Thứ Hai, 2 tháng 9, 2013

VỀ HỘI ĐỒNG MÔN


                                 HỘI  ĐỒNG MÔN Ở LÀNG TÔI

          Ở làng tôi có nhiều  Hội đồng môn.

Các hội này nảy nở ra ngày càng nhiều từ khi trường THCS Hoài Thượng tổ chức kỷ niệm 35 năm ngày thành lập trường năm 1990.

         Gọi là Hội đồng môn, nhưng tôi dám chắc là có đến trên 90% số người được hỏi cũng chẳng biết ý nghĩa của từ này, bản thân tôi cũng chẳng hiểu.

          Nhân một dịp thuận lợi, tôi có hỏi một cụ già cao tuổi, biết nhiều chữ Hán trong làng, được cụ giải thích từng chữ như sau:

1-    Hội : Chữ Hội có nhiều nghĩa
-         Hội (1) : + Họp ( như đại hội, khai hội …)
                   + Là tổ chức của những người theo một mục đích chung ( như Hội Nhà báo, Hội Cựu Chiến binh…)
                             + Dịp vui tổ chức định kỳ ( như hội làng, trảy hội …)
                             + Khoa thi mở vào mùa xuân ở kinh đô, trước kỳ thi đình thời phong kiến ( Thi hội…)
                             + Lúc, buổi. ( Phong vân gặp hội, anh hào ra tay – ca dao).
                             + Hiểu biết ( như trong việc lĩnh hội…)
-         Hội ( 2) : Nhóm lại, tập hợp lại ( hội báo, hội nhập , hội ý …)
-         Hội ( 3) : Vẽ ( Như trong từ hội họa)

2-    Đồng : Chữ Đồng có nhiều nghĩa
-    Đồng (1) : + Cùng nhau ( như đồng lòng …)
                   + giống nhau ( như Hội Nhà báo, Hội Cựu Chiến binh…)
                             + Yếu tố phụ ghép vào trước yếu tố gốc Gán chỉ chức vị để tạo thành danh từ có nghĩa là người cùng làm chức vụ đó  ( như đồng chủ tịch, đồng tác giả …)
                            
-  Đồng ( 2) : Cây vông ( hội báo, hội nhập , hội ý …)
-  Đồng  ( 3) : Trẻ con ( như trong từ nhi đồng)
-  Đồng ( 4) : là một nguyên tố ( kim loại ) ; đơn vị tiền tệ

3-    Môn:               Chữ Môn  cũng có nhiều nghĩa
-         Môn (1) : + Cửa  ( Ví dụ  khải hoàn môn, hậu môn …)
                   + Trường phái, chuyên khoa ( như trong từ môn Toán, môn thuốc gia truyền…)

- Vậy Hội đồng môn là gì ạ?  Cụ giải thích tiếp:

Có thể hiểu Hội đồng môn là Hội của những người cùng học một thầy, hoặc cùng môn phái. Ví dụ trong từ Bạn đồng môn, Hội đồng môn…Nhưng tại sao anh lại hỏi tôi về Hội đồng môn vậy?

- Là vì cháu thấy trong làng  có nhiều nhóm gọi là Hội đồng môn quá! Nhưng các Hội đó không hẳn như ông giải thích đâu ạ.
Hội đó có thể là một nhóm người học cùng một lớp học trước kia trong cùng một thôn, cũng có thể là cùng thôn nhưng cùng một khóa học, cũng có thể cùng khóa nhưng ở nhiều thôn trong xã, trong huyện…Có thể chỉ là một nhóm nhỏ có tình cảm, chơi thân với nhau; có khi có cùng sở thích gì đó...

          Phải nói mặt tích cực của việc hình thành các hội đó trước.

Họ tập hợp nhau vì ngày xưa cùng đi học, cùng chung một lớp, một khóa học ở một trường. Biết bao kỷ niệm tuổi ấu thơ, tuổi thanh niên mới lớn, bao gian khổ thời học hành, bao kỷ niệm đẹp với thầy cô, bạn bè…Bây giờ  mọi người đã trưởng thành, thậm chí có khóa học đã già. Tập hợp nhau lại, thỉnh thoảng gặp nhau, động viên nhau công tác, sản xuất. Nếu có điều kiện thì giúp nhau làm kinh tế, truyền cho nhau những kinh nghiệm hay trong cuộc sống, động viên nhau khi đau ốm hoạn nạn; giúp nhau kiến thức và  kinh nghiệm  giáo dục cháu con ; thăm hỏi bố mẹ của nhau khi các bậc sinh thành ốm đau bệnh tật hoặc đạt được tuổi thọ trời cho… và nhất là tập hợp nhau để giữ tình cảm biết ơn của một lứa học sinh với thầy cô, với nhà trường ; thể hiện tấm lòng tôn sư trọng đạo…
         Cháu được biết trong làng cũng có những nhóm Hội đồng môn như thế…Trừ những khi có việc đột xuất, mỗi năm họ chỉ tổ chức họp mặt một buổi vào ngày nghỉ thuận lợi nhất cho mọi người, thậm chí có thể liên hoan mặn nhưng đóng góp rất nhẹ nhàng. Lấy cớ gặp nhau là chính, tổng kết một năm công tác, sản xuất; tổng kết các hoạt động của Hội.
Nguyên tắc của họ là: đặt ra rất ít lễ nghi, đóng góp rất nhẹ nhàng và mọi người dù khó khăn vẫn có thể tham gia các hoạt động của Hội…

            Nhưng đa phần các Hội đồng môn trẻ tuổi không làm được việc đó.

Họ tập hợp nhau đâu có bao giờ nhắc đến lòng  biết ơn của một lứa học sinh với thầy cô, với nhà trường ; thể hiện tấm lòng tôn sư trọng đạo Bây giờ  họ đã tạm gọi là đã trưởng thành, thường xuyên gặp nhau, góp tiền đánh chén là chính. Họ đâu có  động viên nhau công tác, sản xuất. Chẳng giúp nhau làm kinh tế, làm gì có chuyện truyền cho nhau những kinh nghiệm hay trong cuộc sống, động viên nhau khi đau ốm hoạn nạn; giúp nhau kiến thức và  kinh nghiệm  giáo dục cháu con. Có khi khích bác uống rượu say còn xảy ra cãi vã hoặc tai nạn.
Góp nhau để ăn, ăn uống thừa mứa nhưng họ không nghĩ đến bố mẹ  vợ con họ  ở nhà được ăn cơm chưa, ăn như thế nào? Có những khóa đã khá tuổi rồi mà vẫn phải để bố mẹ chúng không thể nào ngủ được khi chúng liên hoan chưa về…

Cho nên có bậc phụ huynh trách lại nhà trường: Từ ngày nhà trường tổ chức kỷ niệm kỷ niếc đến nay các khóa đồng môn mọc  lên như nấm, chẳng có tác dụng gì trong công tác giáo dục cả, mà chỉ có ăn uống là khỏe. Tốn kém mà lại gây khổ cho các gia đình. Chúng cũng có đâu nghĩ đến nhà trường và thầy cô của chúng ? 
Thật là oan thay cho nhà trường!

-         À lý do anh hỏi tôi là như thế!
-         Với tư cách là một người cha, người ông; cụ có muốn nhắn nhủ gì với con cháu không ạ?
-         Tôi chỉ muốn nói với anh em thế này : Hãy tìm hiểu kỹ hơn ý nghĩa của từ HỘI, HỘI ĐỒNG MÔN, phát huy tính tích cực của Hội để giúp nhau hoàn thiện hơn, mọi người sống với nhau tốt đẹp hơn, tránh gây phiền muộn cho người này người khác ngay trong hội và gia đình của họ.


Mong rằng các vị “ lãnh đạo” các Hội đồng môn nghe được lời khen tiếng chê mà ” lãnh đạo” Hội đi sao cho đúng ý nghĩa cao đẹp của từ HỘI ĐỒNG MÔN./.

                                                                                                                LÊ TRUNG THÔN

                                            ----------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét