Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2013

ST : Bỏ hay duy trì thi TN THPT?

GS Nguyễn Lân Dũng bàn về bỏ hay không thi tốt nghiệp THPT

VOV.VN - GS Nguyễn Lân Dũng: Cả xã hội phải đổi mới tư duy giáo dục là học không phải để lấy bằng, mà học là để thành người…”
Là người có trên 50 năm gắn bó với nghề giáo, GS Nguyễn Lân Dũng có nhiều chia sẻ về thực trạng giáo dục hiện nay. Ông cho rằng, giáo dục hiện nay còn nhiều bất cập, cần phải khắc phục nay nếu không sẽ chậm trễ. PV VOV online phỏng vấn GS Nguyễn Lân Dũng, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Khoa học Giáo dục- Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về những vấn đề mà nhiều người đang quan tâm hiện nay.
PV: Theo thông báo điểm thi Đại học của các trường, điểm thi của thí sinh năm nay khá cao và dự kiến điểm sàn của nhiều trường cũng tăng. Ông có cho rằng đây là một tín hiệu đáng mừng về chất lượng giáo dục, thưa ông?
GS Nguyễn Lân Dũng: Tôi không cho là như vậy. Điểm cao là vì năm nay đề thi không khó. Và khi xét điểm chuẩn, tất nhiên các trường phải lấy từ trên xuống thì điểm sàn sẽ cao. Chất lượng giáo dục như thế nào không đánh giá được qua kỳ thi Đại học, không phụ thuộc vào thí sinh điểm cao hay thấp.
Tuy vậy, việc đông đảo học sinh thi vào Đại học là điều đáng mừng của đất nước mà nhiều nước không có. Nhưng chúng ta nên xem xét lại việc đào tạo, có khả năng về lĩnh vực gì thì đào tạo chứ không tràn lan như hiện nay.
GS Nguyễn Lân Dũng
Nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp PTTH
PV: Hiện nay nhiều người cũng quan tâm đến phương thức, chất lượng các kỳ thi tốt nghiệp THPT, Đại học và có nhiều ý kiến khác nhau. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
GS Nguyễn Lân Dũng: Chúng ta đều thấy rằng con em trải qua 2 kỳ thi gần nhau hết sức khổ. Việc chọn môn thi tốt nghiệp PTTH trong thời gian rất ngắn và thí sinh phải “chúi mũi” vào để ôn những môn đó. Thi xong chỉ trong một thời gian ngắn, thí sinh lại phải lao vào ôn thi mấy môn thi Đại học, cho nên việc học tập hết sức vất vả. Cha mẹ học sinh cũng vất vả. Vì thế trong một thời gian ngắn như thế, không nên tổ chức liên tiếp hai kỳ thi mà nên bỏ bớt 1 kỳ.
Nhưng không thể bỏ được kỳ thi Đại học, bởi đây là kỳ thi cạnh tranh, mỗi trường Đại học có một yêu cầu riêng. Nếu chúng ta không có điều kiện như ở các nước khác thì sẽ không bao giờ bỏ được kỳ thi Đại học. Ở nước ngoài, điều kiện tốt, bao nhiêu người vào Đại học họ cũng chấp nhận và họ lần lượt lấy các chứng chỉ, không đủ điều kiện thì không được lên lớp. Vì thế, sinh viên nào học giỏi có thể 3 năm là tốt nghiệp, học kém thì 5 năm, còn ai vừa đi học vừa đi làm thì có thể 7 năm. Còn ở Việt Nam không có điều kiện, nếu tất cả vào Đại học thì sẽ không có chỗ, không có phòng thí nghiệm.
Do vậy nên bỏ kỳ thi phổ thông trung học. Nếu không học sinh sẽ không học các môn khác ngoài các môn định thi vào Đại học. Khi học sinh không học, thầy cũng không muốn dạy. Vì thế, khi bỏ kỳ thi tốt nghiệp PTTH, phải đánh giá đúng, em nào đạt tiêu chuẩn mới được tốt nghiệp phổ thông.
Vậy ai sẽ là người đánh giá? Thầy cô giáo là người hiểu rất rõ ai đáng tốt nghiệp và ai không đáng tốt nghiệp. Vì thế, Hội đồng giáo dục của các trường sẽ là người đánh giá học sinh đỗ hay không đỗ tốt nghiệp PTTH, còn người ký là Giám đốc Sở GD-ĐT.
PV: Thưa ông, nếu bỏ kỳ thi tốt nghiệp PTTH như ông đề xuất, e rằng sẽ xảy ra tình trạng tiêu cực chạy điểm, chạy thành tích để đủ điều kiện được chứng nhận tốt nghiệp?
GS Nguyễn Lân Dũng: Tất nhiên khi bỏ kỳ thi tốt nghiệp, người ta lo ngại sẽ xảy ra tình trạng móc ngoặc, tình trạng mua điểm. Nhưng trước đây, thế hệ chúng tôi, đi học đều có học bạ, thường xuyên có điểm kiểm tra. Vậy thì một em nếu có nhiều điểm 1-2 thì làm sao thầy giáo có thể cho đỗ tốt nghiệp PTTH được. Và khi không đỗ thì chắc chắn phải ở lại lớp. Nhưng nếu lưu ban nhiều, lại dẫn đến việc không có chỗ để học. Chính vì vậy, thầy cô phải dạy cho tốt để không phải lưu ban nhiều.
Đây là cả một cuộc cách mạng, làm thế nào để học sinh học tốt, học đồng đều các môn và thầy dạy tốt. Em nào không đủ điều kiện thì phải học lại, không thể nào coi việc tốt nghiệp phổ thông quá dễ dãi. Tôi cũng biết nhiều em ở các trường bổ túc văn hóa, các trường không phải công lập, học hành rất kém nhưng các thầy giáo đều “bày cách” để các em thi đỗ.
Hiện nay, một số tỉnh không tuyển người học không chính quy, không chỉ ở cấp Đại học mà kể cả phổ thông, như vậy cũng không đúng vì ngành nào cũng có người giỏi, người kém. Vấn đề đặt ra là mọi tấm bằng đều phải có chất lượng. Muốn có chất lượng thì không ai khác ngoài thầy cô phải là người dạy tốt. Và họ phải trong sáng, khi đó mới đánh giá đúng điểm kiểm tra thường xuyên là chứng chỉ năng lực học của các em.
Chấp nhận cho con em mình học lại khi không đạt yêu cầu
PV: Như ông vừa nói làm thế nào để đánh giá được độ trong sáng của thầy cô, khi mà xảy ra ngày càng nhiều các tiêu cực liên quan đến việc chạy điểm, chạy trường, chạy lớp như thời gian vừa qua?
GS Nguyễn Lân Dũng: Điểm kiểm tra thì không thể nào gian dối được. Bài được làm công khai, em không làm được bài thì không thể cho điểm cao được, vì các em học sinh trong lớp sẽ tự kiểm soát, phụ huynh học sinh kiểm soát lẫn nhau.
Vấn đề nâng cao đạo đức của thầy giáo là nên làm. Những thầy cô có lương tâm thì họ không bao giờ làm những việc tiêu cực liên quan đến việc nâng điểm nếu học sinh không đạt yêu cầu.
Và phụ huynh học sinh phải là người ủng hộ điều đó, chấp nhận cho con em mình học lại khi không đạt yêu cầu. Cha mẹ phải quán triệt một điều là học để lấy kiến thức, học cho mình, học để vào đời, để làm việc; cả xã hội phải đổi mới tư duy giáo dục là học không phải để lấy bằng, mà học là để thành người.
PV: Là người có gần 50 năm gắn bó, tâm huyết với ngành giáo dục, ông có nhận xét gì về nền giáo dục hiện nay?
GS Nguyễn Lân Dũng: Không chỉ riêng tôi mà nhiều người có nửa thế kỷ gắn bó, tâm huyết với giáo dục phải nói thật về những sự thật đáng buồn, những bức xúc hiện nay quá lớn liên quan đến toàn dân. Vì vậy cần phải khắc phục những bức xúc, tồn tại này.
Theo quan điểm của tôi, khắc phục không khó. Nếu có quyền, tôi có thể giải quyết được ngay, không cần phải đợi đến 2015 mới bắt đầu. Đó là việc sửa lại chương trình. Chúng ta đã có cả nền giáo dục bao nhiêu năm, học sinh không kém so với các nước. Thứ nữa là số năm học của chúng ta không kém các nước khác, cũng 12 năm, nhưng vì sao lại xảy ra tình trạng như hiện nay?.
Đừng trách học sinh, đừng trách thầy giáo. Khoảng 1 triệu thầy cô giáo là những người tận tụy, yêu nghề, mặc dù lương rất thấp, điều kiện khó khăn. Vậy lỗi cho đâu? Do chương trình hoàn toàn không phù hợp. Khi đã có chương trình chuẩn cấp Nhà nước thì các chuyện liên quan đến sách giáo khoa rất dễ giải quyết. Nó là công việc, là trách nhiệm của các nhà xuất bản. Ai viết không đúng với chương trình thì không được in, ai viết kém thì người ta không mua và sách giáo khoa là hàng hóa. Đã là hàng hóa thì phải có cạnh tranh. Nếu giải quyết được vấn đề này thì những bức xúc cơ bản trong ngành giáo dục sẽ được khắc phục.
PV: Xin cảm ơn ông./.

DANH SÁCH Ý KIẾN

Sắp xếp theo: 
  • Nguyễn Bình
    Rất cảm ơn GS Nguyễn Lân Dũng, ông đã dám nói thẳng và nói đúng. Tôi chỉ mong ông được quyền quyết định làm những điều ông đã nghĩ cho đất nước.
  • Nguyễn Thái Hưng
    Đã có nhiều nhà lãnh đạo và người có uy tín lớn về giáo dục lên tiếng nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông (TNPT). Đây là một vấn đề lớn. Tôi xin có mấy ý kiến nhỏ, kể như là trái chiều.

    1) Mọi việc về học là phải gian khổ để chuẩn bị đủ tri thức cho bước đi trong cuộc đời. Nó sẽ được bình thường hóa bởi phương cách tổ chức dạy và học. Học sinh, phụ huynh học sinh và cả xã hội phải nhận thức được điều đó. Kỳ thi TNPT là một đích, buộc học sinh phải học đến nơi đến chốn để đạt được đến đích đó, để test cái học lực cho các bước đi tiếp, không chỉ vào ĐH, đồng thời test cả chất lượng dạy của thầy cô nữa nên nó cũng là điều kiện chính ràng buộc để các thầy cô dạy tốt. Nếu buông kỳ thi này, cả thầy và trò đều oải ngay, chất lượng dạy và học xuống ngay. Đồng thời nó “phát động” những tiêu cực ghê gớm hơn trong ngành giáo dục liên quan đến xét tốt nghiệp. Mà cũng chỉ có vài chục phần trăm học sinh hàng năm vào ĐH thôi, còn đại đa số tìm đường khác lập nghiệp. Vậy nên tất cả phải khép vào khung tri thức (phổ thông) để đáp ứng đòi hỏi chung của các lĩnh vực đời sống xã hội.
    Những năm 60’, 70’thế kỷ trước vẫn có hai kỳ thi. Tất cả đều bình thường. Tôi cũng có các cháu học, thi TNPT rồi thi vào ĐH. Hơi nặng lên, cố lên một chút nhưng gia đình tôi đều thấy bình thường. Bây giờ mới nói là quá khổ. Tại sao lại hình thành tâm lý xã hội ấy và ai đã chịu trách nhiệm hướng dẫn tâm lý đó? Cái cách nhìn nhận vấn đề cũng thật quan trọng.

    2) Nhận thức rằng khi kết quả thi TNPT đạt 99% - 100% thì không cần tổ chức kỳ thi này nữa là một tiêu cực. Kết quả kỳ thi tồi (do có quá nhiều tiêu cực và tổ chức kém dẫn đến kết quả phản ánh quá lệch lạc chất lượng học sinh) là thất bại lớn của xã hội, trước hết là ngành GD. Tôi không đi vào phân tích nguyên nhân. Trách nhiệm thuộc về cả hệ thống nhưng cần chỉ đích danh: Bộ trưởng Bộ GDĐT, các vị đứng đầu hàng tỉnh và Thủ tướng CP. Khi kết quả kém diễn ra hết năm này đến năm khác, Bộ trưởng Bộ GDĐT đã được yêu cầu một cách nghiêm khắc nhất chưa? Tôi tin tưởng mạnh mẽ, khi xác định trách nhiệm và kiên quyết, chỉ cần trong một năm, vấn đề chất lượng kỳ thi TNPT sẽ được giải quyết. Ta hãy xem kỳ thi ĐH.
    Bỏ kỳ thi này tức là đầu hàng. Trong bối cảnh đất nước như hiện nay, với một ngành GD có quá nhiều khó khăn chưa giải quyết được một sớm một chiều, bỏ kỳ thi này sẽ tạo một khoảng khuyết to lớn.
    Không loại trừ tâm lý e sợ, nếu thi cử nghiêm túc, tỉ lệ HS đỗ TNPT sẽ rất thấp, thậm chí chỉ vài chục phần trăm, khi đó lòi cái chất lượng dạy và học kém “99 – 100%” ra nhãn tiền. Thế nhưng ta đối diện với thực tế đau đớn để cải tạo nó hay tiếp tục che dấu sự tồi tệ của nó?
    3) Có ý kiến rằng, lỗi của ngành giáo dục phổ thông là “Do chương trình hoàn toàn không phù hợp. Khi đã có chương trình chuẩn cấp Nhà nước thì các chuyện liên quan đến sách giáo khoa rất dễ giải quyết”.
    Tôi không đủ sức hiểu hết tầm mức của vấn đề và không đủ quan sát hiện trạng phức tạp của ngành GD để nhận thức, vậy chỉ xin nêu một ý kiến nhỏ.
    Sự không phù hợp của chương trình đào tạo là một thực tế. Nhưng khi đề cao chương trình đào tạo, phải đặt yếu tố chủ quan con người và tổ chức lên hàng đầu. Yếu tố này quyết định thành công hay thất bại của bất kỳ chương trình đào tạo hoàn hảo nào. Tổ chức giáo dục và “Khoảng 1 triệu thầy cô giáo là những người tận tụy, yêu nghề, mặc dù lương rất thấp, điều kiện khó khăn” của những năm 20’ của thế kỷ 21 đã khác xa, thậm chí rất xa những năm 60’, 70’ của thế kỷ 20.

    4) Việc phân lập các bậc phổ thông (PTCS, PTTH) và ý nghĩa thực tế của nó không được tốt. Dường như người ta đã quên mất điều này. Trên thực tế học sinh học xong bậc PTCS đã có thể và làm thế nào để chuyển sang học nghề ngay được? Việc tiếp ứng của các ngành khác trong xã hội đối với các em học xong THCS như thế nào? v.v.. và v.v… Có lẽ đây lại là cả một vấn đề nữa./.
  • trần quang
    GS NLD nói là cần làm lại chương trình, nhưng quan trọng hơn trước đó là làm lại tư duy giáo dục, học để làm người chứ không phải để ra oai, làm quan. Các phương tiện truyền thông cũng phải xem lại cách tuyên truyền, hiện nay đang cổ vũ một chiều cho kì thi đại học, cứ làm như không vào được ĐH là thảm hoạ của cả dòng họ. Các đơn vị sử dụng lao động, nhất là cơ quan nhà nước phải bỏ ngay kiểu tuyển người chỉ dựa vào bằng cấp hoặc coi bằng cấp là tiêu chuẩn đầu tiên quan trọng nhất.
    Chương trình GD hiện nay nhiều bất cập, cái XH và con người cần thì không có, những cái vô bổ, không thiết thực, hàn lâm kinh viện thì đầy rẫy (GS Văn Như Cương có ví dụ). Chương trình nhồi nhét, thầy cô gò ép, nhà trường chạy theo bệnh thành tích, quãng đời tươi đẹp nhất là đời học sinh sinh viên trở thành quãng đời khổ ải nhất!
    Nhưng bỏ thi tốt nghiệp THPT là không được. Nền GD tiên tiến phải có chuẩn đầu ra phù hợp, phải xiết chặt đầu ra. Khi đầu ra của THPT được xiết chặt, đầu vào của bậc đại học sẽ tự động được đảm bảo, khi đó cái cần bỏ chính là kì thi vào ĐH cực kì tốn kém hiện nay. Cần bỏ ngay các loạị chỉ tiêu tốt nghiệp, đánh giá thi đua, danh tiếng trường học theo tỉ lệ học sinh tốt nghiệp. XH cần đánh giá và chấm điểm các trường theo chất lượng người học ở đó ra làm việc thế nào, phát huy cống hiến được gì....
  • Lê Xuân Thanh
    Sao người ta lại sợ tốn kém trong các kỳ thi cơ chứ ? lịch sử tiến bộ của loài người là do có thi cử vậy thôi . Từ xưa đến nay , bao nhiêu cái phải bàn thì giải quyết triệt để vấn đề đó , chứ không phải là bàn về thi hay không thi . Yếu tố con người quyết định tất cả . Phải giải quyết vấn đề này và có lẽ mãi mãi là như thế . Không thi cử thì người dạy và người học lấy căn cứ đâu làm mức chuẩn kiến thức phải học và mức chuẩn phải dạy . Những nơi không cần thiết thi cử nữa thì chính họ cũng không sợ tốn kém cho thi cử , ngược lại là nơi chỉ muốn nhà nước bao cấp hoàn toàn cho con em họ học thôi . Sẽ là phân hóa lãnh thổ và vùng địa phương về mọi phương diện , trong đó ngành giáo dục được toàn xã hội quan tâm nhất , vì gia đình nào mà chẳng có người thân đang học tập . Xu hướng dân cư chuyển dịch về các thành phố cũng là xu hướng chung của thế giới . Nhà nước ta có quyền điều chỉnh làm sao cho quá trình này chậm hơn , để vấn đề giáo dục ở các thành phố lớn làm cản trở giao thông, chật trường chật lớp , chật chỗ công ăn việc làm , chất lượng cuộc sống cũng do đó khó nâng cao . Thi cử là vấn đề tất yếu không nên bàn nhiều như một chiến lược , mà là cần giải quyết nhiều khía cạnh khác nhau nảy sinh trong quá trình thực hiện thi cử . Bản thân sự thi cử đã chỉ ra những bất cập trong chiến lược giáo dục cần bàn , chứ thi cử không phải là vấn đề đưa ra bàn có thi hay không thi . Khi coi là một hệ đào tạo thì không thể bàn thi hay không thi . Chỉ có thể xây dựng một hệ thống giáo dục khác hiện nay - Ví dụ , hệ phổ thông chỉ đến hết lớp 9 , hoặc tới hết lớp 10 . ( tất nhiên cấu trúc lại các hệ thống kiến thức mang tính phổ thông nhất phù hợp cho 9 hoặc 10 năm tương ứng ). Như vậy , hệ đại học và dạy nghề đảm nhiệm tiếp các kiến thức cần đào tạo cho sinh viên liên quan đến các ngành và các lĩnh vực mà hệ phổ thông mới chưa làm . Vì đã có nhiều bài viết về vấn đề hệ đào tao , nên tôi nghĩ rằng , cần có một thời gian chuẩn bị nữa cho đủ chín muồi để gộp hệ THCS và THPT thành một . Chứ học sinh tốt nghiệp THCS ( lớp 9 ) có quyền vào nhà máy xí nghiệp đào tạo thành nghề và làm việc , mà lại coi THPT là kiến thức phổ thông thêm 3 năm nữa ( 10 , 11 , 12 ) thì hóa ra người công nhân chưa có đủ kiến thức phổ thông hay sao . Xã hội lãng phí nhân lực , vật lực chính là chỗ này . Mà học sinh tốt nghiệp THPT ( lớp 12 ) mà không đỗ vào ĐH , CĐ thì vẫn là phí 3 năm học THPT để rồi coi như mới hết lớp 9 để vào nhà máy xí nghiệp làm việc vẫn phải đào tạo tiếp trong đó nữa . nhà nước ta và xã hội ta đã và đang phát triển thành nước công nghiệp , không tập trung phát triển các nhà máy xí nghiệp thì dân ngày càng đông đi làm gì , sống như thế nào .,., . Tóm lại , còn tồn tại một hệ THPT tới lớp 12 thì vẫn thi cử như thế , các tồn tại cần giải quyết không phải do có thi , mà do bản thân hệ lớp 9 ( THCS ) với hệ THPT đang là bất cập về giải quyết việc làm cho người lao động . Một nền kinh tế tri thức mà nhà nước ta đang xây dựng để có thể góp phần yếu tố quan trọng cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường toàn cầu , đòi hỏi các nhà hoạch định chinh sách và chiến lược cân nhắc điều chỉnh . Vì xã hội ta đã có khá đủ các điều kiện và phương tiện học tập hiện đại, phủ khắp toàn lãnh thổ vùng miền , để xây dựng một xã hội học tập theo tầm cao mới , giáo dục tự học và học suốt đời cho mọi thành viên trong xã hội cũng cần được đề cao và chú ý hơn nữa , đồng bộ và phù hợp sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và giáo dục - đào tạo nói riêng . Nhà nước ta là rất đặc biệt trên thế giới , không giống với bất cứ một nhà nước nào từ quá khứ chiến tranh tàn phá và các chế độ xã hội đã trải qua . Bởi vậy , Việc học để thành người như GS NLD đã nói ở trên là quan trọng lắm , chưa thể mơ tưởng đến một hệ thống hoàn chỉnh tới mức bỏ được kỳ thi tốt nghiệp THPT đâu , mà tới lúc nào đó , các hệ đào tạo có trúc khác cấu trúc hiện nay thôi . Xét cho cùng , một sự phát triển nào cũng có sự đào thải cái cũ , mà người trong cuộc gọi là hi sinh nhất định . Đất chật , người đông , Giáo dục - đào tạo là của cả nước ,của toàn dân , tạo nguồn nhân lực với cuộc sống hạnh phúc hơn , chất lượng cuộc sống nâng cao hơn . Nhà nước chú ý tất cả các vùng miền , phát triển toàn diện là cần tập trung thành các hạt nhân cho phát triển , việc dàn trải không phải là phong trào thi đua yêu nước , đất nước phát triển bền vững trong nền kinh tế thị trường là cần tạo đột phá , muốn vậy , tập trung cho các hạt nhân phát triển mới là tạo động lực cho cạnh tranh lành mạnh giữa các vùng và nội vùng . Bỏ thi cử thì khác gì gieo trứng cho ác ở nơi khó khăn và xa xôi hiểm trở . Ví dụ , từ sự liên hệ nền nông nghiệp nước ta , với các cây công nghiệp dài ngày , đòi hỏi 5 - 10 năm mới bắt đầu cho sản phẩm hàng hóa , nhưng mới tới 10 - 15 năm thì người dân chặt phá đi vì sản phẩm ế đọng không tiêu thụ được trên thị trường thế giới như cà phê , điều , , , Vậy , việc phát triển ngành công nghiệp chế biến sản phẩm gắn thị trường tiêu thụ cần nhà nước can thiệp , hỗ trợ , tạo thị trường bền vững .
  • Phan Sáng
    Theo tôi thì thi hay không thi không quan trọng mà học và dạy như thế nào mới quan trọng, đã là chương trình thiết thực người học thực thụ và người dạy thực thụ thì thi hay không thi cũng chẵng là gì. khi một người dạy tốt và có những người học tốt thì tất nhiên chất lượng giáo dục sẽ tốt và sản phẩm giáo dục sẽ tốt.
    Cái mấu chốt là mọi người được học theo khả năng và nhu cầu của mình.
  • Thu Hiền
    Có thi thì mới học, theo tôi nên duy trì tất cả các kỳ thi . Chúng ta không nên so bì với các nước khác được vì thực tế luật và khả năng giám sát của chúng chưa chặt chẻ. Giải pháp siết chặt đầu ra của các trường đại học. “Ai siết chặt”. Hiện nay giáo dục chưa phân tầng đẳng cấp của các trường đào tạo. Còn bằng cấp trong tuyển dụng thì có giá trị như nhau. Bằng cấp của các trường đào tạo kém cũng giống như trường đào tạo có chất lượng . Với cơ chế này nếu trường nào mà siết chặt đầu ra chẳng có sinh viên nào theo học. Các trường Đại học thì mở tràn lan cấp trên thì chẳng quản lý giám sát được cấp dưới, căn bệnh thành tích ăn sâu vào các cấp lãnh đạo. Tình trạng chạy trường, chạy điểm, mua thầy… còn tràn lan. Vậy giải pháp bỏ thi có tốt không?
  • Chỉ tiêu
    Lớp 6, 7 rồi mà còn đọc chưa thông, viết chưa thạo,... vậy tại đâu? giáo viên vô trách nhiệm hay gia đình không quan tâm?...
    Nói dạy là phải có lương tâm, phải biết quan tâm giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn,... nhưng thực chất đó chỉ là lí thuyết suông thôi.
    Điển hình một số vấn đề tôi thấy bất cập đó là:
    - Giáo viên nào mà để học sinh yếu kém nhiều sẽ không xét thi đua, sẽ bị phạt, thậm chí bị kỉ luật... (có giáo viên nào muốn thế không?)
    Khi sinh ra ai cũng phải thông minh, cũng học tốt? Là giáo viên ai mà chẳng muốn học sinh của mình ngoan và học giỏi. Nhưng nếu gặp phải trường hợp ngoại lệ thì sao?
    Vậy mà cấp trên cứ giáng xuống là chỉ tiêu năm nay phải cao hơn năm trước, hồ sơ năm nay phải nhiều hơn năm trước,...
    Ngày xưa trẻ em đi học đều tự tay sách cặp để đi học, còn bây giờ "Giảm tải" nên trẻ em không còn phải mang nặng nữa, mà thay vào đó là cha mẹ nó,...
  • văn phước
    Theo tôi vẫn thi tốt nghiệp THPT và học môn nào thi môn đó. Nhưng không nặng lề như hiện nay, giao cho các tỉnh tự tổ chức thi như chuyển lớp là được. Nhưng phải viết lại sách giáo khoa bỏ đi 1/3 lượng kiến thức hiện nay, bổ xung kiến thức dạy làm người.
  • pham nguyen
    bac Lan qua Tuuet Voi
  • Minh Hạ
    Bỏ thi tốt nghiệp là tốt vì đề thi tốt nghiệp thực tế dễ hơn đề kiểm tra trong lớp nữa, chỉ cần chịu khó học bài là đạt loại giỏi học sơ sơ là qua ngay thôi hà, chưa kể trước khi thi thầy hiệu trưởng, cô hiệu phó còn dặn dò vô thi "chỉ bảo" ra sao, giám thị gát thi mà cứ đi ra hành lang "gác mây, hóng gió" như vầy chất lượng ở đâu? Vậy tổ chức làm gì?
    Nhưng ngay bây giờ bỏ thi tốt nghiệp sẽ dẫn đến hậu quả lớn khó kiểm soát chất lượng vì chỉ tổ chức thi ĐH thôi mà với tính chất đề như năm nay lại không ổn.
    Muốn bỏ tốt nghiệp trước hết phải cải cách giáo dục Việt Nam, học sinh hiện nay học quá nhiều thứ tràng lang, học rất nhiều nhưng hỏi thì không biết gì cả, thực tế thật đáng buồn. Do chương trình học quá nặng nề? Hay do chạy thành tích của giáo viên? Tại sao cứ thêm vào thật nhiều môm học mà không nghĩ đến việc giảm tải những môn không cần thiết chỉ học những môn chính? Tôi chứng kiến 1 đứa bé học lớp 1 ở quê mỗi ngày đi học phải vác trên vai chiếc cặp đầy sách vở khệ nệ nặng quằng cả vai...học như vậy có hiệu quả không? Hay những kiến thức học ở trường không bao giờ đúng với thực tế nhưng vẵn phải học, vặy học để làm gì?
    Cho nên muốn bỏ tốt nghiệp cần cải cách giáo dục phù hợp, tránh để xảy ra những tranh cãi từ xã hội!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét