(Trang 27 +28)

*

Cuối thu năm 1966, ở nơi sơ tán, tôi nhận được bức điện “Anh về Hà Nội ngay, em cần gặp. Kiên.” Tôi hốt hoảng, lo lắng không hiểu có chuyện gì.
Về đến nơi thấy em đang ngóng chờ, hành lý gọn gàng như thể sắp đi xa.
-  Bộ chọn em vào Nam công tác. Kiên bình thản nói.
Tôi ngỡ ngàng và hốt hoảng: “Em vào phía trong à? Bao giờ đi?”
-    Đi ngay ạ.
-   Sao lại đi ngay! Gì thì gì cũng phải tập tành thế nào chứ!
  • Em đã qua lớp huấn luyện 2 tháng nay rồi.
  • Mới có 2 tháng! Tập thế nào? Liệu đã ổn chưa?
  • À, cũng được! Đại khái là: hàng ngày đeo một balô nặng cỡ 20 viên gạch, đi từ 18 đến hơn 20 km, leo hết đồi này qua đồi khác. “Suốt ngày dài lại đến đêm thâu … !” (câu nói có tính chất hài được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong một vở kịch rất nổi tiếng thời ấy)
Em mủm mỉm cười rồi đưa cho tôi chiếc valy nhỏ mà mình vẫn dùng.
  • Đây là sách vở, tài liệu học tập, ảnh sinh hoạt, ảnh bạn bè, anh giữ cho em. “Không được mang theo một thứ gì ở ngoài này” vào anh ạ. À! Anh có mang theo con dao cạo râu, chỗ tay cầm là cái lược thì cho em xin.
  • Không! Anh không ngờ nên không mang.
  • Thôi, không sao.
Ôi! Biết nói thế nào đây! Chú em nhỏ của tôi ngày nào … Chưa từng biết đến cuộc sống riêng tư nay đã sắp đi vào tuyến lửa!
Tôi tiễn em ra bến xe điện Cửa Nam (chỗ nút giao thông đường sắt và đường bộ gặp nhau bây giờ) để lên tập kết ở Sơn Tây.
Bao suy nghĩ nặng nề ập đến trong tôi. Em bị sơ nhiễm lao phổi, sức khoẻ không tốt, sao lại giấu bệnh? Vào cuộc hành trình lửa đạn ác liệt ấy liệu có trụ vững được không? Trong cuộc kháng chiến chín năm lần trước, anh cả đã từng ngã xuống trên dòng sông Đuống … ? Biết nói gì? Nói sao để khỏi ảnh hưởng tới người sắp lên đường …
Hai anh em lặng lẽ đi bên nhau.
Cuối cùng tôi hỏi:
  • Ở đây em có hứa hẹn với ai không. Anh chị và gia đình sẽ trông nom cho?
  • Không! Em đi, chắc gì đã có ngày về mà hứa hẹn, thêm ràng buộc làm khổ người ta!
Tôi xót xa, chậm bước, bặm môi cố nén những tiếng nấc nghẹn ngào rồi nhìn vào mắt em nhưng em quay mặt, nhìn đi nơi khác! Tôi hiểu, mỗi lời nói cử chỉ lúc này của em là đã đắn đo, cân nhắc nhiều lần, sau nhiều đêm suy nghĩ để buổi chia tay không diễn ra trong buồn thương hay ủy mị.
Như muốn kéo dài thêm những giây phút ngắn ngủi lúc hai anh em còn ở bên nhau, khi tiếng chuông xe điện đổ hồi giục giã và đã chuyển bánh rồi, em mới xốc balô chậm rãi bước lên tàu … xa dần, xa dần … mà vẫn không quay mặt …nhìn tôi!
Chiếc xe điện cũ kỹ, bạc nắng chiều, cùng tiếng leng keng gióng giả mang theo dáng hình em tôi khuất dần … khuất dần …
Em đi ngày ấy, giữa lúc thanh xuân 27 tuổi đời!
        Dõi theo bước em đi, nhưng thư về quá ít.

(Trang 90 +91)

*

Một chiều thứ bẩy, đang đi dạo với con gái, tôi nhận được mẩu thư tay của chị dâu. “Bà này cũng lắm chuyện, xa xôi gì mà phải thư với từ!” Tôi mỉm cười và chầm chậm mở ra đọc:

“Uỷ ban thống nhất TW báo tin Kiên đã hy sinh.”

Tôi không tin ở mắt mình nữa, đọc đi đọc lại nhiều lần … dần dần tôi hiểu, ngồi thụp xuống đất và ôm lấy con mà khóc:
  • Con ơi! Chú Kiên không còn nữa! Chú Kiên không còn nữa!
Con gái tôi mới 6 tuổi không hiểu nổi nỗi đau đang xé lòng tôi! Đưa con về nhà, tôi đạp xe lên ngay nhà chị dâu. Chị vừa lau nước mắt vừa đưa tôi xem giấy báo tử của Uỷ ban Thống nhất TW và nói trong nước mắt:
-  Em có trách chị không, vì chị đã khuyến khích Kiên đi Nam?
  • Không! Tình hình lúc ấy nếu cần đến em thì em cũng đi như thế!

            Phút yên tĩnh ở vung ven Tây dô (tưởng nhớ em Kiên)
Tranh sơn dầu (khổ 60cm X 80cm) của Đỗ Thiếu Khang


Tôi nói vẫn rõ lời dù đang dàn dụa nước mắt và nghẹn ngào, nức nở! Tôi có ngờ đâu, lần tiễn em trên bến xe điện Cửa Nam ấy là lần cuối cùng tôi được nhìn thấy Kiên! Cái bắt tay tạm biệt mà mắt em không dám nhìn vào mắt tôi lại chính là lời “Vĩnh biệt” của em gửi lại!
Kiên ơi!
Thương em biết bao nhiêu!
Nhưng lòng tôi vẫn cứ đinh ninh: tin Kiên hy sinh là không đúng! Nhầm lẫn thôi! Xa xôi và ác liệt như thế, tin tức thất thiệt là điều khó tránh khỏi. Vì vậy tôi vẫn mong chờ em và luôn ân hận: “Sao hôm ấy mình lại không mang theo con dao cạo râu!”  
Khi Miền Nam được giải phóng, nghe đài báo kể chuyện sum họp, chuyện đoàn tụ bất ngờ, chuyện những chiến sĩ đã báo tử rồi mà nay lại bình thản trở về, tôi càng tin ở suy nghĩ của mình là có căn cứ, nên ngày ngày vẫn khắc khoải ngóng trông.
Nghe tiếng động nhẹ ngoài cửa (một hy vọng mong manh), tôi bất giác ngửng đầu lên, ai như … chú Kiên đó … sắp bước vào!

(Trang 95)

*

Tháng 8/1988 nhân có công việc ở Miền Nam tôi vào Cần Thơ và đến viếng mộ Kiên. Qua đồng đội của em (đ/c Sáu Đông, Giám đốc Sở Công nghiệp tỉnh) tôi mới rõ hơn đôi chút về thời kỳ hoạt động của Kiên và tình huống em ngã xuống trên mảnh đất “đi trước về sau” này.
Em vào sâu vùng Tây Nam Bộ. Sau một thời gian thử thách và được huấn luyện, trên điều em sang hoạt động nội thành, là Uỷ viên Thường vụ Thành Đoàn Cần Thơ, đóng vai giáo sư phụ trách phong trào học sinh, sinh viên với bí danh Tám Kiên (thư gửi các bạn em thường ký “8 Kiên”).
Sau Mậu Thân, địch phản công anh em ta phải bật ra phía đông bắc thành phố. Sớm ngày 20/9/1969, mọi người đang thể dục, vệ sinh buổi sáng. Chợt có tiếng nổ “Ùng…” xa xa.
-   Cối ở đồn Cây Dương đấy!”
Tất cả chạy tản về nơi ẩn nấp.
Đến cửa hầm, em nghe còn tiếng lạch bạch phía sau. Nhìn lại, hai bạn nữ đang vội tới …, em giục “lẹ nữa lên, lẹ nữa lên!” và né sang bên nhường cho các bạn vào trước.
  • “Oàng …” tiếng nổ thứ hai!
Em bị dính mảnh ở ngực, ở cổ …
Đồng đội sơ cứu gấp và đưa em xuống thuyền về hậu cứ. Nhưng …, động mạch ở cổ không cách gì cầm máu được nên thuyền mới đến xã Phú Hữu (quận Châu Thành) thì em hy sinh!
            Đau đớn biết bao nhiêu! Trong bốn anh em trai chúng tôi, hai người đã ngã xuống trên chiến trường qua hai cuộc kháng chiến: Anh cả hy sinh ngày 20/9 (1950) thời chống Pháp, tức là ngày mồng 9 tháng 8 năm Canh Dần. Đúng 19 năm sau, thời chống Mỹ, em út cũng mất ngày 20/9 (1969), cũng ngày mồng 9 tháng 8 (năm Kỷ Dậu).
Ôi! gia đình chúng tôi! Một gia đình có hai liệt sĩ cùng giỗ một ngày!
            Ngẫu nhiên hay là số phận đây!
Đau đớn hơn nữa: Trường hợp của Kiên cũng có nét tương tự anh cả vì khi Cần Thơ quy tập hài cốt các liệt sĩ về Nghĩa trang Thành phố, (mộ 16, hàng 1) gia đình không được báo tin mà gặp mặt em lần cuối và biết chắc rằng “Chiến sĩ nằm dưới bia mộ này chính là Kiên của các anh chị đây” mà đón em về bên di hài bố mẹ ở quê nhà!
Kiên ơi! Em hãy tha thứ cho các anh chị!
Tha thứ cho các anh các chị nhé!


(Trang 188- 190)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét