Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015

4 nhà khoa học người Việt có ảnh hưởng nhất trên thế giới 2015

4 nhà khoa học người Việt có ảnh hưởng nhất trên thế giới 2015

Dân trí Danh sách các nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2015 theo công bố của trang web highlycited có tên 4 nhà khoa học người Việt là GS Nguyễn Sơn Bình, GS Nguyễn Thục Quyên, GS Võ Văn Ánh và PGS Nguyễn Xuân Hùng.

Bản báo cáo do trang web highlycited.com đưa ra nhằm mục đích đánh giá về tầm ảnh hưởng của các nhà khoa học trên thế giới trong nhiều lĩnh vực và tiêu chí đánh giá chính dựa trên những báo cáo khoa học của những nhà khoa học này.
Tổng cộng 3.126 nhà khoa học có tên trong danh sách đều là những người có các bản báo cáo nghiên cứu khoa học được trích dẫn và sử dụng nhiều nhất trong các công trình nghiên cứu trong lĩnh vực của họ. Danh sách năm nay được đánh giá dựa trên những ý kiến phản hồi và thống kê về số lần trích dẫn trong suốt năm qua và được tổng hợp lại trong khoảng thời gian từ 8/9/2015 tới 1/12/2015.
4 nhà khoa học người Việt là GS.TS Nguyễn Sơn Bình, GS.TS Nguyễn Thục Quyên, GS.TS Võ Văn Ánh và PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng đã lọt vào danh sách năm nay. Đáng chú ý, đây là năm thứ hai liên tiếp GS.TS Nguyễn Sơn Bình và PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng nằm trong danh sách này.
Dưới đây là chân dung 4 nhà khoa học nổi tiếng này:
GS-TS Nguyễn Sơn Bình (Ảnh: VOV)
GS.TS Nguyễn Sơn Bình, tốt nghiệp cử nhân hóa học tại Đại học PennState (Mỹ) và nhận bằng thạc sĩ tại Viện Công nghệ California. Ông từng có thời gian nghiên cứu sau tiến sĩ theo chương trình của Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ (NSF) tại Viện nghiên cứu Scripps (Mỹ). Hiện ông đang là giảng viên hóa học tại Đại học Northwestern, Mỹ và là thành viên chính của phòng thí nghiệm quốc gia Mỹ Argonne)
Nghiên cứu hiện nay của ông tập trung vào thiết kế các vật liệu mềm (soft materials) dành cho các ứng dụng trong hóa học xúc tác, y học và khoa học vật liệu.
PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng (hiện là giảng viên trường ĐH Công nghệ TPHCM)
Nghiên cứu của anh tập trung vào phát triển các công cụ tính toán mạnh và mô phỏng trên máy tính,  đang được ứng dụng vào lĩnh vực Cơ Kỹ thuật, Cơ Sinh học, Vật liệu...
Trước đó, trong tháng 7/2015, anh còn đón nhận thêm một vinh dự khác: là một trong bốn nhà khoa học được trao giải thưởng Georg Forster Research Award của Quỹ Alexander von Humboldt (Đức). Giải thưởng này dành cho những nhà nghiên cứu đến từ hơn 120 quốc gia theo qui định của Quỹ. Giải thưởng sẽ được trao chính thức trong tháng 3/2016 tại Đức.
PGS Nguyễn Xuân Hùng sinh năm 1976, quê ở Tánh Linh, Bình Thuận. Sau khi tốt nghiệp ĐH Khoa học Tự nhiên, anh đã sang tu nghiệp ở Bỉ. Anh đã nhận bằng Thạc sỹ trong lĩnh vực cơ học môi trường liên tục và Tiến sỹ trong lĩnh vực cơ học tính toán tại Đại học Liege (Bỉ).
Anh từng có thời gian làm nghiên cứu tại Đức, Singapore, Mỹ. Năm 2011, anh được trường Kỹ thuật hàng không không gian Mỹ mời làm việc trong một dự án nghiên cứu của mình. Ngoài ra, anh còn đảm nhiệm vị trí phó tổng biên tập tờ báo khoa học "Asia Pacific Journal of Computational Engineering, APJCEN" bằng tiếng Anh với đội ngũ biên tập là các nhà khoa học uy tín trên thế giới.

GS. TS Nguyễn Thục Quyên (hiện giảng dạy tại Khoa Hóa và Hóa sinh trường ĐH California)
Năm 2001, bà hoàn thành chương trình tiến sỹ tại trường dưới sự hướng dẫn của GS Benjamin J. Schwartz. Kể từ năm 2011, bà được phong chức danh GS Khoa Hóa và Hóa sinh. Nhóm nghiên cứu do bà thành lập tập trung nghiên cứu về các dụng cụ điện tử hữu cơ như quang điện (photovoltaics), LED (light-emitting diodes – điốt phát quang), Transistor hiệu ứng trường (field-effect transistors).  
Sinh ra ở Buôn Mê Thuột, sau những năm tháng ấu thơ theo học ở trường làng, năm 1991, Nguyễn Thục Quyên sang Mỹ định cư cùng gia đình, với vốn tiếng Anh bằng không. Và cô gái trẻ Nguyễn Thục Quyên ngày đó đã phải nỗ lực không ngừng, vượt qua nhiều trở ngại để trở thành nhà khoa học có được những thành công như ngày hôm nay.
Bà tốt nghiệp bác sĩ và tiến sĩ tại Đại học Washington sau khi lấy bằng cử nhân về tâm lý học và sinh học tại Đại học Nam California.
GS Nguyễn Thục Quyên được giới khoa học chú ý do những đóng góp trong phương pháp phẫu thuật mã hóa màu. Đây là phương pháp tác động để tế bào ung thư phát sáng giúp bác sĩ dễ dàng giải phẫu tách bỏ tế bào ung thư khỏi cơ thể mà không bỏ sót. Bà cũng sử dụng phương pháp này trong phẫu thuật khác để các dây thần kinh không bị tổn thương.
Năm 2013, bà đứng thứ 11 trong danh sách 50 nhà khoa học có ngoại hình quyến rũ nhất do tạp chí Bussiness Insider công bố. Tạp chí cho rằng việc bình chọn này nêu bật sự kết hợp giữa trí tuệ và vẻ đẹp của những ngôi sao khoa học đang lên hoặc đã thành danh từ lâu trong nhiều ngành khoa học trên thế giới. Bà còn từng được trao những giải thưởng lớn như Harold J. Plous Award trong năm 2008, giải thưởng của Quỹ học bổng nghiên cứu danh tiếng Alfred Sloan năm 2009.
GS.TS Võ Văn Ánh (hiện đang giảng dạy tại Khoa Khoa học và Kỹ thuật, ĐH Công nghệ Queensland, Australia)
Chuyên ngành giảng dạy của GS.TS Võ Văn Ánh là Khoa học toán học, Toán học tính toán và ứng dụng. Ngoài ra, GS Ánh còn là thành viên Hiệp hội Toán học Úc, Hiệp hội Toán học Mỹ..
Lĩnh vực nghiên cứu của ông bao gồm mô hình ngẫu nhiên của quá trình khuếch tán phi tuyến (spatiotemporal nonlinear diffusion processes) với những đặc điểm đa hệ fractal; ước lượng thống kê và phép xấp xỉ của khuếch tán dị thường (anomalous diffusion); sự khuếch tán và vận chuyển của nước mặn trong tầng ngậm nước vùng duyên hải.
Nhật Ninh (Tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét